QPTD -Thứ Hai, 20/10/2014, 16:12 (GMT+7)
Thông tin về biển, đảo Việt Nam
Hoàng Sa, Trường Sa trong các sách, bản đồ cổ của Việt Nam và quốc tế

Nằm trên Biển Đông, Quần đảo Hoàng Sa có vị trí từ 15o45’ đến 17o15’ độ vĩ Bắc và 111o đến 113o độ kinh Đông, gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô, đá ngầm và bãi cạn, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý. Quần đảo Trường Sa có vị trí từ 6o 50’ đến 12o độ vĩ Bắc và 111o30’ đến 117o20’ độ kinh Đông, gồm hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi cát, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 203 hải lý. Đây là hai quần đảo xa bờ và là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Bn đồ “Hoàng triu trc tnh địa dư toàn đồ” năm 1904 ca Trung Quc không có hai qun đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ nhiều thế kỷ nay, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này (khi chúng còn là vô chủ) một cách liên tục, hòa bình. Điều đó đã được khẳng định từ lâu trong nhiều bản đồ cổ của Việt Nam, như: Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (năm 1686), Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (năm 1774), An Nam Đại Quốc Họa Đồ Đại Nam Thống Nhất toàn Đồ (năm 1838), v.v. Theo Toản Tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư do Đỗ Bá biên soạn, trong lời chú giải bản đồ vùng Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam có ghi rõ: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, giữa cửa Đại Chiêm và cửa Sa Vinh…”1. Còn Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ - bản đồ nước Việt Nam thời chúa Nguyễn vẽ năm 1838 đã ghi: Hoàng Sa - Vạn lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, trong An Nam Đại Quốc Họa Đồ (năm 1838), Giám mục J.L. Taberd đã vẽ một phần của quần đảo Hoàng Sa và ghi “Paracel hay Cát Vàng” ở ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam.

Cùng với các bản đồ cổ, trong các sách địa lý cổ của nước ta, như: Phủ Biên Tạp Lục (năm 1776); Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (năm 1821); Hoàng Việt Địa Dư Chí (năm 1833); Đại Nam Nhất Thống Chí (năm 1882),… cũng ghi chép rõ việc này. Trong Phủ Biên Tạp Lục - cuốn sách lịch sử, địa lý do nhà bác học Lê Quý Đôn biên soạn có ghi rõ đảo Đại Trường Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi. Sách ghi rằng: “Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa…”2. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí: “Đảo Hoàng Sa ở phía Đông cù lao Ré, huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ ra khơi thuận gió, ba bốn ngày đêm có thể đến. Ở đó có đến hơn một trăm ba mươi đảo nhỏ, cách nhau một ngày đường hoặc vài trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm tục gọi là Vạn lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích,… Hóa vật của các tầu thuyền bị nạn bão trôi dạt ở đấy”3.

Không chỉ được thể hiện ở các tài liệu cổ của Việt Nam, mà trong nhiều tài liệu, tư liệu của các nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây ở nhiều thế kỷ trước đều khẳng định, Hoàng Sa (Pracel hay Paracel) và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trong lá thư gửi về Pháp, một giáo sĩ phương Tây (đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701) đã viết: “Parace là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam”4. Giám mục người Pháp J.T.Taberd cũng bày tỏ quan điểm trong “Ghi chép về địa lý nước Cochinchine” (năm 1837) khi viết rằng: “Pracel hay Paracels là phần lãnh thổ nước Cochinchine5” và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Paracels là “Cát vàng”. Cụ thể hơn, trong “Địa lý vương quốc Cochinchine” của Gutzlaff, xuất bản năm 1849 đã đề cập rõ Paracels thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích cả tên Việt Nam là “Cát Vàng”.

Như vậy, với các cứ liệu nêu trên có thể khẳng định, từ lâu và liên tục trong nhiều thế kỷ qua, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Tạ Quang thực hiện
___________

1 - Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia - Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Tri Thức, H. 2013, tr. 5.

2, 3, 4 - Sđd - tr. 8, 15, 18.

5 - Danh từ Cochinchine (tiếng Pháp) dùng để chỉ nước Việt Nam (thời bấy giờ).

Ý kiến bạn đọc (0)