Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 19/07/2012, 14:43 (GMT+7)
Bình Dương xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ tỉnh

Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc. Trong đó, xây dựng thế trận quân sự KVPT được Tỉnh xác định là một trong những nội dung cốt lõi, là nền tảng và là vấn đề mấu chốt nhất, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của KVPT. Theo đó, Tỉnh đã hoàn thành Đề án quy hoạch xây dựng thế trận quân sự KVPT Tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đề án được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu những căn cứ có tính pháp lý, các yếu tố khách quan, chủ quan tác động đến thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về tiếp tục xây dựng KVPT tỉnh (thành phố) vững chắc trong tình hình mới. Đây là cơ sở để Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) Tỉnh làm tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành trong Tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện.

Qua các đợt tổ chức khảo sát thực tế về thực trạng, chủng loại, số lượng, quy mô, vị trí và chất lượng các công trình phòng thủ đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010, lãnh đạo, chính quyền và các cơ quan chức năng tham mưu của Tỉnh đã thống nhất đánh giá kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong công tác xây dựng, quản lý và sử dụng các công trình phòng thủ...; để từ đó đề ra chủ trương, xác định các yêu cầu, những nội dung và định hướng cơ bản trong quá trình lập quy hoạch và xây dựng thế trận quân sự KVPT Tỉnh giai đoạn mới.

Trong quy hoạch tổng thể về thế trận quân sự KVPT, Tỉnh đã phân loại các hạng mục công trình, xác định lộ trình xây dựng và những công trình ưu tiên xây dựng trước; đồng thời, huy động các nguồn lực của mọi thành phần và lực lượng ở địa phương, kết hợp với hỗ trợ của Quân khu và Trung ương để xây dựng hệ thống công trình phòng thủ của KVPT Tỉnh hoàn chỉnh, vững chắc. Theo đó, những công trình lâu bền, như: sở chỉ huy thống nhất, sở chỉ huy cơ bản của cấp tỉnh, cấp huyện và thị xã, khu cất giấu vũ khí, trang bị, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, căn cứ chiến đấu; các công sự, trận địa trong KVPT then chốt, trên các hướng phòng thủ chủ yếu, quan trọng,... sẽ được xây dựng từ trong thời bình theo hướng cơ bản, đồng bộ và vững chắc, từng bước tạo nên thế trận quân sự hiểm chắc, liên hoàn, có chiều sâu. Các công trình phòng thủ khác (công trình dã chiến) sẽ được lập quy hoạch, xác định số lượng, vị trí bố trí, quy mô xây dựng, tính toán khối lượng và chuẩn bị sẵn các loại vật liệu, sẵn sàng huy động khi có tình huống hoặc khi chiến tranh xảy ra.

Trên thực tế, năm 2009 Bộ CHQS Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND Tỉnh thông qua “Đề án quy hoạch xây dựng khu căn cứ hậu cần - kỹ thuật thời chiến”. Đây là một thành phần quan trọng của thế trận quân sự KVPT Tỉnh, đã được Tư lệnh Quân khu phê duyệt. Cùng với đó, Bộ CHQS Tỉnh lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật về xây dựng Trung tâm chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, đã được UBND Tỉnh phê duyệt. Từ những căn cứ đó, Bộ CHQS Tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, đến nay đã hoàn thành một số công trình, như: cầu, điện, đường, kho vũ khí đạn... Trên cơ sở một số hạng mục của căn cứ hậu cần - kỹ thuật đã được xây dựng trước, Bộ CHQS Tỉnh đã và đang triển khai khu sản xuất tập trung. Như vậy, sự chủ động có tính chiến lược của Tỉnh không chỉ bảo đảm giữ được yếu tố bí mật trong thời bình, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thời chiến, mà còn có ý nghĩa thiết thực về mặt kinh tế trong việc khai thác có hiệu quả các công trình đã được xây dựng.

Để việc quy hoạch thế trận quân sự KVPT phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và có tính khả thi cao, Tỉnh đã xác định một số yêu cầu cơ bản. Đó là quy hoạch thế trận quân sự phải bám sát quyết tâm phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, gắn với tổng thể thế bố trí quốc phòng - an ninh và phù hợp với điều kiện địa hình của từng khu vực; sát với dự kiến các phương án tác chiến của địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khả năng về tổ chức thực hiện của từng địa phương. Quy hoạch các công trình phòng thủ phải được tính toán đủ về chủng loại, số lượng, quy mô và vị trí bố trí; đặc biệt, chú trọng việc tận dụng các công trình, hang động có sẵn để giảm bớt chi phí trong xây dựng. Một trong những yêu cầu có tính nguyên tắc là các cấp, các ngành, các lực lượng phải thực hiện nghiêm túc công tác bảo mật trong suốt quá trình quy hoạch, lập kế hoạch xây dựng, thi công và đưa các công trình phòng thủ vào sử dụng.

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ một số yếu tố chủ yếu như âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến; đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội của Tỉnh; điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu thủy văn,... có tác động và ảnh hưởng đến quy hoạch thế trận quân sự KVPT Tỉnh, Bộ CHQS Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh trong việc xác định khối lượng cần xây dựng các hạng mục công trình cụ thể trong từng giai đoạn: 2011 - 2015, 2015 - 2020 và các năm tiếp theo. Đồng thời, đề xuất về bố trí tổng thể cũng như chi tiết các công trình quốc phòng; các thành phần cơ bản cần xây dựng trong từng hạng mục công trình phòng thủ; xác định nhu cầu và kiến nghị với UBND Tỉnh về quỹ đất dành cho xây dựng các công trình quốc phòng trong thành phần thế trận quân sự KVPT Tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả của Đề án trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng, Bộ CHQS Tỉnh đã tham mưu cho UBND Tỉnh về lựa chọn các nhà thầu, trong đó ưu tiên chọn các đối tác thi công là những đơn vị kinh tế - quốc phòng thuộc lực lượng vũ trang, có đủ năng lực cả về tài chính, nguồn nhân lực, máy móc, trang thiết bị, kinh nghiệm và khả năng hoàn thành đúng tiến độ thời gian quy định với chất lượng cao.

Trong tổ chức thực hiện, Bộ CHQS Tỉnh đã đề xuất ý kiến tham mưu cho UBND Tỉnh về xác định chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ, hiệp đồng giữa các cấp, các ngành, các lực lượng có liên quan trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Theo đó, Bộ CHQS Tỉnh có trách nhiệm làm tham mưu giúp cho lãnh đạo và UBND Tỉnh về tổ chức lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự, dự thảo quy chế tổ chức thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn Ban CHQS các huyện, thị xã lập quy hoạch về xây dựng thế trận quân sự KVPT của từng huyện, thị xã. Hằng năm, Bộ CHQS Tỉnh chủ trì và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập kế hoạch bảo đảm ngân sách xây dựng công trình phòng thủ theo kế hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ CHQS Tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng và các sở, ban, ngành của Tỉnh tổ chức thực hiện, bảo đảm an toàn và giữ bí mật, đúng các chế độ quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng và các quy định của Tỉnh về quản lý đầu tư xây dựng các công trình đặc thù; thường xuyên kiểm tra rút kinh nghiệm, kịp thời đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng thế trận quân sự KVPT Tỉnh.

Hằng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư của Tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ CHQS Tỉnh, Sở Tài chính bảo đảm vốn đầu tư cho xây dựng thế trận quân sự theo quy hoạch đã được phê duyệt; phối hợp kiểm tra, theo dõi chỉ đạo để nâng cao hiệu quả các công trình xây dựng thế trận. Sở Tài chính của Tỉnh có nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bộ CHQS Tỉnh bảo đảm kinh phí cho các công trình xây dựng đã được phê duyệt; thực hiện việc cấp phát, thanh toán theo đúng chế độ quy định. Sở Xây dựng chủ trì và phối hợp với Bộ CHQS, Công an Tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể về xây dựng của Tỉnh để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự KVPT Tỉnh; hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của KVPT theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trên cơ sở đề xuất về nhu cầu xây dựng các công trình phòng thủ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Bộ CHQS Tỉnh cùng các cơ quan có liên quan xác định quỹ đất giành cho xây dựng thế trận quân sự KVPT, tạo điều kiện để sớm triển khai xây dựng các công trình phòng thủ theo đúng kế hoạch.

Đối với UBND các huyện (thị xã) chỉ đạo và thực hiện việc lập quy hoạch xây dựng thế trận quân sự KVPT của địa phương mình; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Tỉnh để xây dựng địa bàn ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vào xây dựng thế trận quân sự theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Để bảo đảm tính khoa học, thống nhất và có hiệu quả cao trong xây dựng thế trận KVPT, phù hợp với quy hoạch kiến trúc xây dựng đô thị cũng như quy hoạch điểm dân cư trên từng địa bàn, Bộ CHQS Tỉnh đề nghị cơ quan chức năng cấp trên nghiên cứu, ban hành quy chế và tiêu chuẩn về xây dựng các hạng mục công trình phòng thủ lâu bền và đầu tư kịp thời, bảo đảm ngân sách để Tỉnh hoàn thành nhanh gọn việc xây dựng các hạng mục công trình phòng thủ chủ yếu trong từng giai đoạn đã đề ra.

Như vậy, Đề án quy hoạch xây dựng thế trận quân sự KVPT tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và những năm tiếp theo là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 28-NQ/BCT của Bộ Chính trị; Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng KVPT và Chương trình hành động số 94/CTr-TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/BCT của Bộ Chính trị. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục xây dựng tỉnh Bình Dương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới.

Thiếu tướng VĂN CÔNG DANH

Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.