Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 12/08/2022, 07:36 (GMT+7)
Binh đoàn 15 đồng hành cùng người dân Tây Nguyên

Kiên trì thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân

Tây Nguyên là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em với những đặc trưng, sắc thái văn hóa của nhiều tộc người, nhiều địa phương hội tụ. Đây cũng là địa bàn có nhiều tiềm năng, giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại đối với khu vực miền Trung và cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, diện mạo cũng như đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều khởi sắc, cải thiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, khu vực này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại lâu đời, v.v. Vì thế, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được Binh đoàn xác định là việc làm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, cần nỗ lực, kiên trì trong thực hiện. Với nhận thức đó, ngay từ những năm đầu thành lập, với kinh nghiệm trong việc xác định mô hình phát triển, Binh đoàn lựa chọn cây cao su là loại cây chiến lược, bởi không chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mà quan trọng hơn, loại cây này còn phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo thu nhập ổn định lâu dài, nâng cao đời sống cho người dân.

Trải qua 37 năm, cùng với việc mở rộng mô hình sản xuất, Binh đoàn luôn kiên trì chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ giữa tuyển dụng lao động, phát triển sản xuất với nâng cao trình độ dân trí. Đây vừa là trách nhiệm chính trị của Binh đoàn, vừa là việc làm có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, do nếp sống du canh, du cư, tập quán canh tác, sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên đã lâu đời, nên việc đưa bà con vào làm việc tại Binh đoàn với nếp sống, cách thức lao động, sản xuất mới, đòi hỏi tính kỷ luật, khoa học, năng suất, chất lượng, hiệu quả, là điều không hề dễ dàng. Do đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn đã kiên trì vận động, đưa người Kinh vào “làm mẫu”, cầm tay chỉ việc, thuyết phục đồng bào bằng thực tế cuộc sống khá giả của người lao động đi trước. Binh đoàn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, khoa học - kỹ thuật, kỹ năng lao động cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; cử cán bộ kỹ thuật về từng thôn, làng hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi, trồng và hỗ trợ vốn, giống, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, v.v. Với phương châm: “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, cùng với vườn cao su, cà phê được mở rộng, những bản, làng của bà con được xây dựng khang trang hơn. Trước đây, nhiều gia đình chỉ biết phá rừng làm nương rẫy, thì nay đã chuyển sang trồng cây công nghiệp dài ngày, công ăn việc làm ổn định, đời sống ngày càng nâng cao, nhiều hộ gia đình trở nên giàu có với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, tỷ lệ hộ nghèo tại các địa bàn đóng quân của Binh đoàn giảm từ hơn 60% xuống dưới 10%. Đến nay, số lao động là người dân tộc thiểu số làm việc trong Binh đoàn đạt trên 52%, số công nhân và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã nhận khoán với hơn 70% tổng diện tích cây trồng của Binh đoàn. Sự đồng hành của Binh đoàn không chỉ góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân, mà quan trọng hơn là đã làm chuyển đổi căn bản nhận thức của đồng bào về tác phong, lề lối làm việc, cách thức phát triển kinh tế gia đình, nâng cao ý thức đối với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường,... góp phần xây dựng nguồn lực con người trong xây dựng buôn, làng văn hóa, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, củng cố cơ sở chính trị địa phương ngày càng vững chắc, tăng cường lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Khánh thành và bàn giao đường giao thông cho địa phương

Đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội

Do đặc thù nhiệm vụ, hầu hết các đơn vị của Binh đoàn đứng chân trên địa bàn rộng, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ kháng chiến, dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, cơ sở chính trị nhiều nơi còn mỏng, yếu, trình độ dân trí thấp, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, đòi hỏi Binh đoàn phải thường xuyên chú trọng làm tốt công tác dân vận, giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững. Để làm được điều đó, yếu tố cốt lõi là đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm phúc lợi xã hội ở từng công ty, đơn vị và địa phương đứng chân; xây dựng địa bàn dân cư gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể khu Kinh tế Quốc phòng và các dự án được triển khai, Binh đoàn đã xây dựng quy hoạch cụ thể, có chính sách phù hợp điều chỉnh lao động hợp lý từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh; gắn tốc độ phát triển của Binh đoàn với sự phát triển chung của Tây Nguyên và cả nước. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương, Binh đoàn đã huy động tối đa nguồn nhân tài, vật lực nội sinh bằng tình cảm, trách nhiệm đóng góp của cán bộ, nhân viên, người lao động, tạo nguồn lực, sức mạnh tổng hợp cho công tác này. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư; tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới bằng những công trình, phần việc thiết thực, như: tu sửa, làm mới kết cấu hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, xóa nhà tranh tre, nứa lá trên địa bàn. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do Binh đoàn xây dựng đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của địa phương.

Binh đoàn luôn gắn nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh với sự ổn định đời sống người lao động. Tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư, chi phí giá thành sản phẩm sát với thị trường và năng lực của đơn vị. Đột phá trong tổ chức điều hành, quản lý kế hoạch với các chỉ tiêu tăng trưởng theo hướng bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; tăng cường quản lý sản phẩm từ vườn cây đến nhà máy chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, bám sát thị trường để chủ động trong tiêu thụ.

Những năm qua, trong điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; lực lượng lao động thiếu, công tác tuyển dụng, đào tạo gặp nhiều khó khăn; giá bán sản phẩm cao su không ổn định; giá cả vật tư, nguyên vật liệu, phân bón phục vụ sản xuất đều tăng mạnh, các khoản chi phí phát sinh lớn làm cho tình hình tài chính của Binh đoàn gặp nhiều khó khăn, nợ vay tại các ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao, áp lực trả nợ lớn, v.v. Để khắc phục tình trạng đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã bám sát chủ trương của trên, cân đối nguồn lực, dự báo thị trường, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính; chủ động xây dựng và triển khai các phương án kế hoạch sớm, sát với yêu cầu, đặc thù đơn vị. Nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành sản xuất; duy trì nghiêm quy chế quản lý, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý, chế biến, bảo quản; tích cực nắm bắt thị trường, chủ động tiêu thụ sản phẩm kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí; triển khai đồng bộ các biện pháp chống thất thoát, tận thu nguyên liệu nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Năm 2021, giá trị sản xuất của Binh đoàn đạt trên 111% kế hoạch; thu nhập bình quân đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đó, Binh đoàn tích cực tham gia cùng địa phương bảo đảm tốt phúc lợi xã hội; duy trì hoạt động hiệu quả cho hơn 100 điểm trường mầm non, hơn 300 nhóm lớp, hỗ trợ phát triển thể chất cho gần 7.000 trẻ em; trong đó, hơn 2.000 trẻ em là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Bệnh viện của Binh đoàn và 11 bệnh xá các đơn vị tích tham gia phát triển hệ thống y tế cộng đồng, thực hiện có hiệu quả chương trình quân - dân y kết hợp, tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho hàng chục vạn lượt người mỗi năm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời, thường xuyên bảo đảm tốt các chính sách, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, trẻ em khuyết tật, gia đình khó khăn, v.v.

Gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn vững chắc

Xuất phát từ chủ trương của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên vành đai biên giới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn coi việc định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo là nội dung quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị vùng biên giới. Do đó, Binh đoàn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn phòng, chống có hiệu quả các hoạt động vượt biên trái phép, truyền đạo trái pháp luật; nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi kích động, xúi giục, chống phá của các thế lực thù địch; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng địa bàn đóng quân an toàn, vững mạnh.

Thực hiện chủ trương Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện, công ty gắn với huyện, xã, đội sản xuất gắn với bản, làng, Binh đoàn đã xây dựng 09 cụm và 225 điểm dân cư ở các công ty; các đội sản xuất hình thành nên các xóm, cụm dân cư xen kẽ với các làng của đồng bào. Đến nay, đã cơ bản phủ kín dân cư cho 220 km/251 km đường biên giới Binh đoàn đứng chân, tạo thành thế bố trí lực lượng liên hoàn, khép kín trong thế trận quốc phòng toàn dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Đặc biệt, với sự hoạt động hiệu quả của các mô hình, cách làm sáng tạo trong công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt, nhất là mô hình: gắn kết hộ công nhân với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương đã góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng thấm dần vào mỗi người dân, trong từng gia đình, từng thôn, xóm, bản, làng; củng cố mối đoàn kết giữa các dân tộc anh em, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn vững chắc.

Với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quân đội, bằng tình cảm gắn bó máu thịt với người dân Tây Nguyên, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15 luôn kiên trì, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên địa bàn, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Tây Nguyên phát triển bền vững.

Đại tá HOÀNG VĂN SỸ, Tư lệnh Binh đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.