Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:03 (GMT+7)
Nhốt quyền lực trong “lồng cơ chế”

I. Quyền lực và sự tha hóa quyền lực

II. Quan điểm của Đảng ta về kiểm soát quyền lực và những hiệu ứng tích cực

III. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh

Phải nhốt quyền lực vào trong cái “lồng cơ chế”. Cái “lồng cơ chế” đó chính là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đó là quốc pháp. Trong Đảng, thì Cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng; ngoài xã hội thì quốc pháp; trung tâm là lòng dân và sự tín nhiệm của Nhân dân đối với đội ngũ công bộc của dân. Như vậy thì không ai, không gì sai phạm có thể lọt được cả.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quyền lực Nhà nước, để “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp” nhằm bảo đảm cho quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, việc chống tham nhũng, tha hóa quyền lực ở nước ta còn tồn tại những hạn chế nhất định. Để khắc phục, cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh, với những chủ trương, giải pháp toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế, pháp luật”, bảo đảm cho quyền lực Nhà nước được thực thi theo Hiến pháp, pháp luật; theo đó, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp trọng tâm sau:

Một là, trên cơ sở quyền lực Nhà nước là thống nhất, cần xác định rõ hơn cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực Nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp bằng việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền, bảo đảm cho mô hình tổ chức công quyền trong Nhà nước pháp quyền có sự phân cấp, phân quyền của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy định rõ hơn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện và kiểm soát các quyền ở các cấp chính quyền, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.

Nói Nhà nước pháp quyền mà không đề cập quan hệ chế ước lẫn nhau giữa ba quyền thì chỉ là nửa vời; nếu còn né tránh thì sẽ tồn tại loại quyền lực không bị kiểm soát, dẫn đến sự tha hóa quyền lực. Do vậy, xây dựng phương thức kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước với nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau hợp thành một chỉnh thể thống nhất là nhằm ngăn ngừa, loại bỏ và triệt tiêu mọi sự tha hóa và thoái hóa quyền lực, bảo đảm các cơ quan quyền lực Nhà nước, hoặc thực thi quyền lực Nhà nước vừa thống nhất phối hợp hành động, vừa kiểm soát lẫn nhau để không một cơ quan nào có thể lạm quyền. Thực tiễn tình hình tha hóa quyền lực, tham nhũng ở nhiều nước, kể cả Việt Nam, chủ yếu rơi vào quan chức hành pháp, vậy mà ở nước ta (có giai đoạn) người đứng đầu cơ quan hành chính của từng cấp chính là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng ở cấp đó. Để khắc phục sự bất cập này, cần đẩy mạnh xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và có cơ chế đối thoại của người đứng đầu các cơ quan nhà nước với người dân, “để lắng nghe lòng dân, kịp thời sửa sang chính sách và điều chỉnh phương pháp quản lý, điều hành”; không cho phép ai, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng nào đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp và pháp luật.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng, nhất là trong công tác cán bộ, lĩnh vực quản lý đất đai, kinh tế, tài chính, thanh tra, kiểm tra,... theo phương châm: không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Để “không muốn tham nhũng” phải cải cách tiền lương, “không dám tham nhũng” phải tăng nặng chế tài, “không thể tham nhũng” phải bịt kín các kẽ hở của luật, công khai, minh bạch, kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức. Bởi, nếu bị trừng trị nặng thì sẽ không dám tham nhũng. Lương cao thì sẽ không muốn tham nhũng vì có thể mất cả sự nghiệp. Nhưng lương thấp, không đủ nuôi gia đình, trong khi lại có người đưa hối lộ, muốn đấu tranh vượt qua cũng khó. Nên muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần có chế độ thỏa đáng cho cán bộ công quyền. Do đó, phải tiến hành đồng bộ, giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng, không chỉ trong Luật Phòng, chống tham nhũng mà cả các luật liên quan, nếu không thay đổi thì chắc chắn tình trạng tha hóa, tham nhũng sẽ tiếp tục gia tăng. Trong thời gian tới, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy gọn nhẹ và công khai, minh bạch các hoạt động trong cơ quan, đơn vị. Hoàn thiện tổ chức và triển khai có hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở ngay cơ quan, đơn vị mình. Trong thực hiện, cần xác định công khai, minh bạch trong các cơ quan công quyền; giám sát, kiểm soát chặt chẽ thu nhập và tài sản của tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án liên quan đến tham nhũng, trên tinh thần không có vùng cấm; không để dư luận cho rằng chúng ta làm chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn những cán bộ tha hóa, phạm tội tham nhũng. Đồng thời, cải cách tiền lương gắn với khoán chi hành chính, xây dựng cơ chế giám sát bên trong bên ngoài để cán bộ, công chức không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

Ba là, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân và cơ quan truyền thông trong giám sát quyền lực. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện cơ chế, pháp luật và chính sách, đáp ứng các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tham gia phản biện xã hội trong việc giám sát quyền lực. Phát huy tốt vai trò của báo chí và truyền thông, các thiết chế Quy chế Dân chủ cơ sở, bảo đảm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân biết sử dụng quyền lực của mình một cách hiệu quả, từ việc lựa chọn người đại diện cho mình đến giám sát, phản biện xã hội; từ việc khiếu nại, tố cáo đến biểu thị ý kiến đúng pháp luật. Nhà nước kiểm soát các biểu hiện dân chủ quá trớn, tự do vô lối bằng các chính sách, pháp luật nhằm hạn chế tính tự phát, tâm lý đám đông tiêu cực trong các xung đột xã hội. Thực hiện quyền của mình, nhân dân kiểm soát Nhà nước thông qua hệ thống bầu cử, sử dụng các công cụ giám sát khác, như: giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, quyền khiếu nại, tố cáo, công tác thanh tra, kiểm toán,… để kiểm soát quyền lực nhà nước. Tận dụng thế mạnh của các kênh và hình thức thông tin đa dạng, phong phú nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối nội và đối ngoại về quan điểm, chính sách và thành tựu đã đạt được trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tha hóa quyền lực. Từ đó, nâng cao trách nhiệm, củng cố quyết tâm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, xây dựng và thực hiện những biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực; đồng thời, phản bác có hiệu quả các luận điệu vu cáo, xuyên tạc vấn đề này đối với nước ta.

Bốn là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, thực sự là công bộc của nhân dân. Đây là nội dung quan trọng nhất, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do vậy, phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, không để xảy ra tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Việc kiểm soát quyền lực trước tiên thuộc về cơ chế tự kiểm soát của mỗi cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Họ phải tự thấy rõ đó là quyền lực của nhân dân trao cho, ủy quyền cho họ thực hiện vì mục đích chung, vì lợi ích của nhân dân; không phải là quyền lực riêng của họ, nên phải thực hiện đúng, đủ quyền lực, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được trao, không được lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân. Từ đó, tích cực tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để trở thành người thực sự có “tâm”, có “tầm”, vượt lên chính mình và ma lực cám dỗ của quyền lực, đồng tiền. Đặc biệt, các cấp ủy, chi bộ cần phát huy dân chủ, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình đấu tranh kiên quyết với mọi biểu hiện tha hóa quyền lực, tham nhũng của cán bộ, đảng viên. Bởi, chi bộ là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, sàng lọc đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Thực tế, những cán bộ tha hóa biến chất không chỉ là “những bầy sâu” xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, “ăn không từ thứ gì”, mà ở một số lĩnh vực, nó còn thao túng cả chính sách, thậm chí cả công tác cán bộ; để vợ, chồng, con cái, người thân nhúng tay, can thiệp, điều hành “ghế” quyền lực của mình. Điều đáng sợ và cực kỳ nguy hiểm cho Đảng là: những cán bộ tha hóa, biến chất không chỉ vi phạm pháp luật một thời gian dài nhưng vẫn được cất nhắc lên vị trí cao hơn, mà họ còn có thể cất nhắc đệ tử ruột của mình “nối ngôi”. Và câu chuyện “cả họ làm quan” vẫn chưa có hồi kết dẫu thời gian qua đã có nhiều bài học, nhiều gương soi nhỡn tiền. Do đó, phải thay đổi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thì mới hy vọng chấm dứt được vấn nạn này để người hiền tài có đất dụng võ. Với những chức danh do bầu cử thì phải có chương trình, hành động cụ thể. Với những chức danh do bổ nhiệm thì phải thi tuyển nghiêm ngặt. Phải ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng ra khỏi bộ máy.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lựa chọn, bố trí những cán bộ, đảng viên có đức, có tài, thực sự vì Đảng, vì dân vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lạm dụng, lợi dụng quyền lực, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những cán bộ tham vọng quyền lực, tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong thực hiện phải gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu từ trong Đảng, xây dựng hình ảnh mẫu mực về Đảng cầm quyền. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương và nhân rộng những tấm gương điển hình về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong một số lĩnh vực trọng điểm, như quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính trong doanh nghiệp nhà nước; thu, chi ngân sách nhà nước; quản lý tài sản công; công tác quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Coi trọng công tác kiểm tra, thanh tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” tiêu cực trong chính các cơ quan kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, tích cực giám sát, phát hiện, triệt tiêu các biểu hiện móc nối, hình thành “nhóm lợi ích” giữa các đối tượng phải thanh tra, kiểm tra với cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, từ đó mới có thể chống được hiện tượng che chắn khuyết điểm, làm nhẹ tội, chạy tội của các đối tượng này.

Vừa qua, chúng ta đã xử lý một loạt quan chức bị kỷ luật Đảng, cách hết chức danh nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng, thậm chí bị xử lý hình sự. Đáng chú ý là, nhiều người trong số đó bị kỷ luật, bị hầu tòa không phải vì chức vụ hiện tại đang giữ mà là những sai phạm từ trước. Điều đó cũng đồng nghĩa, tuy quy trình công tác cán bộ của chúng ta rất chặt, nhưng vẫn “lọt lưới” những đối tượng biến chất, họ vẫn tiếp tục lên chức. Đây là bài toán cần giải trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Vì vậy, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, “lợi ích nhóm” tiêu cực. Những người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tiêu cực “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích” phải chịu trách nhiệm liên đới và xử lý đúng quy định của pháp luật. Cần phải luật hóa để tiến tới kiên quyết tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; xử lý nghiêm những người bao che tham nhũng, hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Dù còn những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng với thành tựu đã đạt được trong đấu tranh, xử lý tham nhũng, tha hóa quyền lực thời gian qua, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta sẽ thực hiện thành công mục tiêu đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

ĐÌNH PHIẾM - MINH SƠN

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.