Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Sáu, 16/07/2021, 07:21 (GMT+7)
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - nơi lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Quân sự Việt Nam

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Quân đội ta bước vào thời kỳ xây dựng, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhằm phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc và tăng cường công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, hàn gắn viết thương chiến tranh, Tổng Quân ủy chỉ đạo: các đơn vị trong toàn quân sưu tầm tư liệu về thành tích chiến đấu để tiến tới thành lập bảo tàng các đơn vị và bảo tàng của Quân đội.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Quân ủy, ngày 17/7/1956, Tổng cục Chính trị ra Quyết định số 14/QĐ thành lập Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội trực thuộc Cục Tuyên huấn, với nhiệm vụ: nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật, di tích lịch sử thuộc về Quân đội; xây dựng kế hoạch và thực hiện trưng bày, tuyên truyền, tiến tới thành lập Bảo tàng Quân đội. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, hệ thống trưng bày của Bảo tàng cơ bản hoàn thành, với 3.260 hiện vật trên diện tích 2.755 m2. Ngày 12/12/1959, Bảo tàng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đến duyệt nội dung trưng bày và cho phép khai trương, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại đây, Người huấn thị: “Bảo tàng Quân đội là một cuốn sử sống, có tác dụng to lớn đến việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Bảo tàng Quân đội còn giúp khách nước ngoài hiểu rõ về Việt Nam ta, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, vì vậy Bảo tàng phải tạo điều kiện tốt nhất để cho khách đến tham quan”. Những lời căn dặn của Người luôn được cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ghi nhớ và làm theo, lấy đó làm tôn chỉ, mục đích, kim chỉ nam trong công tác, hoạt động.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro tham quan Bảo tàng Quân đội (ngày 13/9/1973)

Trong công tác sưu tầm hiện vật, hơn sáu thập kỷ qua, các thế hệ cán bộ của Bảo tàng đã đặt chân đến hầu hết các vùng, miền của Tổ quốc, sang cả nước bạn Lào và Campuchia, có đồng chí để lại tuổi thanh xuân, hoặc một phần xương máu nơi chiến trường khi đi làm nhiệm vụ để có được thành quả như ngày hôm nay, với 132.815 hiện vật, hơn 70% hiện vật gốc có đầy đủ hồ sơ. Đó là những di sản phản ánh tương đối toàn diện về lịch sử phát triển của văn hóa, nghệ thuật quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh. Trong số đó, có 2.500 hiện vật cổ; hàng chục sưu tập hiện vật có giá trị, như: Bác Hồ với Quân đội, Quân đội với Bác Hồ; hiện vật tướng lĩnh và anh hùng lực lượng vũ trang; vũ khí thô sơ, tự tạo, đồ dùng trong kháng chiến; sưu tập vũ khí thuộc nền văn hóa Đông Sơn; thư, nhật ký thời chiến. Đặc biệt, có 04 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia đang trưng bày tại đây. Ngoài ra, còn có hàng vạn hiện vật là tang vật của đối phương được quân và dân ta thu giữ trong kháng chiến.

Công tác bảo quản hiện vật. Việc quản lý, bảo quản với số lượng lớn, đa dạng về kiểu dáng và chất liệu, đặt ra yêu cầu cao và nhiều khó khăn đối với cán bộ, nhân viên Bảo tàng. Để thực hiện tốt, Bảo tàng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học vào bảo quản, như: số hóa tài liệu, sử dụng hệ thống máy tính quản lý, khai thác thông tin, nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản trị liệu cho 05 chất liệu cơ bản (bông vải sợi, giấy, kim loại sắt, cao su, tranh sơn dầu). Những hiện vật quý, độc bản, dễ bị tổn thương được bảo quản trong chế độ đặc biệt, đồng thời phục chế nguyên bản phục vụ công tác trưng bày. Bên cạnh việc giữ gìn tính nguyên gốc của hiện vật, công tác bảo tồn còn nghiên cứu giá trị phi vật thể của hiện vật, tức là nghiên cứu nội dung lịch sử và những câu chuyện xung quanh của hiện vật để bổ sung thông tin, xây dựng thành các sưu tập hiện vật phục vụ công tác tuyên truyền.

Xe tăng T-54B, số hiệu 843 - Bảo vật quốc gia

Phát huy giá trị của hiện vật (một chức năng cơ bản của Bảo tàng). Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Bảo tàng là cuốn sử sống”, các thế hệ cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam luôn tìm tòi những giải pháp trưng bày mới, hấp dẫn để chuyển tải những thông điệp của nội dung trưng bày đến khách tham quan. Hiện nay, hệ thống trưng bày của Bảo tàng có diện tích khoảng 5.000 m2, trưng bày 2.522 hiện vật. Nội dung trưng bày theo tiến trình lịch sử, từ thời Hùng Vương An Dương Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, với bốn trưng bày chuyên đề, gồm: Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; Mẹ Việt Nam Anh hùng; Vũ khí thô sơ, tự tạo trong kháng chiến; Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Ngoài ra, Bảo tàng còn tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; triển lãm lưu động phục vụ bộ đội và nhân dân vùng sâu, vùng xa. Để nâng cao tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan, Bảo tàng đã ứng dụng công nghệ 3D vào xây dựng chương trình tham quan và giới thiệu hiện vật, các di tích lịch sử quân sự, danh nhân quân sự; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản ấn phẩm giới thiệu về hiện vật bảo tàng; liên kết với công ty du lịch, trường học, v.v. Nhờ đó, lượng khách đến tham quan Bảo tàng ngày càng tăng, đến nay đã có khoảng hơn 20 triệu lượt khách, trong đó có hơn 03 triệu lượt khách quốc tế. Đặc biệt, 05 năm qua, Bảo tàng tổ chức gần 40 triển lãm chuyên đề, đón hơn 2,5 triệu lượt khách tham quan. Thông qua các hoạt động trưng bày và tuyên truyền, Bảo tàng đã đưa người xem đến với những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam, làm cho bạn bè trên thế giới hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống của Quân đội và dân tộc ta; giúp cho các thế hệ người Việt Nam thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, từ đó góp phần bồi dưỡng, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ đất nước đối với mỗi người dân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trải qua 65 năm (17/7/1956 - 17/7/2021) xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục khó khăn, gian khổ, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo hoàn thành tốt chức năng,  nhiệm vụ của Bảo tàng, xứng đáng là nơi lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa quân sự Việt Nam. Ghi nhận thành tích đã đạt được, Nhà nước đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhiều phần thưởng cao quý1.

Thời gian tới, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác bảo tồn, bảo tàng trong mỗi giai đoạn; không ngừng xây dựng tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Hai là, thường xuyên chăm lo xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững, xứng tầm bảo tàng quốc gia, đầu ngành nghiệp vụ của hệ thống bảo tàng toàn quân.

Ba là, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, luôn năng động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm; coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, vận dụng tốt vào các hoạt động nghiệp vụ, nhất là hoạt động sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, sắp xếp, trưng bày, bảo đảm các hiện vật giữ được giá trị nguyên gốc, độ bền và phát huy được giá trị.

Bốn là, luôn phát huy sức mạnh tập thể trong thực hiện nhiệm vụ; chú trọng xây dựng mối đoàn kết quân, dân trên địa bàn đóng quân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, các bảo tàng trong và ngoài Quân đội để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Đơn vị.

Chặng đường 65 năm qua, để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp tục vận dụng, thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trở thành trung tâm văn hóa, khoa học thông tin hàng đầu của Quân đội và Quốc gia.

Thượng tá LÊ VŨ HUY, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bảo tàng
___________________

1 - Gồm: 01 Huân chương Quân công hạng Nhì, 04 Huân chương Chiến công (01 hạng Nhất, 01 hạng Nhì và 02 hạng Ba); 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (01 hạng Nhất, 01 hạng Nhì); Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng: 01 Huân chương Lao động hạng Ba, 01 Huân chương Anh dũng hạng Nhì.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.