Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 12/12/2014, 10:22 (GMT+7)
Tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”1. Thấm nhuần lời dạy của Người, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân luôn đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Bộ Công an với Cục Điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng. (Ảnh: qdnd.vn)

Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân (CAND) là lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và dân tộc, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện và tổ chức hoạt động. Ngay từ khi mới ra đời, QĐND và CAND đã thể hiện rõ bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn sát cánh, đồng tâm, hiệp lực, dũng cảm, chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội và Công an đã kề vai sát cánh trấn áp kẻ thù, bóc gỡ nhiều ổ nhóm phản cách mạng, giữ vững ổn định an ninh, trật tự, bảo vệ chính quyền non trẻ và thành quả cách mạng của nhân dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sự phối hợp giữa QĐND và CAND được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ trên nhiều mặt trận, lĩnh vực, đã bảo vệ an toàn chính trị nội bộ, giữ vững an ninh chính trị ở căn cứ địa Việt Bắc và vùng mới giải phóng, trao đổi nắm vững tin tức vùng địch hậu, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quan hệ phối hợp giữa lực lượng Quân đội và Công an càng được củng cố, tăng cường, đã sát cánh cùng nhau đấu tranh chủ yếu trên địa bàn miền Bắc. Trong đó, tập trung vào phòng, chống địch đột nhập; tổ chức bạo loạn và trong chống chiến tranh phá hoại, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự cho miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), sự đoàn kết phối hợp giữa hai lực lượng càng trở nên chặt chẽ, trở thành nhân tố có tính quy luật, tạo cơ sở vững chắc để QĐND và CAND hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó.

Mối quan hệ đó được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) “Về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới”. Luật CAND, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, v.v. Đặc biệt, ngày 12-7-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2010/NĐ-CP “Về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng”, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để QĐND và CAND cụ thể hóa thành các chỉ thị, thông tư liên tịch giữa hai Bộ, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp. Quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và nghị định đó, QĐND và CAND đã chủ động phối hợp ở tất cả các cấp trong trao đổi thông tin, nhất là thông tin về âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tình hình an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới; hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, xâm nhập của các tổ chức phản động lưu vong, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quốc phòng - an ninh (QP-AN). Trên cơ sở đó, thống nhất nhận định, đánh giá để đề xuất và tham mưu cho Đảng, Nhà nước; đồng thời, triển khai các biện pháp đấu tranh nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.

Hai lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Các cơ quan, đơn vị của Quân đội, Công an đã tích cực, chủ động phối hợp nắm chắc mọi diễn biến tình hình trên vùng, miền, địa phương, nhất là các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới đất liền, biển, đảo và các khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã phối hợp tham mưu đề xuất kịp thời với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp xử lý hiệu quả các vụ gây rối trật tự, an ninh ở một số địa bàn, như: Tây Nguyên (tháng 4-2004), huyện Mường Nhé, Điện Biên (tháng 5-2011); một số khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh (trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam); phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ mua bán người, vận chuyển ma túy, hàng cấm...; triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm và làm rõ nhiều vụ việc phạm tội có tính chất phức tạp, giải cứu an toàn nhiều người bị hại.

Công tác xây dựng lực lượng được hai bộ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Trong đó, việc trao đổi đào tạo được triển khai theo hướng: Bộ Công an đào tạo cán bộ nghiệp vụ an ninh, trinh sát, điều tra tội phạm, quản lý giam giữ, kỹ thuật hình sự cho Quân đội; Bộ Quốc phòng đào tạo cán bộ quân y, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, hậu cần, kỹ thuật cho Công an. Lực lượng này là những chuyên gia về công tác chuyên ngành ở các đơn vị. Đồng thời, hai Bộ còn phối hợp trong xây dựng quy hoạch, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, công tác cứu hộ cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...; thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho hàng triệu lượt cán bộ, đảng viên, lực lượng bán chuyên trách bảo vệ an ninh, v.v.

Bên cạnh đó, CAND và QĐND cũng chủ động phối hợp và làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), nền an ninh nhân dân (ANND), xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND; đồng thời, tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn, địa phương và cả nước.

Nhìn lại 70 năm xây dựng và chiến đấu của hai lực lượng, sự phối hợp ngày càng bền chặt, chất lượng, hiệu quả không ngừng được nâng cao. Sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đối với Quân đội và Công an được tăng cường; nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ hai lực lượng được nâng lên. Từ thực tiễn và kết quả phối hợp giữa Công an và Quân đội, rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:

- Phải đảm bảo giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND và QĐND. Đây là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chắc thắng cũng như hiệu quả phối hợp giữa hai lực lượng trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

- Cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp của Công an và Quân đội phải nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa và sự cần thiết của việc phối hợp hoạt động giữa hai lực lượng. Nội dung phối hợp được cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm vùng, miền, địa bàn.

- Công tác phối hợp cần được triển khai toàn diện, theo kế hoạch thống nhất, trong đó tập trung vào xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng nền ANND với nền QPTD vững chắc trên từng địa bàn và cả nước.

- Thường xuyên coi trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho bộ phận chuyên trách của hai lực lượng.

Thời gian tới, việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN của hai Bộ có cả thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong đó, những tác động của quá trình toàn cầu hóa, mặt trái kinh tế thị trường và sự nghiệp CNH, HĐH sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt. Những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thách thức của an ninh phi truyền thống có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, v.v. Trước tình hình đó, việc phối hợp hoạt động giữa hai lực lượng trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng vừa kế thừa và phát huy truyền thống, kinh nghiệm trong thời gian qua, vừa phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định quan hệ phối hợp giữa Công an và Quân đội, phù hợp với từng lực lượng, từng đơn vị, cần quy định rõ nguyên tắc, cơ chế, nội dung, hình thức của quan hệ phối hợp để hoạt động của hai lực lượng ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Để đáp ứng yêu cầu này, cần nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BCA-BQP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 77/2010/NĐ-CP theo hướng làm rõ tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, quốc phòng; cơ chế thông tin, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, huy động lực lượng; cơ chế phối hợp giữa CAND và QĐND với các bộ, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; cơ chế phối hợp giữa Công an, Quân đội với cấp ủy, chính quyền địa phương, v.v.

2. Đổi mới nội dung, phương pháp phối hợp, công tác thông tin tuyên truyền và các hình thức quán triệt, học tập để nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về yêu cầu và vai trò của mối quan hệ phối hợp giữa Công an và Quân đội. Hằng năm, căn cứ tình hình thực tiễn, Thủ trưởng Công an, Quân đội các cấp cần quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, sát hợp, thiết thực; nâng cao khả năng dự báo các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, quốc phòng có thể xảy ra để đề xuất các chủ trương, giải pháp, cách thức phối hợp giải quyết. Nghiên cứu đổi mới cơ chế điều hành mối quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng, phát hiện những điểm còn hạn chế, bất cập để khắc phục. Trong đó, cần xác định những điểm mấu chốt, có yếu tố thúc đẩy, tạo đột phá, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp để phát huy, nhân rộng, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác phối hợp.

3. Tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong thực hiện quan hệ phối hợp, kiểm tra, giám sát phải tiến hành thường xuyên, đảm bảo đúng nguyên tắc, khách quan; xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp của lực lượng CAND và QĐND đối với nhiệm vụ quan trọng này. Thông qua đó, ngăn ngừa, khắc phục các biểu hiện thiếu đoàn kết, thực hiện chưa đúng, chưa nghiêm các quy định, cơ chế trong phối hợp; phát hiện những bất cập, hạn chế trong các quy định cản trở quan hệ phối hợp để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

4. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu thực hiện quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng. Chỉ huy các cấp của lực lượng Công an, Quân đội cần xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận trong đơn vị mình để giúp cấp trên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đề xuất triển khai thực hiện công tác phối hợp. Hằng năm, bộ phận giúp việc của hai lực lượng phải thống nhất tham mưu, đề xuất lãnh đạo ban hành chương trình hoạt động, kế hoạch phối hợp cụ thể; trong đó, định rõ nội dung phối hợp, đơn vị chủ trì thực hiện, thời gian hoàn thành. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, đánh giá kết quả công tác, xác định những hạn chế, tồn tại trong hoạt động của cơ quan giúp việc để rút kinh nghiệm, từ đó đề ra giải pháp khắc phục. Lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cần tiếp tục quan tâm, đầu tư trang thiết bị, phương tiện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách để các bộ phận thường trực giúp việc có đủ trình độ và điều kiện cần thiết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tướng ĐẶNG VĂN HIẾU, Ủy viên BCHTƯ Đảng,Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an
__________________________

1 - Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb CAND, H. 2002, tr.1404.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.