Thứ Tư, 23/04/2025, 21:35 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Để chống phá đường lối đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, các thế lực thù địch, phản động liên tục tung ra những luận điểm sai trái, phản động, trong đó có luận điểm “phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Đây là luận điệu xuyên tạc vô căn cứ, cần vạch trần và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Từ khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch đã hý hửng cho rằng chủ nghĩa xã hội, lý tưởng cộng sản đã “hết thời”, “cáo chung”, “đi vào ngõ cụt”. Trên thực tế, công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa thành công của các nước xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mác xít chân chính, như: Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Lào đã dội “gáo nước lạnh”, dập tắt “sự vui mừng, hý hửng” của chúng. Thế nhưng, với bản chất ngoan cố và âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới và ở Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch đã, đang “chuyển hướng” chống phá chủ nghĩa xã hội cả về lý luận và thực tiễn với nhiều chiêu trò mới, “đánh lận con đen” như luận điệu: “phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”, mà chúng cho là “luận thuyết phát triển trong thời đại mới”. Để đánh lừa dư luận, làm lung lay nhận thức của những người thiếu hiểu biết, yếu bản lĩnh, nhẹ dạ cả tin. Chúng còn lập luận rằng: “Chủ nghĩa xã hội chính là bước quá độ từ nghèo nàn, lạc hậu tiến tới chủ nghĩa tư bản, những mơ ước của chủ nghĩa xã hội thì chính chủ nghĩa tư bản đã thực hiện rồi”. Tinh vi hơn, chúng viện dẫn “V.I. Lênin là người đã nói đến việc sử dụng chủ nghĩa tư bản” để quy về “phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Chúng lợi dụng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đang sử dụng hình thức sở hữu tư nhân, xác định “phát triển thành phần kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế” để quy kết “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội”, v.v. Luận điệu trên của các thế lực thù địch, phản động là hết sức thâm độc, nguy hiểm, nhằm phủ nhận mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa - tương lai tươi sáng của nhân loại, xóa nhòa ranh giới, “trộn lẫn” bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ tư bản chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới và ở Việt Nam. Chúng ta có thể khẳng định rằng, luận điệu trên của các thế lực thù địch là hoàn toàn phi lý, vô căn cứ, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn.
Về phương diện lý luận, cái gọi là “phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” là thứ lý thuyết chiết trung, hỗn tạp, ngụy biện vô căn cứ, nhằm xóa nhòa ranh giới, “trộn lẫn” bản chất của chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa, phủ nhận lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung. Điều đó không thể và không bao giờ xảy ra!
Trên quan điểm duy vật lịch sử, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã nghiên cứu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa tư bản trong các giai đoạn phát triển của nó và khẳng định: hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là hình thái kinh tế - xã hội cao nhất trong sự phát triển của lịch sử xã hội loài người, tất yếu sẽ thay thế hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa, đó là quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên, xã hội tư bản chủ nghĩa sẽ bị xã hội cộng sản chủ nghĩa phủ định biện chứng. Điều đó khẳng định, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là hai chế độ xã hội hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Mặc dù, khi đánh giá về chủ nghĩa tư bản, với phương pháp biện chứng khoa học, khách quan, toàn diện, lịch sử, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã thừa nhận vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản; khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa tư bản thay thế xã hội phong kiến là tất yếu của lịch sử và nhờ vận dụng hiệu quả các quy luật của kinh tế thị trường, nên giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản trong quá trình thống trị chưa đầy một thế kỷ “đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”1. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là sự phát triển bởi sự thay thế phương thức bóc lột này (phong kiến) bằng phương thức bóc lột khác (tư bản chủ nghĩa), thậm chí còn tinh vi, xảo quyệt và tàn bạo hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa, khi giai cấp tư sản đứng ở vị trí trung tâm, nó có vai trò lịch sử là đánh đổ giai cấp phong kiến, dẫn đến sự ra đời của chủ nghĩa tư bản - chế độ xã hội tiến bộ hơn chế độ phong kiến. Và khi giai cấp tư sản không còn đứng ở vị trí trung tâm của thời đại (chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đi xâm chiếm các dân tộc trên thế giới) thì vị trí trung tâm đã chuyển sang giai cấp công nhân và chủ nghĩa tư bản trở nên lỗi thời, lạc hậu so với chế độ xã hội mới văn minh, tiến bộ hơn đó là chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bàn về vai trò và bản chất của Đảng Cộng sản, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - giai cấp duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng thế giới xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Đó là khách quan do chính địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân quy định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”2. Nhưng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, vẻ vang ấy thành công, một trong những điều kiện tiên quyết là giai cấp công nhân phải tổ chức ra chính đảng của mình, đó là Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản là kết quả tất yếu của sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, là đội tiền phong của giai cấp công nhân, lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tiến hành cuộc cách mạng lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng thành công chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. V.I. Lênin khẳng định: “Mục đích của giai cấp vô sản là thiết lập chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, biến tất cả những thành viên trong xã hội thành người lao động, tiêu diệt cơ sở của mọi tình trạng người bóc lột người”3. Hơn nữa, cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt là xây dựng những yếu tố bản chất của chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không phải là “phát triển chủ nghĩa tư bản”. Đó là quá trình cách mạng cải tạo toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tất yếu còn sự đan xen giữa những yếu tố của xã hội cũ (chủ nghĩa tư bản) và xã hội mới (xã hội chủ nghĩa); đồng thời, luôn kế thừa những thành tựu của nhân loại đã đạt được trong giai đoạn tư bản chủ nghĩa, như V.I. Lênin đã nêu: thái độ của người cộng sản chân chính là phải biết bắc những chiếc cầu nhỏ xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước; phải học tập chủ nghĩa tư bản về kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý kinh tế, trình độ giáo dục, biết sử dụng các chuyên gia tư sản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng, không thể và không bao giờ có thể xóa nhòa ranh giới, hoặc gán ghép một cách sống sượng, phi lý giữa “phát triển chủ nghĩa tư bản” với “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”; đó chỉ là chiêu trò đánh tráo khái niệm nhằm lừa bịp dư luận của các thế lực thù địch mà thôi!
Về phương diện thực tiễn, cái gọi là “phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” là sự xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Trên thực tế, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga và lãnh tụ V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã giành thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đập tan chế độ Nga Sa Hoàng và chính quyền của giai cấp tư sản, lập nên nhà nước Xô viết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga. Mặc dù quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết, Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga và V.I. Lênin cũng đã đề cập đến việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng theo V.I. Lênin, sử dụng chủ nghĩa tư bản với tư cách là sử dụng các hình thức kinh tế trung gian, quá độ để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là “Đảng Cộng sản lãnh đạo phát triển chủ nghĩa tư bản” như luận điệu mà các thế lực thù địch đang rêu rao và cổ súy!
Hiện nay, một thực tế hiển nhiên là sự điều chỉnh, thích nghi để tồn tại, phát triển ở các nước tư bản đều do các đảng của giai cấp tư sản lãnh đạo (ở Mỹ là Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ; ở Anh là Đảng Bảo thủ hoặc Công đảng,…) tuyệt nhiên không phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền. Thực tiễn đó cho thấy, luận điệu “phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” của các thế lực thù địch là phi thực tế và vô căn cứ!
Ở Việt Nam, với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03/02/1930, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam, đứng lên vũ đài chính trị lãnh đạo và là chính đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành mục tiêu giành độc lập dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, phù hợp với quy luật phát triển và nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Việc các thế lực thù địch, phản động cho rằng: Việt Nam đang sử dụng hình thức sở hữu tư nhân, thậm chí xác định phát triển thành phần kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030, để quy kết “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội” là sự xuyên tạc trắng trợn bản chất của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi vì, nền kinh tế ở nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế. Nghĩa là, thành phần kinh tế nhà nước dựa trên chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu, có vai trò vừa dẫn dắt, vừa quyết định bản chất nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Còn chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế, không có nghĩa là nền kinh tế ở nước ta là kinh tế tư bản chủ nghĩa, mà chủ trương phát triển kinh tế tư nhân nhằm phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; đồng thời, vẫn chịu sự dẫn dắt, định hướng xã hội chủ nghĩa của thành phần kinh tế nhà nước, tuyệt đối không phải là nền kinh tế tư bản như các thế lực thù địch đã xuyên tạc! Hơn nữa, khi khẳng định về chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội...”4. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là sau gần 40 năm đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đã khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”5.
Như vậy, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, luận điệu “phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” mà các thế lực thù địch đang rêu rao không chỉ chống phá cách mạng nước ta về nền tảng tư tưởng, mà còn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng lái cách mạng nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết chúng ta luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết vạch trần, đấu tranh kiên quyết với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động ẩn sau những quan điểm, luận điệu tương tự, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa cách mạng nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một xã hội phát triển giàu đẹp, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN SỸ HỌA - Thượng tá, ThS. LÊ VĂN CẨN ____________________
1 - C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG ST, H. 1995, tr. 603.
2 - Sđd, Tập 4, tr. 613.
3 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 38, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 464.
4 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 21.
5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 26.
Phát triển chủ nghĩa tư bản,dưới sự lãnh đạo,Đảng cộng sản”,luận điệu xuyên tạc,vô căn cứ
“Không có gì mới trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng” - luận điệu sai trái cần đấu tranh bác bỏ 13/03/2025
Cảnh giác với những lời kêu gọi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam 06/03/2025
Thành tựu phát triển của đất nước bác bỏ mọi sự xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng 28/02/2025
Làm phá sản mọi chiêu trò chống phá công tác nhân sự đại hội của Đảng 17/02/2025
Bác bỏ mọi xuyên tạc về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam 13/02/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận vai trò của các cơ quan dân cử ở nước ta 22/01/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước 20/01/2025
Bác bỏ luận điệu phủ nhận vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại 16/01/2025
Kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu tuyệt đối hóa vũ khí công nghệ cao, phủ nhận đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng 10/01/2025
Xuyên tạc mối quan hệ giữa Quân đội với Công an - chiêu trò nguy hiểm của các thế lực thù địch 23/12/2024
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ