Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 08/12/2022, 07:53 (GMT+7)
Cao Bằng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng quán triệt, tổ chức thực hiện bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, phù hợp, thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc địa bàn trong tình hình mới.

Những năm qua, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về quốc phòng, quân sự, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung làm tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh và tuyên truyền đậm nét về hoạt động quân sự, quốc phòng; hệ thống chính trị các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các mặt công tác: đối ngoại, dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an sinh xã hội, chính sách hậu phương Quân đội, đền ơn, đáp nghĩa được thực hiện tốt. Việc vận hành cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành cơ quan Quân sự chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ngày càng đồng bộ, hiệu quả. Chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Tỉnh không ngừng được nâng cao, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc còn hạn chế. Một số chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh kết quả chưa cao; việc huy động nguồn nhân lực, vật lực xây dựng các công trình quốc phòng, khu vực phòng thủ các cấp trên địa bàn còn nhiều bất cập, v.v. Nguyên nhân hạn chế chủ yếu là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt việc quán triệt, thực hiện nghị quyết, hướng dẫn của trên; năng lực tham mưu của một số cấp ủy, cán bộ có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp giữa cơ quan quân sự huyện với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện công tác quốc phòng, quân sự có nội dung chưa chặt chẽ; nguồn lực kinh phí, ngân sách đảm bảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của địa phương còn hạn chế, v.v.

Lực lượng vũ trang Tỉnh thực hiện Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” tại xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình.

Hiện nay và những năm tới, cùng với cả nước, Cao Bằng tiếp tục khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19 để bắt nhịp đà tăng trưởng, tạo động lực phát triển mới. Tuy nhiên, do điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới, có xuất phát điểm thấp nên kinh tế của Cao Bằng vẫn chậm phát triển, tiềm ẩn nguy cơ thiên tai, dịch bệnh. Cùng với đó, các thế lực thù địch, cơ quan đặc biệt nước ngoài luôn tìm cách móc nối, xâm nhập địa bàn đẩy mạnh chống phá; tội phạm, tệ nạn xã hội, truyền đạo trái pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép có nhiều diễn biến mới, tinh vi, phức tạp, v.v. Để giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh cũng như trật tự, an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đúng hướng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chủ trương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của cán bộ, cơ quan, đoàn thể các cấp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trước hết, Tỉnh đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 117-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung cụ thể hóa các mục tiêu: xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng về quốc phòng, an ninh,… bằng các nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo sát thực tế. Để đạt hiệu quả cao, các sở, ban, ngành nắm chắc tình hình, tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các chỉ thị, quyết định, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, bảo đảm quốc phòng, diễn tập khu vực phòng thủ,… đáp ứng yêu cầu bảo vệ địa phương trong tình hình mới. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện sát thực tiễn địa phương, đơn vị. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các ban, hội đồng chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng các cấp; điều chỉnh thế trận quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, sáp nhập; ban hành các cơ chế, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, kiện toàn tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên ở cơ sở và trong lực lượng vũ trang; trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở, trình độ tham mưu và tổ chức thực hiện của các cơ quan: Quân sự, Biên phòng, Công an và các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Thường xuyên chỉ đạo bổ sung, kiện toàn hệ thống văn kiện tác chiến, kế hoạch chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng, từ thời bình sang thời chiến theo chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, ngành và vận hành đúng cơ chế; thực hành diễn tập khu vực phòng thủ hiệu quả, thiết thực, an toàn tuyệt đối.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền và công tác dân vận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và kết quả sau nhiều năm đổi mới, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung giáo dục, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, luật và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến quốc phòng, quân sự, dân tộc, tôn giáo; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội; làm nổi bật các hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh,… với nhiều hình thức phù hợp theo đối tượng. Để nâng cao hiệu quả, quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục thông qua đội ngũ báo cáo viên, phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, góp phần định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đoàn kết, thống nhất toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh gắn với giáo dục, quán triệt về trách nhiệm, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; bảo đảm luôn giữ vững kỷ luật, sẵn sàng đổi mới, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức, nhất là ở vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; hướng dẫn, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định; kiên quyết đấu tranh với các hoạt động trái pháp luật, chia  rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Ba là, tích cực huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Phát huy kết quả đạt được, nhằm tạo nguồn lực vật chất, tăng cường tiềm lực cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với Đề án xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện giai đoạn 2021 – 2025; trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, phương án tác chiến, làm cơ sở đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực để thu hút đầu tư; các công trình lưỡng dụng; các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình trọng tâm và nội dung đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, khuyến khích đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình thương mại; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, công nghệ thông tin, truyền thông cả về hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực,… để tăng cường việc làm, phát triển dân số và thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tích cực huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lưỡng dụng, cơ sở vật chất, doanh trại, phương tiện kỹ thuật của lực lượng vũ trang, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh gắn với xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng với điều chỉnh lực lượng thường trực, Tỉnh đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ giai đoạn 2020 - 2025; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” và dự bị động viên có quy mô hợp lý, đúng quy định, phù hợp với nhiệm vụ của địa phương. Tổ chức huấn luyện đúng, đủ nội dung chương trình quy định; tăng cường giáo dục chính trị, giữ nghiêm kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ thiết thực, hiệu quả,… bảo đảm cho lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao và làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự. Đồng thời, bố trí nguồn ngân sách hợp lý cho xây dựng thế trận quân sự, các hoạt động trong khu vực phòng thủ, củng cố hệ thống kho tàng, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật. Huy động tốt các nguồn lực cho xây dựng hệ thống công sự, trận địa, thao trường, bãi tập cấp tỉnh, huyện phục vụ huấn luyện.

Cùng với đó, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, ngoại giao nhân dân và đối ngoại quốc phòng; thúc đẩy quan hệ đối ngoại với khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và các địa phương biên giới; thực hiện tốt 03 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Chỉ đạo các lực lượng, địa phương phối hợp tốt theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu và xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ. Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, thiên tai, cháy rừng và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp về ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.

TRẦN HỒNG MINH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...