Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:20 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong đó, nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc là một nét đặc sắc, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, góp phần quan trọng vào phát triển lý luận bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Lực lượng kỹ thuật Sư đoàn 316 bảo đảm kỹ thuật khí tài thông tin phục vụ trận đánh Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975. Ảnh tư liệu
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo với nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta. Mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh đều thể hiện tính sáng tạo, nghệ thuật sử dụng lực lượng, vũ khí, trang bị khí tài. Dưới đây là một số bài học quý về tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc.
1. Tập trung mọi khả năng, mọi nguồn lực, tiến hành công tác chuẩn bị một cách chủ động, tích cực, liên tục và toàn diện. Quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc đã tập trung mọi nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường; củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự. Ngay sau khi có chủ trương của Quân ủy Trung ương, Binh chủng đã tổ chức quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ và động viên bộ đội Thông tin vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chi viện cho chiến trường; đồng thời, xác định chủ trương, biện pháp cụ thể, nhằm tập trung, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang bị khí tài thông tin bảo đảm cho chiến dịch và khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị. Yêu cầu đặt ra cho công tác chuẩn bị không những phải chủ động, tích cực, khẩn trương mà còn phải rất toàn diện, cụ thể, tỷ mỷ. Theo đó, Binh chủng đã tổ chức nhiều đơn vị thông tin hỗn hợp, từ nhiều nguồn khác nhau, hiệp đồng chặt chẽ để bảo đảm chỉ huy trong mỗi chiến dịch, nhất là trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn. Công tác chuẩn bị được tiến hành đồng bộ, toàn diện ở tất cả các cấp. Nhờ đó, tạo ra thế trận thông tin liên lạc vững chắc, nhất là trong những chiến dịch quan trọng. Cùng với đó, việc huy động, điều chuyển một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin bổ sung cho chiến trường cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc.
2. Tổ chức cơ quan, đơn vị thông tin chiến dịch hợp lý, phù hợp với tình hình cụ thể; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin tại chỗ với thông tin cơ động. Nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 có sự phát triển vượt bậc, được thể hiện rõ trong tổ chức cơ quan, đơn vị thông tin, cũng như tổ chức chỉ huy, sử dụng lực lượng, phương tiện thông tin, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời bảo đảm thông tin liên lạc, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trong mọi tình huống. Binh chủng đã hợp nhất cơ quan thông tin Sở chỉ huy tiền phương 1 của Bộ với cơ quan thông tin Mặt trận B2 thành Cơ quan thông tin Chiến dịch. Vì vậy, đã phát huy cao nhất sở trường và khả năng của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, bổ sung kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm tổ chức, sử dụng các phương tiện thông tin mới trên chiến trường B2. Cơ quan thông tin Chiến dịch đã xây dựng kế hoạch thông tin liên lạc phù hợp, đồng thời thống nhất chế độ công tác tham mưu, chỉ huy, điều hành, khai thác hệ thống thông tin trên cơ sở sử dụng mọi lực lượng, phương tiện thông tin và huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho thông tin trên địa bàn chiến dịch.
Để bảo đảm thông tin trong điều kiện tác chiến cơ động thần tốc, Binh chủng đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ hệ thống thông tin của 3 cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), thông tin tại chỗ với thông tin cơ động để bảo đảm thông tin liên lạc ở khu vực tập kết, chỉ huy hành quân, chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công và thực hành tiến công. Hệ thống thông tin chiến lược vươn xa đến Mặt trận B2 (gồm tuyến trục hữu tuyến điện và trục vô tuyến điện tiếp sức Bắc - Nam) không những bảo đảm liên lạc giữa Bộ Quốc phòng với Sở chỉ huy Chiến dịch, mà còn kết hợp với hệ thống thông tin hữu tuyến điện cố định của các quân khu, mặt trận, Đoàn 559 bảo đảm cho các Quân đoàn (1, 2, 3) chỉ huy hành quân vào khu vực tập kết trên nhiều hướng chiến dịch; điển hình là đảm bảo cho Quân đoàn 1 cơ động đường dài từ Bắc vào Nam, giữ được bí mật, bất ngờ. Trong chuẩn bị và thực hành chiến dịch, lực lượng thông tin ở sở chỉ huy các cấp một mặt tổ chức tốt hệ thống thông tin cơ động, mặt khác được sử dụng hệ thống thông tin của cấp trên để chỉ huy các đơn vị thuộc quyền cơ động lực lượng, làm công tác tổ chức, chuẩn bị và thực hành chiến đấu. Do có sự kết hợp chặt chẽ hệ thống thông tin các cấp nên mặc dù địa bàn chiến dịch rộng, tình huống tác chiến diễn biến rất khẩn trương, ác liệt, nhưng Bộ Tư lệnh Chiến dịch vẫn nắm chắc các đơn vị, kể cả trong trường hợp đang cơ động lực lượng. Việc kết hợp chặt chẽ giữa thông tin cố định và thông tin cơ động còn được thực hiện giữa thông tin quân bưu với mạng lưới thông tin nhân dân, dân quân tự vệ, biệt động,… trong việc tổ chức đưa đón, dẫn đường các đơn vị chủ lực, nhất là khi tiến công vào nội đô Sài Gòn - Gia Định; nhờ đó, nhiều đơn vị thực hành đánh chiếm mục tiêu đúng thời gian quy định.
3. Kết hợp chặt chẽ các phương tiện thông tin, bảo đảm liên lạc thông suốt, vững chắc. Trong toàn chiến dịch, Binh chủng xác định thông tin vô tuyến điện sóng ngắn là phương tiện chủ yếu để bảo đảm liên lạc giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu với Bộ Tư lệnh Chiến dịch và các cánh quân; vô tuyến điện tiếp sức, hữu tuyến điện là phương tiện thông tin bổ trợ. Trên thực tế, liên lạc mạng vô tuyến điện sóng ngắn Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy cơ bản của Bộ (Hà Nội) với các đối tượng trực tiếp và vượt cấp đã hoạt động liên tục thông suốt, kịp thời chuyển mệnh lệnh, chỉ thị đến Bộ Tư lệnh Chiến dịch và các đơn vị, nhất là giai đoạn cơ động lực lượng, vào vị trí tập kết và giai đoạn thực hành tiến công. Thông tin vô tuyến điện sóng ngắn phát huy vai trò chủ yếu trong duy trì liên lạc, bảo đảm cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy trực tiếp các quân đoàn và vượt cấp đến một số đơn vị thọc sâu. Một số đơn vị còn sử dụng linh hoạt các chế độ làm việc (cả chế độ báo và thoại) để bảo đảm liên lạc hiệp đồng giữa chiến dịch với lực lượng không quân chi viện, hiệp đồng giữa các đơn vị chủ lực với bộ đội địa phương, giữa bộ binh với đặc công cùng tham gia chiến dịch. Thông tin vô tuyến điện sóng cực ngắn được tổ chức, sử dụng rộng rãi từ Sở chỉ huy Chiến dịch đến các tiểu đoàn bộ binh bằng nhiều loại máy (P105, P108, P109, P114, PRC25) không những bảo đảm cho chỉ huy các đơn vị bộ binh, binh chủng, mà còn bảo đảm liên lạc hiệp đồng giữa bộ binh với xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ, tên lửa, công binh,... trong suốt quá trình chiến đấu.
Thông tin hữu tuyến điện tuy có nhược điểm là khả năng cơ động hạn chế, nhưng do chủ động và có nhiều biện pháp phù hợp, đã kịp thời tổ chức để giữ vững liên lạc cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ huy các đơn vị. Các trục, tuyến dây trần, dây bọc, các trạm cơ vụ, chuyển tiếp được tổ chức chặt chẽ, sử dụng kết hợp trên từng hướng, từng khu vực, phục vụ kịp thời cho chỉ đạo, chỉ huy, nhất là trong giai đoạn cơ động tập kết chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công, đảm bảo giữ được các yếu tố bí mật, bất ngờ. Vô tuyến điện tiếp sức mặc dù chỉ xác định là phương tiện thông tin bổ trợ, nhưng do được chuẩn bị tốt và chọn vị trí bố trí phù hợp, nên đã trở thành một trong các phương tiện chủ yếu để liên lạc với Bộ Tổng Tư lệnh (qua tuyến trục Bắc - Nam), với các quân đoàn và giữa quân đoàn với một số sư đoàn trong cơ động tác chiến.
4. Tổ chức lực lượng, phương tiện thông tin dự bị cơ động thích hợp, tích cực lấy trang bị, phương tiện thông tin của địch để đánh địch. Để có lực lượng, phương tiện thông tin dự bị mạnh, đủ sức cơ động, xử trí các tình huống trong suốt quá trình tác chiến, Binh chủng đã chủ động bố trí một số điện đài có công suất lớn gần các sở chỉ huy của Bộ và chuẩn bị sẵn sàng một số xe vô tuyến điện cơ động làm lực lượng dự bị, khi cần có thể sử dụng được ngay. Đồng thời, sử dụng Tiểu đoàn vô tuyến điện tiếp sức 4 vừa làm nhiệm vụ triển khai trục vô tuyến điện tiếp sức Bắc - Nam, vừa làm nhiệm vụ dự bị cơ động cho Tổng trạm thông tin Sở chỉ huy Chiến dịch và các quân đoàn. Trên thực tế, các xe dự bị cơ động đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khi xử trí tình huống gián đoạn liên lạc với các đơn vị thọc sâu (Sư đoàn 320B và Sư đoàn 10). Trong suốt quá trình chiến dịch, Binh chủng đã kịp thời bổ sung phương tiện cho các đơn vị làm lực lượng dự bị cơ động, giúp các đơn vị xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong quá trình tác chiến. Với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, chủ động tạo nguồn cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin phục vụ chiến đấu, bộ đội Thông tin đã nhanh chóng tiếp quản và phát huy các cơ sở thông tin liên lạc của địch, nhất là các cơ sở lớn, như: trung tâm viễn thông, trạm cáp biển và một số kho, trạm thông tin,… nên đã hạn chế được mất mát, hư hỏng, tạo điều kiện cho một số đơn vị trong khai thác, sử dụng.
5. Triệt để tận dụng thời cơ, chủ động tiến hành công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật. Công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật thông tin là một trong các yếu tố quyết định đến kết quả tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc. Quy mô và thời gian chuẩn bị của chiến dịch đặt ra yêu cầu hết sức nặng nề đối với công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật của hệ thống thông tin cố định, thông tin cơ động ở cấp chiến lược, các binh đoàn chủ lực cơ động và các đơn vị. Theo đó, Binh chủng đã vận chuyển hàng trăm tấn vật tư, trang bị, phương tiện kỹ thuật thông tin vào các chiến trường; điều chỉnh vị trí các kho lên phía trước và xây dựng thêm 02 kho dự trữ ở chiến trường Khu 5 và trên đường mòn Hồ Chí Minh. Các tổ, trạm sửa chữa thông tin (tại chỗ và cơ động) được củng cố, trang bị thêm phương tiện, kết hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình khắc phục hư hỏng, xử lý sự cố kỹ thuật, góp phần bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời, liên tục phục vụ chiến đấu.
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có sự phát triển mới, cả về sử dụng lực lượng, trình độ tổ chức chỉ huy và bố trí, kết hợp phương tiện thông tin; từ công tác chuẩn bị, bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật thông tin, chuẩn bị thế trận thông tin liên lạc, xây dựng kế hoạch tổ chức, bảo đảm thông tin đến chỉ huy, điều hành khai thác hệ thống thông tin liên lạc. Những bài học kinh nghiệm nêu trên còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, TS. NGUYỄN HỮU TUYÊN, Học viện Quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội