Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 18/05/2021, 07:03 (GMT+7)
Công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện lực lượng dự bị động viên ở Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được thành lập theo Lệnh số 16/2008/L-CTN, ngày 16/7/2008 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có chức năng tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng tại địa phương; tổ chức xây dựng, quản lý, chỉ huy các lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ thuộc quyền.

Để xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX, XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện là nội dung trọng tâm.

Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế nên quân nhân dự bị thành phần rất đa dạng, phong phú, trong đó có lực lượng công tác ở các ban, bộ ngành Trung ương thường xuyên phải đi công tác nước ngoài, có lực lượng lao động ở xa, trong các khu công nghiệp, v.v. Vì vậy, để huy động đủ quân số huấn luyện theo quy định, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý nguồn, thông báo sớm thời gian triệu tập, tập trung huấn luyện để địa phương, quân nhân chủ động sắp xếp, bố trí công việc tham gia huấn luyện theo kế hoạch. Hằng năm, phối hợp với các địa phương tổ chức phúc tra và kiểm tra nguồn dự bị động viên để nắm, đăng ký, quản lý, số lượng, chất lượng quân nhân dự bị. Trên cơ sở đó, sắp xếp, phân vùng quân nhân dự bị vào từng đơn vị theo hướng “gần, gọn địa bàn”; cán bộ khung theo hướng “quân đâu, cán đó”, ưu tiên đúng chuyên nghiệp quân sự. Hiện nay, Bộ Tư lệnh kết hợp với địa phương đã sắp xếp quân số biên chế vào khung đơn vị đạt 98,5%; trong đó, sĩ quan đạt trên 90%, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự của đơn vị bộ binh đạt trên 85%, binh chủng trên 60%. Đây là điều kiện thuận lợi để Bộ Tư lệnh kiểm tra sẵn sàng động viên và huy động tập trung huấn luyện với tỷ lệ quân số cao.

Kiểm tra, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên trước khi huấn luyện

Thời gian tập trung huấn luyện dự bị hằng năm không nhiều, để thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, Bộ Tư lệnh xác định phải chuẩn bị chu đáo mọi mặt trước khi bước vào huấn luyện, từ phối hợp, hiệp đồng với địa phương để giao nhận nguồn đến tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, kiện toàn tổ chức, cấp ủy đảng các cấp, chuẩn bị cơ sở vất chất đảm bảo, v.v. Hằng năm, Bộ Tư lệnh chỉ đạo cấp ủy các cấp ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện dự bị động viên; làm tốt công tác kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn lâm thời, bồi dưỡng cấp ủy các cấp, nhất là các đồng chí bí thư, phó bí thư của khung huấn luyện. Trước khi vào huấn luyện, các cấp ủy tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ làm cơ sở để đề ra nội dung, biện pháp tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh yêu cầu, việc bồi dưỡng cán bộ phải đảm bảo vừa giỏi về trình độ chuyên môn, vừa biết tiến hành công tác đảng, công tác chính trị; yếu khâu nào bồi dưỡng khâu đó, cơ quan bồi dưỡng đơn vị, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới. Trong đó, đi sâu vào bồi dưỡng năng lực chỉ huy, quản lý, phương pháp điều hành, tổ chức và nội dung, hình thức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong các giai đoạn huấn luyện. Trước khi huy động dự bị động viên từ 07 đến 10 ngày, Bộ Tư lệnh tổ chức huấn luyện đội ngũ cán bộ khung với những nội dung liên quan đến chuyên môn quân sự và quản lý bộ đội; sau đó, đưa khung cán bộ đã được huấn luyện, cùng với khung A quản lý, duy trì, huấn luyện phân đội theo kế hoạch. Với cách làm trên, đã giúp khung B có kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao chất lượng bồi dưỡng, huấn luyện của cán bộ khung trong điều kiện thời gian huấn luyện ngắn. Công tác chuẩn bị thao trường, bãi tập, kế hoạch huấn luyện, giáo án, bài giảng cho từng đối tượng, từng khoa mục huấn luyện được chỉ huy, cơ quan Bộ Tư lệnh kiểm tra chặt chẽ, nhất là việc cập nhật nội dung, tài liệu huấn luyện mới. Bằng nhiều nỗ lực và biện pháp, đến nay, 100% cán bộ khung A huấn luyện được theo phân cấp, trong đó trên 85% huấn luyện Giỏi; khung B có hơn 82% cán bộ huấn luyện theo phân cấp, trong đó có 80% đạt loại Khá; cán bộ trung đội, tiểu đội, khẩu đội làm tốt công tác quản lý, duy trì đơn vị huấn luyện theo quy định.

Xuất phát từ đặc điểm đơn vị khung thường trực, quân số rút gọn, cán bộ, chiến sĩ khung A thiếu yên tâm công tác, xuê xoa, hạ thấp yêu cầu huấn luyện; quân nhân dự bị đã trải qua quân ngũ, dễ có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, tuyệt đối hóa kinh nghiệm trong huấn luyện, v.v. Vì vậy, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường quán triệt, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ khung A nhận thức đúng vị trí, ý nghĩa của công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, nhất là Luật Lực lượng dự bị động viên và yêu cầu cao của công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội trong tình hình mới. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện; gắn huấn luyện với các phong trào thi đua, thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở, phát huy vai trò tổ chức quần chúng, trách nhiệm của mọi quân nhân hướng vào khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện. Trong quá trình thực hiện, vận dụng đa dạng hình thức, biện pháp phù hợp với từng đối tượng. Do thời gian tập trung huấn luyện đối với quân nhân dự bị ngắn, nên các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ các hình thức giáo dục chính trị, pháp luật với quán triệt nhiệm vụ; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và ban chỉ huy quân sự các quận, huyện thông qua các đợt phúc tra nắm nguồn, báo động kiểm tra sẵn sàng động viên để tuyên truyền, giáo dục; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình từng đối tượng và thực hiện tốt công tác chính sách. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh, nhất là quân nhân dự bị đối với nhiệm vụ huấn luyện được nâng lên, tích cực, tự giác tham gia huấn luyện và sẵn sàng động viên khi có lệnh.

Để quân nhân dự bị tiếp cận với trình độ của quân nhân dự bị thường trực, Bộ Tư lệnh chỉ đạo phải đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, phù hợp với đối tượng và đặc điểm địa bàn. Quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, các cơ quan, đơn vị rà soát lại toàn bộ nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện, giáo dục chính trị theo quy định cho từng đối tượng để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch huấn luyện đảm bảo bám sát thực tiễn đơn vị và đặc thù địa bàn. Quân nhân dự bị thường có trình độ văn hóa, chuyên môn quân sự, tuổi đời, sức khỏe không đồng đều,... nếu huấn luyện chung như nhau, chất lượng sẽ hạn chế. Nhận thức rõ đặc điểm trên, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị kết hợp linh hoạt, đa dạng các hình thức, phương pháp huấn luyện, như: huấn luyện tập trung với huấn luyện nhóm đối tượng theo từng khoa mục; tăng cường tổ chức ôn luyện ngoài giờ, người có trình độ khá, giỏi kèm cặp, giúp đỡ người còn yếu. Trước, trong và sau huấn luyện tổ chức phát động thi đua, thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các đơn vị. Tổ chức bảo đảm và phát huy tốt vai trò của thiết chế văn hóa, hoạt động cổ vũ thao trường, Cục Chính trị cử cán bộ đến dự và theo dõi quá trình huấn luyện của các đơn vị. Bộ Tư lệnh yêu cầu: “Cán bộ khung A phải huấn luyện cho cán bộ khung B và cán bộ khung B huấn luyện cho đơn vị dự bị động viên theo phân cấp”, theo đúng phương châm huấn luyện lực lượng dự bị động viên là: “cơ bản - chất lượng - hiệu quả”; chú trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, tăng cường kiểm tra, phát huy dân chủ trong huấn luyện. Sau từng nội dung huấn luyện, các đơn vị tổ chức hội thi, hội thao, kiểm tra nhận thức (viết thu hoạch) chặt chẽ, đánh giá kết quả khách quan, đúng thực chất; khen thưởng kịp thời, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, chống mọi biểu hiện chủ quan, ngại khó, ngại khổ, hạ thấp yêu cầu và bệnh thành tích trong huấn luyện. Cùng với huấn luyện thường xuyên, Bộ Tư lệnh đặc biệt coi trọng tổ chức diễn tập cho người chỉ huy, cơ quan, diễn tập có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ và bắn đạn thật cấp trung đội, đại đội; xác định đây là hình thức huấn luyện thiết thực nhất để rèn luyện, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, quân nhân dự bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có lệnh động viên. Nhờ đó, Bộ Tư lệnh luôn hoàn thành tốt công tác huấn luyện, diễn tập dự bị động viên, chất lượng huấn luyện qua từng năm được nâng lên rõ rệt. Năm 2020, hoàn thành 100% khoa mục huấn luyện; kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trong đó 78% khá, giỏi; diễn tập bắn đạn thật đạt kết quả khá, bảo đảm an toàn tuyệt đối; quân nhân dự bị luôn sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ động viên theo quy định.

Chú trọng công tác rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, đời sống, chế độ, tiêu chuẩn cho quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện. Các đơn vị duy trì nghiêm nền nếp, chế độ ngày, tuần; chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến; thường xuyên quản lý chặt chẽ bộ đội cả ngày nghỉ, giờ nghỉ, nhất là quản lý trang bị kỹ thuật và duy trì chế độ mang mặc trang phục, lễ tiết tác phong đúng quy định trong thời gian huấn luyện. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo, ưu tiên đảm bảo tốt nhất điều kiện sinh hoạt, ăn, ở cho quân nhân dự bị. Các tiêu chuẩn, chế độ đều được công khai, bảo đảm đầy đủ, kịp thời đúng quy định; phối hợp với địa phương giao nguồn thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội đối với gia đình và quân nhân dự bị, góp phần củng cố tư tưởng, bảo đảm sức khỏe để cán bộ, chiến sĩ yên tâm, phấn khởi tham gia huấn luyện, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phát huy kết quả tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện đối với lực lượng dự bị động viên những năm qua, thời gian tới, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp đối với công tác này, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh về mọi mặt.

Đại tá NGUYỄN KHẮC NHÂN, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.