Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 03/12/2012, 14:01 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh công tác vận động quần chúng ở khu vực biên giới.

 
Tây Ninh là tỉnh nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ; với 20 xã, thuộc 5 huyện biên giới, tiếp giáp với 22 xã thuộc 3 tỉnh: Svây-riêng, Prây-ven và Công-pông-chàm của Vương quốc Cam-pu-chia. Trên tuyến biên giới của Tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 14 cửa khẩu phụ và nhiều đường tiểu mạch, lối mòn qua lại giữa hai nước. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong Tỉnh nói chung, trên khu vực biên giới (KVBG) nói riêng, đã có bước cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, Tây Ninh vẫn còn nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ; đời sống của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa thực sự ổn định; cơ sở chính trị ở một số xã biên giới chưa thật vững chắc. Các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, xuất- nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, ngoại tệ, chất ma túy,... qua biên giới có chiều hướng gia tăng. Tình trạng vi phạm Quy chế biên giới, di cư tự do, xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai còn diễn biến phức tạp. Trước thực trạng trên, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phối hợp cùng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương tăng cường đổi mới công tác vận động quần chúng (VĐQC) ở KVBG, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, KT-XH phát triển toàn diện, quốc phòng-an ninh (QP-AN) vững chắc. Nắm vững chức năng, nhiệm vụ của “đội quân công tác" trong thời kỳ mới, BĐBP Tỉnh đã tổ chức thực hiện chủ trương đó với quyết tâm chính trị cao, đạt hiệu quả thiết thực.

Trước hết, BĐBP Tỉnh chủ động thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã ký với các sở, ban, ngành. Cơ quan Bộ Chỉ huy, Ban Chỉ huy các đồn biên phòng cùng các đoàn thể địa phương tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; trọng tâm là phổ biến những quy định pháp luật về quản lý biên giới, ý nghĩa và kết quả phân giới cắm mốc Việt Nam – Cam-pu-chia cho nhân dân KVBG.  Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh yêu cầu các đồn biên phòng, các đội công tác VĐQC phải luôn dựa vào cấp ủy, chính quyền cơ sở; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tiến hành đổi mới phương thức vận động, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng quần chúng nhân dân KVBG. Qua đó, làm cho người dân nhận thức rõ biên giới quốc gia và chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; bảo vệ biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Trước diễn biến phức tạp của tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, các đơn vị đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị cho nhân dân; giúp bà con đề cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng, mua chuộc, chống phá. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng phải thường xuyên bám, nắm địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Với phương châm: “Kiên trì, thiết thực, hiệu quả, không chủ quan nôn nóng, gương mẫu trong lời nói lẫn việc làm; kính trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, BĐBP Tỉnh đã cùng cấp ủy và chính quyền địa phương vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng xã, ấp văn hoá; giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, đấu tranh ngăn chặn truyền đạo trái pháp luật, phòng, chống các tệ nạn xã hội1... Đồng thời, chú trọng nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về chấp hành pháp luật Nhà nước, nhất là Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Đất đai; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Quy chế, Hiệp định về biên giới mà Chính phủ hai nước đã ký; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào xây dựng ấp, xã văn hóa… Trong các dịp lễ quan trọng của các tôn giáo, như: Nô-en, Đại lễ Phật đản, Tết Chol Chnăm Thmây, Tết Nguyên đán,... cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tỉnh đều tổ chức thăm hỏi, chúc mừng các chức sắc, chức việc, gia đình tín đồ tôn giáo có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước; động viên đồng bào sống “tốt đời, đẹp đạo”; tranh thủ uy tín của già làng, trưởng ấp, chức sắc, chức việc các tôn giáo để tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia các phong trào bảo vệ an ninh biên giới.

Trong quá trình tiến hành công tác VĐQC, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh luôn chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia xây dựng cơ sở chính trị các xã (thị trấn) biên giới vững mạnh toàn diện, tạo cơ sở vững chắc cho thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương KVBG và các đơn vị đóng quân trên địa bàn nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những chủ trương, giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Đồng thời, xác định phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ xã, ấp là trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị; coi đó là bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN ở KVBG. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã lựa chọn cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, được đào tạo về nghiệp vụ công tác VĐQC; có phẩm chất chính trị, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác tốt; hiểu phong tục, tập quán của nhân dân địa phương; được tập huấn, bồi dưỡng, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nói được tiếng dân tộc; có năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở về phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN để trực tiếp làm công tác VĐQC. Qua đó, giúp địa phương chấn chỉnh các thủ tục, quy trình hành chính, hoàn thiện quy chế làm việc của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, phát triển đảng viên mới, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, huấn luyện dân quân, tự vệ,2...

Để thực hiện tốt Nghị quyết 19-NQ/TU của Đảng ủy BĐBP về việc BĐBP tham gia phát triển KT-XH gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp giữa Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên Hiệp phụ nữ Tỉnh và Huyện ủy của 5 huyện biên giới; chỉ đạo cấp ủy các đồn biên phòng ký kết Quy chế phối hợp với đảng ủy 20 xã trên địa bàn; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng và đưa các tổ (đội) tự quản an ninh, trật tự nhân dân, tổ hòa giải khóm (ấp) biên giới đi vào hoạt động có nền nếp. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa các xã biên giới với các đồn biên phòng; hướng dẫn các hộ gia đình, dòng họ xây dựng quy ước tự quản khóm (ấp); duy trì thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, không để xảy ra “điểm nóng”. Ngoài ra, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh còn chỉ đạo các đồn biên phòng, đội công tác VĐQC chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên tuyến biên giới nắm vững tình hình nội địa, ngoại biên; áp dụng các đối sách đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm nhập, móc nối, xây dựng cơ sở ngầm, lôi kéo di cư, dịch cư tự do, xâm canh, xâm cư và các hành vi xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới. Chủ động phối hợp với các lực lượng xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án tác chiến, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, cụm tác chiến biên phòng, nâng cao trình độ và khả năng hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu giữa các lực lượng ở KVBG. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, chủ động tăng cường hợp tác, phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm qua biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Tham gia phát triển KT-XH, giúp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Theo đó, các đơn vị biên phòng của Tỉnh đã lập kế hoạch xây dựng các mô hình điểm giúp nhân dân phát triển KT-XH ở xã biên giới, theo hướng: mỗi đồn biên phòng xây dựng mô hình điểm ở 1 khóm (ấp); tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề phù hợp với thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực của từng vùng gắn với việc bố trí, sắp xếp dân cư ở KVBG; tuyên truyền, vận động nhân dân định canh, định cư; hướng dẫn các gia đình áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. BĐBP Tỉnh đã tích cực giúp địa phương và nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo giao thông, củng cố trường học, trạm y tế; thực hiện chương trình “dạy chữ Khơ-me cho con em đồng bào dân tộc Khơ-me”, xóa nhà tranh tre, dột nát; khám, chữa bệnh cho nhân dân và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào KVBG ngày một khởi sắc. Hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chọn Đồn Biên phòng Tống Lê Chân (gắn với xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) và Đồn Biên phòng Mộc Bài (gắn với xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) thực hiện điểm; giúp đỡ các xã hoàn thành 4 đến 5 tiêu chí trong giai đoạn 1, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương sớm thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra.

Công tác chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” cũng được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh thường xuyên quan tâm. BĐBP Tỉnh đã tổ chức các hoạt động quyên góp gây quỹ “Ngày vì người nghèo”, “Bảo trợ trẻ em BĐBP”, quỹ “Khuyến học”, thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2012, BĐBP Tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh phối hợp với Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", giúp đồng bào tỉnh Hà Giang được 216.664.000đ. Bên cạnh đó, BĐBP Tỉnh còn đóng góp hàng trăm ngày công lao động giúp dân tu sửa hàng chục ki-lô-mét đường liên khóm, ấp; vận động và đầu tư hàng trăm triệu đồng để tu sửa, xây dựng các công trình công cộng, như: trường học, trạm xá, Nhà văn hóa ấp, Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội… Các đội quân - dân y kết hợp của BĐBP Tỉnh cùng Đội công tác y tế của Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện 4 (Quân đoàn 4) phối hợp khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hàng ngàn lượt người (đối tượng chủ yếu là đồng bào vùng biên giới), trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy, lòng tin của dân với Đảng, chính quyền và mối quan hệ quân - dân được củng cố, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Phát huy kết quả đạt được, BĐBP Tây Ninh đang tiếp tục tăng cường các biện pháp nắm, quản lý chặt chẽ tình hình ở địa bàn; đẩy mạnh công tác vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế KVBG; thực hiện thành công Chỉ thị của Bộ Tư lệnh BĐBP và Ủy ban nhân dân Tỉnh về “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự KVBG”; phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG

Chỉ huy trưởng BĐBP Tỉnh

                  

1 - Năm 2012, BĐBP Tỉnh đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 429 buổi cho gần 18.000 lượt người; tuyên truyền trên phương tiện truyền thanh 1.381 giờ tại 20 xã biên giới; tổ chức cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia với 20.441 bài dự thi của quần chúng nhân dân; duy trì chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên sóng phát thanh và truyền hình Tỉnh…

2 - Năm 2012, BĐBP Tỉnh tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố 4 Ban công an xã, 15 Ban nhân dân ấp, 16 chi đoàn, 19 Hội Phụ nữ, 3 Hội Nông dân, 6 Hội Cựu chiến binh, 4 Hội Chữ thập đỏ tại các xã biên giới.

 

Ý kiến bạn đọc (0)