Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 08/08/2016, 16:45 (GMT+7)
Công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở Lữ đoàn Tăng thiết giáp 22

Công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị; trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường, quan điểm, bồi dưỡng và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, tạo sự đoàn kết, thống nhất, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với Lữ đoàn Tăng thiết giáp 22 - đơn vị chủ lực, cơ động, “quả đấm thép” trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 4. Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội, góp phần xây dựng Lữ đoàn vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, nguyên tắc tiến hành công tác tư tưởng đã ban hành, Thường vụ Đảng ủy Lữ đoàn có Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý bộ đội chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”. Trong đó, nhấn mạnh vị trí, tầm quan trọng của chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là  cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Trong nghị quyết hằng quý, hằng tháng, các cấp ủy tập trung rà soát, đánh giá, định hướng và dự báo các tình huống, giải quyết kịp thời những tư tưởng phát sinh. Đồng thời, coi trọng công tác giáo dục, quản lý tư tưởng; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ phản ánh, báo cáo tư tưởng theo phân cấp; làm tốt công tác sơ kết, rút kinh nghiệm, phát hiện những vấn đề nổi cộm để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp. Phòng Chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ đối tượng, nội dung, thời gian tiến hành; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình tư tưởng, việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy chế, quy định cũng như nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội để tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng mang lại hiệu quả thiết thực.

Để làm tốt công tác định hướng tư tưởng, Lữ đoàn tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ, rèn luyện đạo đức, lối sống, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức chấp hành kỷ luật và tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ; kết hợp giữa giáo dục cơ bản, thường xuyên với giáo dục truyền thống; kết hợp giữa giáo dục chung với giáo dục riêng, giáo dục qua hoạt động thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác dân vận và giáo dục bằng tấm gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các hình thức giáo dục bổ trợ, giúp cho người học dễ nhớ, dễ hiểu, lĩnh hội nhanh kiến thức; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và gia đình trong việc định hướng tư tưởng, hình thành phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ". Để công tác giáo dục chính trị đi vào nền nếp và mang lại hiệu quả thiết thực, Lữ đoàn đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên; có nhiều sáng kiến ở đơn vị, như: mô hình, sơ đồ, bảng kẻ phục vụ các bài giảng chính trị; tổ chức các hình thức “Vòng quay trí tuệ”, “Vòng quay thao trường”, Phiếu liên lạc, Thư báo công; sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá để tạo sân chơi lành mạnh cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ, Tết. Các đơn vị duy trì tốt hoạt động “Tổ tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý”, công khai số điện thoại của lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị; qua đó, tạo mối liên hệ mật thiết giữa cán bộ và chiến sĩ, giúp cấp ủy, người chỉ huy có cơ sở để nhận định, đánh giá, dự báo và nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những bức xúc, vướng mắc của bộ đội. Các chế độ thông báo thời sự, đọc báo, xem ti-vi, nghe truyền thanh nội bộ được Lữ đoàn thực hiện tốt. Ngoài các hoạt động thường xuyên, như: văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, các đơn vị còn tổ chức tốt các hoạt động, như: sinh nhật đồng đội, thi tìm hiểu, mô phỏng trò chơi trên truyền hình, như: “Vui-học để xây dựng đơn vị”,... nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho chiến sĩ.  Là đơn vị hỏa lực, sức cơ động cao, được giao quản lý, khai thác, sử dụng một khối lượng lớn xe máy, vũ khí, trang bị, trong khi tình trạng  kỹ thuật qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, vật tư khí tài thay thế hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, bản lĩnh, ý chí quyết tâm của bộ đội trong quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Để khắc phục tình trạng trên, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn yêu cầu các cấp quán triệt sâu, kỹ quan điểm, nguyên tắc, phương hướng, phương châm, các mối kết hợp, tiến hành tốt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện. Thông qua đó, củng cố niềm tin, nêu cao ý chí quyết tâm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ.

Vận dụng linh hoạt các hình thức nắm, quản lý, dự báo và giải quyết tư tưởng theo phân cấp, đúng nguyên tắc, quy trình, đối tượng, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, toàn diện là biện pháp được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn rất chú trọng. Thực hiện phương châm: “Đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nâng cao tính thuyết phục, phù hợp với từng đối tượng; chủ động, sáng tạo, thường xuyên, liên tục, kiên trì nhưng có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tiến hành công tác tư tưởng”, cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung nắm toàn diện cả về nhận thức, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng quân nhân; nhất là trong các bộ phận trọng yếu, cơ mật. Từng thời điểm, trước những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cơ động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện diễn tập bắn đạn thật và các thời điểm nhạy cảm, như: ngày lễ, Tết, tiếp nhận chiến sĩ mới, chuẩn bị bàn giao chiến sĩ ra quân,... lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, nắm tình hình tư tưởng bộ đội để dự báo và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Hằng năm, trước khi bước vào các giai đoạn huấn luyện, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, diễn tập vòng tổng hợp,… Lữ đoàn đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phương pháp, nội dung giáo dục, nắm bắt, quản lý, giải quyết tình hình tư tưởng; tăng cường kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, cơ quan đối với đơn vị. Khi tiếp nhận chiến sĩ mới, ngoài việc phối hợp cùng địa phương lựa chọn, nắm chắc hồ sơ, lý lịch, lãnh đạo, chỉ huy các cấp luôn chú ý đối chiếu với “Phiếu tự thuật”, nắm về trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, sức khoẻ, sở trường và các mối quan hệ của quân nhân để có biện pháp quản lý tư tưởng chiến sĩ ngay từ buổi đầu về đơn vị. Ngoài ra, công tác tư tưởng còn được thực hiện thông qua sinh hoạt của tổ tư vấn pháp luật, tổ 3 người, chiến sĩ dân vận, chiến sĩ bảo vệ, tổ thanh niên xung kích, qua các mối quan hệ đồng chí, đồng đội, chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới, v.v. Trong giao ban, hội ý hằng ngày, cán bộ các cấp đều phản ánh, báo cáo tình hình tư tưởng, kỷ luật trong đơn vị mình; nếu có vấn đề nảy sinh thì tập trung nắm, phân tích, thống nhất biện pháp giải quyết. Đảng ủy Lữ đoàn yêu cầu, cán bộ phải như người anh, người chị, sâu sát, gần gũi, quan tâm đến chiến sĩ; khắc phục những biểu hiện gia trưởng, độc đoán, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, phân công từng cấp ủy viên và ủy viên Ban Chấp hành Đoàn bám sát các hoạt động công tác, sinh hoạt, học tập hằng ngày của bộ đội, lường trước những vấn đề nảy sinh để nắm, động viên, giúp đỡ, định hướng và giải quyết tư tưởng.

Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cấp phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn công tác tư tưởng với việc duy trì nền nếp chính quy, đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh và thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Các cấp tăng cường biện pháp quản lý, nhất là việc quân nhân ra vào đơn vị trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; duy trì nghiêm nền nếp học tập, công tác và các chế độ ngày, tuần, trực sẵn sàng chiến đấu, lễ tiết, tác phong quân nhân. Thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại, trao đổi giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong đơn vị, làm cho tình cảm giữa cấp trên với cấp dưới ngày càng được củng cố, gắn bó. Cùng với đó, các đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh”, thực hiện ứng xử có văn hóa; đề cao văn hóa lãnh đạo, chỉ huy và việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động. Công tác thi đua của Lữ đoàn được duy trì có nền nếp, đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực sự trở thành đòn bẩy để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng là biện pháp để quản lý và tiến hành công tác tư tưởng. Nhiều phong trào thi đua đã tạo nên sắc thái riêng của Lữ đoàn, như: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, rèn đức, luyện tài, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện”; “Thanh niên xung kích trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma tuý, mại dâm”; “Đơn vị không khói thuốc, không tai nạn giao thông, không vi phạm kỷ luật”; “Miệng nói lời hay, tay làm việc tốt”; “Chiến sĩ xe tăng ưu tú”;... đã tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ thi đua học tập, huấn luyện, rèn luyện và trưởng thành. Ngoài ra, Lữ đoàn luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo sức khỏe, bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho bộ đội; giải quyết tốt các vấn đề về nhà ở và chính sách hậu phương Quân đội, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm xây dựng đơn vị. Việc xét, đề bạt quân hàm, nâng lương, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật được Đảng ủy Lữ đoàn và cấp ủy các cấp tiến hành đúng quy chế, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai. Vào các dịp lễ, Tết, các cấp thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối với gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, v.v.

Nhờ tiến hành đồng bộ các biện pháp trên, chất lượng công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội ở Lữ đoàn 22 đã có những bước chuyển mạnh mẽ, góp phần xây dựng  bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; tinh thần đoàn kết, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, xây dựng Đơn vị vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Trung tá NGUYỄN THẾ HÙNG, Phó Chính ủy Lữ đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.