Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:41 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Cửu Long đã luôn xác định rõ trách nhiện, tổ chức nhiều hoạt thiết thực, giúp địa phương hiện thực hóa mục tiêu, xứng đáng là “đội quân công tác” trong tình hình mới.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 434 và lực lượng dân quân phường Bình Nhâm tu sửa tuyến đường Bình Nhâm 02 (Ảnh: đơn vị cung cấp)
Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn cho rằng: đây là Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực triển khai thực hiện phong trào với các nội dung, biện pháp cụ thể, mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền núi, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH,HĐH ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, coi đây là chức năng, nhiệm vụ, thể hiện bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” - từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu của Quân đội ta nói chung và cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Binh đoàn nói riêng.
Trên cơ sở nhận thức đúng ý nghĩa to lớn của phong trào và quán triệt sâu sắc Kế hoạch 21/KH-CT, Hướng dẫn 22/HD-CT của Tổng cục Chính trị về hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thường vụ Đảng ủy Binh đoàn đã ra Nghị quyết chuyên đề, xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công địa bàn cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp ra nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; tổ chức phát động thi đua với khí thế của Binh đoàn chủ lực, đã ra quân là đánh thắng. Theo kế hoạch, phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” mà Binh đoàn đảm nhiệm được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2011 đến hết năm 2015), tập trung xây dựng, ban hành kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực, bộ phận giúp việc; tổ chức phát động, đăng ký, xác định đơn vị làm điểm và triển khai thực hiện; đánh giá kết quả chỉ đạo điểm, nhân rộng phong trào; tổ chức sơ kết, bình xét, biểu dương, khen thưởng trong năm 2015. Giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến năm 2020), trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và tình hình cụ thể ở các địa phương, Binh đoàn tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện và tiến hành tổng kết toàn diện vào năm 2020.
Để thực hiện tốt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, trước hết, Binh đoàn tập trung quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho CB,CS và phối hợp với địa phương tổ chức thực hiện, trong đó có tuyên truyền cho nhân dân nắm vững ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nội dung, tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với sự nghiệp CNH,HĐH nông nghiệp và nông thôn. Đây không chỉ là chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, mà còn là tình cảm, trách nhiệm lớn lao của CB,CS đối với sự phát triển của địa phương trong sự nghiệp đổi mới. Qua thực tiễn tham gia xây dựng nông thôn mới, ý chí quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị được nâng cao; tinh thần tự giác, sáng tạo, cần cù, chịu khó của CB,CS và nhân dân trên địa bàn được đẩy mạnh; khí thế xây dựng nông thôn mới được thể hiện rõ nét trên các lĩnh vực công tác. Binh đoàn chủ động phối hợp với địa phương để nắm tình hình, xác định rõ nội dung cần tập trung xây dựng, triển khai toàn diện các mặt hoạt động của Chương trình. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn xác định, việc thực hiện phong trào là dịp để rèn luyện bản lĩnh, ý chí và quyết tâm hành động cho bộ đội, bồi đắp cho họ tinh thần của người chiến sĩ Binh đoàn năm xưa, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh và hết lòng giúp đỡ nhân dân, tô thắm nét đẹp của tình quân - dân trong thời kỳ mới.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong Binh đoàn đã ký kết chương trình xây dựng nông thôn mới với 17 xã, 10 huyện, 6 tỉnh (thành phố) trên địa bàn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, Binh đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để tham gia khảo sát, quy hoạch, xây dựng kế hoạch, đề ra nội dung, hình thức tổ chức thực hiện cụ thể, phù hợp; giúp đỡ các địa phương cả về tinh thần, vật chất, tham mưu cho họ những vấn đề liên quan đến thực hiện các tiêu chí, nhất là tiêu chí thứ 19 về công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Trong từng giai đoạn, Binh đoàn đã lựa chọn một số tiêu chí mang tính đột phá, nhằm tập trung mọi khả năng, lực lượng để dồn sức giải quyết mang tính đồng bộ và hiệu quả cao. Với chức năng của mình, CB,CS Binh đoàn đã tham gia giúp nhân dân các địa phương phát triển sản xuất, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tu sửa, mở mới, cứng hóa các đường trục xóm, ấp đạt chuẩn theo kỹ thuật; đào đắp, nạo vét kênh mương nội đồng, củng cố trường học, trạm y tế; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp trong tình hình hiện nay.
Thông qua huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, CB,CS Binh đoàn đã tuyên truyền, động viên gia đình, người thân và nhân dân nơi đóng quân hưởng ứng nhiệt tình các phong trào hành động cách mạng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, như: hiến kế, hiến đất, hiến vườn, tham gia lao động công ích xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường, chỉnh trang vườn hộ, v.v. Đồng thời, chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương huy động mọi nguồn kinh phí và huy động lực lượng xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội, xóa nhà tạm, nhà dột nát ở khu dân cư; sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho các đối tượng chính sách, neo đơn. Ngoài ra, các đơn vị của Binh đoàn còn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể làm công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội, thực hiện có hiệu quả công tác “đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; chủ động tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân và tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của địa phương ngày một khởi sắc1. Trường Dạy nghề của Binh đoàn tích cực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Từ thực tiễn tham gia xây dựng phong trào, xuất hiện nhiều đơn vị điển hình, như: Sư đoàn 9, Trung đoàn 31 (Sư đoàn 309), Lữ đoàn 550, Bệnh viện 4 trong giúp địa phương xây dựng, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; Lữ đoàn 434, Lữ đoàn 71, Lữ đoàn 22 và Trường Nghề 22 trong tham gia phát triển đời sống văn hóa khu dân cư, v.v. Những việc làm thiết thực đó đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân và có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy mọi người tích cực tham gia, góp phần làm cho công tác xã hội hóa trong thu hút nguồn lực xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả cao.
Từ những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Binh đoàn rút ra một số kinh nghiệm sau:
1. Tiếp tục quán triệt cho mọi CB,CS nắm vững mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội và của cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện nhiệm vụ này. Trên cơ sở đó, động viên tinh thần, trách nhiệm của mọi CB,CS trong tham gia xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đã được xác định; khắc phục mọi biểu hiện vô cảm, ngại khó, ngại khổ, làm việc cầm chừng, “nước sông công lính”, hiệu quả thấp.
2. Cơ quan chức năng, bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo phong trào của các đơn vị phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể địa phương chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, tổ chức khảo sát, phân công nhiệm vụ cụ thể, bám, nắm địa bàn; tích cực theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện phong trào.
3. Kết hợp thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” với đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; xác định yêu cầu phải đạt được của từng phong trào để có kế hoạch, biện pháp tổ chức phù hợp với khả năng của đơn vị và đặc điểm của từng địa bàn. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, cách làm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và tiềm năng, điều kiện, phong tục tập quán của địa phương, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
4. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các đơn vị Quân đội trên địa bàn thực hiện tốt công tác dân vận, giúp nhân dân lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm tốt chính sách hậu phương quân đội, góp phần cùng địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sự nghiệp CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Duy trì thường xuyên công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương; tổ chức rút kinh nghiệm, làm tốt công tác sơ, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình, góp phần cổ vũ, động viên nhân tố tích cực, tự giác tham gia phong trào. Đồng thời, kiên quyết khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, những biểu hiện nhận thức, hành động không đúng ảnh hưởng đến ý nghĩa chính trị và hiệu quả của phong trào .
Thời gian tới, CB,CS Binh đoàn Cửu Long tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” với tinh thần trách nhiệm và tính chủ động, sáng tạo cao, thiết thực góp phần xây dựng các địa phương giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về cảnh quan môi trường trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá PHẠM KIM CƯƠNG, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn _______________________
1 - Năm 2014, Binh đoàn giúp địa phương xây dựng 36 ngôi nhà (Nhà Đồng đội: 08, Nhà Đại đoàn kết: 05, Nhà tình nghĩa: 19, Nhà nghĩa tình Hội viên: 01, Nhà 100 đồng: 03), tổng trị giá 2 tỷ 130 triệu đồng; làm đường giao thông nông thôn: 79 km, có 35 km đường bê tông; nạo vét kênh, mương: 60 km; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 6.805 lượt người, trị giá 1tỷ 400 nghìn đồng; hỗ trợ học sinh nghèo, trẻ em nhiễm chất độc da cam trị giá 853 triệu đồng; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng trị giá 21 triệu đồng; phối hợp tuần tra kiểm soát, tham gia giải quyết vụ việc 57 lần với 357 lượt người; giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao 255 lần với 28 nghìn người tham gia, v.v.
Binh đoàn Cửu Long,nông thôn mới
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm