Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 11/05/2020, 09:19 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh biên giới quốc gia
Tỉnh Long An có tuyến biên giới đất liền gần 133 km, tiếp giáp 2 tỉnh Svây Rieng, Prây Veng (Vương quốc Campuchia). Địa bàn biên phòng của Tỉnh gồm 20 xã thuộc 06 huyện, thị xã, với hơn 29 nghìn hộ dân, gần 110 nghìn nhân khẩu của nhiều dân tộc, tôn giáo1. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung, khu vực biên giới nói riêng có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố, quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường, v.v. Tuy nhiên, địa bàn biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được đầu tư song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong mùa mưa lũ. Tỉ lệ đói nghèo khu vực biên giới còn cao so với mặt bằng chung của toàn Tỉnh, trình độ dân trí không đồng đều; chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở còn hạn chế, nhiều hủ tục vẫn tồn tại. Lợi dụng những khó khăn, bất cập đó, những phần tử xấu, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá, như: truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền di, dịch cư tự do; kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc tụ tập khiếu kiện, tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân và với doanh nghiệp, v.v. Hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên trái phép,… có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.

Trước tình hình trên, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, chặt chẽ các mặt công tác Biên phòng. Trong đó, chú trọng vào việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Hoạt động phối hợp kiểm tra cột mốc biên giới giữa Bộ đội Biên phòng Long An và lực lượng vũ trang Campuchia

Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới nhận thức rõ ý nghĩa, sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; hướng dẫn các tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia đăng ký thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia gắn với 05 nội dung cơ bản của “Ngày Biên phòng toàn dân”. Nội dung tuyên truyền, giáo dục bảo đảm tính toàn diện; tập trung vào đặc điểm địa bàn, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế khu vực biên giới gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Đồng thời, làm rõ lập trường, phương châm, biện pháp giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới; Luật Biên giới quốc gia; công tác phân giới cắm mốc; quy định của địa phương; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhân nhân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ở khu vực biên giới, v.v.

Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình; đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, như: sử dụng các tổ, đội vận động quần chúng có những cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc, địa phương làm nhân cốt trong công tác tuyên truyền; xây dựng các điểm tuyên truyền tại nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; lồng ghép với các cuộc họp của địa phương. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương mở các chuyên trang, chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh; tổ chức tọa đàm, thi tìm hiểu về Luật Biên giới quốc gia, “Ngày Biên phòng toàn dân” và pháp luật về biên giới, cửa khẩu. Cùng với đó, Biên phòng Tỉnh còn tổ chức các hoạt động giao lưu đối ngoại với quân đội, chính quyền và nhân dân hai tỉnh biên giới của Campuchia; thông qua đó, lồng ghép tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền lãnh thổ, công tác phân giới cắm mốc, góp phần giữ vững an ninh chính trị địa bàn. Nhờ vậy, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được nâng lên; tinh thần cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch được đề cao. Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng phong trào, tích cực phối hợp và giúp đỡ Bộ đội Biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Thứ hai, tập trung bám sát cơ sở, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và nhân dân địa phương khu vực biên giới. Thực hiện tốt chủ trương “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, với sự kiên trì, bền bỉ đứng mũi chịu sào làm các “cột mốc” nơi biên cương, sự lăn lộn không quản ngày đêm căng mình cắm chốt suốt dọc tuyến biên giới chống dịch Covid-19, phòng, chống tội phạm ở những nơi đặc biệt khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tỉnh là “tấm gương” cho nhân dân trong toàn Tỉnh về công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thực hiện Kế hoạch số 138/KH-BCH của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh, các đồn Biên phòng đã phân công 179 cán bộ, đảng viên phụ trách 756 hộ gia đình ở 20 xã biên giới. Chấp hành Quyết định 1293-QĐ/TU của Tỉnh ủy, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chỉ đạo các chi, đảng bộ đồn Biên phòng cử 88 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ ấp biên giới. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng kịp thời thông báo tình hình liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ động nắm tình hình địa bàn, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và các hoạt động liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, kịp thời xử lý, giải quyết có hiệu quả các vụ việc trên khu vực biên giới. Với sự tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng Tỉnh, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm Quy chế khu vực biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, v.v. Qua phát hiện và cung cấp tin của quần chúng, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, xác lập nhiều chuyên án, triệt phá đường dây, băng nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, vận chuyển vàng, ngoại tệ, v.v.

Thứ ba, thường xuyên giúp đỡ các huyện, thị xã và các xã biên giới củng cố, xây dựng đội ngũ dân phòng, tổ tự quản ở các ấp để xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh. Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp với lực lượng quân sự, công an Tỉnh duy trì và thực hiện tốt mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” trên địa bàn 20 xã biên giới; trong đó, cấp phát 2.337 kẻng con, 40 kẻng lớn cùng hàng nghìn bảng quy chế sử dụng kẻng cho người dân. Đã có 111 tập thể, 8.347 hộ gia đình đăng ký tự quản 132,97 km đường biên và 77 cột mốc chính, mốc phụ; 477 tổ tự quản và 26.836 người đăng ký giữ gìn an ninh, trật tự xóm, ấp khu vực biên giới. Các hộ dân đã tự giác đăng ký 344 xe mô tô hai bánh, 155 xuồng máy, xây dựng 127 rào chắn di động ngăn chặn tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Tỉnh về tổ chức và hoạt động kết nghĩa nhân dân hai bên biên giới, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong Tỉnh làm tốt công tác tham mưu cho địa phương trong quan hệ với chính quyền và nhân dân nước Bạn trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Đến nay, 100% số xã biên giới ký kết với xã biên giới của Bạn; 10 đồn Biên phòng của Tỉnh ký kết nghĩa với 02 tiểu đoàn bộ đội bảo vệ biên giới của 02 tỉnh Bạn. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tổ chức 242 cuộc họp đối ngoại, trao đổi tình hình; cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức 128 cuộc họp đối ngoại chính quyền, ngoại giao nhân dân. Hằng năm, nhân các sự kiện chính trị, các ngày lễ, Tết của Bạn, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương tổ chức thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết.

Thứ tư, tích cực giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực biên giới. Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn chính là giải quyết tận gốc nguy cơ gây mất ổn định chính trị khu vực biên giới. Bởi, đây là nơi sinh sống của các dân tộc anh em, hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo, đời sống rất khó khăn. Từ nhận thức đó, Đảng ủy Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng khảo sát, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và vận động nhân dân làm theo. Trên cơ sở bám sát đặc điểm, tình hình địa bàn, những người lính quân hàm xanh trên toàn tuyến biên giới Long An đã nỗ lực triển khai, nhân rộng nhiều mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa có hiệu quả cao. Điển hình là: mô hình trực tiếp đứng lớp giảng dạy với 13 lớp học tình thương cho 163 học sinh của các đồn Biên phòng: Bến Phố, Tuyên Bình và Đồn Cảng Bến Lức; với mô hình “Mỗi tuần một địa chỉ”, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã giúp dân được gần 400 địa chỉ. Ngoài việc giúp dân xóa đói giảm nghèo, Bộ đội Biên phòng còn tích cực vận động và giúp nhân dân xây dựng xã, ấp văn hóa, khám, chữa bệnh; thực hiện có hiệu quả các chương trình: “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Hũ gạo tiết kiệm”, v.v. Không chỉ nỗ lực hết mình để giúp nhân dân, Bộ đội Biên phòng Long An còn là cầu nối giữa các nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm với đồng bào vùng biên giới, nhất là những xã, bản nghèo bằng những việc làm thiết thực trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, làm từ thiện, v.v. Đứng chân trên địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chủ động nắm, phân tích, dự báo, đánh giá sát, đúng tình hình, thường xuyên bám nắm cơ sở, nắm chắc việc truyền và học đạo trái pháp luật, di cư tự do; tham gia giải quyết tốt các vụ việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo, tranh chấp đất đai,… góp phần giữ vững sự bình yên trên khu vực biên giới.

Đại tá ĐOÀN VĂN AN, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
________________

1 - Các dân tộc gồm: Kinh, Mường, Tày, Khơme, Dao, Hoa, Stiêng, Thái, Nùng, Thổ (trong đó dân tộc Kinh là chủ yếu (chiếm hơn 30%).

 - Các tôn giáo gồm: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa hảo, Tin lành với gần 5 nghìn tín đồ, 40 chức sắc, chức việc, 01 Linh mục, 04 cơ sở thờ tự.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.