Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 21/03/2011, 01:58 (GMT+7)
Bắc Giang đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ

Bắc Giang có vị trí quan trọng cả về kinh tế-xã hội (KT-XH) và quốc phòng-an ninh (QP-AN) đối với Quân khu 1 và cả nước. Những năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự (QP,QS) của Đảng; nhất là Nghị định 152/2007/NĐ-CP, ngày 10-10-2007 của Chính phủ về khu vực phòng thủ (KVPT) và Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”, quân và dân Bắc Giang đã đoàn kết, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, nỗ lực vượt lên những khó khăn, thách thức, tập trung xây dựng KVPT vững chắc, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Nổi bật là, “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận an ninh nhân dân (ANND) được củng cố vững chắc; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) Tỉnh được nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH.

Từ thực tiễn xây dựng KVPT ở địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm sau.

1. Tập trung thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho các đối tượng, làm cơ sở để xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần vững mạnh trong KVPT. Bắc Giang gồm 9 huyện, 1 thành phố; trong đó, có 6 huyện (182 xã) miền núi, kinh tế tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng nhìn chung còn phát triển chậm, mặt bằng dân trí còn thấp, nhất là huyện Sơn Động, Lục Ngạn và các xã vùng sâu, vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, hiện tượng truyền đạo trái pháp luật, hoạt động của các loại tội phạm vẫn còn xảy ra, là những nhân tố tiềm ẩn gây mất ổn định chính trị-xã hội không thể xem thường. Chính vì vậy, Tỉnh rất coi trọng làm tốt công tác giáo dục QP-AN; bởi, đây là nội dung cơ bản quan trọng để xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần vững chắc trong KVPT.

Để thực hiện tốt điều đó, BCHQS Tỉnh tham mưu cho Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Quân khu về công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Hằng năm, Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp của Tỉnh được kiện toàn về tổ chức, kịp thời chỉ đạo các đơn vị LLVT Tỉnh, các ban, ngành địa phương rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục QP-AN sát với từng đối tượng. Công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ ở cơ sở (bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản), chức sắc, chức việc tôn giáo…, được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực. Giai đoạn 2001-2010, Tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo đúng phân cấp và đối tượng theo quy định (đạt trên 95% kế hoạch); trong đó, đối tượng 1: 18 đồng chí; đối tượng 2: 404 đồng chí; đối tượng 3: 5.059 đồng chí; đối tượng 4 và 5: 12.878 đồng chí, cùng với 70.840 đảng viên, 494 chức sắc, chức việc tôn giáo. Thông qua bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ các cấp của Tỉnh nắm vững quan điểm, đường lối QP,QS của Đảng và được bổ sung những kiến thức cơ bản về xây dựng KVPT…; trên cơ sở đó, vận dụng tốt vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và  tổ chức thực hiện nhiệm vụ này ở ngành, địa phương mình.

Đối với công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên (HS,SV), thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ về chuẩn hoá đội ngũ giáo viên giáo dục QP-AN của các nhà trường, BCHQS Tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo tuyển chọn và cử một số cán bộ, giáo viên có năng lực ở các nhà trường đi đào tạo liên kết tại Trung tâm Giáo dục QP-AN ở Thái Nguyên. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy môn giáo dục QP-AN của các nhà trường. Do vậy, đến nay, đội ngũ giáo viên giáo dục QP-AN của các trường trong Tỉnh đã đảm bảo đủ số lượng và trình độ chuyên môn, đảm nhiệm tốt nội dung môn học. Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, các nhà trường vận dụng có hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoại khoá: tham quan các di tích lịch sử, nghe Hội cựu Chiến binh kể chuyện truyền thống, hội thi, hội thao quốc phòng... Qua đó, giúp cho HS,SV có kiến thức về QP,QS, nhận thức đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Để thực hiện tốt công tác giáo dục QP-AN cho toàn dân, BCHQS Tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, các báo, Đài Phát thanh-Truyền hình Tỉnh đổi mới nội dung, chương trình chuyên mục QPTD, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục QP-AN cho toàn dân; đồng thời, coi trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền QP-AN cho các tổ, đội tuyên truyền viên, đặc biệt là các tổ, đội công tác ở vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn tuyên truyền miệng với làm tốt công tác dân vận, tham gia xoá đói, giảm nghèo, xây dựng chính trị cơ sở ở các địa phương... Đến nay, hằng tháng, có 4 chuyên mục và 8 chương trình QP-AN được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng của Tỉnh; trong đó, ưu tiên tuyên truyền các hoạt động nổi bật của LLVT địa phương, các gương điển hình thực hiện nhiệm vụ QP,QS trong KVPT Tỉnh. Các nội dung tuyên truyền về công tác QP-AN cho nhân dân đều được gắn kết trong các hoạt động văn hoá, các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương, hoạt động của các tổ chức, đoàn thể xã hội... Nhờ đó, nhận thức của nhân dân về quan điểm, đường lối xây dựng nền QPTD của Đảng và ý thức cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của toàn dân được tăng cường, góp phần xây dựng KVPT Tỉnh ngày càng vững chắc.

2. Kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận QP-AN vững chắc trong KVPT. Đây là nội dung cốt lõi trong xây dựng KVPT của Tỉnh. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ QP-AN, điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, BCHQS Tỉnh đã chủ động tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND Tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, địa phương thực hiện tốt việc gắn kết giữa phát triển KT-XH với tăng cường, củng cố QP-AN ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của Tỉnh và của các ban, ngành địa phương. Đáng chú ý là, BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 50-CTr/TU, ngày 27-11-2008 về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) làm cơ sở để các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong kế hoạch phát triển KT-XH của Tỉnh thời gian qua, một trong những hạng mục được ưu tiên là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở, nhất là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên xã, liên thôn, bản thuộc địa bàn vùng sâu, vùng cao, vùng trọng điểm chiến lược. Đến nay Tỉnh đã đầu tư xây dựng được trên 50 tuyến đường giao thông phục vụ thiết thực cho phát triển KT-XH và QP-AN trong KVPT, như: đường PT01 và PT05 (huyện Yên Dũng), PT03 (huyện Hiệp Hòa), PT04 (huyện Tân Yên) và các tuyến đường giao thông vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn (thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế…); bê tông hóa gần 2.000 km kênh, mương thuỷ lợi cho huyện miền núi Bảo Sơn, Sông Cầu, hồ Suối Nứa, Lòng Thuyền…Bên cạnh đó, Tỉnh đã thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án công nghiệp, như: Nhà máy Phân đạm-Hóa chất Hà Bắc, dây chuyền sửa chữa vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật của Công ty Cơ khí hóa chất Hà Bắc. Các dự án phát triển của các ngành giao thông, vận tải, bưu chính-viễn thông, y tế, chế tạo máy, chế biến nông, lâm sản…, được Tỉnh quan tâm phát triển toàn diện. Các dự án, công trình này trước khi xây dựng đều được BCHQS Tỉnh và các cơ quan chức năng thẩm định kỹ, đảm bảo  giữ đúng chỉ đạo của trên, yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế, vừa phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, dân sinh, đồng thời sẵn sàng huy động chuyển sang phục vụ nhiệm vụ QP,QS khi đất nước có chiến tranh.

Để bảo đảm mỗi bước phát triển KT-XH là một bước củng cố QP-AN, BCHQS Tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành địa phương thường xuyên kiểm tra, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án tác chiến cho phù hợp với thay đổi trên địa hình; đồng thời, tổ chức luyện tập, diễn tập thuần thục các phương án trong KVPT. Năm 2009, Tỉnh đã tổ chức diễn tập KVPT cho huyện Lục Ngạn, diễn tập phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn cho huyện Việt Yên và diễn tập chiến đấu trị an cho 25% cơ sở xã, phường, thị trấn, được Quân khu đánh giá cao. Trong điều kiện kinh tế của Tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh phí dành cho QP-AN còn eo hẹp, BCHQS Tỉnh đã phối hợp với Sở Kế hoạch-Đầu tư sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp kết hợp với kinh phí huy động của địa phương để xây dựng các công trình phòng thủ, ưu tiên cho các công trình trọng điểm: sở chỉ huy các cấp, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, trận địa pháo binh, phòng không và thao trường huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ (DQTV), dự bị động viên của 9/9 huyện. Hiện nay, BCHQS Tỉnh đang triển khai xây dựng  thao trường huấn luyện tổng hợp với diện tích 120 ha, có thể tổ chức diễn tập chiến thuật bắn đạn thật cấp tiểu đoàn bộ binh và khu hậu phương của Tỉnh với đầy đủ hệ thống hạ tầng cơ sở, trang bị, thiết bị, rộng hơn 100 ha... Mặt khác, BCHQS Tỉnh tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích trồng rừng, phù hợp quy hoạch, bố trí dân cư, tăng cường quản lý các công trình quốc phòng, nhất là các đường hầm, đất quốc phòng, hệ thống đê điều, bến, bãi, các điểm cao có giá trị KT-XH và QP-AN…, để tạo dựng thế trận “liên hoàn, vững chắc”  cho KVPT. Cơ quan quân sự các cấp  chú trọng phối hợp với lực lượng công an thực hiện tốt Quyết định 107/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay là Nghị định 77/2010/TTg) trong phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, truy quét các loại tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Nhờ kết hợp tốt các biện pháp đó, nên KT-XH của Tỉnh phát triển, QP-AN được củng cố, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra.

3. Xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong xây dựng KVPT ở địa phương. Theo đó, đối với lực lượng thường trực, BCHQS Tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu thường xuyên rà soát, đảm bảo quân số theo đúng biên chế; trong đó, ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, chăm lo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp toàn diện về phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, nhất là năng lực chỉ huy tác chiến, năng lực tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS; coi trọng xây dựng nền nếp chính quy và rèn luyện kỷ luật; xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với xây dựng cấp uỷ, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Đối với lực lượng DQTV, BCHQS Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh chỉ đạo các ban, ngành địa phương xây dựng  theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, đủ thành phần, số lượng hợp lý, chất lượng cao; chăm lo công tác phát triển đảng, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, doanh nghiệp. Vừa qua, Tỉnh đã tổ chức 4 khoá đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn với quân số 232 đồng chí, tập huấn chuyên môn cho gần 1.200 cán bộ DQTV và huấn luyện cho 100% DQTV ở các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp. Đối với lực lượng dự bị động viên, BCHQS Tỉnh coi trọng việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ cấp trung đội, tiểu đội và tương đương; thực hiện tốt việc phát triển đảng trong lực lượng này; phối hợp với Đoàn 3 của Quân khu, Đơn vị 29 Công binh và Quân chủng Phòng không-Không quân.., để quản lý quân số, huấn luyện, tạo nguồn và điều chỉnh nguồn, đảm bảo tỷ lệ chuyên nghiệp quân sự cho các ngành, binh chủng, đơn vị của Tỉnh. BCHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND Tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo sĩ quan dự bị tại Trường Quân sự Tỉnh năm 2009 -2010 và mở 4 lớp đào tạo được 300 sĩ quan dự bị bằng nguồn ngân sách của địa phương.

Với những thành tích đạt được, năm 2009, LLVT Bắc Giang vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua; năm 2010, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công Hạng 3; Bộ Quốc phòng tặng Cờ 10 năm liền là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về xây dựng đơn vị VMTD. Thời gian tới, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, LLVT Bắc Giang cùng với nhân dân nhất định sẽ xây dựng KVPT Tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

Đại tá NGÔ MINH TIẾN

Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh


 

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.