Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 27/08/2020, 14:28 (GMT+7)
Nhốt quyền lực trong “lồng cơ chế”

I. Quyền lực và sự tha hóa quyền lực

II. Quan điểm của Đảng ta về kiểm soát quyền lực và những hiệu ứng tích cực (Bấm vào đây để xem phần III)

Quyền lực bị tha hóa mà không bị kiểm soát thì sẽ gây hệ lụy tiêu cực cho xã hội, nhân dân và chính tổ chức, nhóm, cá nhân được trao quyền. Vì thế, đã trao quyền lực, thì nhất thiết phải gắn với việc kiểm soát, đảm bảo quyền lực được thực thi theo đúng bản chất, mục đích của nó.

Quan điểm của Đảng ta về kiểm soát quyền lực

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”1. Quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng ta là: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”2. Tại Đại hội VI, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra công thức thể chế hóa đầy đủ quyền lực quản lý xã hội ở nước ta, đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến”3. Đảng ta khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân không chỉ là vấn đề bản chất, nguyên tắc mà đặt ra yêu cầu phải có cơ chế thực thi quyền lực kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. (Ðiều 2) “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3). “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). “Để đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước được tổ chức thống nhất thành ba bộ phận: lập pháp, hành pháp và tư pháp, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó nhằm bảo đảm quyền lực là thống nhất, được sử dụng đúng mục đích và thực thi có hiệu lực, hiệu quả”. Theo Hiến pháp, Quốc hội đã xây dựng và thông qua nhiều đạo luật thể chế hóa quy định về kiểm soát quyền lực Nhà nước, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính Phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và các văn bản pháp luật khác,... tương đối đầy đủ, đồng bộ. Như vậy, quan điểm của Đảng ta về xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả còn gắn liền với quá trình cụ thể hóa những nội dung trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Quyền lực của tổ chức, nhóm người, cá nhân không phải là quyền lực tự có, mà là quyền lực của nhân dân, được nhân dân trao cho họ, ủy quyền cho họ thực hiện để phục vụ nhân dân, phục vụ cho việc xây dựng, phát triển đất nước và chính nhân dân là chủ nhân kiểm soát quyền lực, xem các tổ chức, nhóm người, cá nhân có thực hiện đúng, đủ quyền lực nhân dân trao cho họ hay không. Trên thực tế, có những bộ máy tổ chức, một nhóm người, một cá nhân do nhân dân dựng lên, bầu ra, bổ nhiệm để trao quyền lực, ủy quyền thực hiện chức trách, nhiệm vụ vì lợi ích chung, nhưng khi được trao quyền lực rồi thì bộ máy đó, nhóm người đó, cá nhân đó không giữ được phẩm chất, nhân cách, coi thường kỷ cương, phép nước, biến quyền lực nhân dân trao cho thành quyền lực của mình, thực hiện chúng vì lợi ích của bản thân, gia đình, “nhóm lợi ích” tiêu cực. Chính vì thế, Đảng ta xác định kiểm soát quyền lực phải trở thành trọng tâm của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, đặc biệt khi mà tình trạng tha hóa quyền lực, tham nhũng đang là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Việc kiểm soát quyền lực phải gắn liền với cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát; đồng thời, phải thực hiện hiệu quả công tác cán bộ, bởi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”4, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”5. Nếu cán bộ có tính tham lam, vụ lợi thì họ sẽ tìm kẽ hở của luật pháp, của cơ chế để “lách” luật, trục lợi. Vì vậy, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước, suy đến cùng chính là kiểm soát cán bộ. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Điển hình là: Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII), hiện nay là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, chuyển Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Chính phủ sang trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Bài học từ lịch sử cho thấy, Đảng vững mạnh, trước hết những người “cầm cương” phải vững, không tham vọng quyền lực. Một cá nhân tham vọng quyền lực mà “chui sâu, leo cao” tới những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước thì hệ lụy sẽ khôn lường. Ngày 04/8/2017, lần đầu tiên, Đảng ta ban hành Quy định số 90-QĐ/TW, quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; trong đó nêu rõ, cán bộ thuộc diện nói trên phải “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”. Đặc biệt, để kiểm soát quyền lực, chống sự tha hóa quyền lực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 “Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Với việc ban hành các Quy định này, việc kiểm soát quyền lực, chống “nhóm lợi ích” tiêu cực trong công tác cán bộ, các hành vi chạy chức, chạy quyền đã được chỉ ra cụ thể. Điều đó khẳng định rõ quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” tiêu cực và tự chỉnh đốn theo phương châm “làm từ trên xuống”, lấy nguyên tắc “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” làm hạt nhân, cơ sở để triển khai những nội dung khác.

Kết quả bước đầu trong đấu tranh chống tha hóa quyền lực, tham nhũng và những hiệu ứng tích cực

Đảng, Nhà nước luôn nhất quán phải “chặt đứt nhóm lợi ích thao túng hưởng lợi trên tài sản công quốc gia”6; “không có vùng cấm”, phải luôn kiên quyết, kiên trì, tiến hành từng bước một cách bài bản, khoa học, không nóng vội, chủ quan. Với tinh thần đó, thời gian qua,  Đảng, Nhà nước ta đã và tiếp tục làm rõ, xử lý những cá nhân suy thoái, có biểu hiện tham vọng quyền lực, chủ nghĩa cá nhân, bất kể là ai, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Kiên quyết xốc lại đội ngũ, siết chặt kỷ luật, cắt bỏ những “khối u” làm mọt ruỗng “cơ thể” của Đảng. Nhờ đó, công tác chỉnh đốn Đảng thực sự đã có bước chuyển động chưa từng thấy trong lịch sử Đảng ta. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 01 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và 04 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XII), 14 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 01 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 05 đồng chí bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 02 đồng chí bí thư tỉnh ủy, 05 đồng chí nguyên bí thư tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 07 tổ chức đảng7. Kết quả này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, chống tha hóa quyền lực trong Đảng và bộ máy công quyền của Nhà nước.

Việc đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh trước pháp luật những đại án tham nhũng, những cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, tướng lĩnh lực lượng vũ trang,... mới đây là truy tố nguyên Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng và truy nã cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho thấy quan điểm nhất quán, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong kiên quyết xử lý đối với các cá nhân tha hóa quyền lực, tham nhũng, “nhóm lợi ích” tiêu cực; thể hiện rõ sự “thượng tôn pháp luật”, không có “vùng cấm”, không có “trường hợp ngoại lệ”, không có “hạ cánh an toàn”, v.v. Nếu ai coi thường kỷ cương, phép nước, vi phạm pháp luật, trước sau cũng sẽ bị pháp luật trừng trị.

Sự thật này rất đau đớn, bởi Đảng, Nhà nước ta bị tổn thất về cán bộ; sự thất thoát về kinh tế trong những đại án tham nhũng đã gây ra hệ lụy làm chậm sự phát triển đất nước, hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập quốc dân,… từ đó làm tăng khoảng cách giàu nghèo, tác động tiêu cực đến mục tiêu thực hiện chính sách công bằng xã hội. Song, cái được ý nghĩa hơn là Đảng, Nhà nước ta đã, đang xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, phát huy sức mạnh lòng dân, củng cố niềm tin cho dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống “quốc nạn” tham nhũng, sự tha hóa quyền lực. Chưa có thời điểm nào mà ở đâu, chỗ nào, mọi người dân đều tâm đắc với việc “lò đã nóng, củi tươi cũng cháy”; từ đó, chung sức, đồng lòng, tích cực giúp Đảng, Nhà nước đưa ra ánh sáng những cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền lực, tha hóa biến chất, v.v. Điều này cho thấy, cuộc chiến đẩy lùi sự “tha hóa quyền lực” của Đảng, Nhà nước ta đang có sinh khí mạnh mẽ, tiến công quyết liệt vào những “sào huyệt” tham nhũng với những thủ đoạn tinh vi, được bao bọc bởi “lợi ích nhóm” vô cùng chằng chịt. Và Đảng vẫn được Nhân dân ta quý trọng, đặt niềm tin, kỳ vọng lớn lao vào cuộc chiến đầy cam go, phức tạp, nhạy cảm này.

Dù đã đạt một số kết quả đáng kể, nhưng trên thực tế việc chống tham nhũng, tha hóa quyền lực ở nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ: “chậm xây dựng, hoàn thiện tổ chức và cơ chế giám sát trong Đảng và trong hệ thống chính trị, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên”, “công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”. Vì vậy, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên trở nên cấp bách.

ĐÌNH PHIẾM - MINH SƠN
_________________      

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 698.

2 - Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2018, tr. 09.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 169.

4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 309.

5 - Sđd, Tập 5, tr. 280.

6 - Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, http://baochinhphu.vn/, ngày 08/01/2018.

7 - Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), ngày 14/10/2019.

Số sau: III. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.