Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 16/08/2024, 07:41 (GMT+7)
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, không chỉ mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mà còn chứa đựng nhiều bài học quý cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những bài học này cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và nhân lên trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

1. Bài học về bảo đảm và phát huy vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.

Đảng đã đề ra đường lối đúng đắn, phù hợp với thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, Trung ương Đảng đã sáng suốt dự báo tình hình để kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam. Trong đó, Đảng nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xác định đúng kẻ thù, xác lập một thể chế chính trị cho đất nước sau khi cách mạng thành công; đặc biệt, là xác định được hình thái khởi nghĩa giành chính quyền với việc sử dụng bạo lực cách mạng, kết hợp bạo lực vũ trang với bạo lực chính trị.

Cách mạng tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Ảnh: TTXVN

Thực hiện chủ trương đó, Đảng lãnh đạo tích cực chuẩn bị thực lực cho đấu tranh giành chính quyền. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng với việc thành lập Đội du kích Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân, đặc biệt là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22/12/1944) - đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Quan tâm xây dựng lực lượng cách mạng trong tất cả các giai tầng, ở cả nông thôn và thành thị. Đặc biệt, Đảng đã lãnh đạo xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lấy liên minh công nông làm nòng cốt tạo thành sức mạnh vô cùng to lớn, theo tiếng gọi của Đảng, sẵn sàng đứng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và bè lũ phong kiến tay sai, giành chính quyền.

Đảng đã sáng suốt nắm bắt tình hình, phân tích chính xác tình thế cách mạng, nhận rõ thời cơ để phát động tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc. Đúng thời điểm khi phát xít Nhật bị đánh bại trong cuộc chiến tranh thế giới và trước khi lực lượng Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật ở Đông Dương, Đảng đã “bấm nút” đúng thời cơ, phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong đó, thắng lợi ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn - Gia Định có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động đến thắng lợi của toàn quốc. Vì chớp đúng thời cơ, lại có thực lực mạnh, với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 13 đến ngày 28/8/1945), các tầng lớp nhân dân ta đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn.

Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khẳng định: bảo đảm và phát huy vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng là điều kiện tiên quyết, xuyên suốt cho mọi thắng lợi. Để đảm đương trọng trách của mình, Đảng phải luôn luôn đổi mới sáng tạo, khi tình hình đã thay đổi thì phải có chủ trương mới, kịp thời. Thực tiễn lịch sử hơn 90 năm hoạt động của Đảng ta cho thấy, đứng trước nhiều bước ngoặt của thời cuộc, Đảng đã sáng suốt đề ra chủ trương, đường lối phù hợp với thực tiễn. Điển hình là, tại Đại hội lần thứ VI (tháng 12/1986), trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, “đổi mới tư duy”, Đảng đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới ra đời đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước. Sau Đại hội VI, Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ đại hội, để đất nước ta “có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”1.

2. Bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Cơ sở vững chắc cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng ta đề ra trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 03/02/1930. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng đã xây dựng được lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công nông, dưới tên gọi Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Đây là sự sáng tạo của Đảng ta so với sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và mô hình của Liên Xô. Ở một nước thuộc địa và phong kiến như Việt Nam, không chỉ có công - nông, mà hầu như tất cả các giai tầng khác đều có mâu thuẫn với ách áp bức của thực dân, phong kiến. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với sự xâm lược, áp bức của chế độ thực dân, đế quốc, phát xít và bọn tay sai bán nước. Vì vậy, ngoài công - nông, Đảng còn chủ trương tập hợp đông đảo các giai tầng khác có tinh thần yêu nước trong xã hội, như: địa chủ, phong kiến, tư sản dân tộc và tầng lớp tiểu tư sản, v.v. Tất cả họ, dù ít nhiều có quyền lợi riêng, khác nhau nhưng đều có một “mẫu số chung” là giải phóng dân tộc. Vậy nên, chống đế quốc và phong kiến là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; tuy nhiên, căn cứ vào tình hình cụ thể, Đảng luôn nhanh nhạy, điều chỉnh phù hợp. Trong cuộc vận động cách mạng (từ năm 1939 đến năm 1945), Đảng ta đã đề ra chủ trương nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tạm gác nhiệm vụ chống phong kiến và lúc này, Mặt trận Việt Minh chính là tổ chức phù hợp, hiệu quả nhất để tập hợp lực lượng cách mạng đứng lên giành độc lập cho nước nhà. Các chính sách của Việt Minh đã thể hiện mục tiêu của Đảng là đánh đổ phát xít Nhật và bè lũ phong kiến tay sai, xây dựng xã hội mới tiến bộ, đưa lại lợi ích cơ bản cho toàn dân, nhất là ruộng đất cho nông dân - lực lượng chiếm đại đa số dân cư Việt Nam, với khẩu hiệu thiết thực: “Người cày có ruộng”. Thực tế ở nhiều địa phương, khi tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra, Việt Minh là lực lượng tổ chức các cuộc đấu tranh với chương trình, kế hoạch chặt chẽ, thu hút được tất cả các lực lượng, bất kể đó là công nhân, nông dân hay địa chủ, tư sản, tiểu tư sản, thậm chí cả những quan lại của chế độ phong kiến cũng sẵn sàng đứng về phía lực lượng cách mạng.

Nguồn: lyluanchinhtri.vn

Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài học về xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng ta vận dụng thành công. Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của các giai tầng xã hội để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không ít vấn đề mới về xây dựng, phát huy truyền thống, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được đặt ra. Đòi hỏi trước hết phải giữ vững và phát huy vai trò đoàn kết trong Đảng như “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”2, Cùng với đó, cần thực hiện tốt đoàn kết xã hội, tạo sự đồng thuận để khơi dậy và phát huy sức mạnh từ các giai tầng, các giới, các thành phần kinh tế, lấy mục tiêu: “xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân”3. Đồng thời, giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích, giữa: cá nhân - tập thể, Nhà nước - doanh nghiệp - nhân dân, v.v. Tăng cường đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết, theo tinh thần: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”4. Đó là bài học mang tính nguyên tắc đã được đúc kết từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cần được vận dụng và phát huy sáng tạo trong giai đoạn cách mạng mới.

3. Bài học về nhận thức, chống sự xuyên tạc lịch sử

Hằng năm, đến hẹn lại lên, vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức các hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (ngày 19/8) và Quốc khánh (ngày 02/9), lợi dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội,... các thế lực thù địch, phản động lại ra rả “nhai đi nhai lại” luận điệu: Cách mạng Tháng Tám là “ăn may”, Việt Minh có tài giỏi gì đâu, chỉ là lợi dụng “khoảng trống quyền lực” (lúc phát xít Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh và lúc chính quyền phong kiến Việt Nam rệu rã), như là “thò tay nhặt quả chín rụng xuống thôi”, do đó khởi nghĩa không phải đổ máu. Họ còn rêu rao, Việt Nam đã có độc lập rồi, bằng chứng là: ngày 11/3/1945, Nhật đã trao quyền độc lập và Hoàng đế Bảo Đại đã tuyên bố chấp nhận rồi, vậy nên gọi thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng lãnh đạo là “một cuộc đảo chính” lật đổ nền độc lập mà Nhật vốn đã trao trước đó, là chiếm quyền lãnh đạo của chính phủ do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng. Từ đó họ suy diễn rằng, phải lấy ngày 11/3 hằng năm làm ngày kỷ niệm Quốc khánh nước Việt Nam!

Không có gì táng tận lương tâm bằng các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Sự thật có một và chỉ một mà thôi. Không có chuyện “ăn may” nào ở đây cả. Bởi, vào cùng thời điểm năm 1945, thời cơ giành độc lập dân tộc không chỉ có ở Việt Nam mà có ở tất cả các nước Đông Nam Á, nhưng chỉ có Việt Nam, Indonesia và Lào giành được độc lập. Thời cơ đó cũng được mở ra với tất cả các lực lượng chính trị ở Việt Nam, nhưng chỉ có Việt Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo là giành được thắng lợi. Đó hoàn toàn không phải sự ngẫu nhiên, mà là thắng lợi tất yếu từ quá trình Đảng lãnh đạo, chuẩn bị, xây dựng thực lực cách mạng đủ mạnh, cùng kinh nghiệm đấu tranh qua các “cuộc tập dượt”, như: cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931); cao trào dân chủ (1936 - 1939) và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945).

Còn cái gọi là “khoảng trống quyền lực” thực ra là sự u mê của những kẻ có lòng dạ hẹp hòi, tăm tối về nhận thức. Thực tế là không có khoảng trống nào xuất hiện cả, khi phát xít Nhật vẫn là thực thể hiện hữu với quân đội lên tới gần 100.000 quân đang chiếm đóng ở Đông Dương và họ vẫn có mưu đồ ngăn cản quân cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền. Và sự tồn tại của chính quyền “bù nhìn” Bảo Đại lúc đó chỉ là chiêu bài của bè lũ thực dân, đế quốc hòng vớt vát thể diện. Chính quyền ấy thực chất chỉ là sự tiếp diễn ý đồ của các thế lực ngoại bang, nhằm chiếm đóng nước ta và nô dịch dân tộc ta; và càng không có chuyện “đảo chính” diễn ra ở đây gì cả. Vì vậy, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là do chính nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết thành một khối vững chắc của toàn dân tộc mà làm nên. Lời tuyên bố hào hùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Lễ đài Độc lập chiều ngày 02/9/1945 vẫn là một mốc son bằng vàng đánh dấu sự phát triển thần kỳ kết tinh từ tinh thần yêu nước của toàn dân tộc. Hằng năm, ngày 02/9 trở thành Ngày Quốc khánh thiêng liêng, nhắc nhở chúng ta không được lãng quên công lao to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập từ mùa Thu lịch sử năm 1945. Đó cũng là kết quả thực thi quan điểm, đường lối cứu nước đúng đắn của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Gần 80 năm đã trôi qua, tinh thần thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám luôn sống mãi, là tài sản tinh thần vô cùng quý báu cần được nhân lên và lan tỏa trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
____________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 104.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 611.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 138.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 161 - 162.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.