Thứ Hai, 25/11/2024, 19:56 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Mới đây, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) công bố Báo cáo tổng kết toàn cầu về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2023; trong đó, họ tiếp tục lặp lại những thông tin sai trái, cũ mòn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Báo cáo này cho rằng, năm 2023, “nhân quyền của Việt Nam tồi tệ về hầu hết mọi mặt”, “nhà cầm quyền hạn chế ngặt nghèo các quyền cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận và truyền thông, nhóm họp, lập hội”(!). Lợi dụng việc cuối năm 2023, các đối tượng Lê Minh Thể, Trần Minh Lợi, Y Wô Niê bị tòa án xét xử về tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Báo cáo này cho rằng “các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền bị đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, bị bắt giữ tùy tiện”(!). Gần đây, ông Robertson, Phó Giám đốc châu Á của HRW còn cố tình xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam khi nói rằng: “Mọi quyền dân sự và chính trị, dù là quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp hay quyền tự do lập hội đều đang bị chính quyền Việt Nam vi phạm một cách có hệ thống. Chính phủ đã đi thụt lùi quá xa về nhân quyền, không theo bất kỳ công ước nhân quyền quốc tế nào mà họ đã phê chuẩn”(!).
Cần khẳng định ngay rằng, những cáo buộc nói trên của HRW phản ánh những định kiến lâu nay của tổ chức này đối với Việt Nam đều chỉ căn cứ vào những thông tin sai trái, cũ mèm, không đúng sự thật. Bản thân hoạt động của tổ chức này bị chi phối bởi nguồn kinh phí hoạt động được đảm bảo từ các nước phương Tây, nên các báo cáo về nhân quyền của HRW thường sai sự thật, thiên vị, mang màu sắc chính trị và chủ quan áp đặt, bị nhiều quốc gia chỉ trích, phản đối. Phản bác những cáo buộc nói trên, ngày 25/01/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là Tổ chức Theo dõi Nhân quyền với những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo”; đồng thời khẳng định: “Những nỗ lực, quyết tâm, thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong đảm bảo các quyền cơ bản của con người được thể hiện thông qua những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, được đông đảo người dân trong nước và cộng đồng quốc tế thừa nhận, đánh giá cao”.
Trên thực tế, Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm với công tác bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đến nay, nước ta đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, gồm: Công ước về Các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước về Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW); Công ước về Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Công ước về Quyền trẻ em; Công ước về Quyền của người khuyết tật; Công ước về Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cùng nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản về lao động. Trên cơ sở đó, Việt Nam nỗ lực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người nhằm bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với các điều ước quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về dân sự, chính trị được bảo đảm, bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, được thực hiện minh bạch trong thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 đã dành tới 36/120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, ban hành các luật, bộ luật trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Theo đó, tòa án hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án. Các bản án, quyết định của tòa án các cấp được công khai trên Cổng thông tin điện tử. Các đối tượng Lê Minh Thể, Trần Minh Lợi, Y Wô Niê nói trên bị bắt giam không phải họ là “các blogger”, các “nhà hoạt động nhân quyền” hay “tù nhân lương tâm” như Báo cáo của HRW nêu ra, mà là những kẻ phạm vào tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại khoản 1, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Các quyền con người, quyền công dân về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Năm 2023 là năm kinh tế thế giới có nhiều khó khăn do tác động của những biến động địa chính trị và sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng kinh tế của Việt Nam vẫn là một điểm sáng trước những cơn gió ngược. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 5,05% (gấp 1,68 lần mức tăng chung của kinh tế thế giới). Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2023 đạt 4.284 USD (tăng 160 USD so với năm 2022). Nhờ đó, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%; trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 giảm 1,1% so với năm 2022, còn 2,93%, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế, đối tượng chính sách tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2023 đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 1,13 triệu người có công với kinh phí 29 nghìn tỉ đồng/năm; Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội được đẩy mạnh, đến hết tháng 9/2023 đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô khoảng 20.210 căn. Các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng chính sách cũng được tổ chức triển khai có hiệu quả. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, năm 2021 đạt 0,703 điểm, đến năm 2023 đạt 0,726 điểm, thuộc nhóm nước có trình độ phát triển con người cao. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 (theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới vào tháng 3/2023 của Liên hợp quốc) tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên vị trí 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Về cáo buộc “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do internet và tự do tôn giáo”, thì Báo cáo của HRW vẫn nhai lại những luận điệu cũ rích. Cần nhắc lại rằng, HRW chỉ nhấn mạnh đến “quyền” của công dân mà cố tình lờ đi “nghĩa vụ” của công dân phải tuân thủ các giới hạn khi thụ hưởng các quyền đó. Khoản 3, Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nói về quyền tự do ngôn luận đã chỉ rõ: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, để: a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b/ Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hay đạo đức của công chúng”. Còn về quyền tự do tôn giáo, khoản 3, Điều 18 của Công ước này xác định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Vì thế, mọi quốc gia có chủ quyền đều chống lại hành vi lạm dụng quyền tự do cá nhân để vi phạm pháp luật.
Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận được đảm bảo; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng. Điều đó được khẳng định rõ trong Luật Báo chí do Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 4/2016; đồng thời, sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và internet cho thấy: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam có những bước tiến bộ đáng kể. Năm 2023, cả nước có 06 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó, có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người; trong đó, khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó: 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành Báo chí. Cùng với các cơ quan báo chí trong nước, nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam. Số người dùng internet ở Việt Nam năm 2023 lên tới 77 triệu người, chiếm 79,1% dân số (năm 2022 là 73,2%). Mạng xã hội cũng trở thành nền tảng quan trọng với hơn 70 triệu người tham gia (tương đương 71% dân số). Với các con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống báo chí, các cơ quan truyền thông đại chúng, internet và chỉ số trung bình thời gian sử dụng internet của người Việt Nam ở mức cao (khoảng 07 giờ/ngày) là một minh chứng cụ thể cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ở Việt Nam luôn được bảo đảm.
Về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hiện nay ở Việt Nam có đến 95% người dân có đời sống tín ngưỡng. Trong năm 2023, công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã đạt được nhiều bước tiến, từ công tác lập pháp, hành pháp và đối ngoại tôn giáo. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Sau khi Nghị định số 162/2017/NĐ-CP bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc, nhất là thiếu những biện pháp cụ thể để thi hành hiệu quả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 29/12/2023, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP). Đây là sự điều chỉnh rất kịp thời nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực tế mà người dân, tín đồ gặp phải, như: vấn đề sở hữu đất tôn giáo; sinh hoạt tín ngưỡng đối với những người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ; bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài; hoạt động của các tổ chức, cơ sở tôn giáo, đặc biệt là vấn để sinh hoạt tôn giáo trên không gian mạng. Năm 2023, Việt Nam phát hành Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đây là tài liệu chính thống, không chỉ cung cấp những thông tin về chính sách, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, mà còn khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”. Các tổ chức tôn giáo được tạo mọi điều kiện hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định pháp luật. Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường. Đặc biệt, những ngày lễ trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận tổ chức tôn giáo cho 02 tổ chức (Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Hội thánh Phúc âm toàn vẹn Việt Nam) và chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam. Tính đến tháng 12/2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 02 tổ chức và 01 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân, năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in. Nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng dân tộc. Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo cũng được quan tâm, tạo điều kiện, góp phần khẳng định chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong năm 2023, có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện đăng cai, tổ chức các sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, như: Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2023; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình; Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương”. Điểm nổi bật trong năm 2023 là quan hệ Việt Nam - Vatican có bước tiến lịch sử, khi Vatican chính thức có Đại diện thường trú tại Việt Nam. Nhân sự kiện này, Giáo hoàng Francis bày tỏ quan điểm cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh “tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, qua đó “có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”. Những thực tế nêu trên chứng minh rõ, nếu ở Việt Nam có sự cấm đoán, chắc chắn các hoạt động tôn giáo không thể sinh động như thế? Vấn đề quan trọng là phải phân biệt những hoạt động tôn giáo thuần túy với những hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, như khoản 3, Điều 18 của Công ước quốc tế đã nhắc nhở.
Điểm qua những nhận định nói trên trong Báo cáo tổng kết toàn cầu về nhân quyền trên thế giới năm 2023 của HRW, có thể khẳng định rằng, những nhận định về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong báo cáo này là không khách quan, không đúng thực tế, chỉ là “bổn cũ soạn lại”, không đáng tin cậy, cần kịch liệt lên án và đấu tranh bác bỏ.
NGUYỄN NGỌC HỒI
Nhân quyền ở Việt Nam,thành viên có trách nhiệm,phòng chống diễn biến hoac bình
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm