Thứ Hai, 25/11/2024, 04:39 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn
Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng. Đây là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, kết thúc 30 năm đấu tranh chống xâm lược đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc ta, thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Vào cuối tháng 4-1975, sau những thất bại liên tiếp ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, đồng bằng Khu 5 và phòng tuyến Phan Rang, tình thế chiến trường của địch xấu đi nghiêm trọng; tinh thần ngụy quyền, ngụy quân hoang mang, suy sụp. Song với bản chất phản cách mạng, lại được quan thầy Mỹ “trấn an”, địch cố sức thu nhặt tàn quân cùng với lực lượng của Quân đoàn 3 ngụy tổ chức phòng thủ “cứng” xung quanh Sài Gòn, ngoan cố chống cự, hòng kéo dài cuộc chiến sang mùa mưa để tìm biện pháp đối phó. Nhận rõ mưu đồ của địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh với tư tưởng chỉ đạo: đánh nhanh, mạnh và thắng giòn giã, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam trong tháng 4-1975. Với lực lượng, thế trận và tinh thần áp đảo, sau bốn ngày tiến công và nổi dậy, Chiến dịch đã kết thúc thắng lợi. Đây là Chiến dịch có quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn, trọn vẹn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện bước phát triển đỉnh cao về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam; trong đó, nghệ thuật vận dụng cách đánh là một trong những nét nổi bật.
Trước hết, đó là nghệ thuật chia cắt chiến lược, bao vây, cô lập Sài Gòn, tạo rung động toàn bộ đối với địch. Sài Gòn (vào đầu năm 1975) là đô thị lớn nhất miền Nam, nơi tập trung đầu não ngụy quyền, ngụy quân nên từ lâu có liên hệ chặt chẽ với các địa bàn khác. Trong khi đó, lực lượng địch ở đây còn đông, Quân đoàn 4 ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long chưa bị thiệt hại lớn, nếu không tổ chức chia cắt, bao vây chặt ngay từ đầu, khi Sài Gòn gặp nguy cấp, địch có thể tổ chức lực lượng từ nơi khác đến ứng cứu hoặc rút chạy về phía Nam, cuộc chiến sẽ buộc phải kéo dài. Trên cơ sở nhận định đúng tình hình, Chiến dịch đã sử dụng lực lượng tổng hợp, tiến công từ nhiều hướng, dựa vào thế trận có lợi để hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch, không cho chúng co cụm vào nội đô và điều động từ nơi khác đến, nhằm triệt để bao vây cô lập Sài Gòn. Theo đó, từ tối ngày 26 đến ngày 28-4-1975, trên hướng Đông và Đông Nam, quân ta tiến đánh Vũng Tàu, Trảng Bom, cắt Đường số 15, khóa sông Lòng Tàu, bịt chặt con đường rút ra biển của địch. Trên hướng Nam và Tây Nam, ta khống chế hoàn toàn đường số 4 (đoạn Tân An - Bến Lức), chia cắt địch giữa Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Ở hướng Bắc và Tây Bắc, ta cắt đứt Đường số 13, 22, giải phóng Bà Đen, Dầu Tiếng, Chơn Thành, cô lập Sài Gòn với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, v.v. Không chỉ tổ chức bao vây chặt vòng ngoài, Chiến dịch còn sử dụng đặc công cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm, chốt giữ các cầu và vị trí xung yếu, chia cắt triệt để địch giữa vòng ngoài với nội đô và giữa các cụm quân địch với nhau; đồng thời, sử dụng hỏa lực pháo binh, không quân khống chế sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất. Chính nhờ vận dụng cách đánh này, ta đã thực hiện bao vây chia cắt triệt để Sài Gòn cả đường bộ, đường sông và đường không, cả bên trong với bên ngoài, làm cho địch tuy quân còn đông nhưng không thể ứng cứu lẫn nhau, lâm vào thế cùng quẫn, suy sụp và số phận chúng sớm được định đoạt. Đây là nét nghệ thuật đặc sắc mà chưa có chiến dịch nào đạt được. Điều này đã giải thích vì sao chỉ sau hai ngày tiến công, mặc dù Chiến dịch chưa bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, nhưng nhiều chỉ huy cao cấp của địch đã thi nhau tháo chạy, bỏ mặc cấp dưới trong cơn tuyệt vọng.
Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ bao vây, đột phá với thọc sâu đánh chiếm và làm tan rã các cụm chủ lực địch ở vòng ngoài, không cho địch co cụm ở nội đô cũng là nét nổi bật của nghệ thuật vận dụng cách đánh Chiến dịch. Nghiên cứu thực tế chiến trường về địch và địa hình, nhất là chỗ mạnh, chỗ yếu và thế bố trí của chúng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã xác định rất đúng hai đối tượng tác chiến chủ yếu: các sư đoàn chủ lực địch bố trí ở vòng ngoài và cơ quan đầu não chính trị, quân sự của địch trong nội đô. Hai đối tượng này tuy có vai trò và tính chất khác nhau, nhưng lại quan hệ mật thiết với nhau. Nếu đối tượng chủ lực ở vòng ngoài bị tan rã thì đối tượng đầu não bên trong sẽ mất chỗ dựa chủ yếu, dẫn tới giảm sút ý chí đề kháng, tan rã hoặc đầu hàng. Ngược lại, nếu chính thể ngụy quyền sụp đổ, đầu hàng sớm thì ngụy quân ở vòng ngoài như rắn mất đầu, sẽ nhanh chóng tan rã. Song, nếu để chúng co cụm vào nội đô thì cuộc chiến đấu sẽ hết sức gay go, phức tạp. Trong khi đó, Sài Gòn là thành phố đông dân, có nhiều cơ sở chính trị, kinh tế và công trình văn hóa quan trọng; địch lại ra sức tuyên truyền về một cuộc “tắm máu”, “thanh trừng” của cộng sản, v.v. Vì vậy, vấn đề đặt ra là đánh vào Sài Gòn như thế nào để giành thắng lợi nhanh, gọn mà Thành phố không đổ nát, không tổn hại tới hòa hợp dân tộc là bài toán hóc búa đối với Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình các mặt, Chiến dịch quyết định sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành quy mô cấp quân đoàn trên từng hướng để bao vây, đột phá tiêu diệt các căn cứ lớn của địch ở vòng ngoài, đánh thắng những trận quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các mũi thọc sâu nhanh chóng đột nhập vùng ven, không cho địch tháo chạy vào bên trong. Đây là quyết định đúng đắn, táo bạo, mưu lược và đạt hiệu quả rất cao. Thực tiễn diễn biến Chiến dịch cho thấy, trên cả 5 hướng tiến công, bằng nhiều trận đánh quan trọng, ta đã tiêu diệt và làm tan rã nhiều khu vực phòng ngự có ý nghĩa chiến dịch của địch, như: Hố Nai, Tam Hiệp, công trường Nước Trong, cầu Sông Buông (hướng Đông và Đông Nam); Tân Uyên, Lái Thiêu, Đồng Dù, Đường số 22 (hướng Bắc và Tây Bắc); Hậu Nghĩa, Tân An - Bến Lức (hướng Tây và Tây Nam). Những trận ác liệt đó đã tiêu diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực địch - chỗ dựa chủ yếu của chính quyền Sài Gòn ngay từ vòng ngoài, làm lung lay tận gốc toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền từ trên xuống, nhiều bộ phận bị tê liệt, tan rã nhanh chóng.
Nghệ thuật tổng công kích toàn Chiến dịch còn được thể hiện khi trên tất cả các hướng ta đều tổ chức tiến công liên tục, đồng thời, thực hiện vừa bao vây, đột phá, chặn, cắt, vừa nhanh chóng thọc sâu và không tổ chức chia bước, đánh lần lượt. Chính nhờ sự vận dụng sáng tạo này, trên hướng tiến công của Quân đoàn 4, khi đột phá chính diện gặp khó khăn, ta đã tổ chức thọc sâu mạnh vào bên sườn, phía sau địch, khiến chúng bất ngờ và nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Mặt khác, do tình huống Chiến dịch diễn biến mau lẹ, phức tạp; phạm vi tác chiến chiến dịch rất rộng, nên việc tiến công trên các hướng được giao cho Tư lệnh các cánh quân tùy theo tính chất mục tiêu, địa hình cụ thể để vận dụng các biện pháp tác chiến phù hợp. Đây là điểm phát triển mới, rất sáng tạo của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Với việc triển khai cách đánh như vậy, Chiến dịch đã tạo điều kiện cho các hướng phát huy cao độ sức mạnh tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, tạo sức đột phá nhanh, mạnh, liên tục, nhất là đối với lực lượng thọc sâu; đồng thời, nêu cao tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của người chỉ huy, cơ quan và đơn vị.
Cùng với sử dụng lực lượng thích hợp tiêu diệt và làm tan rã địch vòng ngoài, Chiến dịch còn tổ chức các binh đoàn cơ giới thọc sâu mạnh, phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ cùng hoạt động nổi dậy của quần chúng, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu ở nội đô, giành thắng lợi quyết định. Đây cũng là bước phát triển mới, cao hơn, độc đáo hơn, đạt hiệu suất chiến đấu vượt bậc so với các chiến dịch trước đó. Trong các chiến dịch: Tây Nguyên, Đà Nẵng, ta chỉ sử dụng lực lượng quy mô cấp trung đoàn làm nhiệm vụ thọc sâu, kết hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào để đánh chiếm mục tiêu chủ yếu. Lần này đánh vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của địch, mặc dù chúng còn đông, chủ động phòng thủ, nhưng tinh thần đã rệu rã, lại bố trí sơ hở: ngoài mạnh, trong yếu; ta đã sử dụng lực lượng thọc sâu quy mô cấp sư đoàn binh chủng hợp thành (trên các hướng), vận động bằng cơ giới để thọc sâu nhanh vào nội thành, đánh chiếm các mục tiêu chiến lược được giao. Điều đáng nói là, việc thực hiện nhiệm vụ thọc sâu được Chiến dịch tổ chức, vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo trên từng hướng. Ví dụ, ở hướng Bắc và Tây Bắc, mật độ bố phòng của địch mỏng và tương đối xa nhau, ta lấy thọc sâu là chủ yếu. Tuy nhiên, ở hướng Đông và Tây Nam, địch phòng ngự tầng, lớp dày đặc, ta phải đột phá, nhưng vẫn xác định khi hoàn thành nhiệm vụ trước mắt là thọc sâu ngay; thực hiện đánh lướt hoặc bỏ qua các mục tiêu dọc đường để tiến nhanh vào mục tiêu quy định. Đây là cách đánh rất táo bạo, linh hoạt của Chiến dịch, gây bất ngờ lớn cho địch, làm cho chúng vốn đã hoang mang, dao động lại càng hoảng loạn, suy sụp hơn.
Đặc biệt, Chiến dịch còn khéo phối hợp chặt chẽ giữa thọc sâu với hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ và nổi dậy của quần chúng. Trên cơ sở thế và lực áp đảo và các đòn tiến công của bộ phận thọc sâu, lực lượng đặc công, biệt động và bộ đội địa phương đã triển khai đánh chiếm các mục tiêu, bàn đạp, vừa chia cắt làm suy yếu địch, vừa chốt giữ, bảo vệ các cây cầu và dẫn đường cho bộ phận thọc sâu cơ động tiến công; đồng thời, làm nòng cốt phát động quần chúng nổi dậy, diệt ác, phá kìm, lật đổ ngụy quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng cùng các cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa trọng yếu của Thành phố, v.v. Với cách phối hợp độc đáo này, chỉ sau 5 giờ tiến công, Chiến dịch đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền trong nội thành Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sau này, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, chính nghệ thuật vận dụng cách đánh trên đã trở thành một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Và đó cũng là lý do giải thích vì sao, chiến dịch Hồ Chí Minh, một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhất cuộc chiến tranh, đánh vào sào huyệt của kẻ thù; trong điều kiện chúng điên cuồng chống trả, ta đã giành toàn thắng trong khi Sài Gòn hầu như còn nguyên vẹn. Đây là một trong những nét nghệ thuật đỉnh cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./.
NGUYỄN THỤY
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội 19/11/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam 11/11/2024
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). 11/10/2024
Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước 10/10/2024
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại 10/10/2024
Lực lượng vũ trang Thủ đô tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu trong tình hình mới 09/10/2024
Cựu Chiến binh Thủ đô Hà Nội tiếp nối truyền thống, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc 07/10/2024
Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 25/08/2024
Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc 16/08/2024
Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thăm, chúc mừng Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 19/06/2024
Đại tướng Nguyễn Tân Cương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hà Nam
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội