Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 18/03/2019, 15:42 (GMT+7)
Ban Nghiên cứu Đạo đức học quân sự với công tác nghiên cứu khoa học

Ban Nghiên cứu Đạo đức học quân sự thuộc Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ nghiên cứu, cùng với Viện cung cấp các luận cứ khoa học cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng và Nhà nước về hoạt động quân sự, quốc phòng trên lĩnh vực đạo đức và đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng, phát triển Quân đội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay từ ngày đầu thành lập (29-4-1999), tập thể cán bộ nghiên cứu của Ban đã quán triệt chủ trương “vừa xây dựng, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ”, chủ động xây dựng kế hoạch, nghiên cứu phù hợp, nội dung tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về đạo đức trong xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Với phương châm“Tận tụy, chuẩn mực và tình nghĩa trọn vẹn”, 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ nghiên cứu của Ban luôn nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và xây dựng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Ban luôn bám sát yêu cầu từ thực tiễn, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Ngành và cấp cơ sở. Nội dung nghiên cứu hướng vào các vấn đề chủ yếu về xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hoạt động quân sự, quốc phòng. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ cung cấp các luận cứ khoa học cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hoạt động quân sự, quốc phòng, Ban đã chủ động đề xuất, tham gia thực hiện nhiều hướng nghiên cứu cơ bản, như: phát triển lý luận đạo đức học nói chung, đạo đức học quân sự nói riêng. Đồng thời, tham gia tổng kết việc thực hiện một số nghị quyết, nhiệm vụ quan trọng, như: Nghị quyết 27/NQ-TƯ của Bộ Chính trị (khóa V); nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 20 năm đổi mới; đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nghiên cứu nội dung đề án khôi phục chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới; quan điểm lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội IV đến Đại hội XII; tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xây dựng Đảng về đạo đức, v.v. Nhiều cuốn sách do Ban chủ trì nghiên cứu, biên soạn có giá trị lý luận và thực tiễn, được bạn đọc trong và ngoài Quân đội đón nhận, đánh giá cao. Những nội dung nghiên cứu đó, đã thể hiện rõ việc vận dụng quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về đạo đức; những vấn đề lý luận, thực tiễn về đạo đức trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc ta và đạo đức quân nhân trong Quân đội, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo giáo dục, rèn luyện đạo đức quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Ban đã tập trung nghiên cứu thực trạng đạo đức quân nhân; đẩy mạnh đấu tranh phê phán các quan điểm, hành vi sai trái phi đạo đức trong lĩnh vực quân sự; đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng bằng nhiều hình thức, như: viết báo khoa học, viết sách, báo cáo khoa học, tham luận hội thảo công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội. Cuốn sách Hỏi - đáp về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay do Ban chủ trì nghiên cứu, biên soạn được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành năm 2016 với số lượng lớn, được đông đảo bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Đây là những tài liệu bổ ích, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, nhằm làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi. Đến nay, Ban đã chủ trì nghiên cứu 27 đề tài các cấp; 36 chuyên đề; 15 đầu sách; viết gần 200 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài Quân đội. Những nội dung nghiên cứu đó đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Quân đội về hoạt động quân sự, quốc phòng và đẩy mạnh đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực đạo đức, lối sống, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng trong tình hình mới.

Cùng với các hoạt động nghiên cứu, Ban đã hợp tác với các cơ quan, các khoa, các đơn vị trong và ngoài Quân đội để nghiên cứu, trao đổi thông tin khoa học, giảng dạy cho các đối tượng đào tạo đại học, sau đại học về quan điểm lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về đạo đức; con đường bồi dưỡng, phát triển đạo đức quân nhân; những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng môi trường đạo đức trong Quân đội; những yêu cầu của đạo đức quân nhân trong tình hình mới. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Ban còn tham gia hướng dẫn nhiều học viên cử nhân, học viên cao học và nghiên cứu sinh được các cơ sở đào tạo đánh giá cao.

Có được kết quả trên là do Ban thường xuyên tiến hành tốt công tác bồi dưỡng cán bộ khoa học có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, coi trọng thực hiện công tác động viên tư tưởng, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi người và có nhiều giải pháp thích hợp để huy động trí tuệ và kinh nghiệm của mỗi cán bộ vào công tác nghiên cứu khoa học. Việc giao nhiệm vụ được Ban tính toán phù hợp với sở trường của từng cán bộ; trong đó, bố trí đan xen các thế hệ cán bộ, nhằm kế thừa và phát huy năng lực, trình độ của mỗi người, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào kế hoạch của trên, Ban đã chủ động đề xuất, sắp xếp để số cán bộ chưa có trình độ sau đại học đi đào tạo nâng cao trình độ và bồi dưỡng ngoại ngữ ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Đồng thời, chủ động giao cho cán bộ nghiên cứu trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học, như: nghiên cứu đề tài, viết sách, viết tham luận hội thảo, sinh hoạt học thuật,… để đội ngũ cán bộ có điều kiện tích lũy kiến thức, phát triển lý luận chuyên sâu. Cùng với đó, Ban luôn coi trọng làm tốt công tác tư tưởng, động viên, giao nhiệm vụ cho những đồng chí có học vị tiến sĩ phấn đấu hoàn thành các điều kiện, tiêu chuẩn để được xét công nhận các chức danh phó giáo sư, giáo sư. Đến nay, 100% cán bộ nghiên cứu của Ban có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, với chức danh khoa học nghiên cứu viên và nghiên cứu viên chính.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đặt ra yêu cầu rất cao. Các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta hết sức quyết liệt với những thủ đoạn tinh vi, thâm độc và trắng trợn. Chúng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều đó, đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về tư tưởng, đạo đức, lối sống cần được nghiên cứu làm sáng tỏ để cung cấp các luận cứ khoa học cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hoạt động quân sự, quốc phòng; đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới Ban Nghiên cứu Đạo đức học quân sự tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, đi sâu nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu thiết thực góp phần xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Nội dung trọng tâm là nghiên cứu lý luận về nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đoàn kết, dân chủ, kỷ luật, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, chiến sĩ trong tình hình mới.

Hai là, không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp, tổ chức lực lượng nghiên cứu phát triển lý luận đạo đức học nói chung, đạo đức học quân sự nói riêng, đánh giá đúng thực trạng đạo đức quân nhân, nhất là ở đơn vị cơ sở; tích cực nghiên cứu, đấu tranh phê phán những quan điểm, hành vi phi đạo đức trong lĩnh vực quân sự. Từ đó, đề xuất các giải pháp đột phá nhằm bồi dưỡng, phát triển đạo đức quân nhân trong tình hình mới, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hoạt động quân sự, quốc phòng trên lĩnh vực đạo đức và đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ba là, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, đảm bảo cho họ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đoàn kết, dân chủ, kỷ luật; có năng lực chuyên môn giỏi, phương pháp, tác phong làm việc khoa học; thực sự tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học, tích cực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo tìm ra cái mới.

Bốn là, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu với các tổ chức, cơ quan, nhất là các cơ quan truyền thông, báo chí, nhà xuất bản. Đồng thời, tăng cường các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp thiết về lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống quân nhân hiện nay.

Kết quả nghiên cứu khoa học của Ban những năm qua chính là nền tảng vững chắc, tạo thế và lực cho Ban Nghiên cứu Đạo đức học quân sự phát triển cả về chất lượng nghiên cứu khoa học và xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thực sự chuyên sâu về lĩnh vực đạo đức và đạo đức quân sự, góp phần tích cực để Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại tá, PGS, TS. Dương Quang Hiển - Thượng úy, ThS. Nguyễn Thị Ly, Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.