Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:09 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai, sự cố môi trường trên địa bàn cả nước gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, từ cuối tháng 9/2020 đến nay, thiên tai liên tiếp xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung, với 06 cơn bão, 02 áp thấp nhiệt đới, kèm theo các đợt mưa lớn lịch sử, gây lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng. Thiên tai đã tàn phá nhiều bản, làng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân, để lại hậu quả nặng nề đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, đáng chú ý là: sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3; Đoàn kinh tế - quốc phòng 337; Trà Leng, Bắc Trà My, v.v. Trước hậu quả nghiêm trọng của thiên tai, toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang đã ra sức, đồng lòng, nỗ lực triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, nhằm giảm bớt mất mát, thương đau, sớm ổn định cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, do địa hình khu vực xảy ra sự cố thiên tai rất phức tạp, lũ, lụt, sạt lở đất đã phá hủy các tuyến giao thông làm nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập, gây ách tắc, mất an toàn cho việc cơ động lực lượng, phương tiện; hệ thống thông tin liên lạc tại chỗ (cả dân sự và quân sự) bị hư hỏng hoàn toàn, không đáp ứng được yêu cầu của công tác chỉ huy, chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn. Trước tình hình đó, ngày 13/10/2020, Lữ đoàn Thông tin 205 được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng, cơ động khẩn cấp, bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội chỉ đạo, chỉ huy tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với ý thức chính trị cao, ngay sau khi được giao nhiệm vụ, mặc dù lực lượng, phương tiện của Đơn vị phân tán, thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhưng Chỉ huy Lữ đoàn nhanh chóng xây dựng quyết tâm, tập trung lực lượng, phương tiện cao nhất cho “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện hiện đại, thành lập Đội công tác nhỏ, gọn gồm cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm, có tinh thần quả cảm, cùng các trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại,... cơ động thẳng đến hiện trường (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).
Để bảo đảm thông tin chỉ huy, chỉ đạo trong thời gian sớm nhất, ngay trên đường hành quân, Lữ đoàn đã chủ động liên lạc với các lực lượng tại chỗ nắm chắc tình hình mưa lũ, hoạt động của các lực lượng cứu nạn,... để xây dựng phương án bảo đảm thông tin liên lạc, phân công nhiệm vụ, hiệp đồng hành động cụ thể đến từng cá nhân, phân đội. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc chỉ đạo, hợp đồng với các lực lượng liên quan1, làm cơ sở cho Lữ đoàn triển khai lực lượng, trang thiết bị, hỗ trợ bảo đảm cơ động, hậu cần. Lữ đoàn chủ động hợp đồng với Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 chuẩn bị trước vị trí tập kết, sẵn sàng phối hợp lắp đặt thiết bị khi Đội công tác cơ động tới. Nhờ đó, rạng sáng ngày 14/10/2020, Đội công tác của Lữ đoàn đã vượt qua hơn 700 km trong mưa, lũ tới vị trí tập kết, hoàn thành lắp đặt tổng trạm thông tin cho các sở chỉ huy của Bộ, Quân khu và sẵn sàng phục vụ; đồng thời, tổ chức ngay lực lượng cơ động vào lắp đặt chốt thông tin tại Trạm Kiểm lâm tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).
Để bảo đảm cho các cấp điều hành tìm kiếm, cứu nạn, Lữ đoàn tổ chức kết nối giữa các sở chỉ huy (tiền phương, phía trước, thường xuyên) của Bộ, Quân khu và hiện trường bằng mạng truyền hình, dịch vụ thoại và vô tuyến điện sóng ngắn; giữa chỉ huy hiện trường với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn bằng vô tuyến điện sóng cực ngắn, v.v. Chủ động cấp phát tên sóng liên lạc của các mạng, hướng vô tuyến điện trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, thống nhất tên đài của Bộ với các lực lượng để sử dụng trong liên lạc vượt cấp. Các máy vô tuyến điện tại hiện trường, sở chỉ huy tiền phương của Bộ được kết nối qua thiết bị liên kết đa mạng đến máy điện thoại tại trung tâm chỉ huy để Thủ trưởng Bộ liên lạc đến từng cán bộ phụ trách lực lượng tìm kiếm, cứu nạn. Sử dụng thiết bị truyền hình đồng bộ, kết nối về trung tâm K2000 qua đường truyền dẫn VSAT, truyền dẫn quang để Bộ theo dõi tiến độ công việc và trao đổi với chỉ huy hiện trường. Để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, Lữ đoàn còn kết hợp sử dụng máy điện thoại VSAT ngay khi các sở chỉ huy được thiết lập; tăng cường các thiết bị Inmarsat, điện thoại vệ tinh, v.v. Bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ, đến 12 giờ ngày 14/10/2020, Lữ đoàn đã thiết lập được thông tin liên lạc, truyền hình từ hiện trường về Sở Chỉ huy thường xuyên của Bộ và kết nối, bảo đảm cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng; đồng thời, cung cấp cho các cơ quan truyền thông, báo chí cả nước những thông tin, hình ảnh nhanh, trung thực, chính xác nhất.
Trong điều kiện mưa lớn, đường giao thông hỏng nặng nhiều đoạn, tình hình sạt lở đất rất phức tạp, khó dự báo, Lữ đoàn chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền bố trí lực lượng, huy động ca nô của cơ quan công an, thuyền đánh cá của nhân dân cơ động trên sông Bồ vào bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình phục vụ chỉ huy cứu nạn tại thuỷ điện Rào Trăng 3, trong đó có trạm dự phòng, trung chuyển tại thuỷ điện Rào Trăng 4 để kết nối vững chắc với các sở chỉ huy. Mặt khác, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện cho lực lượng của Lữ đoàn thông tin 80 về lắp đặt, khai thác trang thiết bị thông tin hiện đại ngay tại thực địa, đúng với địa hình của khu vực, để tổ chức lực lượng thông tin dự phòng cho các hướng, sẵn sàng thay thế khi Lữ đoàn chuyển đi. Để bảo đảm an toàn, không xảy ra sai sót, Lữ đoàn dự kiến các tình huống có thể xảy ra, thống nhất nhiệm vụ, hành động cho từng cán bộ, chiến sĩ trong quá trình cơ động trên sông mùa lũ; gói buộc trang thiết bị thông tin gọn gàng và an toàn dễ di chuyển, cứu vớt; chuẩn bị đầy đủ các phao cứu sinh cho người và trang bị, v.v. Nhờ đó, Đoàn đã thực hành cơ động an toàn, tiếp cận và lập các chốt thông tin, truyền hình tại thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; truyền tải hàng trăm bức điện, hàng nghìn mệnh lệnh, đặc biệt là truyền hình trực tiếp cho thủ trưởng các cấp, lãnh đạo địa phương chỉ huy, điều hành, báo cáo tình hình tìm kiếm, cứu nạn liên tục, vững chắc. Khi nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn mở rộng, Lữ đoàn bàn giao trang thiết bị, hỗ trợ từ xa cho lực lượng thông tin của Quân khu 4 đảm nhiệm nhiệm vụ tại địa bàn và cơ động thực hiện công tác khác.
Từ thực tế bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn Quân khu 4, Lữ đoàn rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng cơ động bảo đảm trong mọi tình huống. Hằng năm, trước mùa mưa bão, Lữ đoàn rà soát các phương án; tăng cường huấn luyện thực hành cho bộ đội, nâng cao kỹ năng sinh tồn, làm nhiệm vụ trong mưa giông, bão lũ; kiểm tra trang thiết bị, khí tài thông tin; xác định lượng trang bị dự phòng; bổ sung vật tư, vật chất kỹ thuật, hậu cần; xây dựng phương án, xin chủ trương điều chuyển nhiệm vụ trang thiết bị hiện đại khi có tình huống, nhất là trang bị thông tin vô tuyến điện, thông tin vệ tinh cầm tay; quán triệt cho bộ đội về tần suất, sự phức tạp của bão, lũ và vai trò, trách nhiệm bảo vệ nhân dân trước thiên tai, thảm họa,... để xây dựng ý chí, quyết tâm cao sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, làm tốt công tác quán triệt nhiệm vụ, nắm, đánh giá đúng tình hình, xây dựng phương án bảo đảm phù hợp; phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, giao nhiệm vụ tổ chức hiệp đồng thông tin chặt chẽ, khoa học tại thực địa. Do tính khẩn cấp, điều kiện cơ động khó, cự ly xa, các khâu: báo động, quán triệt, giao nhiệm vụ, phân công làm công tác chuẩn bị, điều động tập kết lực lượng, khí tài, trang bị, hiệp đồng với đơn vị bạn,... phải do tất cả các cơ quan, đơn vị đồng thời thực hiện, vừa chuẩn bị, vừa hiệp đồng, bảo đảm tổ chức sử dụng lực lượng tinh, gọn, mạnh. Trong đó, nắm ý định sử dụng lực lượng cứu hộ, cứu nạn, xây dựng phương án, danh bạ, kịch bản truyền hình, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ,... thực hiện trong cơ động, đến thực địa chốt phương án và triển khai ngay.
Ba là, tổ chức hệ thống thông tin liên lạc gọn nhẹ, hiệu quả, thuận tiện, sử dụng lực lượng, phương tiện hợp lý, chỉ huy chặt chẽ, linh hoạt. Do thời gian gấp, địa hình hiểm trở, mưa lũ phức tạp, nhiều lực lượng tham gia, trên cơ sở nắm chắc ý định của thủ trưởng các cấp, Lữ đoàn thống nhất nhanh phương án tổ chức, quy ước liên lạc vô tuyến điện với các lực lượng đóng quân trên địa bàn; hợp đồng, triển khai hệ thống thông tin linh hoạt, cụ thể, tỉ mỉ; kết hợp nhiều phương thức liên lạc qua vô tuyến, hữu tuyến, VSAT, truyền hình và điện thoại vệ tinh; sử dụng lực lượng hợp lý, tinh gọn, trang thiết bị đồng bộ chất lượng tốt; điều hành kiên quyết, sáng tạo theo yêu cầu của người chỉ huy.
Bốn là, quy hoạch, phát triển hệ thống, phương thức, trang thiết bị thông tin liên lạc quân sự phục vụ công tác phòng, chống bão, lụt, tìm kiếm, cứu nạn phải có tính chuyên dụng cao. Để thực hiện phương châm “thần tốc để kịp thời, thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống”, quy hoạch, phát triển thông tin liên lạc phải thống nhất, đồng bộ ở các cấp; ưu tiên khu vực, địa bàn trọng điểm, thường xuyên xảy ra thiên tai. Theo từng khu vực, địa bàn ở mỗi cấp có nhiều chủng loại phương tiện bảo đảm; mạng truyền dẫn có nhiều hướng kết nối vật lý; khôi phục hệ thống thông tin vô tuyến điện phục vụ phòng, chống lụt, bão tới cấp xã, do cơ quan quân sự đảm nhiệm,... bảo đảm hệ thống không gián đoạn khi xảy ra sự cố, đáp ứng phương châm 04 tại chỗ. Xây dựng lực lượng thông tin cơ động cấp chiến lược và tại chỗ đủ mạnh; định kỳ huấn luyện, diễn tập tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo tình huống, khu vực, bảo đảm nắm chắc tình hình, thực địa, thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên và sẵn sàng cơ động xử trí. Phát triển riêng mạng điện thoại di động vệ tinh quân sự, tổng đài mang xách có thuê bao vô tuyến điện và các loại máy điện thoại, quay phim, truyền hình,... có khả năng chống nước, bùn đất, va đập, gọn, nhẹ, pin dung lượng lớn, dễ tháo, lắp, mang vác. Các xe thông tin phải có khả năng lội nước, chống lầy, tự phát điện, v.v.
Với việc thực hiện nhiệm vụ đột xuất vừa qua, Lữ đoàn 205 được Bộ Quốc phòng đánh giá hoàn thành xuất sắc, góp phần cùng các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định vai trò nòng cốt của Quân đội trong tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục thiên tai, thảm họa, làm tỏa sáng hơn nữa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Thượng tá NGUYỄN VIỆT CƯỜNG, Phó Lữ đoàn trưởng _________________
1 - Phòng Thông tin Quân khu 4, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Cứu hộ Cứu nạn.
Lữ đoàn Thông tin 205,bảo đảm thông tin liên lạc
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm