Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 11/07/2016, 10:36 (GMT+7)
Bệnh viện Quân y 4 thực hiện chương trình kết hợp quân - dân y

Bệnh viện Quân y 4 (Quân đoàn 4) có nhiệm vụ bảo đảm quân y trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội Quân đoàn 4 và khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, bảo hiểm y tế, nhân dân trong khu vực. Đứng chân trên địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế, Bệnh viện xác định: thực hiện Chương trình Kết hợp quân - dân y (Chương trình Y tế 12), kết hợp giữa quân đội và nhân dân trong lĩnh vực y tế là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Bệnh viện đã tích cực, chủ động thực hiện toàn diện, đồng bộ các biện pháp, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị, phát huy truyền thống, kinh nghiệm, nǎng lực sáng tạo của đội ngũ thầy thuốc, nhất là trong nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn.

Nhằm thống nhất nhận thức, tư tưởng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn trong thực hiện Chương trình quan trọng này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện chú trọng quán triệt chủ trương của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ về kết hợp quân - dân y trong chiến lược bảo vệ, chǎm sóc sức khỏe cho nhân dân, phát triển nguồn lực con người. Trong đó, tập trung vào Chỉ thị 25/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kết hợp quân - dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong giai đoạn mới, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì phòng, khoa, ban về ý nghĩa, vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Kết hợp quân - dân y. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn và Cục Hậu cần Quân đoàn, Bệnh viện cụ thể hóa bằng các chủ trương, biện pháp, nội dung, chỉ tiêu trong nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy và người chỉ huy các cấp. Nội dung tập trung vào giải quyết những đòi hỏi cấp thiết của công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật tư y tế, đảm bảo đáp ứng tại chỗ khi có thiên tai, thảm họa và các tình huống cần thiết khác; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền và hệ thống dân y địa phương giải quyết tốt các nhiệm vụ y tế dự phòng, tăng cường chỉ đạo tuyến quân y cho các sư đoàn, lữ đoàn,… hình thành mạng lưới tổ chức, cứu chữa y tế liên hoàn trong khu vực Quân đoàn đảm nhiệm.

     Các y, bác sĩ của Bệnh viện 4 khám bệnh, phát thuốc miễn phí
cho bà con trên địa bàn
. (Ảnh: binhduong.gov.vn)

Nhiều năm qua, Bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị một khối lượng lớn bệnh nhân thuộc đối tượng của dân y, góp phần tích cực vào việc giải quyết khó khǎn trước mắt của ngành Y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày một cao về năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh theo mô hình quân - dân y kết hợp, Bệnh viện tập trung xây dựng đội ngũ thầy thuốc “sáng về y đức, giỏi về y thuật”. Theo đó, Bệnh viện tăng cường giáo dục cho đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên về nhiệm vụ cao quý của người thầy thuốc Quân đội, thực hiện tốt 12 điều y đức do Bộ Y tế ban hành; khắc phục những biểu hiện ngại khó, ngại khổ, vô cảm trước đau đớn, khó khăn của người bệnh. Là một Bệnh viện Quân đội, nên yêu cầu trước hết đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì là luôn phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ. Ban Giám đốc Bệnh viện đề ra nhiều biện pháp để xây dựng môi trường công tác lành mạnh, minh bạch, như: công khai giá thuốc và các loại dịch vụ y tế, v.v. Việc xây dựng và nâng cao y đức còn được Bệnh viện thực hiện thông qua phong trào Thi đua Quyết thắng và thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), nay là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, để việc “làm theo” trở thành ý thức tự giác, việc làm hằng ngày của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên, nhất là việc giữ vững, phát huy phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, hết sức phụng sự nhân dân, hết lòng với người bệnh, vì tình yêu thương con người.

Trước nhu cầu khám, chữa bệnh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày càng tǎng, nhiều cǎn bệnh nghề nghiệp mới, bệnh hiểm nghèo có xu hướng phát triển cả về chủng loại, tính chất và quy mô, Bệnh viện chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc; tích cực củng cố, mở rộng các chuyên khoa mới. Theo đó, Bệnh viện coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ thầy thuốc; ưu tiên sắp xếp người có chuyên môn giỏi cho các trung tâm, Khoa Lâm sàng, cận lâm sàng; duy trì nghiêm các chế độ công tác chuyên môn; kiểm tra chéo các khoa trong việc sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để giảm thiểu các tai biến, sai sót trong chuyên môn; tổ chức huấn luyện và thi tay nghề cho các đối tượng y sĩ, điều dưỡng, hộ lý sát với nhiệm vụ thực tế. Bệnh viện tích cực tham gia các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước; chủ động mời những chuyên gia đầu ngành, bác sỹ giỏi ở bệnh viện tuyến trên: 175, Chợ Rẫy, Thống Nhất,… về hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc. Hiện nay, Bệnh viện có 12% bác sỹ trình độ chuyên khoa II; 80% bác sỹ trình độ chuyên khoa I, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ khám và điều trị cho mọi đối tượng. Hằng năm, Bệnh viện thực hiện từ 15 đến 20 đề tài khoa học cấp cơ sở, tập trung vào giải quyết những đòi hỏi bức thiết của công tác khám, chữa bệnh, nhất là các kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, nhằm nâng cao tính ứng dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, Bệnh viện từng bước áp dụng kỹ thuật cao trong khám, chẩn đoán, điều trị, tiêu biểu, như: phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi cắt u buồng trứng, v.v. Cùng với đó, Bệnh viện triển khai một số khoa mới, như: Đơn vị lọc máu (chạy thận nhân tạo), mở rộng Khoa Sản, đảm nhiệm một phần của Khoa Nhi, mỗi năm chăm sóc cho gần 3.000 cháu bé chào đời. Bệnh viện còn đưa vào sử dụng trang thiết bị y tế hiện đại, như: máy siêu âm 4 chiều, bộ phẫu thuật nội soi ổ bụng, xét nghiệm sinh hóa tự động, máy chụp X.Quang kỹ thuật số,… tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân được hưởng dịch vụ y tế cao ngay tại địa phương, giảm chi phí điều trị, chăm sóc.

Để đảm bảo mỗi ngày tiếp nhận từ 800 đến 1.200 lượt người đến khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cả về lĩnh vực quân sự và dân sự. Trong đó, phân tuyến khám bệnh ngay tại khu vực phòng khám; bố trí khu khám bệnh thuận tiện, khoa học; sử dụng mã số vạch cho mỗi bệnh nhân, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám, chữa bệnh. Ban Giám đốc Bệnh viện luân phiên trực phòng khám để vừa trực tiếp khám bệnh, vừa kịp thời xử lý những tình huống cần thiết. Những biện pháp đó đã giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian chờ đợi, giảm áp lực cho đội ngũ thầy thuốc, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị. Vì vậy, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện hằng năm tăng từ 15% đến 20%. Năm 2015, có hơn 300.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị, trong đó có khoảng 95% là nhân dân và đối tượng bảo hiểm y tế, tỉ lệ sử dụng giường bệnh gần 250%, thời gian điều trị trung bình rút ngắn còn 8 ngày. Những kết quả trên không chỉ góp phần chăm sóc, bảo đảm sức khỏe của người dân địa phương mà còn giúp giảm áp lực ở các bệnh viện của tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An và Tây Ninh.

Cùng với đó, Bệnh viện luôn chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật tư y tế đảm bảo đáp ứng kịp thời và khắc phục có hiệu quả hậu quả thiên tai, thảm họa, các tình huống khẩn cấp. Thời gian qua, Bệnh viện đã xử lý thành công nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đông người, cấp cứu nhiều ca tai nạn lao động, tai nạn giao thông nặng. Đặc biệt, năm 2014, Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp cứu, điều trị cho hơn 1.000 công nhân Công ty Hansoll Vina và gần 300 công nhân của Công ty Long Huei tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) bị ngộ độc thực phẩm. Bệnh viện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đội vệ sinh phòng dịch thị xã Dĩ An, quận Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) và chỉ đạo chuyên môn các bệnh xá sư đoàn, lữ đoàn tiến hành tuyên truyền, giáo dục trong các đơn vị và nhân dân trên địa bàn thực hiện các chương trình phòng, chống dịch bệnh, như: sốt rét, viêm gan, viêm não Nhật Bản,… thực hiện có hiệu quả các chương trình tiêm chủng mở rộng, dân số - kế hoạch hóa gia đình và phòng chống HIV/AIDS.

Trong công tác xây dựng y tế quân sự địa phương và hoạt động của khu vực phòng thủ, Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương tổ chức huấn luyện cho lực lượng dự bị động viên và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ y tế quân sự cho đội ngũ y, bác sỹ các bệnh viện theo quy định. Hằng năm, Bệnh viện đều tổ chức huấn luyện chuyên môn cho 2 đội điều trị dự bị động viên tại quận 5 và Bệnh viện nhân dân Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh); tham gia kiểm tra, phúc tra sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; tổ chức huấn luyện 5 kỹ thuật băng bó cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến cho hàng nghìn lượt công nhân các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Bệnh viện còn liên kết với trường Trung cấp Quân y 2 (Quân khu 7) mở các lớp đào tạo y sĩ; nhận thực tập sinh các trường: Trung cấp Hồng Đức, Trung cấp Bách khoa Đại Việt thành phố Hồ Chí Minh, Trung cấp Bách khoa Bình Dương, góp phần nâng cao trình độ y học quân sự cho các học viên, bổ sung nhân lực cho ngành Y tế, nhất là tuyến cơ sở.

Mặt khác, Bệnh viện phối hợp với Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 2/thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa Bình Dương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu công nghiệp Sóng Thần,… tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, các hộ gia đình nghèo, đối tượng chính sách ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau,… với số tiền hàng tỉ đồng. Trong các chuyến công tác đó, Bệnh viện tích cực trao đổi kinh nghiệm và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tại địa phương, góp phần củng cố tuyến y tế cơ sở. Hình ảnh người chiến sĩ “quân y - áo trắng” của Bệnh viện đã thực sự để lại tình cảm gắn bó trong lòng nhân dân, đưa công tác dân vận của Quân đoàn đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực.

Mô hình kết hợp quân - dân y tại Bệnh viện Quân y 4 được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, thực sự là điểm sáng tin cậy đối với nhân dân trong khu vực. Phát huy kết quả đạt được, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 4 tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, góp phần phát triển nguồn lực con người trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng tiềm lực y tế của nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, Bác sĩ PHẠM KHẮC TRIỆU, Chính ủy Bệnh viện

Ý kiến bạn đọc (0)