Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 05/07/2011, 03:25 (GMT+7)
Bài học kinh nghiệm từ Cuộc thi thợ sửa chữa ô tô giỏi ngành Xe-Máy toàn quân năm 2011

alt
Đội tuyển thợ sửa chữa ô tô giỏi Quân khu 4, giải Nhất toàn đoàn trong Cuộc thi.
(Ảnh: Báo QĐND)

 

Thực hiện Kế hoạch số 1261/KH-XM8, ngày 01-7-2010 của Cục Xe-Máy do Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật phê duyệt, từ  ngày 02 đến 04-3-2011, tại Quân khu 4, Cục Xe-Máy đã tổ chức “Hội thi thợ sửa chữa ô tô giỏi ngành Xe-Máy toàn quân năm 2011”. Cuộc thi có ý nghĩa quan trọng đối với việc đánh giá trình độ chuyên môn kỹ thuật, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ nhân viên kỹ thuật xe-máy các đơn vị; là cơ sở để các cấp đánh giá kết quả công tác huấn luyện kỹ thuật ngành Xe-Máy và xây dựng chủ trương, biện pháp tiếp tục chỉ đạo và tổ chức huấn luyện kỹ thuật trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cuộc thi còn tạo điều kiện để các đơn vị trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ bảo dưỡng, sửa chữa xe-máy, góp phần nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, xây dựng ngành Xe-Máy Quân đội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đây là cuộc thi có quy mô lớn, phạm vi rộng, nhiều nội dung, yêu cầu cao; được triển khai từ cấp cơ sở đến cấp toàn quân, diễn ra trong suốt quý 1 năm 2011. Theo kế hoạch, các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức 250 cuộc thi với trên 1.000 thợ sửa chữa ô tô tham dự. Nội dung thi được Cục Xe-Máy chỉ đạo xây dựng theo hướng bám sát thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng ở đơn vị; chú trọng những tình huống bảo đảm cơ động trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt, địa hình, thời tiết phức tạp… Qua theo dõi cho thấy, mặc dù nội dung nhiều, đối tượng dự thi đa dạng, nhưng các đơn vị đã tổ chức Hội thi đạt chất lượng cao, đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành cho đội ngũ thợ sửa chữa tại đơn vị. Tiêu biểu trong tổ chức Hội thi cấp cơ sở là: Quân khu 3, Quân khu 4, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3, Binh chủng Thông tin liên lạc, Binh chủng Pháo binh, Quân chủng Hải quân... Thông qua Hội thi, các đơn vị đã tuyển chọn, thành lập đội tuyển với số lượng từ 9-12 tuyển thủ, tiếp tục huấn luyện, bồi dưỡng để tham dự Hội thi cấp toàn quân.

Kết quả Hội thi cấp toàn quân, có 144/144 tuyển thủ đại diện cho 24 đội tuyển của các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng tham gia đều đạt danh hiệu “Thợ sửa chữa ô tô giỏi ngành Xe-Máy”; trong đó, nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích cao, tiêu biểu là: Quân khu 4, Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Quân khu 3, Quân đoàn 2, Binh chủng Pháo binh... Hội thi đã thực sự tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp ở các đơn vị, động viên mỗi cá nhân, tập thể tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật ở đơn vị.

Qua theo dõi các cuộc thi ở đơn vị và tổ chức Hội thi cấp toàn quân, Cục Xe-Máy đã rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, công tác chuẩn bị Hội thi phải chu đáo, dành nhiều thời gian cho cấp dưới. Để bảo đảm cho cuộc thi thành công, Cục Xe-Máy đã chủ động tham mưu cho Thủ trưởng Tổng cục ban hành Kế hoạch số 1261/KH-XM8, ngày 01-7-2010; Hướng dẫn số 1977/HD-XM8, ngày 01-10-2010 và Thông báo số 102/TB-XM8, ngày 14-01-2011… để chỉ đạo thực hiện. Ngay sau khi có kế hoạch, hướng dẫn, Cục Xe-Máy và các đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Hội thi do Thủ trưởng Cục Kỹ thuật các cấp trực tiếp làm Trưởng ban với sự tham gia của các cơ quan hữu quan. Thông qua đó, Cục Xe-Máy và Ban tổ chức Hội thi đã kịp thời triển khai, hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Hội thi cấp cơ sở và tuyển chọn đội tuyển tham dự Hội thi cấp toàn quân, để các đơn vị có thời gian chuẩn bị và tổ chức Hội thi phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện cụ thể của đơn vị mình.

Trên cơ sở chương trình, nội dung huấn luyện, bồi dưỡng quy định và thực tế yêu cầu bảo đảm, sửa chữa, bảo dưỡng xe-máy ở đơn vị, Ban tổ chức Hội thi cấp toàn quân đã biên soạn, chuẩn bị 490 câu hỏi trắc nghiệm và đáp án phần lý thuyết, 450 câu hỏi thi thực hành và đáp án chấm điểm cho từng nội dung thi; phối hợp với Quân khu 4 chuẩn bị đồng bộ 72 cụm phôi phẩm, 10 xe Zin-130 và cơ sở vật chất, trang bị, thiết bị, dụng cụ phục vụ cho thi thực hành. Để công tác coi thi, chấm thi đạt chất lượng tốt, Hội đồng thi đã tuyển chọn Ban giám khảo gồm những cán bộ, giáo viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, huấn luyện từ các học viện, nhà trường, nhà máy thuộc Tổng cục Kỹ thuật… Cùng với chuẩn bị nội dung, chương trình, Ban tổ chức Hội thi đã chủ động phối hợp với Quân khu 4 bảo đảm chu đáo, đầy đủ mọi mặt, từ địa điểm tổ chức thi, việc trang trí, tuyên truyền, bảo đảm hậu cần, chăm sóc sức khỏe cho các đoàn tham gia… Sự chuẩn bị chu đáo, chủ động dành nhiều thời gian cho cấp dưới đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội thi.          

Hai là, tổ chức hội thi phải chặt chẽ, chấm thi phải khách quan, trung thực. Đây là bài học không mới, nhưng quan trọng, có tác động trực tiếp đến kết quả Hội thi. Để thực hiện tốt điều đó, công tác tổ chức điều hành mọi hoạt động của Hội đồng thi, Ban tổ chức phải đúng kế hoạch, khoa học, linh hoạt, nhất là các quy định về thời gian biểu, tiến trình và quy định đối với các lực lượng tham gia Hội thi. Thực tế cho thấy, do quán triệt nghiêm túc kế hoạch, quy chế thi nên các đội tuyển dự thi luôn chấp hành nghiêm túc mọi quy định của Ban tổ chức, quản lý chặt chẽ quân số, phương tiện kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị trong quá trình tham gia thi, không để xảy ra các trường hợp vi phạm kỷ luật, đi lại tự do hoặc các hiện tượng vi phạm quy tắc an toàn, vi phạm quy chế thi. Đối với Hội đồng thi và Ban giám khảo, đã xác định tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc quy chế, kế hoạch thi, tổ chức điều hành khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Công tác chấm thi có sự thống nhất về phương pháp, cách thức cho điểm, đã thực sự khách quan, đánh giá chính xác thành tích của cá nhân và tập thể đơn vị đạt giải, tạo sự phấn khởi, đoàn kết giữa các đoàn. Đáng chú ý là, cùng với bảo đảm các yêu cầu về nội dung thi, Ban tổ chức còn yêu cầu các tuyển thủ thực hiện đúng động tác điều lệnh, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, góp phần bảo đảm quá trình thi diễn ra nghiêm túc.

Ba là, tổ chức huấn luyện kỹ thuật phải nắm chắc phương châm: “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho cơ động lực lượng trong tình hình mới. Thông qua Hội thi cũng cho thấy, nội dung, phương pháp huấn luyện của một số đơn vị chưa thống nhất, chưa cơ bản; trong thi thực hành, một số tuyển thủ còn có biểu hiện lúng túng... Điều đó có nguyên nhân từ việc huấn luyện kỹ thuật ở đơn vị chưa bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Vì vậy, ngành Xe-Máy các cấp cần chú trọng biên soạn bổ sung đầy đủ tài liệu phục vụ công tác huấn luyện kỹ thuật của đơn vị, nhất là đối với các nội dung huấn luyện khai thác, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các loại xe-máy thế hệ mới. Trong tổ chức huấn luyện kỹ thuật tại đơn vị cần bám sát Chỉ lệnh Công tác quân sự năm 2011 của Tổng Tham mưu trưởng và các hướng dẫn của ngành Xe-Máy; chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành cho nhân viên kỹ thuật tại các đơn vị, trạm, xưởng, nhà máy. Cùng với đó, cơ quan kỹ thuật các cấp cần tăng cường kiểm tra, phúc tra công tác huấn luyện kỹ thuật xe-máy, kịp thời phát hiện những vấn đề chưa thống nhất để có biện pháp khắc phục. Mặt khác, thông qua Hội thi ở các đơn vị còn cho thấy, cần quan tâm hơn nữa việc bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên huấn luyện kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao và có năng lực sư phạm, nhiệt tình, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác huấn luyện kỹ thuật trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, quân đội đang quản lý một khối lượng lớn trang bị kỹ thuật xe-máy, đa dạng về chủng loại; đó là một thành phần quan trọng để nâng cao sức cơ động của các lực lượng. Tuy nhiên, đa số xe-máy tại các đơn vị thuộc thế hệ cũ, đã qua sử dụng nhiều năm, thiếu đồng bộ. Mặt khác, trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, nên hiện nay, nhiều trang bị, phương tiện xe-máy đã và đang xuống cấp, cần được quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Trong thời gian tới, quân đội tiếp tục được trang bị các thế hệ xe-máy mới, ngày càng hiện đại, bổ sung, thay thế dần các trang bị cũ. Do đó, việc quản lý, khai thác phương tiện, trang bị kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho các loại xe thế hệ mới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành Xe-Máy, mà lực lượng trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ này là đội ngũ thợ sửa chữa tại các đơn vị, nhà máy, trạm, xưởng. Kết quả “Hội thi thợ sửa chữa ô tô giỏi ngành Xe-Máy toàn quân năm 2011” cần được nhân rộng, làm hạt nhân trong công tác kỹ thuật của ngành Xe-Máy, cùng với việc duy trì và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, động viên đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật xe-máy tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ lệnh Công tác kỹ thuật năm 2011 và Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, ngành Xe-Máy các đơn vị cần triển khai toàn diện các mặt công tác, tích cực tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng bảo đảm cơ động cho xe-máy diễn tập chiến đấu trong các hình thức tác chiến. Công tác tổ chức huấn luyện lái xe phải bảo đảm chỉ tiêu huấn luyện của từng đối tượng theo Chỉ lệnh Công tác quân sự năm 2011 của Tổng Tham mưu trưởng đã quy định (bổ túc xe tác chiến là 250km/người, lái xe mới là 150km/người,…). Cùng với đó, các đơn vị còn phải tập trung xây dựng nền nếp chính quy trong bảo quản, bảo dưỡng xe-máy, từ việc đăng ký, thống kê đầy đủ, chính xác số lượng, chất lượng phương tiện, trang bị đến thực hiện chế độ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất…; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật với rèn luyện kỷ luật. Công tác bảo đảm kỹ thuật xe-máy cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cần chú trọng duy trì đủ số lượng phương tiện, trang bị kỹ thuật, vật chất dự trữ, bảo đảm hệ số kỹ thuật của nhóm xe làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bằng 1, nhóm xe hoạt động thường xuyên đạt 0,8 trở lên.

Phát huy kết quả Hội thi thợ sửa chữa ô tô giỏi ngành Xe-Máy toàn quân năm 2011, các đơn vị cần vận dụng những bài học kinh nghiệm đã rút ra, tập trung nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng trang bị kỹ thuật xe-máy và chất lượng huấn luyện kỹ thuật, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá PHẠM VĂN KHÁNH

Phó Cục trưởng Cục Xe-Máy, TCKT

 

Ý kiến bạn đọc (0)