Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 09/11/2011, 02:48 (GMT+7)
Ba yếu tố chủ yếu làm nên "6 cái nhất" của Lữ đoàn Xe tăng 201


Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên, Tư lệnh Binh chủng trao Cờ “Tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM năm 2005-2010” của QUTW cho Lữ đoàn   
Lữ đoàn Xe tăng 201 (tiền thân là Trung đoàn Xe tăng 201) thuộc Binh chủng Tăng  thiết giáp được thành lập ngày 18-11-1971. Ngay sau khi được thành lập, khẩu hiệu “Xông ra tiền tuyến chiến đấu, hướng ra chiến trường lập công” đã thúc giục Trung đoàn bắt tay vào hàng loạt nhiệm vụ với quyết tâm cao và khí thế sôi nổi. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, từ biên chế, tổ chức ban đầu của Trung đoàn, đã thành lập ra một trung đoàn mới (Trung đoàn 201b) bổ sung cho chiến trường miền Đông Nam Bộ và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cho các chiến trường Trị – Thiên, Khu 5, Tây Nguyên. Thi đua với anh em lên đường vào Nam chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn ở lại miền Bắc cũng lập công lớn: bắn rơi hai máy bay của địch ngay trên bầu trời cửa ngõ Thủ đô, gúp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng của đế quốc Mỹ.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là lực lượng dự bị cơ động chiến lược của Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Song nhiệm vụ nào Lữ đoàn cũng hoàn thành tốt và xuất sắc. Ghi nhận những thành tích ấy, năm 2001, Lữ đoàn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”. Phát huy phẩm chất anh hùng, 10 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tiếp tục khẳng định mình để trở thành “Đơn vị có6 cái nhất” trong phong trào Thi đua Quyết thắng như lời khen ngợi của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi về thăm Lữ đoàn1. Đó là phần thưởng cho sự nỗ lực phấn đấu kiên trì của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn. Qua thực tiễn, chúng tôi rút ra được nhiều bài học bổ ích, trong đó có ba bài học chủ yếu, đó là:

Thứ nhất, cán bộ, chiến sĩ phải nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của Lữ đoàn và ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với chức trách, cương vị được giao.


Đại tá Trần Tuấn Tú, Lữ đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trong Diễn tập CH-11  
Nhiệm vụ của Lữ đoàn là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), tham gia xây dựng địa bàn và sẵn sàng thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất khác. Trong các nhiệm vụ ấy, SSCĐ là số một, là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, đòi hỏi Lữ đoàn phải luôn sẵn sàng về người, trước hết là về yếu tố chính trị - tinh thần, để khi có lệnh là bước vào chiến đấu được ngay, giành thắng lợi ngay từ trận đầu. Đó cũng là vấn đề cán bộ, chiến sĩ phải nắm vững, thống nhất về nhận thức và ý thức rõ trách nhiệm của mình. Song, nhận thức là cả một quá trình. Từ nhận thức đúng đến hành động đúng lại là một quá trình nữa. Điều đó đòi hỏi việc giáo dục bộ đội phải hết sức công phu, kiên trì. Cách làm của Lữ đoàn là, thường xuyên giáo dục bộ đội về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị của Lữ đoàn trước Đảng, trước nhân dân để từng bước xây dựng bản lĩnh chính trị - “bản lĩnh thép” cho người lính tăng thiết giáp. Trong quá trình giáo dục, Lữ đoàn chú trọng thông tin về tình hình trong nước, quốc tế, nêu rõ âm mưu, thủ đoạn mới trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với nước ta...; qua đó, để bộ đội nêu cao cảnh giác cách mạng, có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ SSCĐ.

Việc sẵn sàng về con người còn liên quan đến hàng loạt vấn đề khác, như: xe pháo, thông tin, công binh, trinh sát, vận tải, sửa chữa, hậu cần... Vì thế, ngoài chương trình giáo dục chính trị theo quy định, việc giáo dục bộ đội được Lữ đoàn tiến hành gắn với tất cả các nhiệm vụ, hoạt động của đơn vị, cả trong học tập, huấn luyện và sinh hoạt. Lữ đoàn còn xác định: nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng và hình thành ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao là trách nhiệm của cấp ủy các cấp; cán bộ, chiến sĩ vừa là người được giáo dục đồng thời vừa là chủ thể của quá trình giáo dục. Xuất phát từ đặc thù của đơn vị, trong quá trình giáo dục, cấp ủy vừa là hạt nhân đoàn kết, vừa quan tâm, xây dựng mỗi xe chiến đấu thành một gia đình nhỏ; xây dựng Lữ đoàn là một đại gia đình, cùng có nhận thức đúng và trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao.

Kinh nghiệm của Lữ đoàn là, chỉ huy phải gần gũi, hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Khi phát hiện tập thể, cá nhân “có vấn đề” về tư tưởng thì tuyệt đối không “đao to búa lớn”, càng không “nâng quan điểm”; trái lại, lãnh đạo, chỉ huy phải chia sẻ với cấp dưới, tạo mọi điều kiện cho cấp dưới nhận ra hạn chế, yếu kém để khắc phục và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đối với những tập thể, cá nhân có thành tích không cao, thậm chí “ỳ ạch”, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tăng cường quan tâm, động viên và giúp đỡ. Bằng những biện pháp giáo dục và thái độ như vậy, 100% tập thể, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn vững vàng về tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ và có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là yếu tố quyết định, tạo sức mạnh tổng hợp để Lữ đoàn giành được “6 cái nhất” trong những năm qua.

Thứ hai, phải thường xuyên coi trọng công tác bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ.

Thực tế ở Lữ đoàn cho thấy, cơ quan, đơn vị nào có cán bộ giỏi và tâm huyết với nhiệm vụ thì cơ quan, đơn vị đó vững vàng, có kết quả huấn luyện, SSCĐ tốt, và ngược lại. Từ thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn nhiệm kỳ nào cũng coi việc bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ là khâu then chốt, một nhiệm vụ trọng tâm và luôn có sự phân công cấp ủy viên theo dõi, chỉ đạo cụ thể. Trong một số thời điểm, do yêu cầu nhiệm vụ, Lữ đoàn còn xây dựng nghị quyết chuyên đề về huấn luyện cán bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ.

Việc bồi dưỡng cán bộ tại đơn vị được Lữ đoàn tiến hành thường xuyên, cả trong huấn luyện cũng như trong sinh hoạt, công tác. Để đảm bảo tính thiết thực, sát chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, Lữ đoàn tiến hành phân thành nhiều nhóm bồi dưỡng: chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật; nhóm cần bồi dưỡng để khắc phục khâu yếu, mặt yếu; nhóm cần nâng cao trình độ quản lý đơn vị và trình độ tổ chức huấn luyện, chiến đấu. Trong các nhúm đó, số cán bộ là trưởng xe, tiểu đội trưởng và cán bộ trung đội, đại đội là nhóm được quan tâm chỉ đạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, trọng tâm là bồi dưỡng theo phân cấp. Do số cán bộ đó qua chiến đấu còn rất ít, nên trong quá trình bồi dưỡng, chỉ huy Lữ đoàn luôn yêu cầu chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải chú ý bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp, cũng như rèn luyện cho cán bộ “tác phong chiến trường” ngay trong huấn luyện, luyện tập SSCĐ. Ngoài ra, để việc bồi dưỡng cán bộ được thực hiện nghiêm túc, một mặt, Lữ đoàn quy định cán bộ chủ trì chịu trách nhiệm về trình độ huấn luyện và quản lý đơn vị của cán bộ thuộc quyền; mặt khác, lấy kết quả của việc bồi dưỡng làm một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Nhờ áp dụng nhiều hình thức, biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện đó, nên Lữ đoàn có được đội ngũ cán bộ vững vàng cả trong quản lý bộ đội, quản lý vũ khí, trang bị, cũng như trong tổ chức huấn luyện, luyện tập SSCĐ với 100% cán bộ đảm đương được cương vị, chức trách và huấn luyện theo phân cấp, trong đó có 88 % khá, giỏi.

Thứ ba, phải huấn luyện cơ bản, sát thực tiễn, sát yêu cầu nhiệm vụ.


Huấn luyện chiến thuật
Là binh chủng chiến đấu bằng phương tiện kỹ thuật, nên huấn luyện cơ bản là một yêu cầu khách quan đối với Bộ đội Tăng thiết giáp. Nhận thức rõ điều đó, lãnh đạo và chỉ huy Lữ đoàn luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng chỉ đạo huấn luyện của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng là “Lấy huấn luyện kỹ thuật là cơ sở, huấn luyện chiến thuật là trung tâm, huấn luyện cán bộ là khâu đột phỏ” và thực hiện tốt cả 3 khâu: huấn luyện cán bộ, huấn luyện cơ quan và huấn luyện phân đội. Trong 3 khâu đó thì huấn luyện cán bộ là khâu then chốt, huấn luyện phân đội là trọng điểm. Yêu cầu huấn luyện cơ bản, thiết thực, vững chắc được Lữ đoàn thực hiện nghiêm túc theo quy trình: huấn luyện kỹ thuật trước, chiến thuật sau; huấn luyện bộ đội thuần thục động tác cá nhân trước, vững chắc phân đội sau; huấn luyện ban ngày trước, ban đêm sau; huấn luyện cơ bản trước, ứng dụng sau. Trong mỗi nội dung huấn luyện, cán bộ huấn luyện thực hiện tuần tự các bước, các quy trình, bảo đảm phù hợp với nhận thức của người học theo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ phân đoạn đến tổng hợp, với phương châm: “Nói gọn, giảng rõ, thực hành nhiều”. Đặc biệt, cán bộ của Lữ đoàn luôn chú ý rèn luyện bộ đội thực hiện chính quy trong huấn luyện; đồng thời, chỉ ra hậu quả của việc chủ quan, coi thường huấn luyện cơ bản và những bài học mất an toàn về huấn luyện để bộ đội nhận thức đầy đủ yêu cầu khách quan của việc huấn luyện cơ bản, thiết thực, vững chắc.

Tuy là lực lượng có sức đột kích mạnh, có khả năng tạo bất ngờ làm thay đổi cục diện trận chiến đấu, song xe tăng cũng là phương tiện có những hạn chế trong tác chiến, nhất là trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao. Vì vậy, trong huấn luyện, Lữ đoàn dành nhiều thời gian cho các nội dung: huấn luyện cơ động tiếp cận mục tiêu, cơ động trong các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, cơ động rời khỏi vị trí để bảo toàn lực lượng...; đồng thời, tích cực huấn luyện về ngụy trang, nghi binh, sử dụng thông tin chỉ huy trong điều kiện địch triển khai tác chiến điện tử mạnh và huấn luyện cách đánh bất ngờ, đánh cài xen với địch. Trên cơ sở huấn luyện cơ bản, Lữ đoàn chú trọng huấn luyện nâng cao, như: lái bắn, lái chiến đấu, lái lên xuống xe chở tăng... và tăng cường huấn luyện vượt sông, huấn luyện ban đêm, huấn luyện ở địa hình phức tạp, với quan điểm “gian khổ trong huấn luyện, thuận lợi khi chiến đấu” để rèn luyện bản lĩnh, ý chí và khả năng chịu đựng của bộ đội.

Đơn vị đạt “6 cái nhất” là thành quả rất đáng tự hào của Lữ đoàn. Song không thỏa mãn với những gì đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã và đang tiếp tục thể hiện quyết tâm phát huy phẩm chất anh hùng, giữ vững thành tích là “Đơn vị có 6 cái nhất”; tích cực vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm nói trên để xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện hơn nữa.

Đại tá TRẦN TUẤN TÚ

Lữ đoàn trưởng

___________

1 - “6 cái nhất” là: có trình độ và khả năng SSCĐ cao nhất; huấn luyện, rèn luyện kỷ luật và xây dựng nếp sống chính quy tốt nhất; bảo quản vũ khí, trang bị tốt nhất; bảo đảm đời sống cho bộ đội tốt nhất; xây dựng tổ chức đảng và tổ chức quần chúng tốt nhất; làm công tác dân vận tốt nhất.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.