Thứ Năm, 21/11/2024, 00:33 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Thủ đô Hà Nội - “trái tim” thân yêu của cả nước, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi hội tụ, kết tinh các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Đặc biệt, kể từ ngày được giải phóng (10/10/1954) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đã đoàn kết, đồng lòng, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, bền bỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần vun đắp truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng. Đồng thời, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Phát huy truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập. Nhưng thực dân Pháp đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cho toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; thực hiện giam chân, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ cơ động lên chiến khu Việt Bắc, tạo điều kiện để cả nước có thời gian chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến trường kỳ. Đây là chiến công đầu tiên của quân và dân ta trong cuộc đụng đầu với thực dân Pháp xâm lược, thể hiện khí phách và tinh thần quật khởi của dân tộc, góp phần to lớn làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Thực hiện các điều khoản của Hiệp định, ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị Quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào tiếp quản Thủ đô. Hàng vạn người dân Hà Nội chào đón đoàn quân giương cao ngọn cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” trở về. Đó là những hình ảnh mãi khắc ghi trong tim người Hà Nội với niềm tự hào bất diệt. Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử như một mốc son đánh dấu sự hồi sinh của Thủ đô và của cả dân tộc, ghi dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, cuộc kháng chiến giữa lòng Thủ đô đã làm phong phú thêm kinh nghiệm lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đúc kết sâu sắc bài học quý về sự đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, chăm lo bồi dưỡng lực lượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đi tới thành công. Hà Nội từ đây sạch bóng quân xâm lược, tự hào, tự tin bước vào chặng đường xây dựng, phát triển mới.
Đoàn kết, đồng lòng, xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại
Ngay trong những ngày đầu trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Hà Nội: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”1. Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tiếp tục lập nên những chiến công mới cả trên mặt trận chống quân xâm lược và lao động sản xuất.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã ra sức xây dựng Thủ đô về mọi mặt và nêu cao tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cùng nhân dân miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Hàng chục vạn người con ưu tú của Thủ đô đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân, dân Hà Nội cùng các quân chủng, binh chủng và các địa phương đã anh dũng chiến đấu làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972, đánh bại ý đồ hủy diệt Hà Nội của đế quốc Mỹ, để Hà Nội trở thành “Thủ đô lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, góp phần giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari “về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, tạo bước ngoặt tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Non sông thu về một mối, Hà Nội với sứ mệnh là Thủ đô, trái tim của cả nước tiếp tục nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn cùng các tỉnh, thành phố xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử trong điều kiện mới và đạt được những thành tích quan trọng, góp phần cùng cả nước làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đáng chú ý, những năm gần đây, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, với tinh thần đổi mới quyết liệt, Hà Nội tiếp tục có bước phát triển toàn diện. Kinh tế Thủ đô có bước tăng trưởng vượt bậc, tạo ra thế và lực mới, ngày càng vững chắc. Thành phố đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương; trọng tâm là Nghị quyết số 15-NQ/BCT, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, v.v. Vì vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế thế giới, nhưng kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố thường xuyên tăng trên 6%, khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng. Các yếu tố của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển đồng bộ. Kinh tế Thủ đô khẳng định vị trí đầu tàu, động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Diện mạo của Thủ đô có sự đổi mới rõ nét, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô, v.v. Đặc biệt, thực hiện Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2060, Thành phố định hướng phát triển 02 thành phố trực thuộc Thủ đô (thành phố Bắc sông Hồng và thành phố phía Tây Hà Nội); đồng thời, đẩy mạnh triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng nhiều dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực, không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh Vùng Thủ đô. Trong xu hướng xây dựng xã hội số, chính phủ số, Thành phố đã xây dựng và tích cực triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó, xác định rõ 27 chỉ tiêu về chính quyền số với 100 nhiệm vụ; 07 chỉ tiêu về kinh tế số với 77 nhiệm vụ; 14 chỉ tiêu về xã hội số với 06 nhiệm vụ và các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các hệ thống lớn, dùng chung toàn Thành phố, như: hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Hà Nội cũng là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch điện tử.
Về văn hóa xã hội, Hà Nội luôn đi đầu về phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. Thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã có những chuyển biến tích cực. Với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương, từng bước khắc phục tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời, khuyến khích, động viên cán bộ dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung. Tổ chức bộ máy chính quyền các cấp được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã có bước tiến mạnh mẽ, nền tảng chính quyền điện tử bước đầu được hình thành. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính phục vụ, vì dân.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả rõ rệt. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, tư duy mới về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện công tác quân sự, quốc phòng. Trong đó, tập trung xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, hướng dẫn công tác quân sự, quốc phòng địa phương; đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025, gắn với củng cố thế trận, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ và lực lượng vũ trang Thành phố vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong thực hiện công tác quân sự, quốc phòng không ngừng được nâng lên, tạo cơ chế thuận lợi huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực kinh tế, nguồn lực khoa học công nghệ vào xây dựng các tiềm lực khu vực phòng thủ, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô cả trước mắt và lâu dài. Trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng; trong đó, lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt, chủ trì, phối hợp ngăn chặn hàng loạt chiến dịch chống phá của các tổ chức phản động, lưu vong người Việt; ngăn chặn hiệu quả sự liên kết trong, ngoài của các đối tượng, không để móc nối, tập hợp lực lượng, tạo dựng “ngọn cờ”, hình thành các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp với Công an và các lực lượng chức năng bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kế thừa, phát huy truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; trong đó, chú trọng tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi); xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị; hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường.
Hai là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, như: hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các nút giao thông cửa ngõ, v.v.
Ba là, tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế.
Bốn là, đẩy mạnh củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Năm là, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu,… góp phần xây dựng và phát triển Hà Nội toàn diện và bền vững - một Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xứng đáng với vị thế “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển của Thủ đô. Qua đó, giáo dục, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; tiếp tục nêu cao trách nhiệm chung tay, góp sức xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, xứng đáng là Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam anh hùng.
TRẦN SỸ THANH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ______________________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 78.
Thủ đô Hà Nội; ngàn năm văn hiến và anh hùng; nơi hội tụ,kết tinh các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam; truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Dấu ấn của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch giai đoạn 1971 - 1975 17/05/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội