Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 18/02/2013, 11:56 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Kon Tum phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới
Biên giới quốc gia (BGQG) là chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh, BĐBP Kon Tum đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách cùng với toàn dân quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở địa phương. Từ thực tiễn công tác, BĐBP Kon Tum đã đúc rút một số kinh nghiệm và cũng là giải pháp nhằm tiếp tục vận dụng, thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Một là, tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Nhận thức rõ đặc điểm địa bàn biên giới của Tỉnh,  quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới và giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới (KVBG). Trong nhiệm kỳ (5 năm) và từng năm, Tỉnh đều sớm có nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh (QP-AN); trong đó, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Riêng đối với những mặt công tác trọng tâm, Tỉnh đều có nghị quyết chuyên đề, chỉ thị và kế hoạch cụ thể, như: Chỉ thị số 03-CT/2006/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh và phát triển KT-XH các xã biên giới; Quyết định số 72/2007/QĐ-UBND của UBND Tỉnh về phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện phân giới, cắm mốc biên giới với Cam-pu-chia trên địa bàn; Kế hoạch số 161/2010/QĐ-UBND của UBND Tỉnh về kiểm tra, ngăn chặn hoạt động khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn biên giới… Đây là những văn bản rất quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới; đồng thời, là cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương, nhất là các huyện, xã biên giới triển khai thực hiện. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ biên phòng và căn cứ vào thực tế của địa phương, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã đề xuất với UBND Tỉnh và làm nòng cốt trong phối hợp, triển khai thực hiện “Chương trình xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, phát triển KT-XH ở các xã biên giới”. Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã cử hàng chục cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt với các chi bộ thôn, làng; thực hiện kết nghĩa và giúp các hộ khó khăn thoát nghèo; qua đó, trực tiếp tìm hiểu địa bàn, nắm tình hình hoạt động của các tôn giáo, nhất là hoạt động của tà đạo Hà Mòn để đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương những biện pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh còn chỉ đạo các đồn biên phòng làm tốt việc phối hợp với các đoàn thể và cơ quan báo, đài địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về biên giới; kiến thức về Luật Biên giới quốc gia; các hiệp định, hiệp ước quản lý, bảo vệ biên giới đã ký giữa nước ta với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia... Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân về quốc gia, quốc giới cũng như ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới. Từ năm 2007 đến nay, BĐBP Tỉnh đã phối hợp với các lực lượng tiếp nhận và xử lý gần 4.500 tin có giá trị của quần chúng; bắt và xử lý gần 2.000 vụ vi phạm pháp luật trên biên giới… Năm 2012, toàn Tỉnh có 10/10 xã biên giới với 84/88 thôn, làng đăng ký thực hiện tốt “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự thôn, làng”.

Hai là, coi trọng xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc trong thế trận chung của khu vực phòng thủ Tỉnh. Trên cơ sở nắm chắc đặc điểm địa bàn và tình hình từng tuyến biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh thường xuyên tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, mà trực tiếp là kết hợp với yêu cầu, nhiệm vụ biên phòng, bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình trọng điểm ở KVBG; trong đó, tập trung vào các dự án trồng rừng (cao su, cây bời lời) tạo việc làm và thu nhập cho người dân; xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đường tuần tra biên giới, đường vào các đồn biên phòng: Rơ Long, Mo Rai, Ia Boóc và công trình nước sạch phục vụ dân sinh xã Đăk Long; xây dựng mới, đồng bộ Sở chỉ huy Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh cùng các đồn biên phòng: Mo Rai, Suối Cát… Đặc biệt, năm 2012, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh còn được UBND Tỉnh giao trực tiếp triển khai mô hình điểm giúp dân phát triển KT-XH tại xã Đăk Nhoong và nhân rộng mô hình vườn – ao – chuồng kết hợp với trồng rừng ở xã Đăk Xú bước đầu đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong quá trình thực hiện các dự án, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đều coi trọng công tác rà soát, thẩm định các yêu cầu về QP-AN và công tác biên phòng cũng như các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nguồn nước… Trên cơ sở đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch, điều chỉnh các cụm dân cư, đưa dân ra sinh sống sát biên giới, tạo ra vành đai bảo vệ BGQG một cách thường xuyên, cơ bản, lâu dài.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã phối hợp với các lực lượng xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến, nhất là kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ biên phòng và phòng thủ tác chiến trong khu vực phòng thủ Tỉnh; duy trì nghiêm các chế độ giao ban ở 3 cấp: tỉnh, huyện và đồn biên phòng theo đúng quy định; đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng, nhất là lực lượng dân quân, tự vệ và an ninh cơ sở tăng cường tuần tra, kiểm soát đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở KVBG. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh thường xuyên coi trọng công tác đối ngoại biên phòng; duy trì tốt mối quan hệ đoàn kết truyền thống với chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của tỉnh A-tô-pư (Lào) và Ra-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) bằng nhiều hình thức phong phú, đi vào chiều sâu, như: hội đàm, trao đổi tình hình định kỳ; tuần tra song phương; phối hợp phân giới, cắm mốc… Năm 2012, công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới với Lào; phân giới, cắm mốc biên giới với Cam-pu-chia đã bảo đảm đúng nguyên tắc, là một trong những địa phương thực hiện tốt nhất công tác này trên địa bàn Tây Nguyên, góp phần tăng cường thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Ba là, chăm lo xây dựng BĐBP Tỉnh vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nằm ở khu vực ngã ba biên giới, Kon Tum có hơn 280 km đường biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia, việc quản lý, bảo vệ biên giới có nét đặc thù, yêu cầu ngày càng cao. Vì thế, chăm lo xây dựng BĐBP Tỉnh vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có chất lượng tổng hợp cao là vấn đề quyết định đến việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng, củng cố các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”… Thông qua đó làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ tình hình nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý thức trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, có ý chí khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở quy định của Bộ về tổ chức, biên chế, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chú trọng rà soát, sắp xếp đội ngũ theo hướng tinh, gọn, mạnh phù hợp với thực tế địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; trong đó, ưu tiên bảo đảm quân số, trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng chủ yếu, địa bàn trọng điểm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện cho cả cơ quan và đơn vị, coi đó là động lực trực tiếp để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện, nhất là khâu lập kế hoạch và tập huấn cán bộ; triển khai huấn luyện toàn diện cả về chiến thuật, kỹ thuật, nghiệp vụ, điều lệnh; nâng cao sức cơ động và khả năng trinh sát, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng trên địa bàn. Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị luôn bám sát phương châm: cơ bản, thiết thực, vững chắc, coi trọng đồng bộ và chuyên sâu, huấn luyện sát với địa bàn và nhiệm vụ của từng đơn vị; chú trọng gắn công tác huấn luyện chiến đấu với thực tiễn quản lý, bảo vệ trên từng tuyến biên giới; kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; đồng thời, coi trọng nâng cao kiến thức về pháp luật cùng các quy chế, hiệp định, hiệp ước về biên giới… Nhờ có các biện pháp đồng bộ, năm 2012, công tác huấn luyện của BĐBP Tỉnh đạt 100% nội dung kế hoạch đề ra; kết quả kiểm tra có 98,5% đạt yêu cầu; trong đó, có 75,7% đạt khá và giỏi, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu lên một bước mới, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG.
 
Đại tá HOÀNG ĐĂNG NHIỄU
Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh
 
Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.