QPTD -Thứ Sáu, 30/07/2021, 08:54 (GMT+7)
Dựng “lá chắn thép” khắp dọc dải biên cương

(Tiếp theo)

Bài I: “Lá chắn thép” phòng, chống dịch Covid-19

Bài II: Ngăn chặn hiểm họa “cái chết trắng” ngay từ cửa ngõ đất nước

Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng: thuốc phiện không những là phương tiện để bọn thực dân bóc lột thuộc địa mà còn là công cụ thực hiện chính sách đầu độc, ngu dân. Đến bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945, một lần nữa Người đề cập tội ác này: “Chúng dùng thuốc phiện, rượu, cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”1. Nhận thức rõ tác hại của ma túy, thuốc phiện và thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ đội Biên phòng không quản ngại khó khăn, gian khổ ngày đêm đấu tranh, ngăn chặn hiểm họa “cái chết trắng” từ cửa ngõ đất nước.

Khu vực biên giới tiếp giáp giữa Việt Nam với các nước láng giềng phần lớn có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng chậm phát triển. Đây là địa bàn định cư, sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức hạn chế, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Lợi dụng đặc điểm này, hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy qua biên giới có chiều hướng gia tăng, diễn biến rất phức tạp trong thời gian qua. Đáng chú ý là, các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia có ý đồ chọn Việt Nam làm địa bàn trung chuyển ma túy từ khu vực Tam giác Vàng2 sang nước thứ ba tiêu thụ. Theo đó, các đường dây tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thường tập hợp những đối tượng chuyên nghiệp về lĩnh vực này ở nhiều quốc gia, phần lớn chúng đều có tiền án, tiền sự, vi phạm pháp luật, thậm chí có đối tượng còn đang bị truy nã quốc tế được tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng bằng vũ khí nóng khi bị phát hiện, bao vây. Nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng cuộc sống khó khăn, dân trí thấp để lôi kéo, mua chuộc một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, khiến cho công tác phát hiện, đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, có nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia được bóc gỡ mà các đối tượng phạm tội đều là anh em trong một gia đình, dòng họ sinh sống ở các bản, làng hai bên biên giới Việt Nam - Lào, để lại hậu quả rất đau xót. Điển hình là tại địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) có tới 31 đối tượng bị truy nã về tội ma túy, 134 người nghiện, 72 đối tượng đang thi hành án tại các trại cải tạo,… nơi đây trở thành địa bàn phức tạp về ma túy, được ví như “boong ke” tội phạm ma túy vùng Tây Bắc.

Trước tình hình trên, những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt ngăn chặn tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, không để “cái chết trắng” tác động tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân. Khắc ghi lời dạy của Bác “Đoàn kết, cảnh giác, liêm, chính, kiệm, cần, hoàn thành nhiệm vụ,…3, Bộ đội Biên phòng coi đây là “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Dù thực hiện nhiệm vụ ở bất kỳ cương vị, vị trí nào, những chiến sĩ quân hàm xanh luôn hướng đến mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Để phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy trên tuyến biên giới đạt hiệu quả, các đơn vị Bộ đội Biên phòng luôn xác định rõ phải triển khai đồng thời cả công tác phòng ngừa và đấu tranh.

Đối với công tác phòng ngừa tệ nạn và tội phạm ma túy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”; trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm ma túy. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tổ chức tuyên truyền được 12.883 buổi/373.009 lượt người tham gia; xây dựng, đăng phát 04 phóng sự, hơn 1.000 tin, bài viết về kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; cấp phát 4.615 tờ rơi tuyên truyền về tác hại của ma túy và quy định xử phạt của pháp luật đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy. Tổ chức cho hàng nghìn hộ dân trên biên giới ký cam kết tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy và phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, v.v. Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động đối với cán bộ, quần chúng nhân dân khu vực biên giới trong phòng, chống tội phạm ma túy. Đồng bào nơi biên giới đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.

Các đối tượng cùng tang vật trong Chuyên án A3-121.2

Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng còn triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn, tấn công trực diện vào tội phạm ma túy. Chú trọng trao đổi thông tin với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, thường xuyên nắm tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy từ sớm, từ xa để có các phương án đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả. Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Lào; từ đó, phát hiện các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy lén lút vận chuyển số lượng lớn ma túy từ khu vực Tam giác Vàng về tập kết ở các địa phương của Lào, nằm sát biên giới Việt Nam. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện một số đối tượng người bản địa đã móc nối, cấu kết với người nước ngoài thuê đất ở địa phương nằm sát biên giới Việt Nam, tiến hành xây dựng nhà máy, xí nghiệp để tạo vỏ bọc, nhưng thực chất là chúng lén lút nhập, vận chuyển các trang thiết bị, tổ chức sản xuất ma túy tổng hợp với quy mô lớn. Phần lớn ma túy sau khi được tập kết ở khu vực biên giới sẽ được chia nhỏ, cất dấu ở nhiều nơi rồi tìm cách thẩm lậu vào nước ta bằng nhiều đường, sau đó vận chuyển sang nước thứ ba tiêu thụ. Cách thức phổ biển nhất là, chúng ký gửi ma túy dưới dạng hàng hóa qua dịch vụ chuyển phát nhanh, vận tải xuyên quốc gia và thuê người vận chuyển cắt rừng theo đường mòn, lối mở qua biên giới. Cùng với đó, tội phạm ma túy triệt để lợi dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, zalo,…) vào điều hành, tổ chức vận chuyển qua biên giới. Các đường dây, tổ chức tội phạm được chia làm nhiều nhánh khác nhau do một đối tượng cầm đầu chỉ huy, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, nhằm tránh sự phát hiện của Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng. Không chỉ tổ chức chặt chẽ, hoạt động tinh vi, tội phạm ma túy còn rất manh động, liều lĩnh trong quá trình vận chuyển “hàng”. Chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt, đến cùng khi bị phát hiện, bao vây. Thời gian gần đây, khi Bộ đội Biên phòng và lực lượng chức năng tiến hành truy quét, tấn công mạnh vào địa bàn biên giới các tỉnh phía Bắc, như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu,… thì tội phạm ma túy chuyển hướng hoạt động vào địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tệ nạn buôn bán, vận chuyển ma túy, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động trinh sát, điều tra, xác lập nhiều chuyên án có tính khả thi cao. Chính vì vậy, hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy qua các tuyến biên giới nước ta phần nào được kiểm soát, đẩy lùi. Tuy nhiên, do nguồn lợi nhuận mang lại quá lớn, hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp. Từ năm 2017 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã xác lập, đấu tranh thành công 310 chuyên án; chủ trì phối hợp bắt giữ 4.222 vụ với 6.256 đối tượng, tang vật, thu giữ 9,661 tấn ma túy các loại, 13 tấn tiền chất và nhiều tang vật có liên quan. Chỉ tính từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá 48 chuyên án, phát hiện, bắt giữ, xử lý 511 vụ với 710 đối tượng (tăng 54 vụ, giảm 75 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020), thu giữ 928,47 kg ma túy các loại. Trong đó, riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì phát hiện, bắt giữ, xử lý 343 vụ với 418 đối tượng (tăng 27 vụ so với cùng kỳ năm 2020), tang vật thu giữ 747,5 kg ma túy các loại. Điển hình là, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đồng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công Chuyên án A121p, bắt giữ 04 đối tượng, tang vật thu giữ gần 350 kg ma túy các loại. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận toàn bộ số ma túy trên được các đối tượng vận chuyển từ Lào vào Việt Nam, sau đó vận chuyển ra các tỉnh biên giới phía Bắc rồi lén lút đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Ngày 17/01/2021, tại khu vực bến phà Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá thành công Chuyên án A3-121.2, bắt giữ 03 đối tượng đang vận chuyển 89,4 kg ma túy từ Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ. Mở rộng điều tra, lúc 22 giờ ngày 30/01/2021, lực lượng đánh án bắt giữ thêm 03 đối tượng, tang vật thu giữ 22,5 kg ma túy tổng hợp dạng đá.

Những chiến công thầm lặng của Bộ đội Biên phòng trong đấu tranh, triệt phá các dường dây vận chuyển, buôn bán ma túy được cấp trên khen thưởng, dư luận nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh thường xuyên bám trụ, dựng “lá chắn thép” ở địa bàn biên giới, phải đối mặt với bao hiểm nguy, nhưng luôn vững vàng, kiên định, chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ngăn chặn “cái chết trắng” ngay từ cửa ngõ đất nước, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân, làm tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến mới.

QUANG HỢP – MINH ĐẠT – VIẾT LAM
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 02.

2 - Nằm ở khu vực biên giới của 03 nước: Thái Lan, Myanmar và Lào.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 251.

Bài III: Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới (Bấm vào đây)

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.