Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 23/04/2012, 02:28 (GMT+7)
Binh chủng Thông tin liên lạc nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá

Đối với Bộ đội Thông tin liên lạc, công tác kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật không chỉ là nội dung then chốt, trực tiếp góp phần đảm bảo cho hệ thống thông tin liên lạc trong toàn quân hoạt động thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống, mà còn là đòi hỏi bức thiết trước yêu cầu đi thẳng lên hiện đại của Binh chủng trong giai đoạn hiện nay

Là cơ quan đầu ngành thông tin của Quân đội, ngoài nhiệm vụ tổ chức thông tin liên lạc (TTLL) cho Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Binh chủng TTLL còn có nhiệm vụ bảo đảm trang bị (BĐTB) và bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) thông tin cho toàn quân.

Những năm gần đây, nhiệm vụ của Binh chủng liên tục có sự phát triển, nên nhu cầu BĐKT tăng mạnh, số lượng trang bị và hệ thống mạng lưới thông tin cần sửa chữa, nâng cấp, đồng bộ lớn. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức và năng lực của hệ thống BĐKT thông tin các cấp còn có mặt hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra; nguồn ngân sách hằng năm còn hạn hẹp; đầu mối phải bảo đảm trong khắp toàn quân, trên địa bàn cả nước. Đặc biệt, bên cạnh các trang bị thông tin (TBTT) truyền thống, phần lớn đã qua khai thác, sử dụng nhiều năm, Binh chủng đã có bước đi trước đón đầu, đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng nhiều loại TBTT mới hiện đại; trong đó, nhiều trang bị có trình độ công nghệ và hiện đại đứng hàng đầu thế giới, như: hệ thống Trunking, VSAT, truyền hình, truyền dẫn cáp quang, các loại máy vô tuyến điện công nghệ cao nhảy tần tự thích nghi… Công tác BĐKT cho các trang bị này rất phức tạp, yêu cầu khắt khe, có sự khác biệt lớn so với các trang bị thế hệ cũ; các loại vật tư kỹ thuật chuyên dụng thay thế phụ thuộc nhiều vào nhà sản xuất; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên (CB,NV) kỹ thuật có mặt chưa theo kịp sự phát triển, thay đổi nhanh của công nghệ… Thực tiễn đó đã đặt ra cho công tác kỹ thuật (CTKT), ngành Kỹ thuật Binh chủng không ít khó khăn, thách thức cần giải quyết.

 Trước tình hình đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, ngành Kỹ thuật Binh chủng đã tập trung đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT, xác định đây là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt; đồng thời, là đòi hỏi bức thiết trong hoạt động của Ngành cả trước mắt và lâu dài, là nhân tố quan trọng góp phần duy trì, khai thác hiệu quả hệ thống TTLL hiện có, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Ngành đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp về cả tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tổ chức thực hiện; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng về CTKT. Thực hiện công tác này, ngành Kỹ thuật Binh chủng, trước hết là Cục Kỹ thuật luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về CTKT, nhất là Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và bám sát nhiệm vụ của Binh chủng, tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xây dựng nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo CTKT. Trong đó, đặt trọng tâm vào nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xây dựng, hoàn thiện quy hoạch hệ thống BĐKT phù hợp với quy hoạch điều chỉnh lực lượng của Binh chủng; đầu tư nâng cao năng lực của cơ sở BĐKT các cấp; đổi mới phương thức BĐKT; xây dựng các quy trình, quy chế, định mức kỹ thuật, thống nhất hoạt động của hệ thống BĐKT thông tin toàn quân… Đặc biệt, Ngành đã chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho Binh chủng và Bộ Tổng Tham mưu tổ chức quy hoạch sử dụng các TBTT trong toàn quân theo hướng giảm chủng loại, tập trung duy trì chất lượng và đồng bộ cho các trang bị có số lượng lớn, còn trong quy hoạch; đồng thời, thống nhất sử dụng một số loại TBTT cho từng đơn vị trong toàn quân, nhất là ở cấp chiến dịch, chiến thuật. Qua đó, đưa ra khỏi biên chế TBTT nhiều trang bị cũ, không còn phù hợp, góp phần thiết thực đổi mới, đồng bộ hệ thống TTLL và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư mua sắm, quản lý, dự trữ vật tư, sửa chữa, nâng cấp trang bị, nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả CTKT.

Hai là, coi trọng xây dựng đội ngũ CB,NV kỹ thuật thông tin vững mạnh, làm nòng cốt thực hiện CTKT ở các cấp. Là binh chủng kỹ thuật thuộc lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh về khoa học - kỹ thuật, công nghệ, khi hệ thống TTLL quân sự ngày càng được đầu tư nhiều trang bị thế hệ mới hiện đại, thì việc xây dựng đội ngũ CB,NV kỹ thuật có trình độ cao, chuyên sâu để có thể quản lý, khai thác và thực hiện tốt các nội dung BĐKT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là cơ sở để không chỉ quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ CTKT, mà còn quyết định sự thành công của quá trình hiện đại hoá Binh chủng. Từ nhận thức đó, Ngành đã nỗ lực tập trung xây dựng đội ngũ CB,NV kỹ thuật có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuẩn hoá về trình độ chuyên môn, tay nghề theo từng vị trí công tác; chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành ở các cơ sở BĐKT chiến lược, chiến dịch và nhân viên, thợ kỹ thuật giỏi ở đơn vị cơ sở. Thực hiện chủ trương của Ngành, Cục đã rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ CB,NV kỹ thuật các cấp, từ đó xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Những năm qua, Cục đã chỉ đạo thực hiện đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB,NV kỹ thuật; kết hợp huấn luyện tại Binh chủng, đơn vị với đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, Cục đã và đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường cử CB,NV tham gia các dự án, tham gia thi công các công trình thông tin, xử lý các sự cố hư hỏng..., coi đây là một “kênh” quan trọng để CB,NV nâng cao trình độ, tay nghề. Cùng với đó, Ngành duy trì thành nền nếp công tác huấn luyện, tập huấn kỹ thuật hằng năm. Trong huấn luyện, Ngành đã bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, sát nhiệm vụ đơn vị”, kết hợp hài hoà huấn luyện toàn diện và chuyên sâu; chú trọng huấn luyện thực hành, tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, tổ chức BĐKT cho trang bị mới, BĐKT trong điều kiện có tác chiến điện tử... Riêng năm 2011, Cục đã trích hàng trăm triệu đồng để thực hiện hợp đồng với Học viện Bưu chính Viễn thông trong đào tạo; qua đó, đào tạo được 8 đồng chí đạt tiêu chuẩn kỹ thuật viên mạng quốc tế; đồng thời, tổ chức gần 20 lớp huấn luyện cho 393 lượt CB,NV kỹ thuật của Binh chủng và toàn quân, với kết quả 100% khá, giỏi. Với những nỗ lực đó, đến nay, đội ngũ CB,NV kỹ thuật của Binh chủng đã có sự phát triển về mọi mặt, đủ khả năng quản lý, khai thác và thực hiện tốt các nội dung BĐKT cho hệ thống TTLL.

Ba là, tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở BĐKT thông tin và đẩy mạnh phân cấp BĐKT. Trước sự phát triển nhanh của hệ thống TTLL, để thực hiện tốt công tác BĐKT, nhất là cho các TBTT mới, đòi hỏi cần có các cơ sở BĐKT hiện đại, các trang bị sửa chữa, đo lường và quản lý chất lượng phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết trạm, xưởng của các đơn vị cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, trang thiết bị và công nghệ phần lớn đã cũ, các thiết bị sửa chữa chuyên ngành, vật tư thay thế còn ít và thiếu so với yêu cầu. Từ thực tế đó, Cục vừa tham mưu cho Binh chủng kiện toàn hệ thống BĐKT, vừa huy động, tận dụng các nguồn lực đầu tư nâng cấp toàn diện các cơ sở BĐKT do Binh chủng trực tiếp quản lý và các trạm, xưởng cấp chiến dịch, chiến thuật trong toàn quân. Thực hiện Chỉ thị số 2052/CT-BTL của Tư lệnh Binh chủng, Cục đã chỉ đạo và thực hiện kiện toàn, quy hoạch các cơ sở BĐKT trong toàn quân theo từng vùng, miền, hướng chiến lược, hình thành hệ thống BĐKT thông tin ở 3 cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật). Đây là cơ sở quan trọng để Ngành thực hiện đổi mới phương thức BĐKT thông tin theo hướng: phân cấp mạnh cho cấp chiến dịch, chiến thuật và theo khu vực; thực hiện kết hợp bảo đảm tập trung với tại chỗ và cơ động.

Cùng với chỉ đạo các đơn vị khai thác, phát huy hiệu quả các trang, thiết bị hiện có, Ngành từng bước đầu tư, mua sắm và bổ sung cho các cơ sở BĐKT các cấp nhiều thiết bị, phương tiện bảo dưỡng, sửa chữa chuyên ngành hiện đại; tăng cường bảo đảm vật tư dự phòng theo quy định, nhất là các vật tư chuyên dụng cho TBTT mới... Đặc biệt, Ngành đã rà soát, xây dựng và từng bước triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cấp toàn diện các cơ sở BĐKT trong toàn quân. Để việc đầu tư nâng cấp đạt hiệu quả, Ngành thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những nội dung, hạng mục thiết thực phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng của đơn vị. Đến nay, Binh chủng đã hoàn thành giai đoạn 1 đầu tư nâng cấp các cơ sở BĐKT cấp chiến lược (Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao, Công ty Điện tử Z755), 31 trạm, xưởng cấp chiến dịch, 37 trạm sửa chữa cấp chiến thuật, với tổng số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Trong đó, các cơ sở BĐKT cấp chiến lược và 3 trung tâm BĐKT khu vực (phía Bắc, phía Nam và Tây Nguyên) được đầu tư có chiều sâu về công nghệ, đảm bảo đủ sức thực hiện chức năng BĐKT thông tin tuyến cuối cho toàn quân. Các cơ sở cấp chiến dịch, chiến thuật đảm bảo sửa chữa được 100% các TBTT hệ cũ và một phần trang bị mới theo phân cấp. Nhờ thực hiện tốt giải pháp trên đây, năng lực bảo đảm của Ngành được nâng lên rõ rệt, đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa TBTT của các đơn vị, hạn chế việc các đơn vị phải đưa trang bị về sửa chữa tại các nhà máy của Binh chủng, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống TTLL.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, thiết kế, chế thử và sản xuất các loại trang bị, vật tư kỹ thuật. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, giúp Binh chủng chủ động trong BĐTB, BĐKT, nhất là cho TBTT thế hệ mới, hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài. Nhận thức rõ điều đó, Binh chủng đã chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm thu hút đông đảo CB,NV tham gia vào công tác này. Trong quá trình triển khai, Ngành lấy Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao, Công ty Điện tử Z755 và các chuyên gia kỹ thuật đầu ngành làm nòng cốt, qua đó, mở rộng công tác nghiên cứu, cải tiến các loại trang bị, vật tư kỹ thuật ra toàn Ngành. Cùng với đầu tư nghiên cứu, cải tiến các trang bị kỹ thuật thông tin thế hệ cũ, Binh chủng coi trọng nghiên cứu khai thác làm chủ trang bị mới; trong đó, tập trung mũi nhọn vào nghiên cứu, cải tiến, thiết kế, chế thử và phối hợp với các cơ sở công nghiệp quốc phòng sản xuất các loại trang bị, vật tư kỹ thuật, phụ tùng đồng bộ chuyên dụng. Thời gian qua, Ngành đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số loại trang bị, vật tư kỹ thuật, như: thiết bị ghép kênh thông tin sợi quang; MUX quang 4E1; tổng đài IP; các loại máy vô tuyến điện sóng ngắn dùng cho cấp chiến dịch, chiến thuật… Đặc biệt, Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao và Công ty Điện tử Z755 đã nghiên cứu nội địa hoá, chế tạo thành công các bảng mạch máy vô tuyến điện: XD-D9B1, PRC25, XD-D18… Ngoài ra, các cơ sở này còn chế tạo được một số thiết bị phục vụ công tác BĐKT cho cấp chiến dịch, chiến thuật, góp phần thực hiện tốt chủ trương phân cấp BĐKT nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT của Binh chủng.

Nhiệm vụ của ngành Kỹ thuật Binh chủng trong giai đoạn mới rất nặng nề. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các yêu cầu, giải pháp trên đây là cơ sở quan trọng để Ngành hoàn thành thắng lợi, chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Binh chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Đại tá NGUYỄN HOÀ BÌNH

Chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.