Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 21/07/2020, 10:16 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Nam Định xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh

Nam Định có bờ biển dài 72 km, với 13.000 ha rừng đặc dụng ngập mặn, hàng nghìn héc ta bãi bồi, nối với 04 cửa sông lớn; khu vực biên giới biển của Tỉnh gồm 19 xã, thị trấn, với gần 192.000 nhân khẩu, trong đó có trên 46% là đồng bào Công giáo. Đây là địa bàn có tiềm năng phát triển kinh tế, hướng phòng thủ quan trọng của Tỉnh và Quân khu 3. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương, nòng cốt là Bộ đội Biên phòng, chủ quyền, an ninh biên giới, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển của Tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động khai thác hải sản trái quy định, hủy hoại tài nguyên biển; gian lận thương mại, trộm cắp ngư cụ, tranh chấp ngư trường, vùng nuôi trồng thủy sản, phá rừng; tàu thuyền nước ngoài xâm nhập khai thác hải sản trái phép trên khu vực biển của Tỉnh,… diễn biến phức tạp. Nhận thức rõ đặc điểm đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; trong đó, trọng tâm tập trung xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Trước hết, chú trọng tham mưu cho Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác biên phòng. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 34-CTr/TU, ngày 06/6/2019 để thực hiện Nghị quyết số 33; Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch số 05/KH-UBND, ngày 11/01/2016 để thực hiện Chỉ thị số 01, Đề án 603 về Tăng cường quản lý bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, trật tự cho phát triển sản xuất trên khu vực biên giới biển giai đoạn 2015 - 2019. Tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân về chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh, an toàn trên biển; xây dựng hệ thống chính trị khu vực biên giới biển vững mạnh, hoạt động hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, lực lượng vũ trang đủ phẩm chất, năng lực bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới; tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới biển. Đồng thời, gắn xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh và địa phương ven biển vững mạnh. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tỉnh xây dựng Kế hoạch số 59-KH/ĐUBP thực hiện Chương trình hành động số 34; các nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển”, “Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng”, “Bộ đội Biên phòng Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới”, v.v. Thường xuyên nắm chắc tình hình, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ khu vực ven biển; đề xuất giải pháp xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân biển, huy động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển và có đối sách  giải quyết các vấn đề vi phạm an ninh, chủ quyền vùng biển. Phân công, chỉ đạo các huyện, thành phố, xã, thị trấn nội địa kết nghĩa, hỗ trợ các xã, thị trấn ven biển phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Hải đội 2 diễn tập tìm kiếm cứu nạn ngư dân trên biển

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới biển. Để xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh về quốc phòng, an ninh, Bộ Đội Biên phòng phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân các xã, thị trấn ven biển, đối tượng học sinh, sinh viên và ngư dân nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiệm vụ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển; hệ thống luật biên giới, biển, đảo Việt Nam và quốc tế; các quy định về quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, v.v. Trong quá trình triển khai, Bộ đội Biên phòng Tỉnh và các địa phương vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp tuyên truyền, như: thông qua các hội nghị của địa phương; phương tiện thông tin đại chúng; các lớp tập huấn, giáo dục quốc phòng và an ninh, phổ biến pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về: “Biên giới và Bộ đội Biên phòng”, “Pháp luật biên giới quốc gia”, v.v. Đáng chú ý là, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển lãm tư liệu về Trường Sa, Hoàng Sa và tuyên truyền biển, đảo Việt Nam; xây dựng mẫu bảng ảnh với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc” làm công cụ tuyên truyền cho các cơ quan, địa phương, trường học; bổ sung kiến thức về công tác biên phòng trong chương trình bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng, an ninh; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên sâu rộng trong các khu dân cư, hội, đoàn,… ở khắp các địa phương. Đẩy mạnh thực hiện ngày Biên phòng toàn dân, trọng tâm là nâng cao hoạt động đỡ đầu, kết nghĩa giữa các xã, huyện nội địa với Bộ đội Biên phòng và xã, huyện tuyến biển. Giai đoạn 2015 - 2020, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tuyên truyền trực tiếp cho 27.200 lượt người; xây dựng 60 chuyên mục “vì chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo”, 31 phóng sự, gần 1.200 tin, bài tuyên truyền trên Đài Truyền hình và Báo Nam Định; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh được 140 giờ. Phối hợp với các đoàn thể địa phương vận động trên 2.000 người đăng ký tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; trên 1.800 người tham gia các tổ tàu, thuyền, khu vực đầm bãi, bến neo đậu an toàn; xây dựng nhiều công trình nhân đạo giúp đỡ các hộ nghèo tuyến biển phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ba là, coi trọng xây dựng lực lượng rộng khắp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ biên giới biển. Quản lý, bảo vệ biên giới biển có những đặc thù khó khăn, phức tạp riêng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cùng với xây dựng lực lượng Biên phòng Tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; đầu tư hiện đại phương tiện, trang thiết bị công tác, chiến đấu; xây dựng hệ thống đài canh, chốt, trạm,… và nâng cao điều kiện sinh hoạt, công tác cho các đồn, trạm biên phòng, Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho Tỉnh và phối hợp với các địa phương, cơ quan quân sự, công an xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển, các tổ, đội tự quản an ninh trật tự ở thôn, xóm vững mạnh, rộng khắp. Phối hợp với các lực lượng1 kịp thời huy động phương tiện, con người tìm kiếm cứu nạn, xua đuổi tàu cá nước ngoài. Chủ trì, phối hợp với 03 huyện ven biển thống kê: chủ tàu thuyền khai thác hải sản; chủ hộ nuôi trồng thủy sản, sản xuất, kinh doanh khu vực biên giới biển; bến đậu tàu, thuyền; các mục tiêu cần bảo vệ, v.v. Ký kết và thành lập được 31 tổ tàu thuyền an toàn (gồm 496 phương tiện và 1.639 thuyền viên) ở thôn xóm, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá,… có tàu, thuyền hoạt động trên biển; 18 tổ bến bãi an toàn/647 thành viên, 24 tổ tự quản an ninh trật tự/841 thành viên, 07 tổ nuôi trồng thủy sản/107 thành viên nơi tàu, thuyền neo đậu, đầm bãi; ký kết với 18 chủ phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, v.v. Thời gian qua, các tổ, đội này đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động, tham gia tích cực vào giữ gìn an ninh, trật tự, thường xuyên trao đổi, cung cấp cho các đồn Biên phòng nhiều thông tin có giá trị về tình hình an ninh, an toàn trên  biển.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện công tác biên phòng, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”; tập trung phát triển các mô hình: “Xứ họ đạo tiên tiến”, “Gia đình công giáo gương mẫu”, “Xứ họ đạo 3 không”2, “Khu dân cư vùng giáo tiên tiến, đảm bảo về an ninh trật tự” trong khu vực biên giới biển và đã nhân rộng ra 11 khu dân cư. Phối hợp với Hội phụ nữ Tỉnh xây dựng và duy trì hoạt động của 19 câu lạc bộ “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”; với Hội nông dân, xây dựng mô hình Câu lạc bộ nông dân với pháp luật; mở 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho trên 1.800 hội viên về kỹ thuật chế biến, nuôi trồng thủy sản gắn với tuyên truyền pháp luật, kiến thức quốc phòng và an ninh, v.v. Qua đó, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển; chủ động phòng ngừa, phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm về ma túy, vượt biên, gian lận thương mại; xử lý kịp thời các hoạt động xả thải hủy hoại môi trường biển và xâm phạm của tàu cá nước ngoài.

Bốn là, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh khu vực biên giới biển. Quán triệt, thực hiện chỉ thị của cấp trên về việc tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới, thời gian qua, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng ra nghị quyết phân công 100% cán bộ, đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình khu vực biên giới biển; theo đó, chỉ huy đồn phụ trách từ 02 đến 03 hộ, các đồng chí khác phụ trách từ 05 đến 07 hộ gia đình thuộc đối tượng: chính sách, neo đơn, chức việc tôn giáo, quan hệ xã hội phức tạp, v.v. Đồng thời, chỉ đạo các Đồn Biên phòng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển cho đội ngũ cán bộ cơ sở, ban công tác mặt trận ở khu dân cư, tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn, tổ tự quản an ninh trật tự,… của 20 xã, 03 huyện ven biển định kỳ 02 năm/lần. Qua đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh thường xuyên nắm tình hình, dư luận, tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc về an ninh nông thôn, đất đai, chính sách tôn giáo, v.v. Chấp hành chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 11/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh xây dựng quy hoạch, dự án kinh tế, xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tỉnh. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông; các khu, cụm công nghiệp; khu đô thị ven biển; các công trình phòng, chống thiên tai, neo đậu tàu, thuyền tránh bão gắn với thế trận quân sự phòng thủ biên giới biển3. Triển khai các chính sách khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển kinh tế thủy sản, du lịch biển, vận tải biển, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, v.v.

Phát huy kết quả đạt được, Bộ đội Biên phòng Nam Định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.

Thượng tá VŨ VĂN HƯNG, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
______________

1 - Lực lượng phối hợp gồm: Hải đoàn Biên phòng 38, Hải quân Vùng I, Vùng Cảnh sát biển I, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I,… và một số sở, ngành trong Tỉnh.

2 - Không tội phạm, không tệ nạn xã hội và không ma túy.

3 - Như: nạo vét cửa Lạch Giang; xây dựng Khu công nghiệp Rạng Đông; Cảng cá kết hợp neo đậu tàu thuyền Ninh Cơ, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)