Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:56 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tuyên truyền nhằm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, trong đó có luận điệu cho rằng “chỉ có trí thức mới là đội ngũ lãnh đạo xã hội”. Có thể thấy quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm, không có cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tiễn.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”, trên mạng xã hội xuất hiện luận điệu cho rằng, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, “chỉ có trí thức mới là đội ngũ lãnh đạo xã hội”. Đây là luận điệu có tính chất trá hình, khiến mọi người mới nghe dễ lầm lẫn, ngộ nhận, bởi rõ ràng đội ngũ trí thức đều là người có kiến thức, trình độ trong khi chế độ nào cũng cần có người tài giúp sức, v.v. Tuy nhiên, mục đích của luận điệu này không hướng vào điều đó, mà chủ yếu nhằm hạ thấp vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Để phản bác luận điệu trên cần có cách nhìn biện chứng, khách quan, khoa học, không thể cảm tính, phiến diện, một chiều. Thực tiễn lịch sử cho thấy, để xứng đáng với vai trò là lực lượng lãnh đạo xã hội, cần phải có đủ các điều kiện cơ bản sau: là lực lượng đại biểu cho phương thức sản xuất mới, tiến bộ trong xã hội; có hệ tư tưởng riêng phản ánh được quy luật chính trị - xã hội; có lợi ích đại diện cho nhiều giai tầng xã hội; có tinh thần cách mạng triệt để; có tính tổ chức, tính kỷ luật cao, có tình đoàn kết giai cấp. Chúng ta hãy dựa vào các tiêu chí trên để xem xét trí thức có đủ điều kiện lãnh đạo xã hội hay không?
Trước hết, cần thấy rằng, trí thức không phải là giai cấp và cũng không đại biểu cho một phương thức sản xuất mới, tiến bộ nào. Chúng ta biết, sản xuất vật chất bao giờ cũng là nền tảng của đời sống xã hội; không có sản xuất vật chất, xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển được. Khi có sự phân công lao động thành “lao động vật chất và lao động tinh thần”1, thì xuất hiện trí thức. Từ khi ra đời cho đến nay, trí thức luôn có vai trò to lớn trong tiến trình lịch sử nhân loại, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất tinh thần.
Khi xã hội có phân chia giai cấp, vai trò lãnh đạo xã hội luôn thuộc về giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất vật chất tiên tiến, gắn liền với lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với tiến trình vận động, phát triển của lịch sử. Đó là những giai cấp “đầu tàu” có sứ mệnh lịch sử dẫn dắt nhân loại tiến lên phía trước; tương ứng với từng thời kỳ phát triển của xã hội loài người là các giai cấp: chủ nô, phong kiến, tư sản và hiện nay là giai cấp công nhân. Những giai cấp khác, tuy cũng gắn với phương thức sản xuất mới ở những mức độ khác nhau, nhưng không đại biểu cho phương thức sản xuất ấy nên không thể là giai cấp lãnh đạo xã hội. Đó lần lượt là các giai cấp: nông nô, nô lệ, nông dân, v.v. Còn các tầng lớp xã hội khác, tuy có những vai trò nhất định trong từng xã hội cụ thể, nhưng không bao giờ có được địa vị là lực lượng lãnh đạo xã hội.
Trên thực tế, trí thức xuất hiện từ rất sớm và đã tồn tại qua nhiều thời kỳ lịch sử, trong nhiều phương thức sản xuất khác nhau. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi phương thức sản xuất nhất định, trí thức luôn được coi là lực lượng có vai trò nhất định trong xã hội nhưng dễ bị lệ thuộc vào giai cấp thống trị. Từ địa vị của mình trong phân công lao động xã hội, trí thức không có quan hệ riêng và trực tiếp với sở hữu tư liệu sản xuất, không giữ vị trí độc lập trong hệ thống sản xuất, cho nên họ không phải là một giai cấp và cũng không đại biểu cho phương thức sản xuất nào. Họ chỉ là một “tầng lớp đặc biệt”, “bao hàm tất cả mọi người có học thức,... các đại biểu của lao động trí óc”2 - tầng lớp sản xuất ra những giá trị tinh thần là chủ yếu và chỉ có thể phát huy được vai trò, sức mạnh thực sự của mình khi gắn với các giai cấp khác.
Và như vậy, trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay là các cuộc cách mạng công nghiệp những lần tiếp theo dù có phát triển đến đâu thì cũng không thể làm thay đổi địa vị kinh tế - xã hội của trí thức, để họ có thể trở thành chủ thể của quá trình sản xuất vật chất. Có chăng, trí thức chỉ có thể thúc đẩy quá trình sản xuất hiện đại phát triển theo hướng gia tăng ngày càng nhiều hàm lượng trí tuệ (tinh thần) cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu vật chất, tinh thần của con người. Chính vì không đại diện cho phương thức sản xuất mới, tiến bộ nên trí thức không có khả năng lãnh đạo xã hội xây dựng phương thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất cũ.
Thứ hai, trí thức không có hệ tư tưởng riêng mà phụ thuộc vào hệ tư tưởng của các giai cấp thống trị xã hội. Trong xã hội có giai cấp, một giai cấp chỉ khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình khi có hệ tư tưởng riêng, độc lập với tư tưởng của các giai cấp khác. Và cũng trong xã hội ấy “những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị”3. Do không có hệ tư tưởng riêng, độc lập nên trí thức không có lập trường tư tưởng vững vàng. Tuy nhiên, họ lại có một năng lực đặc biệt là sức khái quát xây dựng hệ tư tưởng cho các giai cấp thống trị xã hội. Chính vì vậy, các giai cấp thống trị luôn quan tâm đào tạo trí thức nhằm phục vụ cho sự thống trị của mình. Trong lịch sử, giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản cũng như giai cấp công nhân đều vận động trí thức làm được điều đó và họ trở thành giai cấp lãnh đạo xã hội, đảm nhận sứ mệnh lịch sử của thời đại. Còn trí thức, chỉ là một tầng lớp xã hội nhưng có vai trò nhất định và thường gắn liền, phục vụ cho giai cấp thống trị.
Thứ ba, do không đại diện cho phương thức sản xuất nào nên trí thức không đại diện cho lợi ích nhiều giai tầng xã hội. Lợi ích của trí thức về cơ bản không thống nhất với lợi ích của các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Chính điều này không cho phép họ có khả năng vận động, thu hút và tập hợp lực lượng từ các giai tầng xã hội quanh mình để đấu tranh vì lợi ích chung. Hệ quả đó đã không cho phép trí thức có thể tổ chức, thống nhất lực lượng một cách trực tiếp, rộng rãi và cũng không có lợi ích đối kháng trực tiếp với giai cấp thống trị. Cho nên, trong quá trình đấu tranh giai cấp và do tác động nhiều mặt về lợi ích đã làm cho trí thức phân hóa thành những bộ phận khác nhau và sẽ phục vụ cho giai cấp này hoặc giai cấp khác. Do không đại diện cho một lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn, nên trí thức chưa bao giờ làm cách mạng để đánh đổ kiểu quan hệ sản xuất cũ đã lạc hậu, xây dựng một xã hội mới. Do đặc tính này mà trí thức không được lịch sử lựa chọn làm lực lượng lãnh đạo xã hội xây dựng phương thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất cũ.
Thứ tư, trong thời đại ngày nay, trí thức không có tinh thần cách mạng triệt để như giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Từ khi xuất hiện tới nay, chưa khi nào trí thức có lợi ích đối lập với giai cấp thống trị đương thời. Do vậy, họ luôn có thái độ thờ ơ đối với chính trị. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, trí thức là một tầng lớp xã hội trung gian, gắn bó với các giai tầng khác và thường phụng sự giai cấp thống trị, có lợi ích gắn liền với lợi ích chung của giai cấp thống trị, nên họ dễ dàng thỏa hiệp với giai cấp thống trị. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, trí thức cũng là người làm thuê và bị bóc lột, nhưng lại là tầng lớp làm thuê đặc biệt, được giai cấp tư sản đào tạo, sử dụng và có một bộ phận được chế độ tư bản ưu đãi. Từ những đặc điểm ấy nên trí thức không có tinh thần cách mạng triệt để như giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Thực tế lịch sử cũng cho thấy, chưa bao giờ có một giới trí thức nào có thể thay thế một giai cấp để lãnh đạo một cuộc cách mạng xã hội nhằm thay thế chế độ xã hội này bằng một chế độ xã hội khác.
Nhìn lại lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong giai đoạn đầu của cách mạng vô sản, phần lớn trí thức đứng về phía giai cấp tư sản, bảo vệ quan điểm, lập trường tư sản, phản ánh những lợi ích của giai cấp tư sản. Về sau này, cùng với thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, đội ngũ trí thức ngày càng nhận rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và tìm thấy lợi ích của mình trong cuộc đấu tranh chung đó. Vì thế, ngày càng nhiều trí thức đi theo giai cấp công nhân, ủng hộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ngày nay, trí thức tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, tổ chức xã hội, song không phải là lực lượng lãnh đạo xã hội.
Thứ năm, trí thức không phải là lực lượng có tính tổ chức, tính kỷ luật cao, không có tình đoàn kết giai cấp sâu rộng. Về phương diện này, V.I. Lênin đã chỉ rõ sự khác nhau giữa người vô sản và người trí thức. Theo đó, “Tất cả lực lượng, tất cả khả năng tiến bộ, tất cả các hy vọng và nguyện vọng của người vô sản đều sinh ra từ tổ chức, từ sự hoạt động chung và có kế hoạch với các đồng chí của mình”4. Còn người trí thức, “Vũ khí của họ chính là sự hiểu biết của cá nhân họ, những năng lực của cá nhân họ, lòng tin của cá nhân họ. Họ chỉ nhờ vào những phẩm chất cá nhân của họ nên mới có thể đóng được một vai trò nào đó”5. Về tính kỷ luật, với tư cách là một bộ phận trong toàn thể, trí thức chỉ phục tùng toàn thể đó một cách miễn cưỡng, phục tùng vì bắt buộc, chứ không phải tự nguyện; chỉ thừa nhận kỷ luật là cần thiết đối với quần chúng, chứ không phải đối với họ.
Như thế, rõ ràng là trí thức đã thiếu đi những phẩm chất hết sức cần thiết và quan trọng để trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội. Một trong những căn nguyên của nó là do trí thức ra đời trước đại công nghiệp và không phải là sản phẩm của nền đại công nghiệp nên họ không có những phẩm chất như các giai cấp khác, nhất là giai cấp công nhân - sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại. Do thiếu được rèn luyện đầy đủ trong môi trường của nền công nghiệp hiện đại nên trí thức thiếu tính kỷ luật, khả năng đoàn kết, tổ chức đội ngũ mình và quần chúng nhân dân thành một lực lượng xã hội mạnh mẽ để tiến hành cuộc cách mạng xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp hơn.
Xét các điều kiện để trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội nêu trên, thì trí thức không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đó. Cho nên, mặc dù họ có vai trò to lớn trong sự phát triển xã hội, nhưng cho rằng “trí thức là đội ngũ lãnh đạo xã hội” là không có cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tiễn. Những lập luận về vai trò lãnh đạo xã hội của trí thức, bất luận thế nào đều không có sức thuyết phục. Về thực chất, luận điệu đó chỉ là chủ ý thổi phồng “vai trò của trí thức”, kích động, khơi dậy tham vọng quyền lực ở họ, cuối cùng là nhằm phủ nhận vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
PGS, TS. PHAN TRỌNG HÀO, Hội đồng Lý luận Trung ương _______________
* - Bài viết là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học KX.04.33/21-25, thuộc Chương trình KX.04/21-25.
1 - C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQGST, H. 1995, tr. 44 - 45.
2 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 8, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr. 372.
3 - C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQGST, H. 1995, tr. 66.
4 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 8, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tr. 372 - 373.
5 - Sđd, tr. 373
Nghị quyết số 45-NQ/TW,đội ngũ trí thức,cách mạng khoa học,trí thức không phải là giai cấp
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm