Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 16/07/2018, 11:45 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Sơn La tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở khu vực biên giới

Tỉnh Sơn La có đường biên giới hơn 274 km, tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây là địa bàn có địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân còn khó khăn; tình trạng di cư tự do vẫn diễn ra; hoạt động truyền đạo trái pháp luật và một số tội phạm, như: buôn bán người qua biên giới; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; tàng trữ vũ khí,... diễn biến rất phức tạp. Trước tình hình đó, Bộ đội Biên phòng Sơn La xác định: tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh là nhiệm vụ rất quan trọng, cơ sở để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Do đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, xây dựng ý thức chính trị cho nhân dân ở khu vực biên giới. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng. Thực hiện tốt công tác này sẽ đạt được kết quả kép: vừa nâng cao nhận thức cho người dân về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sức đề kháng cho người dân chống lại các luận điệu kích động, xuyên tạc của kẻ xấu; vừa nắm chắc dân và tình hình địa bàn nơi đóng quân. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ, các đồn biên phòng chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã khu vực biên giới trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động phù hợp, hiệu quả, sát với thực tiễn kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới; chính sách dân tộc, tôn giáo; mục đích, ý nghĩa của việc tôn tạo, tăng dày cột mốc quốc gia; bản chất, âm mưu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch; Luật Biên giới quốc gia; Luật Phòng, chống ma túy, v.v. Phương pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân được tiến hành phong phú, đa dạng, gắn với cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồn Nậm Lạnh tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật cho nhân dân

Cùng với đó, các đồn, trạm đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, kết nghĩa với lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào, chính quyền và nhân dân địa phương ở khu vực giáp biên; thường xuyên duy trì nền nếp giao ban, trao đổi thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân hai nước, góp phần giữ vững ổn định tình hình địa bàn, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, chiến sĩ ở các đồn, trạm trong xây dựng ý thức chính trị cho nhân dân, “thế trận lòng dân”, tạo niềm tin cho đồng bào các dân tộc thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Đồng thời, thực hiện tốt chủ trương “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Sự kiên trì, bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ Bội đội Biên phòng Tỉnh trong tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tổ chức, xây dựng, nâng cao cuộc sống; sự đứng mũi chịu sào, làm các “cột mốc” nơi biên cương của Tổ quốc; sự lăn lộn không quản ngày đêm ở những nơi đặc biệt khó khăn, gian khổ là “bài tuyên truyền” thuyết phục nhất. Thực tế cho thấy, Bộ đội Biên phòng đã thực sự là chỗ dựa không thể thiếu của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương khu vực biên giới tỉnh Sơn La. Sự gắn bó, gần gũi với người dân hai bên biên giới được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nơi đây nâng niu, bồi đắp hằng ngày và những người lính quân hàm xanh đã trở thành máu thịt với người dân vùng biên giới. Ở đâu có Bộ đội Biên phòng thì ở đó các khu dân cư được hình thành, phát triển; tình trạng phá rừng, du canh, du cư,… giảm đáng kể; đa số người dân không nghe theo sự tuyên truyền xuyên tạc, kích động của kẻ xấu; tích cực tham gia các phong trào tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc, v.v.

Hai là, tích cực tham gia củng cố, tăng cường hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh khảo sát toàn diện, nắm chắc thực trạng và có kế hoạch cụ thể, cùng các lực lượng tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở các xã biên giới. Để góp phần giải quyết sự thiếu hụt cán bộ trước mắt ở các xã biên giới, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ xây dựng và thực hiện Đề án bố trí chức danh cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tăng cường các xã biên giới. Được sự nhất trí của cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, được bồi dưỡng kiến thức về kinh tế, xã hội để giới thiệu, bầu vào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã khu vực biên giới1. Đội ngũ này đã phát huy tốt vai trò, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển đảng viên; giúp đổi mới tư duy, tác phong công tác khoa học, hiệu quả trong các cơ quan, đoàn thể địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề lâu dài là phải tạo nguồn cán bộ tại chỗ, nhất là cán bộ là người dân tộc địa phương. Do đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều nội dung, giải pháp thiết thực, nhất là trong tạo nguồn phát triển đảng viên, cán bộ ngay từ lúc tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ hằng năm. Phối hợp với địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng cán bộ cấp xã; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đoàn cho cán bộ, đoàn viên ở các xã, bản biên giới, v.v. Đồng thời, tăng cường tổ chức các tổ công tác biên phòng cắm bản, giới thiệu đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ bản. Nhờ đó, đã khắc phục tình trạng “trắng” đảng viên ở nhiều bản, tổ chức đoàn thể; nâng cao trình độ, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn thể ở địa phương; giúp người dân có tư duy mới trong phát triển kinh tế, có ý thức xây dựng và gìn giữ bản làng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ba là, tích cực chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn chính là giải quyết tận gốc nguy cơ gây mất ổn định chính trị khu vực biên giới. Bởi, đây là nơi sinh sống của các dân tộc anh em, gồm: Thái, Kinh, Mông, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú, Lào; hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo, đời sống rất khó khăn. Thực tế cho thấy, không tích cực phát triển kinh tế - xã hội thì không thể xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh và ngược lại. Từ nhận thức đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng khảo sát, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vận động nhân dân làm theo. Trên cơ sở bám sát đặc điểm tình hình mọi mặt của địa bàn biên giới, với mục tiêu thiết thực giúp đồng bào các dân tộc vùng biên nâng cao đời sống, những người lính quân hàm xanh trên toàn tuyến biên giới Sơn La đã nỗ lực triển khai, nhân rộng nhiều mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế có hiệu quả cao hơn. Điển hình là: mô hình trồng cây Chanh leo tại xã Sóng Lập, huyện Mộc Châu, với 2,6 ha đã cho thu hoạch; mô hình trồng cây Mận hậu ở các huyện: Yên Châu, Vân Hồ, Mai Sơn. Đồng thời, kiên trì hướng dẫn kỹ thuật để nhân rộng, phát triển lúa nước 2 vụ; phát triển mô hình VAC, mô hình chăn nuôi dê núi, nuôi bò sinh sản ở các huyện: Sốp Cộp, Yên Châu, Mộc Châu theo hướng nâng cao năng suất và giá trị. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Tỉnh còn chủ động kêu gọi, cam kết với các doanh nghiệp để bảo đảm tốt hơn đầu ra cho nông sản của người dân.

Ngoài việc giúp dân xóa đói giảm nghèo, Bộ đội Biên phòng còn tích cực vận động và giúp nhân dân xây dựng xã, bản văn hóa, nếp sống văn minh, lành mạnh; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo biên giới”; khám, chữa bệnh, xóa mù chữ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình: “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nâng bước em đến trường”, “Hũ gạo tiết kiệm”,… để hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào nghèo nơi biên giới với các mô hình, như: “Bữa sáng cho em”, nhận đỡ đầu học sinh nghèo hai bên biên giới2. Không chỉ nỗ lực hết mình để giúp nhân dân, Bộ đội Biên phòng Sơn La còn là cầu nối giữa các nhà doanh nghiệp, những người hảo tâm với đồng bào các dân tộc vùng biên giới, nhất là những xã, bản nghèo bằng những việc làm thiết thực trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, làm từ thiện, v.v. Đứng chân trên địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chủ động nắm, phân tích, dự báo, đánh giá sát, đúng tình hình; phối hợp với các lực lượng liên quan, chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy. Thường xuyên bám nắm cơ sở, nắm chắc hoạt động truyền và học đạo trái pháp luật, di cư tự do; tham gia giải quyết tốt các vụ việc liên quan đến dân tộc, tôn giáo, tranh chấp đất đai,… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

Những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong xây dựng cơ sở chính trị ở khu vực biên giới của Bộ đội Biên phòng Sơn La đã thực sự tạo niềm tin yêu trong nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, “thế trận biên phòng toàn dân” vững chắc trên địa bàn chiến lược. Đó chính là, điểm tựa để Bộ đội Biên phòng Tỉnh nâng cao sức mạnh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới phía Tây của Tổ quốc.

Thượng tá CÀ VĂN LẬP, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
______________

1 - Hiện nay có 17 cán bộ Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương; trong đó: 11 đồng chí giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, 04 đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân xã.

2 - Bộ đội Biên phòng Sơn La nhận đỡ đầu 59 em học sinh (trong đó, có 10 em học sinh của nước bạn Lào), với số tiền hỗ trợ là: 500 ngàn đồng/tháng/người.

Ý kiến bạn đọc (0)