Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 07/10/2024, 14:16 (GMT+7)
Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024)
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Phát huy truyền thống của Quân đội anh hùng, suốt 70 năm qua (kể từ ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng), các thế hệ cựu chiến binh Thành phố Hà Nội luôn gương mẫu, tích cực tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội.

Ngay sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, ngày 10/10/1954, các chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản, giải phóng Thủ đô, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước và Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, theo tinh thần của Hiệp định, chỉ miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam vẫn nằm trong ách thống trị của kẻ thù. Trước bối cảnh đó, theo tiếng gọi của Tổ quốc, những người con của Hà Nội lại có mặt trên khắp các chiến trường. Dù ở bất cứ nơi đâu thì ý chí, tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” luôn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Thủ đô tiếp nối, phát huy cao độ, lập những chiến công vang dội; điển hình là cùng quân dân cả nước đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc Thủ đô, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, góp phần xứng đáng hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội được thành lập1, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội Cựu Chiến binh Thành phố luôn phát huy truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, khẳng định rõ vai trò là tổ chức chính trị - xã hội tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Các cấp Hội không ngừng nỗ lực cống hiến, gương mẫu trong mọi hoạt động ở địa phương, cơ sở, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, thực sự là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp vào thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng với tầm vóc của Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội động viên thanh niên huyện Đan phượng lên đường nhập ngũ.

Hiện nay, cùng với những tác động nhiều chiều của tình hình thế giới, khu vực, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực; những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, v.v. Đối với Hà Nội đã, đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu theo lộ trình đã xác định, Hội Cựu chiến binh Thành phố tiếp tục phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới”, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc bằng nhiều chủ trương, giải pháp; tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục phát huy vai trò lực lượng chính trị nòng cốt, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa. Với nhận thức, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh vừa là nhiệm vụ chính trị trung tâm, vừa là hoạt động xã hội thiết thực góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Hội Cựu chiến binh Thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng trên địa bàn nắm chắc tình hình, tích cực tham mưu, tuyên truyền, vận động và tham gia thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố”. Trong đó, tập trung đổi mới phương thức hoạt động của Hội phù hợp với tình hình thực tiễn, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của các hội viên trong triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm của Thành phố.

Trên cơ sở các quy chế, quy định về giám sát, phản biện xã hội, các cấp Hội tích cực, chủ động tham gia phản biện, đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường về quốc phòng, an ninh; tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các chính sách xã hội, chính sách người có công của Thành phố phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị và công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Chủ động tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị Thủ đô Hà Nội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hai là, gương mẫu chấp hành và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân Thủ đô thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Là những người lính đã cống hiến sức trẻ, xương máu để bảo vệ đất nước, sau khi trở về với cuộc sống đời thường, mặc dù sức khỏe đã giảm sút, song với tinh thần “cựu nhưng không cũ”, những cựu chiến binh của Thành phố không chỉ gương mẫu đi đầu trong thực hiện mà còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Những năm qua, các cấp Hội luôn tích cực phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, tuyên truyền vận động thanh niên đăng ký nghĩa vụ quân sự; gương mẫu tham gia lực lượng trực chốt, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên địa bàn; phối hợp với Công an Thành phố thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động kích động khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật. Đặc biệt, cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lực lượng cựu chiến binh Thành phố đã sát cánh cùng với chính quyền, các đoàn thể và nhân dân ngày đêm canh trực, ngăn không để dịch bệnh lây lan; chủ động phối hợp tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng về chủ trương, giải pháp, quy định của Thành phố trong phòng, chống dịch, tạo sự gắn kết, đồng lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Phát huy kết quả đó, thời gian tới, các cấp Hội cần tăng cường quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố đến từng hội viên. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Nghĩa vụ quân sự, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, v.v. Trên cơ sở đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023 - 2025”, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Để đạt hiệu quả cao, các cấp Hội cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xây dựng các kế hoạch, nội dung tuyên truyền đảm bảo đồng bộ, sát thực tiễn, đối tượng. Đồng thời, phát huy vai trò của “Tổ cộng tác viên dư luận xã hội cựu chiến binh Thành phố” và đội ngũ cộng tác viên trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân để có những giải pháp, hình thức tuyên truyền, vận động hiệu quả. Tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả, như: “Tổ cựu chiến binh gương mẫu tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”; “Cựu chiến binh gương mẫu tham gia giao thông và văn hóa giao thông”; “Cựu chiến binh Thủ đô gương mẫu tuyên truyền công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 và phát triển kết cấu hạ tầng Thủ đô đồng bộ, hiện đại”,... góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Ba là, tích cực phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”2, giai đoạn 2019 - 2024, các cấp Hội đã ký kết và thực hiện nhiều chương trình phối hợp với Đoàn Thanh niên cùng cấp về giáo dục truyền thống cho thanh, thiếu niên. Bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, các cấp Hội đã tổ chức hàng nghìn buổi giao lưu nhân chứng lịch sử; tọa đàm; kể chuyện chiến đấu; tham quan di tích lịch sử, văn hóa; giao lưu văn hóa, văn nghệ - thể thao,... cho hơn 01 vạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi thanh, thiếu niên trong học tập, lao động, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Từ hiệu quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội cần đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục truyền thống với định hướng tư tưởng đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đối tượng. Hội Cựu chiến binh các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các nhà trường, đoàn thể xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục truyền thống một cách cụ thể, sát thực tiễn; chú trọng triển khai đậm nét vào dịp kỷ niệm những ngày lễ của đất nước nhằm tạo hứng thú cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, các cấp Hội cần bám sát chủ đề: “Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người - Nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý, tiêu biểu của dân tộc” để rà soát, hoàn thiện các kế hoạch, chương trình, nội dung tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ; trong đó, chú trọng phát huy vai trò của “nhân chứng lịch sử” để tuyên truyền sâu đậm tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của thế hệ cha anh đi trước, góp phần tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Đi liền với tuyên truyền, giáo dục truyền thống, Hội Cựu chiến binh Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động định hướng tư tưởng, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi thông qua triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động với Thành đoàn Hà Nội, giai đoạn 2023 - 2028 về “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Qua đó, góp phần xây dựng thế hệ thanh niên Hà Nội với “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn” kế thừa và phát huy xứng đáng sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh.

Bốn là, đẩy mạnh đổi mới thực hiện Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, xây dựng các cấp Hội vững mạnh toàn diện. Trên cơ sở đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm rút ra tại Đại hội Thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2024 và phương hướng, mục tiêu, nội dung đẩy mạnh Phong trào Thi đua giai đoạn 2024 - 2029, các cấp Hội cần bám sát tình hình thực tiễn, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kế hoạch, hướng dẫn với các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù địa phương và thống nhất chủ trương: Phong trào Thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” phải hướng vào các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội, của Thành phố, tập trung đột kích vào những nhiệm vụ mới, việc khó của địa phương. Quá trình triển khai, các cấp Hội cần tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm kết hợp động viên đông đảo hội viên tích cực tham gia; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nghiên cứu, đề xuất các mô hình mới thiết thực, hiệu quả gắn với nhân rộng các mô hình: “Tổ Cựu chiến binh gương mẫu tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, “Cựu chiến binh tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với giáo dục truyền thống”,… hướng vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của Thành phố, như: công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế; cải tạo, xây dựng chung cư cũ, v.v. Gắn kết chặt chẽ Phong trào thi đua với các phong trào, cuộc vận động của Trung ương, Thành phố và của Hội, nhất là Phong trào “Cựu chiến binh đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững”, tạo động lực xây dựng các cấp Hội vững mạnh toàn diện, luôn xứng đáng với vai trò, vị trí là nòng cốt chính trị, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền các cấp của Thành phố; là cầu nối vững chắc quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước và Thủ đô Hà Nội.

Thiếu tướng LÊ NHƯ ĐỨC, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội
_____________________
         

1 - Theo Quyết định số 01/QĐ-CCB, ngày 10/3/1990 của Ban Chấp hành lâm thời Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. XXVI.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.