Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 16/08/2012, 08:53 (GMT+7)
Ba bài học kinh nghiệm trong phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng ở Sư đoàn 10

Sư đoàn 10 (Binh đoàn Tây Nguyên) được thành lập ngày 20-9-1972, mang tên Đoàn Đắc Tô. Thành phần của Sư đoàn lúc thành lập đều là các trung đoàn thiện chiến thuộc khối chủ lực Tây Nguyên, từng tham gia giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh. Vì vậy, dù mới được thành lập, Sư đoàn đã bước vào chiến đấu được ngay và giành thắng lợi lớn ở Plây Cần, Đắc Xiêng, Non Nước (tháng 10-1972). Mùa Xuân 1975, Sư đoàn tiếp tục lập công vang dội ở Đức Lập, Buôn Ma Thuật, Nông Trại - Phước An, Chư Cúc trong Chiến dịch Tây Nguyên. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được giao trọng trách là “binh đội thọc sâu”, tham gia đảm nhiệm 2 trong tổng số 5 mục tiêu chủ yếu (Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn), Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

alt
Huấn luyện chiến thuật phân đội
 

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Sư đoàn bắt tay ngay vào nhiệm vụ tham gia củng cố chính quyền của nhiều tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên; truy quét lực lượng Phun-rô; tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng. Năm 1979, Sư đoàn cơ động ra làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Qua 7 năm kể từ ngày thành lập, Sư đoàn liên tục tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Với những chiến công ấy, Sư đoàn đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1975 và năm 1979); Nhà nước Cam-pu-chia tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Ngoài ra, Sư đoàn còn được nhận nhiều phần thưởng cao quý khác.

Năm 1988, Sư đoàn trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và tham gia xây dựng cơ sở chính trị - xã hội trên địa bàn. Một lần nữa, Sư đoàn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sư đoàn luôn phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng, tích cực truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu của lớp cán bộ, chiến sĩ đi trước trong công tác giáo dục và huấn luyện bộ đội. Đó là yếu tố quan trọng, góp phần đảm bảo cho Sư đoàn luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của Binh đoàn về nền nếp chính quy, ý thức tổ chức kỷ luật, chất lượng huấn luyện và trình độ SSCĐ. Từ thực tiễn xây dựng đơn vị, Sư đoàn đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích:            

1- Phải luôn nắm vững mục tiêu của cách mạng, đường lối của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Sư đoàn và phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng để giáo dục lòng yêu nước, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Đây là bài học xuyên suốt của Sư đoàn trong 40 năm qua. Trong chiến tranh giải phóng, mặc dù phải liên tục làm nhiệm vụ trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, song Sư đoàn đã làm tốt việc giáo dục cho bộ đội lòng yêu nước, mục tiêu của cách mạng và nhiệm vụ của đơn vị. Công tác giáo dục được tiến hành mọi lúc, mọi nơi; kể cả lúc thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn, thậm chí sau mỗi chiến thắng thì công tác tư tưởng càng được coi trọng để tránh biểu hiện chủ quan, tự mãn.

Trong thời bình, tuy không phải đối mặt trực tiếp với kẻ thù xâm lược, song nỗi vất vả, khó khăn của Sư đoàn cũng rất lớn. Hầu hết gia đình cán bộ của Sư đoàn đều ở miền Bắc, song vì nhiệm vụ nên anh em chấp nhận gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Địa bàn đóng quân của Sư đoàn nằm ở khu vực trọng điểm, xung yếu trên biên giới – nơi các thế lực thù địch thường chọn làm chốn ẩn náu để hoạt động phá hoại; khí hậu, môi trường nơi đây khắc nghiệt1. Để xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn luôn quan tâm giáo dục cho bộ đội thấy được Tây Nguyên là mảnh đất đã cưu mang Sư đoàn trong suốt những năm tháng xây dựng, trưởng thành và chiến đấu. Do đó, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn nhận thức rằng: tham gia xây dựng và bảo vệ Tây Nguyên, góp phần làm cho đồng bào nơi đây no ấm là điều Đảng cần, đồng bào Tây Nguyên cần ở Sư đoàn; bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn phải thể hiện ở việc chấp hành vô điều kiện sự phân công của Đảng. Đó là những điều mà cán bộ các cấp trong Sư đoàn thường xuyên tự giáo dục, rèn luyện mình và giáo dục, rèn luyện chiến sĩ, với phương châm “Rèn cán, rèn binh; rèn mình rồi mới rèn chiến sĩ”. Bên cạnh đó, Sư đoàn luôn chú ý vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; qua đó, bồi dưỡng cho bộ đội tinh thần cảnh giác cách mạng, luôn nhận thức đúng nhiệm vụ chính trị được giao và quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Trong quá trình giáo dục bộ đội, Sư đoàn luôn khơi dậy truyền thống đơn vị anh hùng, niềm tự hào của Sư đoàn và nêu gương các anh hùng liệt sĩ trong đơn vị. Nhà Bia tưởng niệm ghi danh hơn 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã ngã xuống được Sư đoàn thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham quan, thắp hương tưởng niệm và học tập truyền thống. Hoạt động này đã gây ấn tượng mạnh và có tác dụng giáo dục to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời với giáo dục truyền thống, cán bộ các cấp đã làm tốt công tác tư tưởng. Sư đoàn yêu cầu chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy phải gần gũi, chia sẻ với cấp dưới, tạo mọi điều kiện cho cấp dưới phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Sư đoàn luôn quan tâm làm tốt công tác chính sách; tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện về nhà ở, đất ở, việc làm cho vợ con nhiều cán bộ, giúp anh em ổn định cuộc sống, gắn bó với đơn vị. Bằng những biện pháp giáo dục và sự quan tâm thiết thực, 100% cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn luôn xác định tốt và có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là yếu tố quyết định, đảm bảo cho Sư đoàn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

alt
Tham gia phát triển kinh tế
 

2- Bám sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ để huấn luyện SSCĐ. Thực tiễn chiến đấu như thế nào thì phải huấn luyện bộ đội như thế ấy. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Sư đoàn coi trọng huấn luyện, phát huy sở trường của từng đơn vị, đảm bảo cho các đơn vị giỏi đánh nhỏ, đánh vừa, hoạt động độc lập, nhưng cũng giỏi tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thực tiễn chiến đấu cũng không có một khuôn mẫu nào. Trên cơ sở huấn luyện tuân thủ các phương châm, nguyên tắc theo quy định, Sư đoàn chú ý khai thác triệt để những kinh nghiệm chiến đấu của chính đơn vị, như: làm hầm chữ A và chiến hào nổi, tháo pháo cơ giới để bắn ngắm trực tiếp, lợi dụng lúc pháo binh ta bắn, công binh, bộ binh vào mở cửa mở, áp dụng chiến thuật “cặp đôi” (một xe tăng, một xe bọc thép) vào nhiệm vụ thọc sâu... để huấn luyện bộ đội. Xuất phát từ đặc điểm của địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ, cùng với huấn luyện tác chiến, Sư đoàn còn dành nhiều thời gian để huấn luyện bộ đội về phương pháp tiến hành công tác dân vận, phương thức phối hợp với Công an trong việc xử trí “điểm nóng”, bảo vệ địa bàn; phòng, chống cháy rừng, cứu giúp đồng bào thoát khỏi bão lũ, dịch bệnh. Ngoài ra, Sư đoàn còn tăng cường tổ chức cho bộ đội hành quân dã ngoại kết hợp công tác dân vận; đồng thời, chủ động xây dựng và luyện tập các phương án SSCĐ, trong đó có nhiều phương án chống bạo loạn có vũ trang, nhằm kịp thời xử trí các tình huống nảy sinh. Chính vì huấn luyện sát đặc điểm, nhiệm vụ, những năm gần đây, Sư đoàn đã góp phần cùng các lực lượng kịp thời xử trí có hiệu quả các “điểm nóng”, làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phá hoại chính quyền của các thế lực thù địch.

3- Phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống và làm tốt công tác dân vận. Trong chiến tranh, không chỉ giỏi chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn còn giỏi làm nương, phát rẫy. Đơn vị nào cũng thành lập các tổ rèn nông cụ, tổ chức săn bắn, đánh cá, trồng rau, xay giã, chế biến thực phẩm... Phẩm chất tự lực tự cường đó đã và đang được cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn phát huy trong điều kiện mới. Hiện nay, với Chương trình “Ba cơ bản” (vườn cơ bản, giàn cơ bản và chuồng cơ bản), phong trào tăng gia sản xuất của Sư đoàn đã phát triển rộng khắp và đạt hiệu quả thiết thực. Từ kết quả lao động sản xuất, Sư đoàn đã bảo đảm 100% rau xanh, thịt các loại; mua sắm nhiều trang thiết bị, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng bữa ăn và đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

alt
Giúp đồng bào làm nhà Rông văn hóa
 

Thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, Sư đoàn luôn sát cánh với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc xây dựng, củng cố địa bàn, giúp địa phương phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, nhất là về xóa đói giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa. Cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã đồng cam cộng khổ cùng đồng bào, tuyên truyền cho đồng bào thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Tây Nguyên; đồng thời, mỗi năm đóng góp hàng chục triệu đồng cùng hàng nghìn ngày công làm, sửa nhà, làm đường, kênh mương, trường học và vệ sinh thôn bản. Bằng những việc làm đó, mối quan hệ tốt đẹp giữa Sư đoàn với cấp ủy, chính quyền và đồng bào Tây Nguyên càng ngày càng bền chặt. Đến lượt mình, cấp ủy, chính quyền và đồng bào Tây Nguyên lại hết lòng đùm bọc, che chở Sư đoàn, tạo chỗ dựa vững chắc cho đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ trên giao.

Trưởng thành trong chiến đấu, vững vàng trong xây dựng, phẩm chất anh hùng của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 trong 40 năm qua là một dòng chảy liên tục. Đó là kết quả của giáo dục và rèn luyện. Đó cũng là cơ sở, là niềm tin để Sư đoàn tiếp tục xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Sư đoàn gương mẫu trong Binh đoàn gương mẫu và xứng đáng với sự tin yêu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

 Đại tá VŨ VĂN SỸ

Sư đoàn trưởng

                  

1 - Năm 1988, 1989, có tới 30 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn bị chết do sốt rét ác tính.

 

Ý kiến bạn đọc (0)