Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:17 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã ra Nghị quyết về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Với chức năng, nhiệm vụ được giao và thế mạnh về nguồn nhân lực, trang bị kỹ thuật, tổ chức lực lượng…, thời gian tới, các đơn vị Công binh trong toàn quân tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về vấn đề này, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng Công binh (LLCB) toàn quân đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng (HTKCHT) giao thông, nhằm đáp ứng theo yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự kết hợp với phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH). Đáng chú ý là, xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ, LLCB luôn có mặt ở những địa bàn khó khăn, phức tạp, từ rừng núi biên cương đến hải đảo xa xôi của Tổ quốc; làm nòng cốt xây dựng hệ thống giao thông trong các khu vực phòng thủ, các công trình lưỡng dụng ở biển, đảo… Đặc biệt, LLCB đã làm nòng cốt trong triển khai thực hiện Dự án Xây dựng Đường Tuần tra biên giới trên đất liền, phục vụ cho việc tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, củng cố quốc phòng – an ninh và góp phần phát triển KT-XH, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực biên giới. Theo đó, hệ thống Đường Tuần tra biên giới được triển khai dọc tuyến biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, có tổng chiều dài 14.251 km; trong đó, thực hiện nâng cấp, mở mới 10.196 km với gần 8.000 km đường ô tô. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Dự án Đường Tuần tra biên giới, các đơn vị Công binh đã chuẩn bị chu đáo, tham gia vào nhiều khâu, từ việc quy hoạch, khảo sát, thiết kế đến tổ chức lực lượng thi công công trình... Đến nay, nhiệm vụ xây dựng Đường Tuần tra biên giới giai đoạn đầu đã cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch. Các đơn vị Công binh đã thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định, hướng dẫn, bảo đảm chất lượng, tiến độ và an toàn lao động. Trên khu vực các tuyến đường đã hoàn thành, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào vùng sâu, biên giới được cải thiện rõ rệt; nhân dân phấn khởi, yên tâm bám địa bàn phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
LLCB còn tham gia xây dựng nhiều công trình kinh tế có ý nghĩa chính trị, quy mô lớn, phức tạp, như: đường điện 500 KV Bắc - Nam; thuỷ điện Đa My (Hàm Thuận), A Vương; Âu tầu đảo Bạch Long Vĩ, Song Tử Tây; công trình Đê chắn sóng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; tham gia xây dựng Đường Hồ Chí Minh, Đường Đông Trường Sơn, các tuyến đường trên đảo Phú Quý…
Được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong công tác dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh1, LLCB đã phát huy thế mạnh về con người, trang bị kỹ thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trung bình hằng năm, các đơn vị Công binh đã dò tìm, xử lý, thu hồi hàng trăm tấn bom mìn, vật nổ, làm sạch từ 15.000 đến 20.000 ha đất, góp phần bảo đảm an toàn cho sản xuất, xây dựng và phát triển KT-XH của đất nước. Với chức năng của một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, LLCB luôn chủ động bám sát tình hình, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, sập đổ công trình, ứng cứu, bảo đảm giao thông... Điển hình là các đợt ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung; tham gia ứng cứu, bảo đảm giao thông, bắc cầu phao qua sông Hồng tại bến phà Khuyến Lương (2003 - 2004); bắc cầu phao qua sông Hồng trong thời gian sửa chữa cầu Thăng Long (11-2009); bắc cầu phao qua sông Đuống trong dịp sửa chữa cầu Đuống (năm 2010)..., góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và nhân dân khen ngợi.
Những kết quả mà LLCB đạt được đã thể hiện hiệu quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực quốc phòng, biểu hiện sinh động, cụ thể đường lối của Đảng về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới, góp phần xây dựng HTKCHT giao thông của đất nước; đồng thời, tạo thế trận mới, tăng cường khả năng phòng thủ trên từng khu vực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn. Đó là cơ sở để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh chỉ đạo các đơn vị Công binh tiếp tục tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng HTKCHT giao thông theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI).
Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua đã xác định xây dựng HTKCHT đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược. Để cụ thể hoá Chiến lược, Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) đã ra Nghị quyết về “Xây dựng HTKCHT đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”; trong đó xác định: phát triển HTKCHT là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội… phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách vùng, miền; gắn với tiết kiệm đất canh tác, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Nghị quyết đã định hướng phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và đưa ra những giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: huy động mọi lực lượng, mọi nguồn lực để đầu tư phát triển HTKCHT.
Quán triệt tinh thần của Nghị quyết, LLCB cần nhận thức rõ: xây dựng HTKCHT đồng bộ là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta để thực hiện thắng lợi công cuộc CNH,HĐH đất nước và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Công binh cần tập trung lãnh đạo, quán triệt sâu sắc nghị quyết, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc thực hiện Nghị quyết; chú trọng đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các đơn vị Công binh phải thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức cho bộ đội về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội, của Binh chủng và ý nghĩa quan trọng của nhiệm vụ tham gia xây dựng HTKCHT giao thông. Từ đó, xây dựng cho bộ đội có ý thức trách nhiệm cao trong công tác, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở chủ trương, định hướng nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các đơn vị Công binh cần xác định rõ trách nhiệm, kế hoạch tham gia xây dựng HTKCHT giao thông phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó, chú trọng nhiệm vụ kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng với xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ. Việc tổ chức quy hoạch mạng đường sá trong các khu vực phòng thủ cần chú trọng nâng cấp và hoàn thiện mạng đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, nhất là ở các tỉnh miền núi, các địa bàn chiến lược; trước mắt phục vụ dân sinh, phát triển KT-XH và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng trong thế trận phòng thủ của địa phương cũng như cả nước. Trong đó, các đơn vị cần chú trọng ưu tiên các công trình trọng điểm theo yêu cầu của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, như: các trục đường chiến lược, sân bay, bến cảng, hệ thống bến vượt sông, đường vòng tránh, đường ngầm... ở các địa bàn chiến lược.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị cần nghiên cứu, tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý đối với từng tuyến đường, từng hạng mục công trình; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng trong biên chế với lực lượng hợp đồng; chú trọng tuyển chọn lao động phổ thông là người tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Luật Lao động, quan tâm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và công nhân lao động trên công trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công trình. Các đơn vị còn phải đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao tiến độ thi công và chất lượng, hiệu quả của công trình.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng HTKCHT giao thông, các đơn vị Công binh cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nhất là năng lực, kỹ năng thực hành, góp phần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong quá trình tham gia xây dựng HTKCHT. Trong từng công trình, cần xây dựng và thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy trình, quy định, lấy bảo đảm chất lượng công trình là yêu cầu cao nhất. Đây là vấn đề hết sức quan trọng; bởi lẽ, các công trình trong HTKCHT giao thông đều có yêu cầu cao về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình thi công, tính lưỡng dụng... Mặt khác, để nâng cao chất lượng công trình, các cơ quan chức năng còn phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với từng công đoạn, từng hạng mục công trình. Thông qua đó, chỉ rõ những hạn chế, sai sót, khuyết điểm để đơn vị thi công sửa chữa, khắc phục kịp thời, nhất là những vấn đề liên quan đến chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình và bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất các vụ việc mất an toàn trong quá trình thi công.
Cùng với xây dựng các đơn vị Công binh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Binh chủng còn phải tập trung củng cố, sắp xếp tổ chức, xây dựng các doanh nghiệp của Binh chủng theo hướng có khả năng cạnh tranh cao, trở thành những doanh nghiệp mạnh của Quân đội và đất nước để tham gia phát triển KT-XH và sẵn sàng chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cần thiết. Trên cơ sở quy định về sử dụng trang bị, phương tiện và nguồn vốn đầu tư, các đơn vị tích cực tận dụng, phát huy năng lực của các loại phương tiện, trang bị hiện có; đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa phương tiện, trang bị, từng bước nâng cao năng lực, khả năng đảm nhận những công trình quy mô lớn, phức tạp.
Phát huy kết quả đã đạt được và truyền thống “Mở đường thắng lợi”, LLCB toàn quân tích cực tham gia xây dựng HTKCHT giao thông theo yêu cầu, nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) với yêu cầu: xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thiếu tướng, TS. PHẠM QUANG XUÂN
Tư lệnh Binh chủng Công binh
1 - Hiện nay, ước tính còn khoảng 800.000 tấn bom, mìn, nằm rải rác trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm.
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học