Chủ Nhật, 24/11/2024, 17:19 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) tiếp tục khẳng định, nhất quán chủ trương xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức và xác định đó là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước.
Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhận thức đúng vai trò của trí thức và đặc biệt quan tâm trọng dụng, có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ trí thức, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức sáng tạo, cống hiến cho Tổ quốc. Kế thừa, phát triển những quan điểm đó, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Đảng ta đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới”. Theo đó, Nghị quyết đã cụ thể hóa, phát triển, bổ sung nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong thời đại mới; trong đó, khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững”; xây dựng đội ngũ trí thức thực chất là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đây là tư duy mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhằm tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vai trò động lực thúc đẩy phát triển đất nước của đội ngũ trí thức được khái quát trên một số vấn đề chủ yếu sau:
1. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là yếu tố quyết định đến nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước. Trong hệ động lực thúc đẩy phát triển đất nước, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực cơ bản, chủ yếu, quyết định nhất. Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đều nhất quán khẳng định: nguồn lực con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Khi bàn về vai trò của con người đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: lực lượng xây dựng chủ nghĩa xã hội “là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng,...”1; trong đó, “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”2 vì “Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm địa vị hàng đầu”3. Vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò động lực của trí thức đối với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự phát triển của dân tộc, Đảng ta cho rằng, “nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”4, trí thức là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo. Chính vì vậy, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức nước nhà vững mạnh cả về số lượng và chất lượng là yếu tố quan trọng quyết định nhất đến nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước.
2. Sự cống hiến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của đội ngũ trí thức là động lực trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc trong thời đại mới. Với vai trò là lao động sáng tạo và phổ biến tri thức trong xã hội, sự cống hiến của đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực đời sống xã hội thực sự là động lực nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc để phát triển đất nước. Trên thực tế, đội ngũ trí thức nước ta đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; đóng góp trí tuệ của mình phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học - nghệ thuật, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v. Đồng thời, đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực, hiệu quả thông qua góp ý, phản biện khoa học, trực tiếp tham gia xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cùng các quyết sách lớn, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,… của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Qua đó, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, kiến tạo cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế và nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của đất nước trong thời đại mới.
3. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong phát triển đất nước. Đổi mới, sáng tạo là sự bổ sung rất kịp thời về hệ thống quan điểm phát triển đất nước của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới. Đổi mới, sáng tạo là phương châm chỉ đạo các cấp, các ngành, mọi lực lượng, mọi lĩnh vực nhằm tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển đất nước nhanh và bền vững. Để đổi mới, sáng tạo thành công, đòi hỏi các cấp, các ngành, mọi lĩnh vực phải có lực lượng đủ khả năng tiên phong, đi đầu trong quá trình ấy. Và, đội ngũ trí thức là lực lượng sáng tạo đặc biệt, có trình độ học vấn cao, kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực chuyên môn, có trí tuệ, năng lực, tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng tạo ra sản phẩm vật chất hoặc tinh thần chất lượng cao, nên hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng đáp ứng quá trình đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển và tạo động lực mới cho phát triển đất nước.
Đặc biệt, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm chuyển đổi căn bản mọi hoạt động của xã hội trên phạm vi toàn cầu, là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, kinh tế tri thức đã, đang tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn đối với tất cả các quốc gia, dân tộc. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam “đi tắt, đón đầu” phát triển đất nước nhờ ứng dụng các thành tựu, như: internet vạn vật (IoT), mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D, thực tế ảo (VR), v.v. Để tham gia có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; trong đó, đội ngũ trí thức có vai trò đi đầu, góp phần tạo động lực thúc đẩy quá trình ấy. Vì vậy, Nghị quyết số 45-NQ/TW đã khẳng định: đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế.
4. Xây dựng đội ngũ trí thức chất lượng cao góp phần trực tiếp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phát triển nền kinh tế tri thức. Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế tri thức là quan điểm xuyên suốt quá trình đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, khoa học và công nghệ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội, động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó, động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bao hàm nhiều yếu tố; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các lĩnh vực khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của các ngành kinh tế, tạo động lực trực tiếp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Thực tế, trên một số lĩnh vực trọng yếu (công nghệ thông tin, sáng tạo robot, y học, toán học, lý học, sinh học,…), nhiều trí thức nước ta đã có năng lực, trình độ khoa học tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, đây là yếu tố rất quan trọng trong phát triển nền kinh tế tri thức. Điều đó thêm một lần minh chứng, nếu giai cấp công nhân giữ vai trò chủ đạo, động lực chính của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế tri thức, thì đội ngũ trí thức là động lực trực tiếp góp phần đẩy mạnh quá trình ấy ở nước ta.
5. Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức góp phần bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh, chấn hưng nền văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới. Dân tộc ta có truyền thống hiếu học và luôn coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Hơn nữa, trí thức là bộ phận tiêu biểu cho trí tuệ của đất nước, có nhiều khả năng để tiếp cận thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất của thời đại. Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XIII), Đảng ta xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, nên phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà xứng tầm là nguyên khí quốc gia, góp phần chấn hưng nền văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới. Bởi trí thức không chỉ tiếp nhận, sáng tạo ra văn hóa, tri thức, mà còn là lực lượng phổ biến, lan tỏa tri thức xã hội. Họ không những tự nâng cao trình độ tri thức của mình, mà còn là lực lượng chủ yếu trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, truyền bá tri thức, bồi dưỡng con người phục vụ cho sự phát triển, tiến bộ, văn minh của đất nước. Chính vì vậy, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, có đủ phẩm chất, uy tín, năng lực trong lao động sáng tạo, xứng tầm là nguyên khí của quốc gia, sẽ góp phần chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.
Đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh mới của thời đại, xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam có vai trò ngày càng to lớn, thực sự là một trong những động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới, xứng tầm là nguyên khí quốc gia - động lực thúc đẩy phát triển đất nước là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó, sự cố gắng, phấn đấu, vươn lên của đội ngũ trí thức Việt Nam có ý nghĩa trực tiếp quyết định.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN SỸ HỌA - Thượng tá, ThS. DƯƠNG XUÂN MẠNH _______________________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr.679.
2 - Sđd, Tập 5, tr. 184.
3 - Sđd, Tập 1, tr. 423.
4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu tôàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 111
Đội ngũ trí thức,động lực,nguồn nhân lực chất lượng cao,nâng tầm trí tuệ
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học