Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 11/07/2011, 16:06 (GMT+7)
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam với việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá quân sự

alt
Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt nội dung trưng bày của Bảo tàng Quân đội, ngày 12 tháng 12 năm 1959

 

Ngày 17-7-1956, Tổng cục Chính trị ra Quyết định số 14/QĐ, thành lập Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội (thuộc Cục Tuyên huấn); có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật, di tích lịch sử thuộc về quân đội; xây dựng kế hoạch và thực hiện trưng bày, tuyên truyền,… Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp là Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; sau hơn 03 năm triển khai thực hiện, ngày 21-12-1959, Bảo tàng đã khánh thành, mở cửa phục vụ khách tham quan. Từ đó đến nay, Bảo tàng đã có nhiều tên gọi khác nhau, ngày nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam.

alt
Ban Chấp hành Đảng bộ Bảo tàng LSQS Việt Nam, nhiệm kỳ 2010 - 2015
 

Trải qua 55 năm (17-7-1956 – 17-7-2011) xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bảo tàng LSQS Việt Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, gian khổ, có mặt trên nhiều địa bàn của Tổ quốc và các nước bạn để sưu tầm, bảo quản, gìn giữ và phát huy giá trị các hiện vật lịch sử; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức và củng cố hệ thống cơ sở vật chất, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

alt
Giới thiệu triển lãm lưu động tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng (năm 2009)
Trước yêu cầu của đất nước thời kỳ mới, để phát huy tốt giá trị những di sản văn hoá quân sự, Đảng ủy, Ban Giám đốc (ĐU,BGĐ) Bảo tàng xác định: tập trung trước hết vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ bản lĩnh chính trị trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Nhằm thực hiện tốt vấn đề này, ĐU,BGĐ Bảo tàng đã tập trung quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về văn hoá-nghệ thuật phục vụ sự nghiệp CNH,HĐH; Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), của Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Chính trị về phương hướng hoạt động của hệ thống bảo tàng trong toàn quân đến mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong toàn đơn vị; đồng thời, ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác cán bộ trong tình hình mới. Theo đó, ĐU,BGĐ chỉ đạo các phòng chức năng rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ; tiến hành sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn theo từng cương vị, chức trách; mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cán bộ trẻ để rèn luyện, thử thách trong thực tiễn; qua đó, tạo nguồn cán bộ kế cận, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Do nguồn bổ sung cán bộ phần lớn từ các trường đại học ngoài quân đội, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực quân sự, nên lãnh đạo, chỉ huy Bảo tàng luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Một mặt, ĐU,BGĐ có kế hoạch gửi cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ ở các nhà trường quân đội và luân chuyển cán bộ đi thực tế ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân; mặt khác, chủ động mời các chuyên gia có uy tín về các lĩnh vực quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hoá, bảo tàng và lịch sử đến trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ với cán bộ,... Nhờ đó, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên không ngừng được nâng cao; đến nay, hầu hết đã có trình độ đại học, sau đại học, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

alt
Sưu tầm cột mốc phân định chủ quyền biên giới Việt Nam-Trung Quốc tại Cửa khẩu Chi Ma, Lạng sơn, năm 2009
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn được ĐU,BGĐ xác định là nội dung quan trọng, trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Hằng năm, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, ĐU,BGĐ đã chỉ đạo các phòng chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động sát hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi đơn vị; đề cao trách nhiệm cá nhân trong chấp hành mọi chế độ, quy định về công tác nghiệp vụ. Theo đó, công tác sưu tầm hiện vật không ngừng được đẩy mạnh và thu được những kết quả tích cực. Tuy lực lượng, kinh phí của đơn vị còn nhiều hạn chế, song đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác sưu tầm đã khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương và đội ngũ cộng tác viên để nâng cao hiệu quả sưu tầm hiện vật. Trong quá trình thực hiện, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã đi tới mọi miền đất nước, bám sát địa danh các chiến trường; năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các hình thức sưu tầm, như: trực tiếp khảo sát sưu tầm, tìm kiếm thông tin qua các nhân chứng lịch sử; tiếp nhận tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân trao tặng; đồng thời, kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ khác để vận động quần chúng nhân dân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Nhờ đó, công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Nổi bật trong những năm gần đây, Bảo tàng đã sưu tầm được hàng trăm hiện vật khối lớn, kịp thời trưng bày phục vụ khách tham quan, như: máy bay MIC21 số 5121 do Anh hùng Phạm Tuân lái, đã bắn rơi máy bay B52 đầu tiên của Mỹ tại chiến trường Việt Nam (năm 1972); các loại máy bay: A37, UH1, F5E, AD5, AD6, CH47, C130… Hiện nay, Bảo tàng đã sưu tầm được gần 16 vạn hiện vật, đa dạng về chủng loại, phong phú về nội dung; trong đó, có trên 3.000 hiện vật được trưng bày trong nhà và ngoài trời.

Công tác kiểm kê, bảo quản luôn được ĐU,BGĐ Bảo tàng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ theo hướng chuyên sâu, nhất là việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, khai thác thông tin; xây dựng các bộ sưu tập hiện vật; tiến hành xử lý, phân loại, đăng ký hiện vật tồn đọng không rõ nguồn gốc do nhiều năm trước để lại. Từ năm 2005 đến 2010, Bảo tàng đã nhập được 4.750 phiếu thông tin hiện vật đưa vào quản lý bằng công nghệ thông tin; kiểm kê được 130.793 hiện vật; bảo quản kỹ thuật 13 hiện vật khối lớn, 43 hiện vật bom, mìn và 285 cổ vật; hoàn thiện 04 hồ sơ hiện vật đề nghị trên xét công nhận là bảo vật Quốc gia,... bảo đảm đúng Quy chế quản lý hiện vật.

alt
Bảo quản cổ vật
Để đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc cũng như truyền thống xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam, ĐU,BGĐ Bảo tàng luôn chú trọng đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động công tác trưng bày, tuyên truyền. Hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng được triển khai theo biên niên sử và theo chuyên đề phản ánh sự phát triển của LSQS Việt Nam từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh; trưng bày không thường xuyên được tổ chức mang tính thời sự, gắn với các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, dân tộc và quân đội. Năm 2010, Bảo tàng đã hoàn thành trưng bày mới Phòng khánh tiết giới thiệu LSQS từ thời Hùng Vương đến năm 1930; nâng cấp phòng trưng bày LSQS Việt Nam từ 1954 đến 1968 và Đường Trường Sơn; đang thi công trưng bày mới LSQS Việt Nam sau năm 1975 đến nay. Công tác tuyên truyền là khâu nghiệp vụ quyết định hiệu quả xã hội của Bảo tàng, bởi vậy, ĐU,BGĐ Bảo tàng đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với hệ thống các báo, đài truyền thanh, đài truyền hình,… từ Trung ương đến địa phương để giới thiệu với công chúng về các hoạt động của Bảo tàng; đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị với các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội, các công ty du lịch để rút kinh nghiệm công tác đón tiếp, phục vụ khách tham quan; qua đó, kịp thời chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng… Nhờ đó, số lượng khách đến tham quan Bảo tàng ngày càng tăng lên. Đến nay, Bảo tàng đã đón gần 16 triệu lượt khách, trong đó có gần 2 triệu lượt người nước ngoài. Sau khi tham quan, nhiều người đã ghi lại những dòng cảm tưởng chân thành ca ngợi truyền thống văn hoá, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam nói chung và QĐND Việt Nam nói riêng. Tháng 4-2004, Andy Wagemabeed (một khách tham quan đến từ Mỹ) đã nhận xét: “Bảo tàng rất hấp dẫn và nhiều thông tin bổ ích. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều về lịch sử và cuộc đấu tranh vĩ đại của Việt Nam”. Tháng 9-2005, Kiều Văn Toản (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây) đã ghi lại những điều rất chân thật: “Cảm ơn Bảo tàng đã giúp chúng tôi yêu hơn và biết trân trọng hơn giống nòi của mình. Chúng tôi con Rồng, cháu Lạc quyết cố gắng hết sức mình xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng tươi đẹp”,v.v. Cùng với đó, Bảo tàng còn phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, thực hiện nhiều đợt triển lãm lưu động có tác dụng thiết thực. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, Bảo tàng đã tổ chức được hơn 20 triển lãm chuyên đề, hàng trăm điểm triển lãm lưu động, phục vụ hàng vạn lượt khách tham quan. Thông qua ngôn ngữ đặc thù “hiện vật gốc của lịch sử”, Bảo tàng đã đưa người xem đến với những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc và QĐND Việt Nam, thiết thực làm cho thế giới và các thế hệ người Việt Nam hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống của đất nước, quân đội; thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, góp phần bồi dưỡng, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ đất nước đối với mỗi người dân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhận rõ hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những khâu cơ bản, quan trọng để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, ĐU,BGĐ Bảo tàng đã chú trọng phát huy tốt vai trò tham mưu, tư vấn của Hội đồng khoa học trong việc xây dựng, ban hành quy chế hoạt động và đề xuất vấn đề nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu đã hướng vào các khâu nghiệp vụ của công tác bảo tàng, như: “Ứng dụng tin học quản lý, khai thác thông tin hiện vật bảo tàng”, “Đổi mới hoạt động hệ thống bảo tàng trong quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới”,… Trong 5 năm (2005-2010), Bảo tàng LSQS đã nghiên cứu thành công 04 đề tài khoa học (01 cấp bộ, 03 cấp cơ sở); trong đó, đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm, kiểm chứng sát thương của mũi tên đồng Cổ Loa và lẫy nỏ thuộc văn hoá Đông Sơn” đã đạt giải Nhì trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2010,… Những đề tài đó đã được ứng dụng có hiệu quả vào công tác nghiệp vụ cũng như thực tiễn hoạt động trong hệ thống bảo tàng toàn quân.

Có thể khẳng định rằng, việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự của Bảo tàng LSQS Việt Nam trong những năm qua đã góp phần thiết thực vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống anh hùng của quân và dân ta; làm sáng ngời thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”; đồng thời, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Ghi nhận thành tích của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bảo tàng LSQS Việt Nam, Nhà nước đã tặng thưởng 01 Huân chương Quân công hạng Nhì, 01 Huân chương Chiến công hạng Nhì và 02 Huân chương Chiến công hạng Ba; Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng 01 Huân chương Lao động hạng Ba và 01 Huân chương Anh dũng hạng Nhì; đặc biệt, năm 2010, Bảo tàng LSQS Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và nhiều cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại; nhiều năm liền Bảo tàng được Tổng cục Chính trị tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.

Cùng với sự phát triển của đất nước và quân đội, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với Bảo tàng LSQS Việt Nam ngày càng cao hơn. Những kinh nghiệm trên đây sẽ được ĐU,BGĐ Bảo tàng tiếp tục vận dụng vào thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới; trước mắt, tập trung lãnh đạo chặt chẽ việc xây dựng Đề cương chính trị Bảo tàng LSQS Việt Nam ở vị trí mới, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế; phản ánh phong phú, sâu sắc tổng thể LSQS Việt Nam qua các thời đại.

Đại tá ĐINH TIẾN DƯỢC

Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bảo tàng

 

Ý kiến bạn đọc (0)