Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 17/04/2014, 22:56 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xóa đói giảm nghèo

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam luôn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn vững mạnh trong thời kỳ mới.

Lễ khởi công xây dựng Điểm sáng văn hóa vùng biên

Quảng Nam có vị trí chiến lược quan trọng đối với khu vực Trung Trung Bộ và cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Nam đã luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn là địa phương nghèo; đời sống của nhân dân, nhất là khu vực biên giới (KVBG) còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển; trình độ dân trí thấp1. Trong khi đó, tình hình an ninh nông thôn, khai thác lâm, khoáng sản, tệ nạn xã hội, vượt biên, di dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật,… còn diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) của cấp ủy và chính quyền, đoàn thể các địa phương KVBG, nhất là cơ sở còn hạn chế. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam xác định: tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng và là tình cảm sâu nặng của “Bộ đội quân hàm xanh” đối với nhân dân. Qua đó, góp phần tô thắm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường đoàn kết quân - dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, trực tiếp là Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận (CTDV) của lực lượng vũ trang trong thời kỳ mới”, và Nghị quyết 12-NQ/ĐU của Đảng ủy BĐBP về “Tăng cường công tác vận động quần chúng (VĐQC) của BĐBP trong thời kỳ mới”, Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về “CTDV trong thời kỳ mới”, Đảng ủy BĐBP Tỉnh đã ban hành Nghị quyết 66-NQ/ĐU về “Tăng cường công tác VĐQC trong thời kỳ mới” và Nghị quyết 201-NQ/ĐU về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền đặc biệt trên các tuyến biên giới, biển, đảo”. Trên cơ sở đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động tới mọi cán bộ, chiến sĩ; ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động; đề ra chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với công tác VĐQC trong tình hình mới.

Trong các nội dung, biện pháp tham gia xây dựng cơ sở chính trị KVBG vững mạnh được triển khai một cách toàn diện, có chiều sâu, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh hết sức coi trọng việc tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới. Đây là những đồng chí được lựa chọn kỹ, qua đào tạo cơ bản, tập huấn về công tác VĐQC và xây dựng địa bàn; có phẩm chất chính trị, đạo đức, phương pháp, tác phong công tác tốt; có năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo gắn với tăng cường QP-AN; hiểu phong tục, tập quán của nhân dân và có uy tín với cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP điều động, bổ nhiệm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cơ cấu vào cương vị Phó Bí thư thường trực Đảng ủy và Phó Chủ tịch UBND các xã biên giới. Đồng thời, cử cán bộ tham gia ứng cử vào cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, huyện, xã); tăng cường đảng viên các đồn Biên phòng về tham gia sinh hoạt ở chi bộ các thôn (bản, khối phố) xã biên giới. Với phương châm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, luôn “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường cho địa phương đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, bám dân, bám bản, tích cực chủ động, sáng tạo tiến hành các mặt công tác VĐQC theo chức trách, nhiệm vụ được phân công. Trong tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng, họ đã tham mưu cho cấp ủy địa phương xây dựng các quy chế, quy định nhằm duy trì nghiêm các chế độ, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chế độ học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên; nội dung, thứ tự các bước tổ chức sinh hoạt chi bộ; đẩy mạnh công tác phát triển đảng, tạo nguồn cán bộ tại chỗ, tuyển quân, tuyển sinh quân sự (trong đó, có con em các dân tộc thiểu số nhập ngũ vào BĐBP), đáp ứng yêu cầu đề ra.

Việc xây dựng, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP Tỉnh với các huyện (thành) ủy, giữa đảng ủy (chi ủy) các đồn Biên phòng với Đảng ủy các xã (phường) biên giới; Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp thực hiện nhiệm vụ QP-AN giữa các lực lượng trên địa bàn biên giới, biển, đảo được BĐBP Tỉnh duy trì có nền nếp. Hằng quý, năm, BĐBP Tỉnh chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, giao ban, trao đổi, thông báo tình hình; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ ra những khâu yếu, mặt yếu, đề ra những nội dung, biện pháp khắc phục. Các phong trào, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự xóm, bản KVBG”,… được gắn kết chặt chẽ, đi vào thực chất, đạt kết quả tích cực2. BĐBP các cấp rất coi trọng việc phối hợp tổ chức đăng ký, triển khai thực hiện cam kết giữa các gia đình, dòng họ với chính quyền địa phương và đồn Biên phòng về trách nhiệm giáo dục con em chấp hành pháp luật Nhà nước; nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội, đấu tranh, tố giác tội phạm (đến nay, đã có trên 85% gia đình, dòng họ ký Bản cam kết). Các hoạt động đa dạng khác, như: “Ngày Biên phòng toàn dân”, biểu dương, khen thưởng, kết nghĩa, đỡ đầu, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh với các xã biên giới, tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo”,… được tổ chức thường xuyên, phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và địa bàn; qua đó, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp trong xây dựng KVBG vững mạnh. Đến nay, hệ thống chính trị ở cơ sở KVBG trên địa bàn Quảng Nam đã được củng cố, kiện toàn; năng lực, hiệu lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội địa phương được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN, là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo.

Khám, phát thuốc miễn phí cho nhân dân

Công tác tham gia phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân KVBG được BĐBP Tỉnh chủ động thực hiện tốt thông qua phong trào “Dân vận khéo” và phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên và của cấp mình; nắm chắc đặc điểm địa bàn, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và các tổ chức, lực lượng,… triển khai nhiều biện pháp thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH của Chính phủ, của Tỉnh cũng như của BĐBP được UBND các cấp giao làm chủ đầu tư. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới Việt - Lào, BĐBP Tỉnh chủ động phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiếp thu kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, hộ gia đình và VACR (vườn, ao, chuồng, rừng),... Đồng thời, chú trọng việc bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống; giúp nhân dân làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo mô hình “5 chuồng, 3 hầm”, “5 không, 3 sạch”; trồng cây ăn quả quanh nhà, quanh vườn; xây dựng nhà vệ sinh tự hoại,… Đối với nhân dân trên tuyến biên giới biển, đảo, BĐBP Tỉnh triển khai nhiều giải pháp, như: phối hợp hỗ trợ ngư cụ, vốn; hướng dẫn cách thức, phương pháp bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ đánh bắt hải sản, buôn bán nhỏ hay làm nông nghiệp. Với phương châm hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với địa phương, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Tỉnh đã chủ động đến từng hộ dân, khảo sát cụ thể, thực hiện tinh thần chỉ đạo “không chỉ trao cho dân cần câu, mà còn chỉ rõ cho dân cách câu” bằng những mô hình, phương pháp xóa đói giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng. Các mô hình, dự án phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo của BĐBP Tỉnh, như: Ngân hàng bò3; khai hoang trồng lúa nước, dồn điền, đổi thửa; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; bảo tồn làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Cơ Tu (hai huyện Nam Giang và Tây Giang), làng nghề nước mắm (xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ); làng nghề dệt chiếu (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên); xây dựng trạm quân -  dân y kết hợp; phủ sóng truyền hình kết hợp với xây dựng Nhà văn hóa thôn (bản); xây dựng khu tái định cư; làm đường tuần tra biên giới; xây dựng Nhà Đại đoàn kết, Nhà Tình nghĩa, Nhà Ước mơ tuổi vàng, công trình dân sinh,… được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng; góp phần tăng thu nhập, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo bền vững trên KVBG. Đến nay, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” mang quân hàm xanh của BĐBP Tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân KVBG tin tưởng, quý mến.

Với những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, tới đây, BĐBP tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực và có hiệu quả hơn nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị, phát triển KT-XH, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, góp phần đưa các chủ trương, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN của Đảng và Nhà nước ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đi vào cuộc sống. Đây vừa là trách nhiệm, tình cảm, đồng thời là vinh dự đối với mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ BĐBP Tỉnh, trước hết là của đội ngũ cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp trong thời kỳ mới.

Đại tá, PGS,TS. ĐINH TRỌNG NGỌC

Chính ủy BĐBP Tỉnh
_________

1 - Quảng Nam có đường biên giới dài 267 km; trong đó, tuyến biên giới trên bộ (Việt - Lào) dài 142 km, đi qua 02 huyện, 14 xã, 79 thôn (bản). Đây là nơi sinh sống của gần 21 nghìn người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: Cơ Tu, Giẻ Triêng (ve), Tà Riêng, Dẻ; thu nhập của đồng bào chủ yếu phụ thuộc vào làm nương (rẫy). Tuyến biên giới biển, đảo dài 125 km, đi qua 04 huyện, 02 thành phố, 15 xã (phường), 105 thôn (khu phố), là nơi sinh sống của gần 36 nghìn người, chủ yếu là dân tộc Kinh; thu nhập của nhân dân phụ thuộc vào nghề đánh bắt hải sản, làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ.

2 - Đến nay, trên KVBG Tỉnh đã có 152 thôn (bản) và 26.957 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn thôn (bản), hộ gia đình văn hóa các cấp. Đồng thời, có nhiều mô hình văn hóa, như: Phòng đọc biên giới, dạy tiếng Giẻ Triêng; Lớp học vi tính văn phòng; Quán cắt tóc Ngày thứ bảy; Nhà văn hóa - thư viện sách; Thôn không có người vi phạm pháp luật; nhà vệ sinh tự hoại; Câu lạc bộ không có gia đình sinh con thứ 3, v.v.

3 - Dự án Ngân hàng bò (nguồn kinh phí đầu tư 950 triệu đồng, mua 280 con bò, giao cho 280 gia đình khó khăn thuộc 14 xã biên giới chăn nuôi) đã sinh sản được 226 bê con; sau khi bê con trưởng thành, bò mẹ sinh sản được tiếp tục giao cho hộ khó khăn khác chăn nuôi,... Đến nay, Dự án đã bắt đầu thu hồi vốn và tiếp tục triển khai mở rộng.

Ý kiến bạn đọc (0)