Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 09/08/2012, 15:33 (GMT+7)
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An thực hiện tốt chức năng tham mưu về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự

alt
Trung đội tự vệ Petrolimex Nghệ An tham gia huấn luyện sử dụng súng tiểu liên AK (nguồn: nghean.petrolimex.com.vn)
 

Nhận thức rõ vị trí là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai toàn diện, hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế – xã hội.

Để có được kết quả đó, một trong những yếu tố quyết định là: Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh luôn chủ động, tích cực tham mưu để Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS địa phương. Nắm vững chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác tham mưu của BCHQS Tỉnh được tiến hành toàn diện, tập trung vào những nội dung trọng tâm của nhiệm vụ QP,QS.

Trước hết là, tham mưu xây dựng và quy hoạch khu vực phòng thủ (KVPT). Triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 152/2008/NĐ-CP của Chính phủ, BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ ra nghị quyết, UBND Tỉnh ban hành quy chế về xây dựng và hoạt động của KVPT; đồng thời, tích cực triển khai tổ chức thực hiện. Các tiềm lực của KVPT Tỉnh được xây dựng vững mạnh toàn diện, cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng – an ninh (QP-AN), văn hoá, xã hội… Cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức tốt các đợt diễn tập KVPT; trong đó, luôn thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan ban, ngành làm tham mưu theo chức năng…”. Trung bình hằng năm, Tỉnh chỉ đạo từ 4 đến 6 huyện tổ chức diễn tập KVPT, số huyện còn lại tiến hành diễn tập chỉ huy – cơ quan. Cùng với đó, các địa phương tổ chức diễn tập chiến đấu trị an cho trên 20% số xã (phường, thị trấn).

Trong công tác giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQP-AN), BCHQS đã tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị định và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng GDQP-AN Trung ương và Quân khu; đồng thời, triển khai xây dựng, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP-AN các cấp. BCHQS còn chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể rà soát, phân loại đối tượng, giúp Hội đồng GDQP-AN Tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo phân cấp và triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, đã tham mưu cho Tỉnh mở 65 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng 3, 4, 5 với 5.998 người và 2 lớp là chức sắc, chức việc các tôn giáo với 170 vị tham gia... Để nâng cao chất lượng công tác GDQP-AN cho học sinh, sinh viên và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, BCHQS Tỉnh đã tham mưu, đề nghị Tỉnh mở các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy môn học này ở các trường (cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông) trên địa bàn; đồng thời, đề nghị có chế độ ưu tiên trong thi tuyển công chức đối với giáo viên được đào tạo cơ bản theo đúng chuyên ngành GDQP-AN. Với cách làm trên, Tỉnh đã từng bước bảo đảm đủ nhu cầu cán bộ, giáo viên GDQP-AN. Công tác tuyên truyền, GDQP-AN cho toàn dân được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, BCHQS đã tham mưu để Tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông dành thời lượng phù hợp để tuyên truyền về công tác QP,QS địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương còn tăng cường tổ chức các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục quốc phòng, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, quê hương Bác Hồ vĩ đại, góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu chế độ, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trong các tầng lớp nhân dân.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ QP,QS, BCHQS Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về tổ chức lực lượng vũ trang (LLVT) và bảo đảm chế độ, chính sách cho LLVT, nhất là đối với lực lượng dự bị động viên và dân quân, tự vệ (DQ,TV). Đồng thời, chủ động thực hiện nhiều giải pháp xây dựng LLVT vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác QP,QS địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng lực lượng thường trực “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, vững mạnh về chính trị, có biên chế đủ số lượng theo quy định, có trình độ và khả năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu cao. Đặc biệt là, xây dựng cơ quan quân sự các cấp có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS. Hiện nay, Đảng ủy Quân sự Tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một số cán bộ, đảng viên. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên được gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 317-CT/QUTW của Quân uỷ Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm g­ương đạo đức Hồ Chí Minh”; chú trọng phát huy nhân tố tích cực, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc vi phạm kỷ luật xảy ra ở đơn vị.

Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, BCHQS Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp với đơn vị nhận nguồn đăng ký, quản lý chặt chẽ và tổ chức huấn luyện đạt kết quả tốt. Đến nay, 20/20 huyện (thị, thành phố) đã tổ chức tốt quy định đăng ký 2 cấp (huyện và xã), làm tốt công tác đăng ký lần đầu theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự; kết hợp công tác quản lý hộ khẩu với việc đăng ký di chuyển, nhất là số quân nhân dự bị đang ở độ tuổi từ 18 đến 25, chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự, có nhu cầu đi làm ăn xa. Trong quá trình tổ chức sắp xếp biên chế, cơ quan quân sự các cấp luôn thực hiện đúng quy định và phối hợp chặt chẽ với đơn vị nhận nguồn để sắp xếp bảo đảm đúng nguyên tắc, ưu tiên đúng chuyên nghiệp quân sự, gần, gọn địa bàn, tiện cho công tác quản lý và huy động.

Quán triệt và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về DQ,TV, BCHQS Tỉnh đã tham mưu giúp Hội đồng nhân dân, UBND Tỉnh ban hành các quyết định về tuyên truyền, tổ chức thực hiện tại địa phương. Trong đó, nổi bật là việc tham mưu xây dựng đề án về tổ chức lực lượng dân quân thường trực, DQ,TV biển theo kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng và Quân khu. Đến nay, DQ,TV của Tỉnh duy trì ở mức 1,5% so với dân số; đảng viên trong DQ,TV đạt 25,3%, tổ chức biên chế gọn, phù hợp với khả năng quản lý, chỉ huy và nhiệm vụ ở từng địa bàn. Trước sự phát triển của tình hình kinh tế – xã hội, BCHQS Tỉnh đã tham mưu, chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện (thị, thành phố) tiến hành khảo sát và xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng tự vệ ở các loại hình doanh nghiệp có đủ điều kiện để tổ chức đơn vị tự vệ đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ. Đến nay, Tỉnh đã chỉ đạo khảo sát 1.027 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập đơn vị tự vệ và đã thành lập mới 8 đơn vị tự vệ trong các doanh nghiệp. Trên cơ sở Luật Dân quân tự vệ và các văn bản liên quan, BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân, UBND ban hành các văn bản chỉ đạo thống nhất việc thu, quản lý, sử dụng quỹ QP-AN và phối hợp với các sở Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn liên ngành về số lượng Chỉ huy phó Ban chỉ huy Quân sự cấp xã (phường) và ban hành chế độ, chính sách đối với DQ,TV trên địa bàn. Nhờ đó, công tác xây dựng lực lượng DQ,TV thường xuyên được tăng cường, chất lượng, hiệu quả được nâng lên.

Tỉnh Nghệ An có diện tích 16.487 km2 với dân số trên 3 triệu người; có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào là 419,5 km. Lợi dụng đặc điểm vùng biên giới địa hình hiểm trở, mật độ dân số thấp, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các hoạt động, như: buôn bán hàng cấm, truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền kích động chia rẽ đồng bào giữa các dân tộc, tôn giáo... tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, BCHQS Tỉnh đã tích cực tham mưu về phối hợp giữa các lực lượng bộ đội địa phương, Bộ đội Biên phòng và Công an; xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động tổng hợp phía Tây (chống di, dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, buôn bán, vận chuyển ma túy,...); đồng thời, triển khai đề án hỗ trợ, giúp đỡ các tỉnh bạn Lào giáp biên giới với Nghệ An. Các đơn vị bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn còn phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tập trung tham mưu, giúp đỡ chính quyền các xã vùng sâu, vùng biên giới, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giúp nhân dân phát triển sản xuất “xoá đói giảm nghèo”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay là Nghị định số 77/2010/NĐ-CP), BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành Quy chế số 30/QC-UBND về tăng cường phối hợp giữa lực lượng quân sự, công an trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thông qua đó đã giải quyết nhiều vụ việc phức tạp diễn ra trên địa bàn. Điển hình là vụ một số giáo dân xây dựng, cơi nới mở rộng khuôn viên nhà thờ, bức ép đảng viên là giáo dân xin ra khỏi Đảng; việc một số phần tử xấu di cư sang Lào và từ Lào về, xâm nhập, móc nối vận chuyển, buôn bán ma túy có vũ khí nóng ở Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu của BCHQS Tỉnh vẫn còn những hạn chế, như: tính chủ động của một số cơ quan chưa cao; việc tham mưu về xây dựng cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu chưa toàn diện, một số cơ sở chưa vững chắc; tham mưu tổ chức xây dựng căn cứ hậu cần của KVPT chưa cụ thể, chưa tận dụng được tiềm năng trên địa bàn…  

Từ thực tiễn quá trình làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác QP,QS địa phương, BCHQS Tỉnh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trước hết, công tác tham mưu phải bám sát và quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, mà trực tiếp là của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu. Hai là, trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, cơ quan quân sự phải cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm địa bàn và chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về những biện pháp tổ chức thực hiện. Ba là, trong quá trình tham mưu, phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để tạo sự thống nhất trong các văn bản chỉ đạo. Bốn là, để thực hiện tốt công tác tham mưu, phải thường xuyên chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan có năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ, luôn nắm chắc tình hình có liên quan, chủ động tham m­ưu đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả các vấn đề về QP,QS cho cấp uỷ, chính quyền; cùng với đó, cơ quan quân sự phải chủ động, tích cực triển khai biện pháp cụ thể.

Những kết quả và bài học kinh nghiệm trên là cơ sở để BCHQS tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu về công tác QP,QS cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Đại tá NGUYỄN SỸ HỘI

Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)