Thứ Ba, 26/11/2024, 05:03 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Cách đây 45 năm, ngày 23-01-1968, Bộ đội Tăng Thiết giáp (TTG) lần đầu tiên xuất quân tham gia trận tiến công địch phòng ngự ở cụm cứ điểm Tà Mây - Làng Vây (đợt 1 Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh) và đã giành thắng lợi giòn giã. Chiến công của Tiểu đoàn tăng 198, Trung đoàn tăng 203 là một mốc lịch sử và niềm tự hào của Bộ đội TTG, khẳng định vị trí, vai trò của TTG - lực lượng đột kích quan trọng của lục quân, trong tác chiến chiến dịch. Ngay sau chiến thắng, ngày 07-02-1968, Bộ Tổng Tư lệnh đã gửi điện khen: Bộ Tổng Tư lệnh nhiệt liệt biểu dương các đồng chí đã đánh thắng trận đầu oanh liệt, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của Bộ đội Thiết giáp nhân dân Việt Nam nói riêng và các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung: hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã.
Thắng lợi trận đầu của Bộ đội TTG không những gây được tiếng vang lớn, mà còn góp phần khai thông tư tưởng và nỗi băn khoăn về vị trí, vai trò của xe tăng trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, khẳng định có thể sử dụng được TTG ở chiến trường miền Nam. Trận đầu ra quân thắng lợi, Bộ đội TTG rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị đối với việc xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một là, xây dựng ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Cuối năm 1967, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn và sử dụng Tiểu đoàn tăng 198 (có 2 đại đội) tham gia trận then chốt trong đợt 1 Chiến dịch. Xác định tính chất quan trọng của trận đầu ra quân, Binh chủng đã quán triệt sâu sắc tới mọi cán bộ, chiến sĩ (CB,CS); tích cực triển khai công tác chuẩn bị từ con người, vũ khí, trang bị, xe TTG; trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp sức cùng các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ Chiến dịch. Trong không khí khẩn trương, với quyết tâm đưa xe tăng vào trực tiếp tham gia chiến đấu đúng thời gian quy định, CB,CS Tiểu đoàn tăng 198 vừa tổ chức quán triệt nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm đến từng phân đội, kíp xe chiến đấu, vừa đẩy mạnh các hoạt động luyện tập để thuần thục cách đánh và thích nghi với điều kiện chiến trường. Nội dung quán triệt, giáo dục tập trung xác định rõ nhiệm vụ được giao, tầm quan trọng của việc đưa xe tăng vào chiến trường, ý chí dám đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Bài học về xây dựng ý chí quyết tâm tạo động lực cho CB,CS TTG vượt gian khó, sự hy sinh trong “Trận đầu ra quân đánh thắng” có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng Binh chủng TTG trong điều kiện mới. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh (BTL) Binh chủng xác định, phải thường xuyên giáo dục cho CB,CS nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, nêu cao ý chí quyết tâm, đoàn kết, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị, xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện. Trong công tác giáo dục, cấp ủy, chỉ huy các cấp căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị để có biện pháp phù hợp, sát với tính chất hoạt động đặc thù của Bộ đội TTG, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội; coi trọng việc bám sát tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức và kiên quyết chống “bệnh thành tích” trong thực hiện nhiệm vụ, các phong trào thi đua gắn với các cuộc vận động.
Hai là, chủ động chuẩn bị về mặt chiến dịch, chiến thuật, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam, phát huy sức mạnh đột kích của TTG trong chiến đấu. Để chủ động chuẩn bị về mặt chiến dịch, chiến thuật, đầu năm 1964, Binh chủng đã cử nhiều CB,CS được huấn luyện cơ bản về kỹ thuật, chiến thuật binh chủng, vượt gần 2 ngàn ki-lô-mét vào chiến trường Đông Nam Bộ chiến đấu, lấy xe tăng địch để đánh địch. Trước Chiến dịch, Binh chủng đã tổ chức cho các đơn vị tham gia nhiều cuộc diễn tập thực binh quy mô lớn, trên các loại địa hình đồi núi, đồng bằng, đô thị… giúp CB,CS làm quen với các địa hình, rút kinh nghiệm về sử dụng lực lượng, tổ chức hiệp đồng, bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, bổ sung cho những nội dung huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật xe tăng sát thực tế chiến đấu. Trong những năm 1966 - 1967, mặc dù phải đóng quân phân tán, nhưng Binh chủng đã chỉ đạo các đơn vị tích cực luyện tập trong điều kiện phức tạp, như: tập lái ban đêm dưới ánh trăng, lái trong đêm tối không có đèn, lái theo người mặc áo trắng, tập lái tiếp cận địch, cài số thấp (số 1, số 2) chân ga nhỏ để xe tăng vào cách địch khoảng 1.000 m mà chúng không nghe thấy tiếng máy nổ và tiếng xích va đập, tập bắn xe tăng trên dốc nghiêng, bắn các mục tiêu di động… Những nỗ lực đó của Bộ đội TTG không chỉ rèn luyện phẩm chất, nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, thành thạo thêm về kỹ thuật, chiến thuật binh chủng, sát thực tế chiến trường, thích nghi với điều kiện chiến trường cho CB,CS, mà còn giúp chỉ huy và cơ quan các cấp trong công tác tổ chức chỉ huy, điều hành, phát huy đầy đủ tính năng, tác dụng của TTG.
Thắng lợi của Bộ đội TTG trong trận đầu ra quân còn là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự đặc sắc Việt Nam. Ngày 13-01-1968, Tiểu đoàn tăng 198 phối thuộc cho Sư đoàn bộ binh 304 và được BTL Mặt trận quyết định sử dụng Đại đội tăng 3 phối thuộc cho Trung đoàn 24 (Sư đoàn bộ binh 304) tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Huội San, để mở đường cho quân ta tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, mục tiêu chủ yếu là Tà Mây. Đúng 20 giờ ngày 23-01-1968, xe tăng cùng các lực lượng bộ binh, pháo binh, công binh đã bất ngờ đột phá tiến công, tiêu diệt một bộ phận lực lượng địch, buộc chúng phải rút chạy, co cụm về Làng Vây. Đây là thời cơ quyết định để BTL Mặt trận sử dụng Tiểu đoàn tăng 198 (2 đại đội) tham gia chiến dịch và xác định mục tiêu chủ yếu là lực lượng địch phòng ngự ở cụm cứ điểm Làng Vây. Sau khi nhận nhiệm vụ, cán bộ chỉ huy xe tăng các cấp (từ đại đội trở lên) đã đi nghiên cứu địa hình Làng Vây nhiều lần, việc chọn hướng tiến công được cân nhắc hết sức thận trọng, ngoài tiến công từ hướng Tây theo trục Đường số 9, bộ phận trinh sát tập trung nghiên cứu khả năng lợi dụng sông Sê Pôn nhỏ, hẹp, lòng sông nhiều đá hộc, bờ sông dựng đứng (địch hoàn toàn không ngờ ta có thể tiến công được từ hướng này). Đêm ngày mùng 6, rạng sáng ngày 07-02-1968, trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có Tiểu đoàn tăng 198 tham gia thực hành tiến công địch phòng ngự ở cụm cứ điểm Làng Vây, tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Với sức đột kích mạnh, xe tăng trên cả hai hướng cùng bộ binh bí mật, bất ngờ, đột phá tiêu diệt địch trong thời gian ngắn (diệt 400 tên, bắt sống 253 tên, trong đó có 5 tên Mỹ), thu toàn bộ vũ khí, trang bị, làm chủ đoạn Đường số 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt - Lào. Thắng lợi trận đầu của Bộ đội TTG đã giải quyết được một loạt vấn đề cơ bản về chiến thuật, chiến dịch, từ cơ động triển khai lực lượng, giữ bí mật về thời điểm tiến công, hướng sử dụng TTG, đến chọn mục tiêu, cách đánh, về hiệp đồng bảo đảm chiến đấu và chiến đấu, ngụy trang, nghi binh, v.v.
Bài học kinh nghiệm từ trận đánh Làng Vây được Binh chủng chỉ đạo các đơn vị TTG tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công tác huấn luyện, diễn tập hiện nay. Trong đó, huấn luyện luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát nhiệm vụ, sát thực tế chiến đấu và đối tượng...; lấy huấn luyện cho phân đội, kíp xe tăng là trọng tâm, huấn luyện cán bộ là then chốt, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ nắm chắc nghệ thuật tác chiến TTG, biết chọn hướng, chọn thời cơ, giỏi tổ chức hiệp đồng tác chiến… Trong điều kiện mới, cùng với huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, Bộ đội TTG còn phải huấn luyện phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa TTG với các lực lượng bộ binh, pháo binh, cao xạ, công binh... và lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố); huấn luyện cơ động, phòng tránh, đánh trả vũ khí công nghệ cao của địch.
Ba là, công tác bảo đảm kỹ thuật TTG phải chủ động, chu đáo, toàn diện, có lượng dự trữ phù hợp. Để đưa xe tăng vào tham gia chiến dịch theo đúng ý định tác chiến của cấp trên, công tác bảo đảm kỹ thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là việc bảo đảm kỹ thuật cho TTG cơ động hành quân đường dài. Do bánh chịu nặng và xích xe tăng hỏng nhiều (trung bình mỗi đại đội hỏng gần 90% số bánh chịu nặng và 45% số mắt xích), để khắc phục, CB,CS Đại đội tăng 3 phải tháo rời từng mắt xích, chọn những mắt xích còn dùng được lắp xen kẽ với mắt xích tốt, để đảm bảo cho xe tăng tiếp tục hành quân. Cách làm sáng tạo đó đã dành được hơn 200 mắt xích cho Đại đội tăng 9 hành quân xa hơn, hay khi thay bánh chịu nặng và chốt xích, phải dùng dép cao su đệm vào đầu chốt xích để giảm bớt tiếng động khi đóng. Do có sự chủ động, chuẩn bị chu đáo và có lượng dự trữ phù hợp nên công tác kỹ thuật đã đảm bảo tốt cho TTG trong suốt quá trình cơ động hành quân đến khu vực tập kết chiến đấu, bảo đảm hiệu suất cao.
Kinh nghiệm về công tác bảo đảm kỹ thuật trong hành quân và đưa xe TTG vào chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình tiến công trong trận Làng Vây tiếp tục được Binh chủng truyền thụ cho bộ đội, nhất là đối với Ngành kỹ thuật. Theo đó, Binh chủng chú trọng chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác bảo đảm các mặt cho TTG, nhất là bảo đảm phòng không, cơ động, kỹ thuật… trong hành quân, trú quân, cơ động và chiến đấu. Những năm gần đây, Binh chủng đã cụ thể hóa Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW, của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới”; Đảng ủy Binh chủng có Nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ đến các cơ quan, đơn vị. Binh chủng đã làm tốt công tác tham mưu cho Bộ trong việc cải tiến, hiện đại hóa xe TTG, quy hoạch, sử dụng TTG đồng bộ, công nghệ và khoa học. Các đơn vị trong toàn Binh chủng đã tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thợ sửa chữa; từng bước nghiên cứu, cải tiến nâng cấp, hiện đại hóa từng phần, tiến tới hiện đại hóa đồng bộ xe TTG; kết hợp chặt chẽ giữa bảo quản, khai thác sử dụng với sửa chữa, khôi phục tình trạng kỹ thuật của TTG; nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, bồi dưỡng tay nghề, nâng bậc thợ; tiếp tục đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác bảo quản, bảo dưỡng và quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Phát huy truyền thống “Trận đầu ra quân đánh thắng”, CB,CS Binh chủng TTG nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá TẠ QUANG THỤC
Phó Tư lệnh Binh chủng
tăng thiết giáp,"trận đầu ra quân đánh thắng"
Ba đột phá nâng cao sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn 490 25/11/2024
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm
Ba đột phá nâng cao sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn 490