Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 27/03/2015, 16:51 (GMT+7)
Sự ra đời, phát triển của lực lượng dân quân tự vệ - Một trong những quy luật phổ biến duy trì sức mạnh quân sự của quốc gia

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác -Lê-nin, một trong những nguyên lý cơ bản đó là phải sử dụng lực lượng toàn dân, tạo nên sức mạnh của cả dân tộc về xây dựng và duy trì sức mạnh quân sự của quốc gia, nhằm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ chế độ chính trị ở nước ta.

Tự vệ Nhà in báo Nhân Dân sẵn sàng chiến đấu, giai đoạn Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. (Ảnh tư liệu)
 Muốn duy trì, tăng cường sức mạnh quân sự của quốc gia tất yếu phải xây dựng các lực lượng vũ trang, trong đó sự ra đời, phát triển của lực lượng dân quân tự vệ là một trong những quy luật phổ biến duy trì sức mạnh quân sự.

Nội dung bài này tập trung làm rõ một số vấn đề về lý luận và thực tiễn của thế giới và cách mạng Việt Nam để chứng minh quy luật ấy.

Một là, sức mạnh quân sự và mối quan hệ giữa các nhân tố cấu thành sức mạnh quân sự của quốc gia

Bàn về sức mạnh quân sự của một quốc gia và sử dụng sức mạnh đó vào mục đích gì có nhiều quan điểm khác nhau. Trên cơ sở quan điểm “vũ khí luận”, các học giả tư sản tuyệt đối hóa vai trò của nhân tố vũ khí, trang bị, coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường. Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam thì: “Sức mạnh quân sự, tổng thể lực lượng vật chất, tinh thần của một nhà nước (liên minh các nước) và khả năng huy động những lực lượng đó để đạt mục đích chiến tranh, hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác”1. Sức mạnh quân sự được tạo thành bởi các tiềm lực quân sự (thành phần chủ yếu), kinh tế, khoa học - kỹ thuật, xã hội, chính trị - tinh thần và thể hiện trực tiếp ở khả năng của lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ được giao. Các nước tư bản đế quốc đều sử dụng sức mạnh quân sự vào mục đích đi xâm lược các quốc gia khác hòng mở rộng thị trường (thuộc địa) và làm giàu cho chính quốc. Ngược lại, Việt Nam sử dụng sức mạnh quân sự vào mục đích bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, chống chiến tranh xâm lược. Vì vậy, sức mạnh Quân sự của Việt Nam là sức mạnh của toàn dân đánh giặc, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dựa trên sức mạnh toàn diện của cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh quân sự là tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có bốn nhân tố cơ bản, gồm: tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học - công nghệ và tiềm lực quân sự. Các nhân tố này luôn có quan hệ biện chứng với nhau, nhân tố này là tiền đề, là điều kiện của nhân tố kia, tạo thành một chỉnh thể thống nhất của sức mạnh quân sự quốc gia. Tiềm lực quân sự là nhân tố trực tiếp biểu hiện sức mạnh quân sự và được kiểm nghiệm thông qua chiến tranh, các lực lượng vũ trang là lực lượng thể hiện sức mạnh quân sự của một quốc gia, một chế độ chính trị - xã hội, bằng hành động quân sự giành chiến thắng trên chiến trường.

 Khi bàn về mối quan hệ giữa nhân tố chính trị - tinh thần với sức mạnh quân sự, V.I. Lê-nin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”2. Quan điểm của V.I. Lê-nin chỉ rõ, nhân tố chính trị - tinh thần có vai trò rất to lớn, là nhân tố suy đến cùng quyết định thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh. Bởi lẽ, vũ khí phương tiện dù hiện đại đến đâu cũng phải do con người sử dụng. Tính hiệu quả của nó phải được kiểm nghiệm thông qua các thao tác trong chiến đấu của những người trên chiến trường. Mặc dù vũ khí trang bị kém hiện đại hơn, nhưng bằng tinh thần yêu nước và lòng quả cảm, quân và dân ta đã đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí hiện đại của các kẻ thù xâm lược trong thế kỷ XX.

Vũ khí, phương tiện hiện đại, nhưng tinh thần chiến đấu bạc nhược, vì cuộc chiến tranh phi nghĩa, thì thất bại là không tránh khỏi đối với những người lính cầm súng trên chiến trường, khi họ mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Như vậy, các nhà kinh điển đã chỉ rõ, dù vũ khí trang bị có hiện đại đến đâu, con người vẫn là yếu tố quyết định thắng lợi trên chiến trường.

Vì vậy, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng có đủ về số lượng, cơ cấu lực lượng hợp lý, bố trí rộng khắp và có trình độ tổ chức tác chiến cao, có tinh thần yêu nước và lòng quả cảm, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, chính nghĩa thì mới tạo ra sức mạnh quân sự thật sự cho quốc gia.

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và kinh nghiệm sử dụng sức mạnh dân quân, du kích trên thế giới trong quá trình xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của các lực lượng vũ trang cách mạng, tạo nên sức mạnh quân sự quốc gia

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực  tiễn cách mạng nước ta. Chính vì vậy, ngày 28 tháng 3 năm 1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Đảng đã ra Nghị quyết “Đội tự vệ”3. Sự ra đời của các Đội tự vệ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa là một trong những lực lượng vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giành độc lập, là nền tảng để xây dựng các lực lượng khác, tạo ra sức mạnh quân sự cho quốc gia. Có thể khẳng định, lịch sử ra đời và phát triển của dân quân tự vệ gắn liền với sự nghiệp giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và duy trì sức mạnh quốc gia.

Không chỉ nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực  tiễn cách mạng nước ta, mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất chú trọng học tập kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng và phát triển lực lượng dân quân, du kích ở một số nước trên thế giới để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam. 

Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, một số Đảng Cộng sản, đảng tiến bộ ở nước bị phát xít chiếm đóng đã tổ chức lực lượng du kích và lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích. Quá trình kháng chiến, các nước này đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến du kích, tổ chức xây dựng lực lượng, xây dựng các khu du kích, căn cứ du kích, tiến hành kháng chiến trường kỳ, cướp vũ khí địch diệt địch. Ở một số nước có phong trào chiến tranh du kích tương đối rộng khắp, đã xây dựng được những căn cứ rộng lớn và những đội quân du kích mạnh. Cùng với phát triển chiến tranh du kích, nhiều nước Châu Á đã phát triển lực lượng chính trị rộng khắp, làm cơ sở cho phát triển lực lượng vũ trang. Trên cơ sở của lực lượng chính trị phát triển và phong trào chiến tranh du kích rộng rãi, từng bước xây dựng những đội quân tập trung. Nhiều nước đã khéo kết hợp chiến tranh du kích với khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Ở Liên Xô, để bảo đảm mọi mặt cho cuộc chiến tranh, Liên Xô đã giải quyết thành công vấn đề xây dựng hậu phương, xây dựng và sử dụng các đội dự bị chiến lược, cung cấp cho chiến trường những lực lượng và phương tiện ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, thực hiện càng đánh càng mạnh. Phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp ở vùng sau lưng địch, góp phần tiêu hao và kìm chân các lực lượng tiến công của địch. Chiến tranh du kích tỏ rõ vai trò ngày càng quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại tháng 5 năm 1945.

Tại Trung Quốc, trong những năm 1929 - 1930, phong trào đấu tranh vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 1929, Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động quần chúng tiến hành chiến tranh du kích dẫn đến thành lập khu căn cứ địa Trung ương năm 1930 và 19 khu căn cứ ở Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Bắc, An Huy, Quảng Tây, Quảng Đông. Trong các khu căn cứ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành cải cách ruộng đất, xây dựng chính quyền, phát triển lực lượng vũ trang, đưa lực lượng Hồng quân công nông lên khoảng 6 vạn người vào năm 1930, nhờ đó Hồng quân đã bốn lần đập tan các cuộc vây đánh của quân Tưởng Giới Thạch, tiêu diệt  hàng vạn tên địch, thu nhiều vũ khí. Từ năm 1935 - 1937, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành chiến tranh nhân dân, phát động mở rộng chiến tranh du kích, lập nhiều khu căn cứ địa chống Nhật, tiến hành cuộc đấu tranh cực kỳ gian khổ vì sự sống còn của dân tộc, đồng thời cống hiến to lớn vào cuộc chiến tranh chống phát xít của nhân dân các nước trên thế giới.

Tại Nam Tư, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nam Tư (CPY), du kích Nam Tư đã bền bỉ chiến đấu chống các lực lượng phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Đảng Cộng sản Nam Tư tổ chức du kích như một đội quân tại từng địa phương, nhận lệnh chỉ huy trực tiếp từ Đảng Cộng sản Nam Tư. Kẻ thù càng tàn bạo bao nhiêu, càng có đông dân tham gia lực lượng du kích kháng chiến bấy nhiêu. Cuối tháng 01-1942, lãnh tụ Đảng Cộng sản Nam Tư cải cách để du kích trở thành lực lượng chiến đấu hiện đại hơn, cơ động trên khắp lãnh thổ. Nhờ đó, lực lượng du kích Nam Tư tránh bị địch bao vây tiêu diệt. Đến cuối năm 1942, du kích Nam Tư đã lên đến 150.000 người, biên chế thành 2 quân đoàn, 3 sư đoàn, 31 lữ đoàn và 38 phân đội, đánh bại nhiều chiến dịch tấn công tiêu diệt của địch. Phong trào du kích Nam Tư là một trong những phong trào kháng chiến mạnh nhất Trung Âu và đã tự lực giải phóng nhiều vùng, góp phần giải phóng Nam Tư khỏi ách phát xít. Kinh nghiệm hoạt động của lực lượng du kích Nam Tư cũng là kinh nghiệm chủ yếu để xây dựng chính sách ổn định đất nước, chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong một nước Nam Tư thống nhất, đa dân tộc sau này.

Không chỉ các quốc gia lớn như Liên Xô, Trung Quốc mà ngay ở Cu Ba nhỏ bé cũng chú ý đến xây dựng dân quân, du kích thành một thành tố sức mạnh quốc gia. Sau khi từ nước ngoài đổ bộ vào hòn đảo Cu Ba, quân du kích đã sử dụng nghệ thuật chiến tranh du kích, phát động nhiều cuộc chiến, chiếm giữ được các trại lính của chính phủ thân Mỹ. Với nghệ thuật “lấy ít địch nhiều”, bằng một lực lượng nhỏ, lực lượng du kích Cu Ba vẫn giành chiến thắng quan trọng, như: tháng 6 năm 1958, 320 quân cách mạng đã phải chống lại 01 vạn quân chính quy của chế độ Batista, tiêu hao, tiêu diệt 1.000 quân của chế độ độc tài và bắt làm tù binh 400 quân khác, góp phần tiến tới thắng lợi lật đổ chế độ Batista vào ngày 01-01-1959.

 Như vậy, trên thế giới trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hay chiến tranh vệ quốc, dù là nước lớn hay nước nhỏ, dù ở châu Âu, châu Á hay Châu Mỹ la-tinh, cũng đều chú trọng đến vấn đề xây dựng, phát triển và duy trì sức mạnh của lực lượng du kích cả trước, trong và sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, để góp phần chống lại một lực lượng địch đông gấp bội. Đây là minh chứng rõ ràng về một quy luật mang tính phổ biến nhằm tạo dựng sức mạnh quốc gia, góp phần làm nên chiến thắng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đối với cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, không chỉ để trực tiếp đánh giặc, mà còn coi đây là lực lượng làm tiền đề để xây dựng các lực lượng vũ trang khác. Trong thư “Gửi nam nữ chiến sĩ, dân quân tự vệ và du kích toàn quốc” ngày 27-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”4.  Sinh thời, Người luôn động viên, nhắc nhở và huấn thị các nhiệm vụ cho lực lượng dân quân tự vệ, du kích theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Theo Người, dân quân tự vệ và du kích có sức mạnh vô địch, có nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Người đã nhiều lần khẳng định, trên cơ sở nền tảng của chiến tranh nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ và du kích có sức mạnh vô cùng to lớn, bất khả xâm phạm. Người yêu cầu lực lượng dân quân tự vệ và du kích “Từ đây về sau, lực lượng ta càng ngày càng vững, kinh nghiệm ta càng ngày càng nhiều thì ta càng tỏ cho địch biết, tỏ cho thế giới biết rằng “dân quân tự vệ và du kích Việt Nam là những người ái quốc sắt đá, là những chiến sĩ anh hùng”5.

Thực tiễn lịch sử các cuộc chiến tranh trước đây ở Việt Nam đã chứng minh rất rõ vai trò của của lực lượng dân quân tự vệ ngày càng quan trọng trong cấu thành các lực lượng vũ trang cách mạng và duy trì sức mạnh quân sự của đất nước. Từ năm 1935 đến năm 1945, các đội tự vệ ra đời ở cả nông thôn và thành thị, làm nòng cốt cho cuộc vũ trang khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng căn cứ địa. Tháng 8-1945, lực lượng dân quân tự vệ đã cùng toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau ngày 02-9-1945, dân quân tự vệ trở thành một bộ phận của lực lượng vũ trang của Nhà nước Việt Nam độc lập, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân, được tổ chức rộng khắp ở các làng xã, đường phố trong cả nước, thực sự là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng dân quân tự vệ phát triển rộng khắp cả nước được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng các cấp. Mặc dù chỉ được trang bị các loại vũ khí thô sơ, tự tạo, chủ yếu là lấy của địch trang bị cho mình để đánh địch, nhưng đã cùng nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, kiên cường bám đất, bám dân, tiêu hao quân địch, phá tề trừ gian; tích cực phối hợp với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực chống địch càn quét bao vây. Dân quân tự vệ đã bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt địch, mở rộng các khu căn cứ du kích các mặt trận sau lưng địch; thực hiện kiềm chế, căng kéo lực lượng địch, buộc địch phải phân tán bị động đối phó trên nhiều hướng, nhiều vùng; tạo điều kiện và góp phần cùng bộ đội chủ lực tiến hành thắng lợi nhiều chiến dịch lớn, giành thắng lợi quyết định  trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Lực lượng du kích xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri anh dũng chiến đấu chống Mỹ- ngụy trong những ngày đầu Đồng khởi ở Bến Tre (1960). (Ảnh tư liệu)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng dân quân tự vệ miền Bắc đã phát triển rộng khắp đến từng thôn, xóm, công nông trường, xí nghiệp, nhà máy; được trang bị nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại, hình thành mạng lưới bắn máy bay địch bay thấp, đã bắn rơi nhiều máy bay địch. Dân quân tự vệ đã độc lập bắn rơi 10% tổng số máy bay Mỹ trên miền Bắc, bắt sống nhiều phi công Mỹ, tiêu diệt hàng chục toán biệt kích, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Lực lượng dân quân tự vệ còn làm tốt công tác phòng không nhân dân ở cơ sở, xây dựng nhiều công trình phòng tránh, khắc phục hậu quả đánh phá của địch, tiến hành rà phá bom mìn, thủy lôi, chống phong tỏa đường biển… Đã có 183 triệu lượt người được huy động tham gia bảo đảm giao thông, phục vụ chiến đấu, sơ tán khắc phục hậu quả do địch gây ra, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Lực lượng dân quân du kích ở miền Nam đã anh dũng đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, vận dụng các hình thức tác chiến phong phú, sáng tạo trên khắp ba vùng chiến lược; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, thực hiện bám trụ kiên cường, tạo thế đan cài với địch. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng dân quân tự vệ đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội và nhân dân tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các chiến lược gia của giai cấp tư sản không thể lý giải được vì sao những đội quân hết sức thiện chiến lại bị thất bại thảm hại trước một đội quân du kích với trang thiết bị còn thô sơ và thua kém nhiều lần so với đối phương. 

Trong cơ cấu thành phần của các lực lượng vũ trang, thì dân quân tự vệ là bộ phận trực tiếp bảo vệ từng thôn xóm, địa phương bám trụ kiên cường ngày đêm tại từng cơ sở. Sau năm 1975, lực lượng dân quân tự vệ đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Lực lượng dân quân tự vệ đã được huy động tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới; trực tiếp chiến đấu, phối hợp và phục vụ bộ đội chiến đấu, góp phần thắng lợi vào các cuộc chiến tranh.

Ba là, tăng cường các chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng dân quân tự vệ nhằm duy trì sức mạnh quân sự quốc gia trong thời kỳ mới.

Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lực lượng dân quân tự vệ, thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng này ngày càng vững mạnh toàn diện. Ngày 05-10-2002, Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) đã ra Chỉ thị số 16/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với dân quân tự vệ và dự bị động viên trong tình hình mới. Năm 2004, Nhà nước ban hành Pháp lệnh dân quân tự vệ. Ngày 31-3-2009 Ban Bí thư Trung ương đã có Kết luận số 41- KL/TV về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TW (khóa IX) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã pháp điển hóa quá trình xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Ngày 23-11-2009, Luật Dân quân tự vệ đã được Quốc hội thông qua, xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của của dân quân tự vệ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Điều 3 của Luật Dân quân tự vệ xác định: Dân quân tự vệ là một thành phần cực kỳ quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đó là lực lượng “không thoát ly sản xuất, công tác”, “là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh”.

Như vậy, lực lượng dân quân tự vệ được xác định rất rõ là một bộ phận giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong cơ cấu ba thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân, với ba chức năng là đội quân lao động sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu. Đây là sự xác định chức năng theo trình tự các chức năng khác so với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, nhưng rất phù hợp đối với lực lượng dân quân tự vệ; trong đó, lao động sản xuất và công tác được xác định là các chức năng mang tính thường xuyên hàng đầu, còn chức năng sẵn sàng chiến đấu thì tùy theo tình hình chính trị, quân sự của thế giới, khu vực và đất nước, đặc điểm của từng địa phương để xác định một cách cụ thể, mang tính linh hoạt. Chẳng hạn, khi thế giới, khu vực có sự biến động về chính trị, quân sự phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, lúc đó, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc được đặt lên hàng đầu, trực tiếp đối với các lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có dân quân tự vệ. Trong điều kiện thời bình, các địa phương nằm trong khu vực biên giới, biển, đảo rõ ràng có nhiệm vụ bảo vệ biên cương và chủ quyền biển, đảo nặng nề và phức tạp hơn so với các địa phương khác. 

Chính vì vậy, trên tuyến biên giới, vùng biển, đảo dân quân tự vệ  được xác định là lực lượng tại chỗ gắn bó với từng địa bàn biên giới và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, phải thường xuyên, liên tục thực hiện tốt 6 nhiệm vụ theo Điều 8, Luật Dân quân tự vệ, bao gồm các nhiệm vụ:  là lực lượng nhanh nhất, kịp thời nhất phối hợp với bộ đội biên phòng và các lực lượng quản lý biên giới, quản lý biển, đảo bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc và làm nòng cốt xây dựng thế trận biên phòng toàn dân; thường xuyên thực hiện tốt chức năng phối hợp với lực lượng công an xã, phường, thị trấn, lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, cảnh sát biển và các lực lượng khác trong công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trong công tác phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, khi đất nước bị đe dọa xâm lược và xảy ra chiến tranh, dân quân tự vệ  dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân cùng với bộ đội địa phương và các lực lượng trong khu vực phòng thủ đánh địch liên tục, rộng khắp. Phương châm tác chiến của lực lượng dân quân tự vệ là “lấy yếu chống mạnh”, "lấy ít địch nhiều"… làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc để “làng giữ làng, giữ xã...”, tiến tới đánh bại kẻ thù xâm lược. Với chức năng, nhiệm vụ đó, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trở thành một trong những lực lượng nòng cốt tin cậy bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân ở cơ sở; cùng với các lực lượng khác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân.

Dân quân tự vệ là lực lượng nền tảng để xây dựng bộ đội địa phương và Quân đội nhân dân và là nhân tố cấu thành sức mạnh quốc gia. Nền tảng có vững chắc thì mới xây dựng các lực lượng vũ trang hùng mạnh và duy trì được sức mạnh quân sự của quốc gia trong mọi giai đoạn của cách mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN HỒNG QUÂN, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng
____________________

1- Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb, Quân đội nhân dân, H. 1996, tr. 710-711.

2- Lê-nin - Toàn tập, Tập 9 , Nxb, Tiến Bộ, M. 1978, tr. 191.

3- Ngày này được coi là Ngày Truyền thống của Dân quân, tự vệ.

4, 5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 158.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.