Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 10/01/2014, 10:12 (GMT+7)
Hiến pháp năm 2013 – kết tinh ý Đảng, lòng Dân, không thế lực nào có thể xuyên tạc

Ý Đảng hợp lòng Dân tạo nên sự đồng thuận xã hội - nguồn gốc sức mạnh và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, không thế lực nào ngăn cản nổi. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) đã  thể hiện rõ điều đó.                                          

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp
 (Nguồn: moj.gov.vn)

“Ý Đảng, lòng Dân” đã trở thành câu nói quen thuộc như một thành ngữ thời hiện đại ở nước ta, thể hiện mối quan hệ máu thịt giữa Đảng Cộng sản với nhân dân Việt Nam. Ý Đảng là chỉ quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách và sự lãnh đạo của Đảng. Lòng dân là chỉ tâm tư, ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Khi ý Đảng, lòng Dân hòa quyện vào nhau tạo thành sức mạnh vô địch vượt qua mọi chướng ngại trên con đường tới tương lai của đất nước.

Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được thông qua ngày 28-11-2013 tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII và được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký lệnh công bố ngày 08-12-2013. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, không chỉ thể hiện ý Đảng hợp lòng Dân mà còn là sự kết tinh cao độ của ý Đảng và lòng Dân.

Trong khi toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta hân hoan mở “Hội non sông” chào đón và quyết tâm đưa Hiến pháp mới vào cuộc sống (Hiến pháp có hiệu lực từ ngày 01-01-2014) thì các thế lực thù địch không ngừng tung ra các luận điệu sai trái hòng làm lung lay ý chí, suy giảm niềm tin của nhân dân ta vào bản Hiến pháp mới.

Mọi người đều biết, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ XHCN ở Việt Nam, xóa bỏ những thành quả của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu nhất quán của các thế lực thù địch. Họ đã theo đuổi mục tiêu đó bằng mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực chiến tranh, vẫn chưa thực hiện được, nay hy vọng làm cuộc “đảo chính” bằng thay đổi Hiến pháp, thực hiện “chiến thắng không cần chiến tranh”!

Lợi dụng cơ hội toàn dân tham gia thảo luận, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra sôi nổi từ đầu năm đến nay, các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, một số người ngộ nhận đã đưa ra các đòi hỏi phi lý “phải có một bản Hiến pháp hoàn toàn mớí”, “phải thay đổi toàn bộ những điều cơ bản, then chốt nhất của Hiến pháp 1992”. Trong đó, cốt lõi là bỏ Điều 4 xác nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; đòi thay đổi tên nước “Cộng hòa XHCN Việt Nam”, bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam và tôn trọng sở hữu tư nhân về đất đai, v.v.

Cũng thật dễ hiểu, một khi yêu cầu đó không thực hiện được qua bản Hiến pháp mới, họ lu loa phủ nhận Hiến pháp mới, rằng: “gây thất vọng to lớn”, vì “không có gì mới”, “thậm chí là sự thụt lùi so với Hiến pháp cũ”; “các ý kiến cho các vấn đề then chốt, căn bản đã không được xem xét, bàn thảo nghiêm túc cho sửa đổi thực sự”; Hiến pháp mới “là sự áp đặt trắng trợn”; v.v và v.v.

Cần phải khẳng định ngay rằng, đó hoàn toàn là những lời lẽ xuyên tạc trắng trợn. Sự thật luôn là sự thật. Bất cứ thủ đoạn nào, dù thâm hiểm đến đâu cũng không thể thay đổi được sự thật. Sự thật ở đây là Đảng Cộng sản Việt Nam không làm sẵn Hiến pháp rồi áp đặt cho Nhân dân phải thực hiện. Đảng chỉ lãnh đạo, chỉ đạo về quan điểm, chủ trương soạn thảo ra Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 rồi đưa ra để toàn Dân tham gia ý kiến. Hơn thế, Đảng, Nhà nước còn kêu gọi, tạo mọi điều kiện để tất cả người dân cả trong và ngoài nước phát huy quyền dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ của mình xây dựng Hiến pháp mới hiệu quả nhất.

Thật hiếm có một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý diễn ra dân chủ, sâu rộng, sôi nổi đến như vậy! Cả hệ thống chính trị đã “vào cuộc” với sự đồng thuận cao để hoàn thiện bản Hiến pháp mới - Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013).

Khởi động từ tháng 8-2011, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được chuẩn bị công phu, tâm huyết, khoa học của các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia lập pháp, với hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị khoa học. Đến tháng 01-2013, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được công bố rộng rãi để lấy ý kiến của toàn Dân. Theo thống kê đợt cao điểm góp ý vào Dự thảo Hiến pháp, ba tháng đầu năm 2013 đã có hơn 20 triệu lượt ý kiến. Tiếp đó, Quốc hội đã quyết định kéo dài thời gian lấy ý kiến để tiếp nhận được hết ý Dân. Quá trình thảo luận ở Quốc hội được diễn ra công khai, dân chủ. Mọi phiên họp thảo luận về Hiến pháp ở Quốc hội đều được truyền hình trực tiếp cho toàn Dân xem. Ngay thời điểm lấy ý kiến Nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định, mọi ý kiến sẽ được tiếp thu, không có gì cấm kỵ, kể cả Điều 4. Sau gần 11 tháng, Ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp đã nhận được hơn 26 triệu lượt ý kiến, tập hợp trong hàng nghìn trang giấy đóng góp, bổ sung của mọi tầng lớp Nhân dân, nhân sĩ, trí thức ở trong và ngoài nước. Với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa, trí tuệ từ ý kiến đóng góp của Nhân dân; các cơ quan có trách nhiệm và các đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, tâm huyết để cuối cùng có bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013) thể chế hóa “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011)” của Đảng, được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao (97,59%). Đó thực sự là một công trình khoa học, một văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng bậc nhất, kết tinh cao độ ý Đảng, lòng Dân.

Điều đó không có nghĩa là tất cả 26 triệu lượt ý kiến của người dân đều được đưa vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tuy nhiên, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn phát biểu sáng 28-11: “Dự thảo đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số Nhân dân, đại biểu Quốc hội. Đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần làm chủ của Nhân dân. Trong một số bộ phận, một số người và ngay cả một số đại biểu Quốc hội vẫn còn có những ý kiến khác về một số điều, khoản trong Dự thảo. Những ý kiến còn khác so với Dự thảo sẽ được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước”.

Đó là thái độ hết sức đúng đắn, cầu thị. Nếu căn cứ vào một số ý kiến của một số người không được thể hiện trong Hiến pháp mới để nói rằng Hiến pháp mới “là sự áp đặt trắng trợn” thì đó chỉ là sự xuyên tạc, vu cáo “thô thiển”.

Luận điệu cho rằng: Hiến pháp 2013 “không có gì mới”, “thậm chí thụt lùi” so với Hiến pháp cũ là cách nói hàm hồ, bất chấp sự thật. Hiến pháp 2013 kế thừa, phát huy giá trị của các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và có những bước phát triển. Nội dung, hình thức, kết cấu, đến kỹ thuật lập hiến của bản Hiến pháp mới đều có những điểm mới, rất tiến bộ, mang tính ổn định, lâu dài và hội nhập quốc tế ở mức độ cao.

Hiến pháp 1992 có 12 chương, 147 điều. Hiến pháp mới có 11 chương, 120 điều nhưng cô đọng, súc tích, chứa đựng nhiều điểm mới trong tất cả các chương và hầu hết các điều. Chỉ xin nêu khái quát mấy điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, Hiến pháp mới khẳng định và làm rõ vai trò chủ thể, chủ quyền của Nhân dân và bản chất Nhà nước: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân,...” (khoản 1 và 2, Điều 2). Hiến pháp mới bổ sung thêm một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Quyền lực nhà nước là thống nhất, không chỉ được phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là nguyên tắc mới được bổ sung trong Cương lĩnh của Đảng ta và Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa, làm cơ sở Hiến định để các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được nhân dân giao; hạn chế và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền lực nhà nước, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, đây còn là cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống sự tha hóa quyền lực nhà nước, đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân.

Hiến pháp mới cũng đã bổ sung đầy đủ các hình thức Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác, mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý Dân; trong đó, có trưng cầu ý Dân về Hiến pháp.

Chương “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân” trong Hiến pháp 1992, nay thành chương “Chính quyền địa phương” để phản ánh thực chất hơn tổ chức quyền lực ở nước ta, bổ sung chương quan trọng về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước. Về mặt kỹ thuật, những điểm mới đó thể hiện rõ mong muốn tạo ra bước phát triển trong quá trình đổi mới bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị phù hợp và tương đồng với đổi mới kinh tế.

Thứ hai, vấn đề về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được chú trọng, bổ sung nhiều điểm mới, đầy đủ hơn. Trước đây, chương V, Hiến pháp 1992 chỉ nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp mới dành cả Chương II với 36 điều (các chương khác chỉ có trên dưới 10 điều) đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Chương II đặt ngay sau chương I “Chế độ chính trị” chứng tỏ Nhà nước ta hết sức chú trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân, cam kết bảo đảm, bảo vệ, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã tham gia.

Chính vì người dân thấy “ý Đảng hợp lòng Dân” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thấy hiện diện rõ nét bản thân mình, chủ quyền của mình nên đã hưởng ứng tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và đồng thuận cao như vậy.

Thứ ba, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng có những điểm mới làm sâu sắc hơn bản chất tiên phong và trách nhiệm của Đảng, vai trò của Nhân dân đối với Đảng. Hiến pháp mới đã làm rõ bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng tiên phong không chỉ của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc. Lần đầu tiên Hiến pháp thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vai trò đảng cầm quyền: Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về sự lãnh đạo và những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quy định này đã nâng cao hơn sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm của đảng viên, tổ chức đảng trong lãnh đạo theo đúng Điều lệ Đảng và Hiến pháp. Nó cũng trực tiếp phản bác những luận điệu xuyên tạc rằng: sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là “đảng trị”, “độc tài”, “đảng đứng trên pháp luật, đứng trên nhân dân”, v.v.

Còn rất nhiều điểm mới, nét mới, nội dung mới trong các chương, các điều của Hiến pháp 2013, tất cả đều cho thấy luận điệu Hiến pháp mới “không có gì mới”, “thậm chí thụt lùi” là hoàn toàn xuyên tạc sự thật với ý đồ xấu.

Chúng ta không “vơ đũa cả nắm”, coi tất cả những người còn chưa đồng thuận với bản Hiến pháp mới đều thuộc “các thế lực thù địch”. Có thể số người này không thấy hết được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Có thể họ quá bức xúc, thiếu bình tĩnh trước tình trạng suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, tình trạng yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước, mặt tiêu cực của xã hội nên muốn hiến kế và tìm con đường khác để đất nước phát triển hơn (!?). Dù vậy, thì đó cũng chỉ là sự ngộ nhận. Đảng ta, Nhân dân ta, những nhân sĩ, trí thức, tinh hoa, trí tuệ của đất nước ta hiện nay không phải không biết rằng trên thế giới ngày nay còn có nhiều con đường xây dựng và phát triển đất nước, kể cả con đường “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” theo mô hình TBCN. Chọn con đường nào là quyền tự quyết của nhân dân mỗi nước. Nhân dân ta đã và đang lựa chọn con đường xây dựng, phát triển đất nước theo Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là con đường duy nhất đúng cho đến nay ở nước ta và nó đã được minh chứng bằng những thành tựu trong công cuộc đổi mới. Những bất ổn chính trị - xã hội liên miên, kéo dài làm suy yếu đất nước đang diễn ra ở Thái Lan, U-crai-na và hàng loạt nước theo thể chế đa nguyên, đa đảng ở Trung Đông, Bắc Phi khiến chúng ta càng vững tin vào con đường xây dựng, phát triển đất nước theo Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể chế hóa trong bản Hiến pháp mới.

Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng chính trị - xã hội của đất nước, một khi Hiến pháp mới kết tinh ý Đảng, lòng Dân sẽ tạo nên sự đồng thuận xã hội và là nguồn sức mạnh mới, hứa hẹn những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không thế lực nào có thể xuyên tạc được Hiến pháp, ngăn cản bước tiến của cách mạng Việt Nam.

“Ý Đảng, lòng Dân được thể hiện hòa quyện sâu sắc trong Hiến pháp. Đó là bảo đảm chính trị - pháp lý vững chắc cho Dân tộc ta, Nhân dân ta và Nhà nước ta vững bước tiến lên trước những thách thức mới của thời đại; là nhân tố cho toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân đồng lòng đưa Hiến pháp vào cuộc sống; là nhân tố để nước ta vững bước vào thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển về mọi mặt và hội nhập quốc tế”1.

Những ai thực lòng yêu nước, mong muốn đất nước ổn định và phát triển mạnh mẽ hơn thì không thể đứng ngoài cuộc mà hãy hòa mình cùng toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân đón nhận thời cơ, vận hội mới mà Hiến pháp 2013 - một dấu mốc lịch sử mới đang tạo ra cho đất nước.

TRUNG HIẾU
_______

1 - Lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong bài “Hiến pháp sửa đổi là bảo đảm chính trị - pháp lý vững chắc để toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta đồng lòng vững bước tiến lên trong thời kỳ mới”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.