Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 11/01/2021, 15:15 (GMT+7)
Chuẩn hóa, hiện đại hóa trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển

Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, có nhiệm vụ đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ sơ cấp, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho sĩ quan trong lực lượng Cảnh sát biển. Những năm qua, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của lực lượng Cảnh sát biển được đào tạo, điều động về từ nhiều nguồn, trình độ không đồng đều; một bộ phận cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của Cảnh sát biển. Đơn cử như: cán bộ được đào tạo các ngành hàng hải thì chưa được trang bị những kiến thức chuyên ngành nghiệp vụ pháp luật; cán bộ được đào tạo các ngành nghiệp vụ pháp luật lại thiếu kiến thức về hàng hải; nhân viên chuyên môn kỹ thuật chưa được đào tạo chuyên sâu về bảo dưỡng, bảo quản, khai thác, sử dụng trang bị, phương tiện có tính đặc thù cao của Cảnh sát biển,... nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Thực tế đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết về đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lực lượng Cảnh sát biển. Nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ, với ý thức chính trị cao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao tiềm lực, xây dựng Trung tâm vững mạnh toàn diện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ giáo dục - đào tạo1, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Tư lệnh Cảnh sát biển tham quan phòng học chuyên dùng của Trung tâm

Trước hết, Trung tâm đẩy mạnh xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, là khâu then chốt, quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và sự phát triển của Trung tâm trước mắt, lâu dài. Theo đó, Trung tâm tích cực kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan, khoa giáo viên; tăng cường giáo dục, động viên tư tưởng, xây dựng động cơ, ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Chủ động xây dựng, thực hiện nghiêm quy trình tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch sử dụng. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nhiều biện pháp quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên; coi trọng nâng cao chất lượng nguồn đầu vào; rà soát, lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo theo chức danh, nhằm phát triển năng lực toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, từng bước chuẩn hóa về trình độ, chức danh, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn. Thực hiện mục tiêu đó, Trung tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đi thực tế đơn vị, kết hợp khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực sư phạm. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng tại chỗ theo phân cấp. Trung tâm chỉ đạo duy trì nền nếp hoạt động phương pháp ở các khoa, bộ môn, nhất là hoạt động bình giảng, luyện giảng, thục giảng và thông qua bài giảng. Hằng năm, Trung tâm tổ chức tốt hội thi giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giáo dục giỏi, xác định đây là một “kênh” quan trọng để bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên, thúc đẩy phong trào “Dạy tốt, học tốt”. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo, xây dựng lực lượng Cảnh sát biển hiện đại, Trung tâm tích cực bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhất là tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên. Trung tâm phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên có trình độ đại học và sau đại học đạt 100%, trong đó trên 45% sau đại học; hết năm 2021 có 50% nhà giáo có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (Tiếng Anh theo 06 bậc của Việt Nam) trở lên; 100% có chứng chỉ sư phạm theo quy định.

Hai là, chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo. Đối tượng đào tạo chủ yếu của Trung tâm là nhân viên chuyên môn kỹ thuật, với các chuyên ngành mang tính đặc thù về nhiệm vụ của Cảnh sát biển và bồi dưỡng kiến thức hàng hải, nghiệp vụ pháp luật cho sĩ quan cấp phân đội. Để đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm đã tổ chức nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn, phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo liên quan, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với các đối tượng đảm nhiệm. Thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng và chuẩn hóa các chương trình đào tạo 06 tháng cho nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ sơ cấp và chương trình bồi dưỡng kiến thức hàng hải, nghiệp vụ pháp luật cho đối tượng là sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành với bồi dưỡng năng lực, bản lĩnh, phương pháp, tác phong công tác cho người học, giữa lý thuyết với thực hành, dành nhiều thời gian cho huấn luyện thực hành. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng “cơ bản, chuyên sâu”, “tinh giản, hiện đại”, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật và bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo một số chuyên ngành mới; bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho nhân viên trinh sát, phòng, chống tội phạm về ma túy, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát biển trong tình hình mới.

Ba là, chuẩn hóa hệ thống tài liệu, trang, thiết bị, dạy học phù hợp với tiến trình hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát biển. Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm, đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng sát thực tiễn. Được sự quan tâm của cấp trên, Trung tâm được đầu tư nhiều trang bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; trong đó, có 04 phòng học chuyên dùng sử dụng công nghệ mô phỏng các hệ thống theo gam tàu tuần tra TT-200 và TT-400 của lực lượng Cảnh sát biển, giúp học viên tương tác trên không gian ảo 3D và môi trường hoạt động gần như thực tế. Đây là điều kiện rất tốt để học viên nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng thực hành xử lý các tình huống, hoạt động tác nghiệp của người thủy thủ trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên biển, góp phần chuẩn hóa năng lực hành động của người học. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, thực hiện “gắn Trung tâm với đơn vị”, Trung tâm tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang, thiết bị hiện có; chủ động phối hợp với các cơ quan, tham mưu, đề xuất cấp trên đầu tư chuẩn hóa hệ thống tài liệu, nâng cấp, hiện đại hóa trang, thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trước mắt, Trung tâm đẩy mạnh cải tiến mô hình học cụ đưa vào giảng dạy, huấn luyện; chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan huy động nguồn lực, nâng cấp trang bị, vật chất, nhất là chuẩn hóa các mô hình, học cụ, xây dựng các phần mềm mô phỏng; tiếp tục số hóa, đưa công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, hướng tới triển khai phương pháp dạy học trực tuyến phù hợp với loại hình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhất là bồi dưỡng về trình độ ngoại ngữ, tin học, v.v. Đồng thời, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện “thư viện truyền thống”, “thư viện số”, phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai chuẩn hóa hệ thống tài liệu; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, làm tài liệu phục vụ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng phù hợp hoạt động của Cảnh sát biển.

Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển tiếp tục phấn đấu đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nâng tầm đào tạo hòa cùng hệ thống nhà trường, học viện trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát biển tiến thẳng lên hiện đại, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá, TS. ĐÀM ĐỨC HOAN, Giám đốc Trung tâm
_______________

1 - 05 năm qua (2015 - 2020), Trung tâm đã đào tạo được 05 khóa với 467 nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ sơ cấp; kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 78,8% Khá, Giỏi (23,1% Giỏi); tổ chức bồi dưỡng kiến thức hàng hải, kiến thức nghiệp vụ pháp luật cho 05 khóa với 147 cán bộ, kết quả 100% Khá, Giỏi, trong đó 43,1% Khá, 56,9% Giỏi.

Ý kiến bạn đọc (0)