QPTD -Thứ Tư, 04/08/2021, 08:04 (GMT+7)
Dựng “lá chắn thép” khắp dọc dải biên cương

(Tiếp theo và hết)

Bài I: “Lá chắn thép” phòng, chống dịch Covid-19

Bài II: Ngăn chặn hiểm họa “cái chết trắng” ngay từ cửa ngõ đất nước

Bài III: Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới

Biên giới quốc gia1 là nơi địa đầu, phên dậu của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã nỗ lực đàm phán, ký kết, phân định biên giới trên bộ, trên biển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên vẫn còn một số vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết, tiềm ẩn yếu tố phức tạp, khó lường. Trong khi đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ,… xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động gây rối, bạo loạn, làm mất ổn định an ninh chính trị, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài. Hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn biên giới diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều nước, tính chất cực kỳ nguy hiểm, như: tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, buôn bán, vận chuyển vũ khí, chất nổ, tiền giả, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, v.v.

Thấu triệt lời dạy của Bác “…phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu…2, những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Các đơn vị Biên phòng đã xây dựng phương án bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trên từng tuyến, từng địa bàn; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý kịp thời mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động trinh sát nội biên, ngoại biên bằng các phương thức thích hợp, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh phòng, chống hoạt động tình báo, gián điệp, xâm nhập trái phép, phá hoại của bọn phản động và các loại tội phạm khác, không để nảy sinh những vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo, chủ quyền, lãnh thổ biên giới, không để xảy ra các “điểm nóng”, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng kích động chống phá, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, thực hiện tốt phương châm “tích cực phòng ngừa, chủ động ngăn chặn, xử lý khôn khéo các tình huống, giải quyết nhanh, gọn, thu hẹp sự việc, hạn chế tác hại, không để kẻ địch câu kết chống phá”. Trên khu vực biên giới biển, các hải đội, hải đoàn Biên phòng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Công an, Hải quan, Kiểm ngư,… ngăn chặn, xua đuổi, xử lý tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, khai thác, đánh bắt hải sản trái phép. Trong giải quyết các vấn đề xảy ra trên biên giới đất liền, biên giới biển, Bộ đội Biên phòng luôn quán triệt, thực hiện đúng chủ trương, đối sách của Đảng và Nhà nước: “tranh thủ điểm đồng, hạn chế bất đồng, giải quyết có tình, có lý phù hợp với lợi ích của cả hai bên và tình hình thực tế”.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Savannakhet (Lào) tổ chức tuần tra song phương

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng chú trọng xây dựng, phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân”, dựa vào nhân dân để dựng “lá chắn thép” vững chắc trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia như lời Bác dạy: “Phải dựa vào nhân dân, ra sức đoàn kết và giúp đỡ nhân dân”3. Trên khắp dọc dải biên cương, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã, đang ngày đêm thực hiện “3 bám, 4 cùng4 để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề biên giới, dân tộc, tôn giáo, chủ quyền, lãnh thổ để chống phá sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, nhận thức, trách nhiệm của nhân dân ở khu vực biên giới được nâng lên, hiểu rõ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân. Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tuyên truyền, vận động thành lập và duy trì nền nếp hoạt động của hàng nghìn tổ tự quản đường biên, cột mốc với hạt nhân là đồng bào các dân tộc sinh sống dọc biên giới. Ở khu vực biên giới biển, mô hình tổ tàu, thuyền đoàn kết đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần giúp ngư dân tương trợ lẫn nhau trong khai thác hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, trên dọc tuyến biên giới, nhân dân các địa phương đã tự nguyện đăng ký tự quản hơn 90% đường biên giới, mốc quốc giới; thành lập được hơn 3.000 tổ tàu, thuyền an toàn, đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; 463 bến, bãi an toàn và 100% thôn, bản biên giới thành lập tổ tự quản an ninh trật tự,... góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới.

Một trong những dấu ấn nổi bật trong học tập và làm theo lời Bác của Bộ đội Biên phòng là tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Những năm qua, thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng xuống cơ sở, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã cử hàng nghìn lượt cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, giữ các chức danh trong cấp ủy, chính quyền địa phương; giới thiệu trên 1.440 đảng viên các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt ở chi bộ thôn, bản và phân công hàng nghìn đảng viên phụ trách các hộ gia đình nơi biên giới. Các đơn vị Biên phòng trên tuyến biên giới đã tham mưu thành lập được 533 chi bộ, xóa 45 thôn, bản “trắng” về đảng viên và tổ chức đảng. Đặc biệt, năm 2020, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương tăng thêm cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện biên giới, hải đảo, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến nay, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với các địa phương biên giới hoàn chỉnh thủ tục, chỉ định 198 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện, 456 đồng chí tham gia cấp ủy cấp xã. Qua đó, từng bước củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiềm lực chính trị tinh thần trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương triển khai nhiều hoạt động, chương trình hướng về biên giới, hải đảo. Tiêu biểu, như: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, đã xây dựng được hơn 7.000 căn nhà, gần 300 công trình dân sinh với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng tặng đồng bào biên giới, hải đảo; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới” trao tặng 25.024 con bò giống trị giá hơn 375 tỷ đồng cho các hộ nghèo; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” huy động được hơn 150 tỷ đồng hỗ trợ hội viên phụ nữ khu vực biên giới phát triển kinh tế gia đình, v.v. Các hoạt động này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao, góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, củng cố và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, giữ cho “trong ấm, ngoài êm”, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng ký kết các hiệp định, quy chế, thỏa thuận hợp tác về quản lý biên giới, cửa khẩu. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác đối ngoại Biên phòng kết hợp chặt chẽ với ngoại giao nhân dân. Thường xuyên và định kỳ tổ chức các chương trình: Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” với các nước có chung đường biên giới và các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công; Giao lưu quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; “Kết nghĩa đồn, trạm hai bên biên giới” và tham mưu cho địa phương triển khai phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”5, v.v. Nhờ đó, đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ đội Biên phòng Việt Nam với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, đẩy mạnh quan hệ giữa chính quyền, nhân dân hai bên biên giới, tạo điều kiện giao lưu, giao thương, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã coi đây là phương châm, lẽ sống; thực sự gắn bó “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Chính vì thế,  họ đã, đang không quản ngại khó khăn, gian khổ, vất vả, hy sinh thầm lặng để dựng “lá chắn thép” khắp dọc dải biên cương, không để dịch Covid-19, “cái chết trắng”, các loại tội phạm,… xâm nhập vào nội địa từ biên giới cả trên bộ và trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc và phát triển cho nhân dân.   

QUANG HỢP – MINH ĐẠT – VIẾT LAM
_________________

1 - Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 4.510 km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia và hơn 3.260 km bờ biển.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 351.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 155.

4 - 3 bám: bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào.

5 -  Đã tổ chức kết nghĩa 177 cụm bản dân cư hai bên biên giới; 141 cặp đồn, trạm biên phòng; nhận đỡ đầu 186 cháu học sinh nước láng giềng có hoàn cảnh khó khăn.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà đặc biệt là tự phê bình và phê bình, được Người đề cập và xác định là việc làm trước tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Những di huấn quan trọng này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.