Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 06/03/2015, 15:34 (GMT+7)
Bộ đội Công binh thể hiện rõ “Đội quân công tác” trong thực hiện nhiệm vụ

Cùng với nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Bộ đội Công binh được giao nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu, làm đường tuần tra biên giới, rà phá bom mìn, khắc phục sự cố sập đổ công trình, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống khủng bố,v.v. Để hoàn thành nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình đó, Bộ đội Công binh đã gắn kết chặt chẽ với thực hiện chức năng “Đội quân công tác” trong suốt quá trình hoạt động.

Bộ đội Công binh diễn tập phòng, chống lụt, bão (Ảnh: nhandan.com.vn)

Xuất phát từ hoạt động đặc thù của Bộ đội Công binh (BĐCB), những năm qua, các đơn vị của Binh chủng luôn có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ, nguy hiểm, từ rừng núi biên giới đến hải đảo xa xôi để thực hiện nhiệm vụ xây dựng đường tuần tra biên giới, các công trình quốc phòng hoặc lưỡng dụng, góp phần đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH, ổn định đời sống nhân dân và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên, BĐCB thường xuyên phối hợp với địa phương và quan hệ, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn, hoàn thành tốt chức năng của “Đội quân công tác”.

Nhiệm vụ của BĐCB hiện nay rất nặng nề, phức tạp; trong đó, rà phá bom mìn, vật nổ (BMVN) tồn đọng sau chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng, có tính đặc thù và mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam là một trong số các quốc gia bị ô nhiễm BMVN nặng nề nhất. Theo số liệu điều tra, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 15 triệu tấn bom, đạn; trong đó, số còn tồn đọng ước tính khoảng 800 nghìn tấn, gồm nhiều chủng loại, làm ô nhiễm hơn 6,6 triệu héc-ta mặt đất, mặt nước (chiếm hơn 20% diện tích đất đai toàn quốc). Tính đến năm 2014, cả nước có trên 42.000 người chết và trên 62.000 người bị thương do BMVN gây ra. Trước thực trạng đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Binh chủng Công binh đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, lập phương án, tổ chức dò tìm, thu gom, xử lý hàng triệu BMVN các loại, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, biên giới phía Bắc, phục vụ các dự án kinh tế lớn của đất nước, như: đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, đường dây 500KV Bắc Nam, khu lọc dầu Dung Quất, cảng Bạch Long Vĩ, sân bay Đà Nẵng,... làm sạch hàng trăm ngàn héc-ta đất, phục vụ có hiệu quả cho phát triển KT-XH, tăng cường quốc phòng - an ninh.

Theo tính toán sơ bộ, do số lượng đất đai bị ô nhiễm BMVN lớn, nếu chỉ bằng nguồn lực trong nước và tiến độ rà phá BMVN như hiện nay thì phải mất hàng trăm năm mới làm sạch được toàn bộ diện tích bị ô nhiễm. Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả BMVN, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, cũng như sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức quốc tế. Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Binh chủng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác công binh; tiêu chuẩn, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật quản lý công trình, định mức, hướng dẫn công tác rà phá BMVN, v.v. Đặc biệt là, đã giúp Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025”. Đồng thời, chủ động đề xuất Kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2011 - 2015; tổ chức nghiên cứu, điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc; ban hành quy trình kỹ thuật, định mức dự toán, triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quân, làm cơ sở để quản lý có hiệu quả các hoạt động rà phá BMVN. Binh chủng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế Geneva (GICHD) và các tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ rà phá BMVN. Hiện nay, mỗi năm BĐCB tổ chức rà phá BMVN, làm sạch khoảng 100.000 ha đất, chủ yếu ở những vùng bị ô nhiễm nặng, khu vực dự án phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ dân sinh, mở rộng đất sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng và nhằm đảm bảo cho đất nước luôn chủ động trước mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, BĐCB đang đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp, bảo quản, quản lý hệ thống công trình quốc phòng, làm đường tuần tra biên giới trên suốt chiều dài đất nước. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, có ý nghĩa chiến lược, vừa phục vụ phát triển KT-XH, vừa tăng cường quốc phòng - an ninh trong sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Đường tuần tra biên giới có chiều dài hơn 10.000 km, đi qua 25 tỉnh, từ Quảng Ninh đến Đồng Tháp, địa hình hiểm trở, địa chất, thủy văn phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện thi công khó khăn. Với ý chí quyết tâm cao, các đơn vị công binh toàn quân đã huy động lực lượng, phương tiện, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có tay nghề cao, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công trên toàn tuyến. Trong quá trình thi công, các đơn vị có nhiều giải pháp sáng tạo, tổ chức lực lượng, phương tiện khoa học, lựa chọn phương án xử lý phù hợp, khắc phục khó khăn; nhất là ở các đoạn có mặt bằng thi công hẹp, dốc cao, vực sâu, tình trạng lún sụt lớn. Tổng kết nhiệm vụ xây dựng đường tuần tra biên giới giai đoạn 1, các đơn vị công binh toàn quân đã thi công được gần 2.000 km đường bê tông theo tiêu chuẩn cấp 6 miền núi, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Trong xây dựng công trình quốc phòng, Binh chủng chú trọng tổ chức lực lượng “tinh, gọn, mạnh”, kết hợp chặt chẽ huấn luyện với thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, phù hợp, bảo đảm nâng cao trình độ làm chủ khí tài trang bị, nhất là khí tài trang bị mới, hiện đại; đồng thời, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả thi công đối với từng hạng mục, công trình. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị đã được ra đời, tiêu biểu như: “Giải pháp kỹ thuật giảm âm, thoát khói và cơ động pháo trong đường hầm”, “Giải pháp đào bạt nhỏ, chui sớm”, “Cải tiến kỹ thuật ván khuôn, áp dụng phụ gia cho bê tông”,... đã khắc phục tình trạng bắn pháo trong hầm bộ đội bị nhức tai, chảy máu và dễ bị lộ hầm pháo khi bắn; giúp giữ bí mật công trình, tiết kiệm khối lượng đào bạt, tăng khả năng an toàn khi thi công các đầu hầm, tăng khả năng chống thấm, nâng cao chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, tiết kiệm và bảo đảm độ vững chắc của công trình, v.v. Đặc biệt, Binh chủng đã nghiên cứu, thiết kế biện pháp thi công đường hầm trong môi trường cát, đường hầm khâu độ lớn (chưa được ứng dụng ở nước ta), khắc phục việc đào hở khối lượng lớn, phá vỡ môi trường tự nhiên. Nhờ đó, hơn 10 năm qua, BĐCB đã xây dựng được hàng trăm đường hầm, trong đó có những đường hầm khâu độ lớn; hàng ngàn công sự bê tông nguyên khối..., bảo đảm chất lượng cao, an toàn tuyệt đối.

Để góp phần nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, những năm gần đây, BĐCB vinh dự được giao nhiệm vụ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình trọng yếu trên tuyến biển, đảo, Nhà giàn DKI. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới và có ý nghĩa chiến lược, với tính chất nhiệm vụ hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đòi hỏi phải tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo trong quá trình thực hiện. Mặt khác, các công trình đòi hỏi yêu cầu cao về khoa học - công nghệ, trong khi trang thiết bị thi công của ta còn thiếu, trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm thi công trên biển, đảo chưa nhiều, khối lượng thi công lớn (gần 6.000 tấn vật tư, kết cấu cho mỗi công trình), địa điểm thi công xa đất liền từ 450 km - 650 km, khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, v.v. Với tinh thần trách nhiệm cao trước nhiệm vụ, Binh chủng đã chủ động hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, đề xuất phương án thiết kế, thi công đúng kế hoạch, tính khả thi cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị công binh luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm, xử lý kịp thời các vướng mắc nảy sinh. Mặc dù nhiều công trình phải thi công trong điều kiện mưa bão, sóng to, gió lớn, song BĐCB vẫn quyết tâm bám biển, bám công trình, thi công hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra, tiết kiệm ngân sách hàng trăm tỉ đồng. Đến nay, cơ bản các công trình được gia cố, nâng độ bền vững, thực sự là những “cột mốc chủ quyền”, khẳng định quyền chủ quyền của quốc gia trên vùng biển, đảo của Tổ quốc. Nhiều công trình trọng yếu trên tuyến biển, đảo, như: mở luồng trên nền đá san hô vào đảo Trường Sa; luồng, âu tầu đảo Song Tử Tây, đảo Bạch Long Vĩ,... được hoàn thành đã góp phần củng cố thế trận, tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc theo các phương án, nhất là trên các hướng, khu vực trọng điểm.

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh công tác dân vận trong tình hình mới, BĐCB còn tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là ở những nơi đứng chân hoặc xây dựng công trình, nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, các đơn vị công binh còn giúp đỡ xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xóa đói gảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v.

Những nhiệm vụ mà BĐCB đã và đang thực hiện dù là trong thời bình nhưng không kém phần khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát, thực sự là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Từ năm 2000 đến nay, đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ công binh dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; từ đó cũng xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiên tiến xuất sắc, những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ghi nhận những thành tích đó, Binh chủng đã có 12 tập thể được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; hàng chục lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng. Đặc biệt, ngày 13-12-2013, Binh chủng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ hai.

Phát huy truyền thống vẻ vang đó, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh đang nỗ lực học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, xây dựng Binh chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống “Mở đường thắng lợi” trong giai đoạn mới.

Thiếu tướng TRẦN HỒNG MINH, Tư lệnh Binh chủng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.