Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 06/12/2018, 09:52 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng Bình Thuận tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển
Phối hợp tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển

Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có bờ biển dài 192km, vùng biển rộng trên 52 nghìn ki-lô-mét vuông với nguồn hải sản phong phú và là ngư trường lớn thứ ba của cả nước. Khu vực biên giới biển của Tỉnh gồm 36 xã, phường, thị trấn thuộc 07 huyện, thị xã, thành phố, trong đó huyện đảo Phú Quý, cách đất liền 56 hải lý, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế, hậu cứ trực tiếp của quần đảo Trường Sa; có Hòn Hải - một trong 11 điểm xác định chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Đặc điểm trên cho thấy, Tỉnh là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, nhất là về kinh tế biển, nhưng cũng là nơi có nhiều hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; buôn lậu, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài bằng đường biển; tranh chấp ngư trường, vi phạm vùng biển của cả ta và nước bạn; thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản không đúng luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam, v.v.

Những năm qua, với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển, Bộ đội Biên phòng Tỉnh thường xuyên nắm chắc nhiệm vụ, tình hình địa bàn, chủ động tham mưu trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển được giao; đồng thời, trực tiếp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác biên phòng. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới biển đối với nhiệm vụ quan trọng này có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển của Bộ đội Biên phòng Tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, tăng cường đấu tranh với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển nhanh, bền vững nói riêng. Có được kết quả trên, là nhờ Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tập trung giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng và nhân dân trong Tỉnh về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, là cơ sở để thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân trong Tỉnh đối với nhiệm vụ này. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền cho mọi thành phần, lực lượng, nhất là nhân dân khu vực biên giới biển nhận thức rõ ý nghĩa, sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển. Trên cơ sở đó, Bộ đội Biên phòng nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tuyên truyền, vận động nhân dân vừa khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, vừa tham gia quản lý, bảo vệ địa bàn.

Nội dung giáo dục, tuyên truyền bảo đảm tính toàn diện, trong đó tập trung vào đặc điểm địa bàn; quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên biển; lập trường, phương châm, biện pháp giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới trên biển; Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, quy định của địa phương; quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và ngư dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được giao; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ở khu vực biên giới biển.

Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình; đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động. Đối với bộ đội, kết hợp chặt chẽ giữa chương trình giáo dục chính trị cơ bản với giáo dục chuyên sâu, thông qua sinh hoạt, học tập tập trung và các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đối với nhân dân ven biển, Bộ đội Biên phòng Tỉnh phát huy vai trò các tổ, đội vận động quần chúng, nhất là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ là người địa phương, làm nhân cốt trong công tác tuyên truyền. Tổ chức xây dựng các điểm tuyên truyền tại nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, tủ sách pháp luật, thậm chí gặp gỡ trực tiếp ngư dân để tuyên truyền. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương mở chuyên trang, chuyên mục “Biển đảo quê hương”, “Vì chủ quyền an ninh biên giới biển” trên Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh; tổ chức hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu về biên giới quốc gia và pháp luật về biên giới biển, cửa khẩu, v.v. Thông qua tuyên truyền, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển được nâng lên rõ rệt; tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biên giới biển được phát huy.

Hai là, nâng cao chất lượng các biện pháp công tác biên phòng. Khu vực biên giới biển của Tỉnh có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường, dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, khó nhận biết. Do vậy, cùng với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tuần tra, trinh sát, phòng, chống tội phạm; chủ động nắm, dự báo tình hình, phát hiện sớm âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đẩy mạnh công tác trinh sát biên phòng, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc dân; nâng cao khả năng dự báo, chủ động phòng ngừa từ xa, chuẩn bị các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Đồng thời, thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong hoạt động quản lý, kiểm tra, kiểm soát biên phòng, nhất là tại các cảng, cửa khẩu cảng; chủ động phối hợp với các lực lượng tổ chức tốt hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện, xua đuổi, bắt giữ và xử lý tàu thuyền nước ngoài xâm phạm; thiết lập, duy trì hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc trên các phương tiện của ngư dân để nắm tình hình trên biển và thông báo cho ngư dân phòng, tránh thời tiết xấu, áp thấp nhiệt đới, bão. Cùng với đó, Đơn vị đã quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy chế về biên giới của Tỉnh, theo phương châm: “khôn khéo, linh hoạt, không để mắc mưu kẻ địch” trong quá trình xử lý, giải quyết các tình huống, nhằm giữ vững ổn định an ninh chính trị khu vực địa bàn.

Ngoài ra, Bộ đội biên phòng Tỉnh còn làm tốt công tác đối ngoại, kết hợp với tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) thực hiện các biện pháp phòng, chống di cư bằng tàu thuyền trên các địa bàn trọng điểm để chấm dứt việc xuất cảnh trái phép bằng đường biển. Với cách làm sáng tạo, khoa học đó, từ năm 2009 đến nay, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã bắt giữ, xử lý 614 vụ/1.405 đối tượng phạm tội tàng trữ, mua, bán chất ma túy; phối hợp với các lực lượng bắt giữ, xử lý 27 vụ/49 tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển nước ta; 82 vụ/94 tàu cá ngư dân của Tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài và nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ, v.v.

Ba là, đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng có liên quan trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển. Trên cơ sở quán triệt, nắm chắc nhiệm vụ được giao và bám sát đặc điểm địa bàn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng có liên quan1, nhằm tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển của Tỉnh. Với tư cách là lực lượng nòng cốt, cơ quan trung tâm hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân sự, Công an Tỉnh và các địa phương để thống nhất phương án, kế hoạch, quy trình, cách thức xử lý tình huống cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, tập trung quán triệt quy chế phối hợp, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hiệp đồng thứ tự, hành động cụ thể của từng lực lượng, trong từng tình huống, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, bảo đảm cơ chế thuận lợi cho lực lượng Biên phòng Tỉnh hoạt động. Đồng thời, tổ chức diễn tập, luyện tập theo phương án biên phòng tác chiến phòng thủ, kết hợp huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo; phương án phòng, chống gây rối, bạo loạn, nhằm đối phó hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch, chương trình và ký kết với các ban, ngành, đoàn thể địa phương để thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Duy trì nghiêm chế độ giao ban địa bàn ở các cấp, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh ở khu vực biên giới biển. Đến nay, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tham gia xây dựng, huấn luyện được 16 trung đội dân quân tự vệ biển trên các nghiệp đoàn nghề cá; duy trì hoạt động hiệu quả 187 tổ tàu thuyền đoàn kết khai thác hải sản trên biển; xây dựng và bàn giao 74 Nhà Đại đoàn kết, 17 Nhà Tình nghĩa, 21 Nhà Đồng đội, v.v.

Với những việc làm trên, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tăng cường được tình đoàn kết quân dân, phong trào biên phòng toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển của Tỉnh luôn được quản lý, bảo vệ vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện để Bình Thuận thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tá NGUYỄN NGỌC HÀO, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tỉnh

___________

1 - Quân sự, Công an, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.