Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 16/07/2020, 13:57 (GMT+7)
Nhốt quyền lực trong “lồng cơ chế”

LTS - Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng gặp phải những lực cản không nhỏ. Trong đó, việc lợi dụng quyền lực của một số tổ chức, cá nhân đã làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cản trở không nhỏ đến sự phát triển của đất nước. Vì thế, kiểm soát quyền lực ở nước ta hiện nay không chỉ là vấn đề cơ bản, chiến lược, mà còn mang tính cấp thiết, nhằm triệt tiêu những hệ lụy xấu do sự tha hóa quyền lực mang lại. Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết: Nhốt quyền lực trong “lồng cơ chế”, của Đại tá, ThS. Ngô Đình Phiếm và Đại tá, ThS. Nguyễn Minh Sơn.

I. Quyền lực và sự tha hóa quyền lực (Bấm vào đây để xem phần II)

Nguồn gốc của quyền lực

Quyền lực xuất hiện từ lâu trong xã hội loài người, là: “Cái sức có thể dùng để bắt người ta theo mình”1. Trong xã hội, quyền lực là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy. Thực chất quyền lực là năng lực, khả năng của một tổ chức hay cá nhân, tác động đến những cá nhân, tổ chức khác phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nào đó. Có nhiều loại quyền lực: chính trị, lập pháp, hành chính, tư pháp, kinh tế, thông tin,… trong đó, quyền lực chính trị là quan trọng nhất, bao trùm, chi phối đến mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Quyền lực không phải ngẫu nhiên mà có, muốn có là được, mà do tranh đấu mới có được. Trong quá trình vận động, phát triển, từ khi có giai cấp, xã hội loài người được phân chia thành giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, quyền lực được tập trung ở một nhóm người hay thậm chí một người. Hoạt động của quyền lực được biểu hiện thông qua việc định hướng, quản lý, điều hành xã hội, bảo vệ lợi ích của tầng lớp chủ nô, giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản. Nhà nước của giai cấp thống trị (nhà nước nô lệ, nhà nước phong kiến, hay nhà nước tư sản) dẫu dưới bất cứ hình thức nào, về bản chất là thực thi quyền lực do giai cấp thống trị ủy quyền và tập trung vào “thiểu số của thiểu số”, chứ không đại diện cho đa số. Dưới chế độ tư hữu, quyền lực của nhân dân bị tước đoạt, tình trạng lạm quyền, lộng quyền xảy ra thường xuyên.

Khi giai cấp công nhân ra đời, lập ra chính đảng Mác xít chân chính, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, lãnh đạo nhân dân đánh đổ quyền lực của giai cấp tư sản thống trị. Khi cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở một loạt quốc gia, thì quyền lực xã hội được trao về cho nhân dân. Nhân dân trao cho chính đảng của giai cấp công nhân (với tên gọi khác nhau, như: đảng cộng sản, đảng công nhân, đảng lao động,…) quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội; thành lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa và ủy quyền cho Nhà nước thay mặt nhân dân để quản lý, điều hành xã hội; mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, quyền lực ở các nước đi lên chủ nghĩa xã hội có 03 thành tố: Đảng, Nhà nước, Nhân dân; trong đó, Đảng giữ vai trò lãnh đạo, Nhà nước giữ vai trò quản lý, Nhân dân giữ vai trò làm chủ. Đây là vấn đề nguyên tắc. Việc tổ chức như thế nào để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi nước.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích tranh đấu để đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc Việt Nam và khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, phát triển của nhân loại. Với cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn, phương pháp cách mạng khoa học, hình thức đấu tranh phù hợp, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân tin tưởng, ủy thác quyền lãnh đạo nhân dân đánh đổ ách thống trị của bọn phong kiến và thực dân, đế quốc, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Từ khi trở thành đảng cầm quyền (năm 1945), để thực thi quyền lực, đảm bảo quyền lực thuộc về Nhân dân, Đảng ta đã thiết kế, tổ chức thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Đây là sự sáng tạo của Đảng, phù hợp với bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vừa khẳng định vai trò, vừa chỉ ra tính biện chứng khách quan của các thành tố nêu trên. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì đều là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”2. Để quyền lực của Nhân dân được biểu hiện trong thực tiễn cuộc sống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã tổ chức xây dựng, ban hành Hiến pháp, pháp luật; tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát và các bộ, ngành chức năng ở Trung ương, địa phương một cách khoa học, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế. Hiến pháp Việt Nam năm 1946 khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nhấn mạnh: (1). Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; (2). Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, v.v. Trên thực tế, quyền lực của Nhân dân ta được thể hiện trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi người dân Việt Nam trực tiếp thể hiện quyền lực thông qua việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân về: ứng cử, bầu cử; sống, tự do, dân chủ, học hành, đi lại, tổ chức giám sát quyền lực đã được trao cho chính quyền, v.v. Các quyền, như: quản lý, điều hành, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc,… thì Nhân dân trao cho các cơ quan, tổ chức do Nhân dân lập nên, bầu lên, thậm chí trao quyền cho một nhóm, cá nhân đại diện để thực hiện. Các cơ quan, tổ chức, nhóm người, cá nhân được Nhân dân trao quyền lực phải thực hiện đúng, có hiệu quả những chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, đất nước. Khi nắm giữ quyền lực trong tay, nếu thiếu tu dưỡng, rèn luyện sẽ dễ dẫn đến tha hóa quyền lực thì hậu quả sẽ khôn lường.

Nguy hại của sự tha hóa quyền lực

Có quyền lực đã khó, kiểm soát được quyền lực càng khó hơn. Quyền lực không được giám sát là quyền lực sẽ bị tha hóa. Đó là tất yếu và không có ngoại lệ, thời nào cũng vậy. Thực tế cho thấy, nếu quyền lực bị biến thành “của riêng”, là tha hóa quyền lực. Tha hóa quyền lực, là việc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không hết hoặc vượt quá quyền lực được trao trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn. Nó thường biểu hiện ở việc: lạm quyền (làm những việc vượt quá quyền hạn của mình); lộng quyền (làm việc ngang ngược vượt quá quyền hạn của mình, lấn cả quyền hạn của người cấp trên); lợi dụng quyền lực (là dựa vào điều kiện thuận lợi nào đó để mưu lợi riêng không chính đáng); không thực hiện hay thực hiện không hết quyền lực được trao. Thực tiễn cho thấy, xã hội ngày càng văn minh thì sự tha hóa quyền lực càng tinh vi, làm biến tướng bản chất, mục đích của quyền lực, trở thành công cụ để phục vụ cá nhân hay “nhóm lợi ích” nào đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa quyền lực, nhưng trực tiếp là từ chủ nghĩa cá nhân, lợi ích của cá nhân, gia đình và “nhóm lợi ích”. Và những người nắm quyền bị tha hóa, bị trượt dài trước hết là do bản thân họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị cám dỗ, chèo kéo, mua chuộc, thậm chí bị ép buộc,… luôn đặt lợi ích của mình lên trên hết, làm cái gì cũng tính xem mình có lợi ích gì trong đó không?

Quá trình tha hóa quyền lực có thể biến một người tốt thành kẻ xấu, từ người khiêm tốn thành kẻ ngông cuồng, từ người thanh liêm thành kẻ tham lam, xa xỉ, v.v. Nhìn vào các vụ án và số cán bộ các cấp bị kỷ luật thời gian qua, có thể thấy rõ không ít trong số đó là những người có quá trình phấn đấu với nhiều thành tích được ghi nhận, có người được phong danh hiệu anh hùng, nhận nhiều khen thưởng, trải nghiệm qua nhiều chức vụ, có người đi lên từ gian khổ, hy sinh, v.v. Vậy mà khi được trao quyền, họ đã để cho bàn tay nhúng chàm, sai lầm và tội lỗi, thậm chí mặc nhiên thực hiện các hành vi sai phạm, tội phạm để phục vụ cho lợi ích của bản thân, bè nhóm mà không chút kiêng dè. Bởi, cả quyền lực và lợi ích đều có sức mê hoặc, nó làm cho người ta mờ mắt, bất chấp những điều cấm kỵ, chà đạp lên luật pháp, coi thường dư luận xã hội. Khi đó quyền lực được trao bị biến thành phương tiện để họ thực hiện hành vi vi phạm, tội phạm. Xin nêu một ví dụ điển hình nhất: vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã được tòa án xét xử công khai tháng 12/2019. Theo dõi diễn biến phiên xét xử, nhiều người bị ám ảnh bởi ba chữ: “Cậu ký đi”. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại thời điểm thực hiện Dự án mua AVG, ông Nguyễn Bắc Son bị các cơ quan điều tra, truy tố xác định có vai trò “chủ mưu”. Khai tại tòa, các bị cáo Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Phạm Đình Trọng đều khẳng định ông Son trực tiếp chỉ đạo, buộc họ phải ký vào các văn bản nhằm thực hiện bằng được thương vụ này. “Cậu ký đi”! Đó là mệnh lệnh của thủ trưởng, nó có tính áp chế quyền lực. Về lý thuyết, các thuộc cấp có thể từ chối ký vào văn bản nếu nhận thấy sự sai trái và không phù hợp pháp luật. Nhưng trong thực tế, thử hỏi mấy ai dám trái ý người đứng đầu, hơn nữa khi người đứng đầu ấy là bộ trưởng? Đây là vụ án cho thấy, hậu quả khôn lường của sự tha hóa quyền lực, bởi nó “dắt cả dây” vào vòng tội lỗi, đồng thời với sự “đục khoét” tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Như vậy có thể thấy sự tha hóa quyền lực dẫn đến hậu quả không chỉ gây hại cho chính người giữ quyền mà còn gây hại cho người thân, đồng chí, đồng đội, cho xã hội. Và hệ quả là vô cùng nguy hiểm nếu người đó giữ trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước - nó là một trong các nguy cơ đối với sự an nguy của chế độ.

ĐÌNH PHIẾM - MINH SƠN
_______________

1 - Từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, H. 2005, tr. 1626.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 698.

Số sau: II. Quan điểm của Đảng ta về kiểm soát quyền lực và những hiệu ứng tích cực

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.