Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 13/03/2017, 11:41 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum với công tác vận động quần chúng, bảo vệ biên giới

Kon Tum là tỉnh miền núi - vùng đất phên dậu của Tổ quốc ở bắc Tây Nguyên. Tỉnh có diện tích tự nhiên 9.614,5 km2, dân số trên 473.000 người, có 25 dân tộc, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 54%; có đường biên giới với Lào dài 142,4 km và Cam-pu-chia dài 138,3 km. Là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới của Tỉnh, Bộ đội Biên phòng Kon Tum xác định: thực hiện tốt công tác vận động quần chúng là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Theo đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh luôn quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng, đối ngoại của Đảng, kiên trì, liên tục thực hiện công tác vận động quần chúng bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú. Trong quá trình thực hiện, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng triển khai nhiều mô hình, công trình phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của địa bàn; xây dựng, nhân rộng được nhiều điển hình tốt, tạo sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tỉnh.

Đồn Biên phòng Đăk Long tặng bò cho hộ nghèo. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Xuất phát từ đặc điểm địa bàn còn nhiều khó khăn, Bộ đội Biên phòng Kon Tum xác định, giúp nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng hàng đầu của công tác vận động quần chúng. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là tình cảm, trách nhiệm của Quân đội đối với nhân dân; đồng thời, cũng là vấn đề then chốt để “bồi dưỡng sức dân”, phát huy vai trò của nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Để phát huy mọi nguồn lực, thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, bền vững, Đơn vị đã có nhiều cách làm thực chất, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, nổi bật là các phòng trào, mô hình: “Xây dựng thôn Đăk Ga - xã Đăk Nhoong no đủ, vững mạnh, an toàn”; “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”; “Trồng sâm dây, bời lời ở xã Đăk Nhoong”; “Cao su tiểu điền” ở xã Mô Rai; “Hỗ trợ giống, luân chuyển chăn nuôi heo rừng giống F1” ở làng Thanh niên lập nghiệp; “Hũ gạo tình quân dân”; “Nâng bước em tới trường”;“Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; “Bộ đội Biên phòng Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, v.v. Các mô hình này đã trực tiếp giải quyết những vần đề cần thiết nhất, khó khăn nhất của nhân dân khu vực biên giới, do đó, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nhiệt tình ủng hộ.

Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã phối hợp, hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất, hỗ trợ cây giống, con giống và tham gia lao động, trực tiếp hướng dẫn nhân dân cách thức nuôi, trồng. Đặc biệt, trong những thời điểm hạn hán nghiêm trọng, Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã xây dựng công trình nước tự chảy tại xã Đăk Xú (trị giá 90 triệu đồng); phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang, các ngành vận chuyển, cung cấp nước sinh hoạt từ 10 đến 30m3/ngày cho nhân dân; vận động các doanh nghiệp, nhà từ thiện hỗ trợ hàng trăm triệu đồng khoan giếng nước cho nhân dân xã Rờ Kơi - huyện Sa Thầy. Sửa chữa, xây mới1 nhà ở cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng; là lực lượng chính tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; di dời 75 hộ/154 người ra khỏi khu vực nguy hiểm về định cư lâu dài; thực hiện tốt chương trình“Nâng bước em đến trường2. Thăm hỏi, tặng quà cho người dân trong dịp lễ, Tết; tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh cho người nghèo nơi biên giới”, tặng 1.647 bánh chưng (trị giá gần 165 triệu đồng), v.v. Những kết quả đó đã trực tiếp góp phần ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, giúp đồng bào yên tâm bám thôn, bám làng, bám biên giới; đồng thời, tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Bộ đội Biên phòng. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện các nội dung khác của công tác vận động quần chúng.

Nhận thức rõ vai trò của chính quyền và các đoàn thể địa phương trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng Kon Tum luôn quan tâm phối hợp xây dựng, củng cố cơ sở chính trị các xã biên giới và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Thực hiện kế hoạch của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và của tỉnh Kon Tum về tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Kon Tum luôn chủ động rà soát, lựa chọn những cán bộ có năng lực quản lý nhà nước ở cơ sở, có kỹ năng vận động quần chúng, am hiểu tình hình địa bàn, bố trí tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương. Để lực lượng này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về xây dựng chính quyền cơ sở, quản lý nhà nước cùng những quy định của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của cán bộ tăng cường với cấp ủy, chính quyền địa phương. Hiện nay, có 09 cán bộ Bộ đội Biên phòng Kon Tum tham gia hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 (cấp tỉnh 01, cấp huyện 01, cấp xã 07); 12 cán bộ được tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy; 01 cán bộ giữ chức phó bí thư chi bộ; 08 cán bộ đoàn các đơn vị giữ chức phó bí thư đoàn các xã biên giới; 58 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 53 chi bộ thôn (làng) và 31 đồng chí kết nghĩa với 31 hộ gia đình khó khăn trên khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, từ năm 2007 đến năm 2016, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã phối hợp với địa phương mở 18 đợt bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 649 cán bộ xã, thôn; huấn luyện 09 đợt cho 419 dân quân tự vệ, dự bị động viên của các xã. Tham mưu, phối hợp củng cố 65 chi bộ, kết nạp mới 72 đảng viên; củng cố 08 ban công an, 10 ban chỉ huy quân sự, 13 chi đoàn, 13 chi hội phụ nữ, 08 hội cựu chiến binh, 11 hội nông dân, v.v. Nhờ vậy, cơ sở chính trị tại các xã biên giới được củng cố, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng không ngừng được nâng lên, hiệu quả điều hành của chính quyền và các đoàn thể ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên khu vực biên giới của Tỉnh.

Để nâng cao ý thức giác ngộ cách mạng, xây dựng phong trào hành động cho nhân dân, Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã thực hiện phương châm “ba cùng, bốn bám” trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền được 429 buổi (với 33.380 lượt người nghe); đồng thời, cử hàng trăm lượt cán bộ đến từng nhà dân để tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hiệp định, quy chế khu vực biên giới, chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, đề cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng, chống đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và các hoạt động lôi kéo vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thực hiện chủ trương xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng Kon Tum luôn hướng vào việc xây dựng, củng cố phong trào quần chúng bảo vệ biên giới, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các lực lượng và toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch 3108/KH-UBND để thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” trên địa bàn. Hiện nay, có 95% thôn (làng) của 13 xã biên giới tham gia thực hiện phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự thôn (làng) khu vực biên giới, trong đó có 57/101 thôn (làng), 681 hộ/1.194 khẩu tham gia tự quản 280,7 km đường biên giới và 642 hộ/1.237 khẩu tự quản 72 cột mốc quốc giới; 2.064 hộ tham gia 168 tổ tự quản về an ninh, trật tự thôn (làng).

Thông qua phong trào quần chúng bảo vệ biên giới, nhân dân đã tích cực, chủ động phát hiện, cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng và tham gia đấu tranh, xử lý với hiện tượng di, dịch cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép, tuyên truyền đạo trái pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại; vận chuyển, mua bán ma túy, thuốc nổ; buôn người qua biên giới,… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Từ thực tiễn hoạt động công tác vận động quần chúng, Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã thể hiện rõ trách nhiệm, tư duy và tầm nhìn chiến lược trong việc xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân. Những kết quả đạt được có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động và thu hút sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ và tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tập thể và cá nhân, góp phần quan trọng để Bộ đội Biên phòng Kon Tum hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, giữ vững ổn định tình hình, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Một số mô hình, công trình, nhiệm vụ đã được tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và vận dụng triển khai thực hiện trên nhiều tuyến biên phòng, trở thành hoạt động tiêu biểu, điển hình về công tác dân vận của Quân đội. Đó là cơ sở, động lực quan trọng để Bộ đội Biên phòng Kon Tum tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá A MIÊN, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh

_____________

1 - Từ năm 2007 đến nay, xây dựng 13 nhà đồng đội (trị giá 650 triệu đồng), 119 nhà “Đại đoàn kết” (trị giá 73,540 tỷ đồng); 239 nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” (trị giá 7,202 tỷ đồng) cho nhân dân khu vực biên giới của Tỉnh.

2 - Nhận đỡ đầu 64 học sinh (trong đó có 06 em phía ngoại biên) trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, hỗ trợ mỗi em 500.000đ/tháng (trị giá 288 triệu đồng/09 tháng học trong một năm).

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.