Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 14/11/2011, 03:10 (GMT+7)
Ba đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường Trung cấp Quân y 1
Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 25-11-1966, Trường Trung cấp Quân y 1 được thành lập. Trải qua 45 năm xây dựng, phát triển, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên của Nhà trường đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo được hàng vạn nhân viên y, dược cho Quân đội, ngành Y tế và các nước bạn (Lào, Cam-pu-chia). Cùng với đó, Nhà trường còn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đạt những kết quả tích cực. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến của cán bộ, giáo viên Nhà trường đã trở thành tài liệu, trang bị chuyên môn có giá trị, được phổ biến rộng rãi, phát huy hiệu quả trong hoạt động công tác quân y, dân y. Ghi nhận những thành tích đạt được, Nhà nước đã phong tặng Nhà trường danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tặng Nhà trường nhiều phần thưởng cao quý.


Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (tháng 9-2010)
 

Những năm gần đây, nhiệm vụ đào tạo của Trường có sự phát triển cả về quy mô, đối tượng, loại hình, với yêu cầu ngày càng cao. Cùng với đào tạo nhân viên y, dược cho Quân đội, Nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phục vụ sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Trong khi đó, tổ chức biên chế của Nhà trường chưa ổn định; chất lượng đội ngũ cán bộ có mặt không đồng đều; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo còn thiếu đồng bộ,… Trước tình hình đó, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều chủ trương, giải pháp đột phá nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ vậy, uy tín, thương hiệu “Trường Trung cấp Quân y 1” luôn được xã hội đánh giá cao.

Có được kết quả đó là tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, có vai trò của 3 đột phá vào những khâu cơ bản, quyết định nhất, phù hợp với điều kiện của Nhà trường. Cụ thể là:


Đại tá Nguyễn Đình Hợp, Hiệu trưởng Nhà trường kiểm tra huấn luyện thực hành kỹ thuật điều dưỡng
1. Xây dựng đội ngũ giáo viên có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, tâm huyết với nghề nghiệp. Đối với mọi nhà trường, đội ngũ giáo viên luôn được coi là những “cỗ máy cái”, nhân tố có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo. Thực tiễn đã chứng minh: có thầy giỏi mới có trò giỏi. Từ nhận thức đó, Nhà trường đã coi trọng và nỗ lực tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên chuẩn hoá về trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đến năm 2010” của Bộ Quốc phòng và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, Đảng uỷ Nhà trường đã ra Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/ĐU về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhà trường đã tổ chức rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giáo viên về mọi mặt; từ đó, xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên đến năm 2010 và những năm tiếp theo. Trong quá trình thực hiện, Nhà trường coi trọng công tác tạo nguồn; thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn, lòng tự hào về “người thầy giáo, thầy thuốc quân y” cho đội ngũ giáo viên. Để phát triển năng lực toàn diện cho đội ngũ giáo viên, Nhà trường đã thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ bằng nhiều hình thức phong phú sát yêu cầu thực tiễn của từng chuyên khoa, chuyên ngành; đồng thời, tăng cường cử giáo viên đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, đi thực tế ở các đơn vị, cơ sở y tế. Việc xây dựng đội ngũ giáo viên trẻ, giáo viên dạy giỏi các cấp được Nhà trường chú trọng. Đối với những giáo viên mới, kinh nghiệm giảng dạy còn ít, ngoài việc khuyến khích, động viên họ tự học, tự nghiên cứu, các bộ môn và khoa đã phân công giáo viên có kinh nghiệm trực tiếp bồi dưỡng, kèm cặp, giúp đỡ. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giảng tập, giảng thử, giảng thông qua ở tất cả các cấp; tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho giáo viên. Các chế độ dự giảng, bình giảng, kiểm tra huấn luyện của Ban Giám hiệu, chỉ huy các khoa, Phòng Huấn luyện được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, Nhà trường đã thực hiện có hiệu quả việc đánh giá tín nhiệm giáo viên thông qua lấy ý kiến phản hồi của học viên. Đây thực sự là một kênh thông tin quan trọng giúp Nhà trường đánh giá đúng chất lượng đội ngũ giáo viên; đồng thời, là biện pháp thúc đẩy giáo viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện.

 Cùng với các biện pháp đó, Nhà trường đã quan tâm, chăm lo giải quyết tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi và động lực để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, phấn đấu vươn lên. Vì vậy, đội ngũ giáo viên của Nhà trường không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên 90% giáo viên của Nhà trường có trình độ đại học; trong đó, 25% có trình độ sau đại học. Trong giai đoạn 2005 - 2010, Nhà trường có 1 giáo viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 1 giáo viên được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp toàn quốc, 5 người đạt Giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân, 23 người đạt Giáo viên dạy giỏi cấp trường, học viện; có nhiều giáo viên “đa năng”, không chỉ dạy giỏi môn học được phân công mà còn đảm nhiệm dạy tốt các môn trong khoa hoặc liên khoa.


Một buổi học trong vườn dược liệu
Hai là, thực hiện phương châm “thiết thực, hiệu quả” trong đào tạo, coi trọng và nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành. Học đi đôi với hành, gắn lý luận với thực tiễn là nguyên lý cơ bản trong giáo dục - đào tạo. Điều đó càng đặc biệt quan trọng đối với Nhà trường, khi đối tượng đào tạo là những người làm công việc trực tiếp liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của con người. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ những khoá đào tạo đầu tiên, Nhà trường đã thực hiện “chiến trường cần gì, học nấy”, đào tạo cho học viên những kiến thức, kỹ năng sát với yêu cầu chiến đấu, sát với bộ đội. Vì vậy, có khoá học dù thời gian rút ngắn, nhưng học viên ra trường vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kế thừa kinh nghiệm đó, Nhà trường đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ điều trị, chăm sóc thương binh, bệnh binh, chăm sóc người bệnh và sự phát triển của khoa học y tế, y học quân sự, để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp. Dạy tốt đối với Nhà trường không chỉ là dạy trên sách vở, mà còn là bảo đảm gắn lý thuyết với thực hành, thông qua thực hành để trang bị cho học viên những kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, giúp họ có thể đáp ứng được những tình huống phức tạp trong chiến đấu hay yêu cầu khắt khe của các cơ sở y tế ngay sau khi ra trường. Bởi vậy, chương trình đào tạo của Nhà trường đã dành phần lớn thời gian cho nội dung huấn luyện thực hành. Để đáp ứng yêu cầu đó, những năm qua, Nhà trường đã tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng thực tập tiền lâm sàng, mua sắm nhiều trang bị hiện đại, như: máy theo dõi bệnh nhân, máy truyền dịch, bơm tiêm điện, máy Soxlex, máy làm viên hoàn,… để học viên có điều kiện tiếp cận sát thực tế. Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ sở y tế trong khu vực, nhất là Viện Quân y 105, để huấn luyện thực hành lâm sàng và tổ chức cho học viên đi thực tập, thực hiện “gắn nhà trường với bệnh viện, người bệnh”. Ngoài việc tổ chức học tập, luyện tập trong giờ chính khoá, Nhà trường còn chỉ đạo các đơn vị quản lý học viên đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ: “Thao tác khám bệnh lâm sàng”, “Kỹ thuật điều dưỡng”, “Năm kỹ thuật cấp cứu”… để học viên tăng cường luyện tập hình thành kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, để tạo động lực thúc đẩy học viên nỗ lực học tập, nâng cao năng lực thực hành, Nhà trường đã có nhiều đổi mới trong đánh giá kết quả học tập của học viên; trong đó, đề cao kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, coi đó là nhân tố cơ bản, quyết định năng lực chuyên môn của nhân viên y, dược tương lai. Cùng với “dạy nghề”, Nhà trường cũng luôn quan tâm đến việc “rèn người”, đảm bảo cho học viên được phát triển một cách toàn diện, thực sự là những nhân viên y, dược “sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”, ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi.


Lễ ký kết hợp đồng đào tạo y sỹ đa khoa cho huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang
Ba là, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên. Thực tiễn cho thấy, thi, kiểm tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc định hướng hoạt động của cả người dạy và người học; là động lực để đổi mới phương pháp dạy - học, thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo. Nhận thức được điều đó, những năm qua, trên cơ sở Quy chế 40, ngày 01-8-2007 của Bộ Giáo đục và Đào tạo, Nhà trường đã ban hành Quy chế thi, kiểm tra, tập trung đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp thi, kiểm tra hết môn, hết học kỳ; đặc biệt, đã tổ chức thi tốt nghiệp theo hướng “Chung đề - cùng ngày - theo đối tượng đào tạo - chấm thi độc lập”; qua đó, mang lại hiệu quả trên nhiều mặt. Để thực hiện, Nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để các đối tượng có liên quan nhận thức đúng về vị trí, vai trò, mục đích, chức năng của thi, kiểm tra; đồng thời, đưa vấn đề này trở thành nội dung lãnh đạo thường xuyên của tổ chức đảng ở các cơ quan chức năng, khoa giáo viên, đơn vị học viên. Việc đổi mới được thực hiện trước hết ở việc ra đề thi. Theo đó, Nhà trường đã chỉ đạo các khoa giáo viên triển khai xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi của từng môn học, cho từng đối tượng đào tạo, phù hợp với hình thức tổ chức thi, kiểm tra. Hằng năm, tổ chức rà soát, bổ sung, cập nhật nội dung mới để hoàn thiện. Các đề thi đã đặt trọng tâm vào đánh giá kỹ năng thực hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn, giảm bớt tái hiện kiến thức lý thuyết đơn thuần. Các khâu coi thi, chấm thi cũng được tiến hành chặt chẽ, có sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của Phòng Huấn luyện theo phân cấp, đảm bảo đánh giá khách quan, trung thực, chính xác, công bằng kết quả học tập của học viên. Mặt khác, Nhà trường kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy chế, các biểu hiện gian lận trong thi, kiểm tra; nhờ đó, đã tạo được bầu không khí học tập nghiêm túc, thúc đẩy học viên tích cực, tự giác học tập, khắc phục lối học thụ động, “học tủ”, “học vẹt”, thiết thực biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Nhờ vậy, kết quả đào tạo của Nhà trường được nâng lên rõ rệt; phân loại học viên tốt nghiệp hằng năm 100% đạt yêu cầu; trong đó, trên 50% khá, giỏi.

Phát huy truyền thống, kinh nghiệm đạt được, cán bộ, giáo viên, học viên trường Trung cấp Quân y 1 tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, để xứng đáng là cơ sở đào tạo nhân viên y, dược có chất lượng cao của Quân đội và đất nước.

Đại tá, Bác sĩ CKI NGUYỄN ĐÌNH HỢP

Hiệu trưởng Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)