Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:34 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Trong những năm qua, Binh đoàn 16 đã đề cao trách nhiệm, phát huy nội lực, chủ động, sáng tạo tham gia thực hiện tốt Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Đứng chân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Binh đoàn 16 có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông và Đắk Lắk. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tình trạng di, dịch cư tự do, truyền đạo trái pháp luật, vượt biên trái phép luôn xảy ra, cùng những vấn đề về an ninh nông thôn, v.v. Những yếu tố đó là thách thức không nhỏ đối với Binh đoàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Thấu suốt tình hình nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn cùng tập thể cán bộ, chiến sĩ và người lao động đã nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, đạt được những thành tích toàn diện cả về phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng. Trong đó, việc triển khai thực hiện Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” được Binh đoàn thường xuyên quan tâm chăm lo, với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trên địa bàn, xây dựng thế trận và tiềm lực khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.
Để có được kết quả đó, trước hết, Binh đoàn tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, xây dựng động cơ, quyết tâm cho mọi người trong việc thực hiện Phong trào thi đua này. Binh đoàn xác định, đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và là tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, người lao động đối với nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nói riêng. Đồng thời, tăng cường phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những nội dung, tiêu chí, yêu cầu cơ bản của xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Với chủ trương hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn, Binh đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định rõ địa bàn, nội dung tham gia xây dựng nông thôn mới, lựa chọn đúng, trúng mô hình, triển khai phù hợp. Mục tiêu của Binh đoàn là mỗi công ty, đơn vị phải giúp từ 1 đến 2 xã trên địa bàn đóng quân xây dựng nông thôn mới; tại đó, thực hiện 1 đến 2 công trình, mô hình có giá trị và hiệu quả thiết thực. Đây là chỉ tiêu không dễ thực hiện, nhất là trong điều kiện một số đơn vị của Binh đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Song, từ nhận thức đúng, quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn luôn bám sát cơ sở, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, đi đầu trong giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống tội phạm và các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, v.v. Thực tiễn cho thấy, trong thực hiện, khâu khó nhất là làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, cả những phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào, nên cần phải có thời gian. Mặt khác, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khi triển khai các mô hình sản xuất mới, phải “cầm tay, chỉ việc”, khi có hiệu quả đồng bào mới tin theo. Vì vậy, Binh đoàn xác định phải kiên trì, thực hiện đúng lộ trình, đi dần từng bước vững chắc.
Phát triển kinh tế là nội dung được Binh đoàn hết sức coi trọng và xác định đây là cơ sở, nền tảng xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều đó, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai mô hình “gắn kết” ở tất cả các cấp: Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ công nhân người dân tộc thiểu số. Thông qua đó, để tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất; hướng dẫn đồng bào dần tự làm chủ quy trình chăm sóc vật nuôi, cây trồng. Đối với công nhân, người lao động, Binh đoàn chỉ đạo các công ty hoàn thiện các phương án “khoán vườn cây”, tạo điều kiện thuận lợi cho họ chủ động đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí. Các hộ gia đình công nhân, hộ nhận khoán còn được tận dụng đất trống trồng xen cây ngắn ngày để tăng thêm thu nhập. Vì vậy, ngoài thu nhập từ chăm sóc vườn cây của đơn vị, người lao động còn có nguồn thu đáng kể từ sản phẩm phụ, như: hồ tiêu, lúa, bắp, bí đỏ, đậu, v.v. Đến nay, không còn hộ nhận khoán của Binh đoàn thuộc diện nghèo, đói và có hơn 30% số hộ khá và giàu. Để tạo điều kiện phát triển sản xuất, Binh đoàn đặc biệt chú trọng xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”; tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng hơn 300 km đường giao thông; gần 200km đường điện trung, hạ thế; gần 80 hồ, đập, công trình thủy lợi, 40 trường học, 62 nhà trẻ, 06 bệnh xá, 01 bệnh viện quân - dân y, v.v.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Binh đoàn chú trọng phát triển đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Theo đó, Binh đoàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” gắn với xây dựng “Đơn vị có môi trường văn hóa tốt”; tích cực tuyên truyền, giúp nhân dân bài trừ hủ tục, tà đạo, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; đầu tư, hỗ trợ xây dựng các công trình nước sạch, khu vực thu gom, xử lý rác thải và chợ nông thôn đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Hỗ trợ cơ sở vật chất gắn với vận động nhân dân khai hoang, định canh, định cư, không phá rừng, đốt nương làm rẫy; gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương. Tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao,... đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, Binh đoàn quan tâm, tham gia xây dựng các công trình di tích lịch sử, văn hóa, như: Khu di tích lịch sử Tà Thiết, nghĩa trang liệt sĩ,... góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, phát huy tinh thần dân tộc. Cùng với đó, Binh đoàn còn quan tâm chăm lo sức khỏe cho người dân, thực hiện hiệu quả Chương trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”; tổ chức hàng trăm tổ, đội công tác phòng, chống dịch bệnh, làm sạch môi trường. Đội ngũ cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện 16 và các trạm y tế quân - dân y của Binh đoàn, ngoài hoạt động thường xuyên phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn, còn tích cực khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, đối tượng chính sách. Tính đến tháng 10-2018, đã khám và cấp thuốc miễn phí cho 56.480 lượt người, với trị giá hơn 5,6 tỷ đồng.
Đi liền với các giải pháp trên, Binh đoàn chú trọng xây dựng nông thôn mới trên các khu kinh tế - quốc phòng, nhằm tạo sự lan tỏa ra cả khu vực. Các khu kinh tế - quốc phòng đều do nhà nước đầu tư đồng bộ, ngay từ đầu, nhất là cơ sở hạ tầng, nên trong xây dựng nông thôn mới có những đặc thù riêng. Theo đó, các cụm, điểm dân cư gắn với khu vực sản xuất của các nông trường, xí nghiệp; đội sản xuất đan xen với các buôn, làng của địa phương. Với nhận thức là làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho cả khu vực, nên Binh đoàn tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút người lao động địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân cư đến đó”; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, người địa phương trở thành người lao động của Binh đoàn. Xây dựng “làng công nhân” và khu dân cư của đồng bào trên địa bàn thực sự là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới; trước mắt, phấn đấu đạt các tiêu chí về quốc phòng - an ninh, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường. Đến nay, Binh đoàn đã xây dựng được 9 khu kinh tế - quốc phòng, hình thành 56 cụm, điểm dân cư dọc vành đai biên giới; quy hoạch, tiếp nhận, ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 5.500 hộ dân (trong đó có trên 1.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số), với gần 25.000 nhân khẩu. Để ổn định đời sống dân cư, Binh đoàn phối hợp với các địa phương tổ chức khai hoang, trồng mới 5.580ha cao su, cà phê, tiêu, điều; khoanh trồng, bảo vệ hơn 10.500ha rừng vành đai biên giới; cấp đất ở, đất canh tác cho các hộ dân theo quy định; tổ chức giao - nhận khoán vườn cây công nghiệp cho 3.235 hộ dân; tổ chức cung ứng vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng trọt; bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, các hộ dân tham gia dự án và người lao động Binh đoàn yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố niềm tin cho nhân dân trong xây dựng cuộc sống trên vùng kinh tế mới.
Cùng với đó, Binh đoàn tích cực hưởng ứng, đẩy mạnh thực hiện các phong trào, như: “Đưa ánh sáng văn hóa đến với bản, làng”, “Trí thức trẻ tình nguyện”, “Xóa mù chữ và phổ cập tiểu học”, “Đền ơn, đáp nghĩa”,… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách xã hội. Hằng năm, nhiều căn nhà “Mái ấm công đoàn”, “Nghĩa tình đồng đội” đã được trao tặng cho công đoàn viên và cán bộ, công nhân, người lao động của Binh đoàn. Nhiều hộ đồng bào nghèo được Binh đoàn tạo điều kiện hỗ trợ vốn, giao khoán vườn cây, giúp bà con từng bước tháo gỡ khó khăn, vươn lên làm giàu.
Phát huy truyền thống gần 20 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn 16 tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống: “Dân chủ, sáng tạo, đoàn kết, quyết thắng”. Thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới, Binh đoàn luôn đồng lòng, chung sức cùng nhân dân chiến thắng đói nghèo; tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn chiến lược của Tổ quốc.
Đại tá HÀ HUY TÂN, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn
Binh đoàn 16,Quân đội chung sức,xây dựng nông thôn mới
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm