Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 22/05/2023, 08:39 (GMT+7)
Quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, lực lượng vũ trang tỉnh Lào Cai tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ, những năm qua, lực lượng vũ trang tỉnh Lào Cai luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc xây dựng khu vực phòng thủ đã và đang được Tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới1, với địa hình tương đối phức tạp, hiểm trở,... nhưng là địa bàn có nhiều tiềm năng, lại dung chứa nhiều tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia, quốc tế, nên có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Quân khu 2 và cả nước. Tuy có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, hằng năm phải hứng chịu nhiều thiên tai, bão lũ, nhưng do có chiến lược phát triển hợp lý, nên những năm gần đây, Lào Cai phát triển tương đối toàn diện, vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 09% - 10%, thu nhập bình quân đầu người khá cao (83 triệu đồng/người/năm), tạo tiền đề quan trọng để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Trên cơ sở nắm chắc tình hình mọi mặt và quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc được nâng lên rõ rệt; công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị các cấp được xây dựng vững mạnh; các chính sách xã hội: xóa đói giảm nghèo, dân tộc, tôn giáo,… thường xuyên được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; “thế trận lòng dân” được củng cố; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được chú trọng,... tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Cơ quan, đơn vị ký kết giao ước Thi đua tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2023

Để đạt được các mục tiêu đó, trước hết, lực lượng vũ trang Tỉnh tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X); Nghị định số 02/2016/NĐ-CP, ngày 05/01/2016 và Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm phù hợp với khả năng, đặc điểm từng huyện, thị xã, thành phố và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tổ chức thực hiện. Quá trình triển khai, thường xuyên kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ gắn với thực hiện Đề án số 48/ĐA-UBND, ngày 15/5/2015 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về “Bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030”; Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về “Nâng cao tiềm lực quân sự tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025”. Đồng thời, chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, lực lượng và toàn thể nhân dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nâng cao chất lượng xây dựng, duy trì hoạt động khu vực phòng thủ.

Cơ quan quân sự các cấp luôn phát huy vai trò nòng cốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, tạo nền tảng vững chắc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ. Tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Chú trọng quán triệt, giáo dục cho các đối tượng nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, chủ trương, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ; nắm chắc đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và giữa quốc phòng với kinh tế, v.v. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với nhận thức đối tượng, đặc điểm địa bàn rừng núi, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn. Kết hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung theo cụm, khu vực với chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên địa bàn; phát huy hiệu quả hệ thống truyền thông. Coi trọng bồi dưỡng đối tượng là bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo; bởi, đây là lực lượng trực tiếp đưa đường lối, quan điểm của Đảng, cấp ủy, chính quyền về xây dựng khu vực phòng thủ tới người dân. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; làm tốt công tác dân vận; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, làm cho nhân dân tin, theo Đảng, ủng hộ chính quyền, cống hiến sức người, sức của cho xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế trong khu vực phòng thủ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo tinh thần Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về sự kết hợp đó ngay từ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể, trong các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong từng nhiệm vụ cụ thể, nhằm bảo đảm cho kinh tế và quốc phòng phát triển cân đối, hài hòa; thực hiện mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng và ngược lại; kiên quyết đấu tranh loại bỏ tư tưởng coi trọng phát triển kinh tế, xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực phát triển nhanh, bền vững và toàn diện; coi trọng phát triển các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cơ sở thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường không) theo hướng đồng bộ, toàn diện, lưỡng dụng. Phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp hàng hóa, làm động lực thúc đẩy Tỉnh trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương với các vùng trong nước, kết nối Việt Nam với các nước ASEAN, vùng Tây Nam - Trung Quốc và châu Âu. Khai thác hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quốc phòng, đơn vị làm kinh tế trên địa bàn, khu kinh tế - quốc phòng thuộc Đoàn kinh tế Quốc phòng 345, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sẵn sàng chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu quốc phòng. Tiếp tục điều chỉnh lại thế bố trí dân cư theo dự án sắp xếp dân cư khu vực biên giới, nội địa gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và phương án tác chiến phòng thủ các cấp. Quá trình kết hợp phải quán triệt chủ trương: “Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc trên cơ sở xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng chính trị làm cốt lõi, kinh tế, văn hóa, xã hội làm trọng tâm, quốc phòng, an ninh làm trọng yếu”. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa phương đặc biệt khó khăn, cơ chế huy động nguồn lực, phân bổ, sử dụng nguồn vốn và cơ chế thẩm định, quản lý chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đúng quy định của pháp luật về quốc phòng theo phương châm “ổn định để phát triển, nhưng phát triển phải giữ được ổn định”.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng, duy trì hoạt động khu vực phòng thủ, bảo vệ vững chắc địa bàn. Tiếp tục tham mưu và tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, có trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng thường trực theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo đảm tinh, gọn, mạnh; cơ quan quân sự Tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Quản lý chặt chẽ công dân trong độ tuổi nhập ngũ, gắn công tác tuyển quân với tạo nguồn dự bị động viên và cán bộ cơ sở; tiếp nhận, biên chế đúng chuyên nghiệp quân sự; tổ chức huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”; đăng ký, quản lý chặt chẽ quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế, sẵn sàng huy động biên chế vào các đơn vị khung thường trực thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có cơ cấu, biên chế phù hợp với địa phương (đạt trên 02%/tổng số dân, 100% thôn, bản, tổ dân phố có dân quân hoạt động); tổ chức huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, chất lượng, hiệu quả”, không ngừng nâng cao chất lượng và độ tin cậy về chính trị, đủ sức bảo vệ trị an, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ngay từ cơ sở. Cơ quan quân sự các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an theo tinh thần Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ và lực lượng Biên phòng, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện các thành phần thế trận khu vực phòng thủ theo đề án bảo đảm quốc phòng các huyện, thị xã, thành phố. Chú trọng củng cố hệ thống trận địa phòng không, công trình chiến đấu, sở chỉ huy các cấp, hệ thống đường cơ động, kho, trạm hậu cần, kỹ thuật,… bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa hình, thế đứng chân các lực lượng vũ trang trên địa bàn, phương án tác chiến phòng thủ, quy hoạch tổng thể của Tỉnh cũng như thế trận quân sự của Quân khu, tạo thế trận liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, sẵn sàng chuyển hóa linh hoạt, bảo vệ an toàn địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ của Đảng, bảo vệ vững chắc cửa ngõ phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Đại tá PHẠM HÙNG HƯNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
________________

1 - Có 182,086 km đường biên giới (50,432 km đất liền, 131,654 km sông, suối).

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...